Chữa dị ứng theo Đông y


Trong Đông y, dị ứng thuộc phạm vi chứng phong sang, phong ngứa. Theo y học hiện đại, dị ứng là một phản ứng không bình thường của cơ thể khi có sự xâm nhập của một chất lạ, thường gọi là "dị nguyên".


left align image
Sự xâm nhập của các dị nguyên vào cơ thể theo nhiều đường khác nhau như đường hô hấp (do hít phải), đường tiêu hóa (do ăn uống), đường máu (do tiêm chích, côn trùng đốt) và phần nhiều qua đường da do tiếp xúc. Khi bị xâm nhập, lập tức trong cơ thể xuất hiện phản ứng kháng nguyên - kháng thể và một chất trung gian sinh học histamin được phóng thích khỏi các tế bào dưới dạng tự do. Chính chất này đã gây nên hiện tượng dị ứng làm mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản... Theo Đông y, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của dị ứng, ngoài sự xâm nhập của các chất lạ vào trong cơ thể còn do nhiễm ngoại tà hoặc thời khí ôn dịch làm cho cơ thể bị phong nhiệt, phong hàn, phong thấp... mà gây ra uất kết ở da, bắp thịt. Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng phủ thiếu điều độ, chẳng hạn can, phế, vị nhiệt, tỳ thấp quá thịnh, âm huyết bất túc, huyết hư, huyết trệ mà sinh phong ngứa.

Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng, để điều trị dị ứng, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và loại trừ "dị nguyên". Đông y có rất nhiều bài thuốc chữa dị ứng tùy theo các nhóm sau:

Nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết: rau má, bản lam căn, rễ cỏ tranh, kim ngân, liên kiều, cúc hoa, ké đầu ngựa, tân di, đan bì, phù bình, sinh địa... Đồng thời phối hợp với thuốc khu phong trừ thấp như phòng phong, kinh giới, hy thiêm, bạch linh, bạch truật...

Nhóm trừ thấp tiêu đàm: bạch linh, bạch truật, bán hạ, ý dĩ, nhân trần, hy thiêm, mã đề, ngưu tất, thổ phục linh...

Ngoài ra cần phối hợp các nhóm thuốc hoạt huyết, bổ huyết như đan sâm, đương qui, hoàng kỳ, xích thược, huyết dụ...

Người bệnh nếu được chẩn đoán là phong thấp cần tránh gió và ẩm thấp. Nếu chẩn đoán là thấp nhiệt cần tránh ẩm thấp và chất cay nóng. Thuốc chữa dị ứng thường mát, lạnh. Người cao tuổi nên hạn chế dùng thuốc lạnh, nên việc điều chỉnh sao cho thuốc không lạnh hoặc không dùng kéo dài thuốc quá lạnh.

Một số bài thuốc thường dùng:

Chữa sẩn ngứa: phòng phong 12g, kinh giới 12g, kim ngân 16g, liên kiều 12g, thảo quyết minh 20g, sắc uống ngày 1 thang.

Chữa sốt phát ban đỏ: đan bì 12g, huyền sâm 12g, sinh địa 12g, mạch môn 12g, cát cánh12g, kim ngân hoa 16g, bản lam căn 12g, đan sâm 16g, đương quy 12g, cát căn 20g, sắc uống ngày một thang.

Người bị chàm có thể đun thương truật 12g, hoàng bá 12g lấy nước ngâm hoặc bôi vào tổn thương hàng ngày...

Theo PGS.TS. Dương Trọng Hiếu (SK&DS)