Máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ chở theo hàng hóa phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden đã đáp xuống sân bay Nội Bài vào chiều nay.

Khoảng 16h ngày 1/9, một máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III chở theo đồ dùng và phương tiện phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp xuống sân bay Nội Bài tại Hà Nội.


Khoảng 16h ngày 1/9, một máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III chở theo đồ dùng và phương tiện phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp xuống sân bay Nội Bài tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh


Sau khi chạy qua đường băng, C-17 đi vào trước cửa khu nhà kho của sân bay. Nhiều trang thiết bị, hàng hóa trong khoang "ngựa thồ" đã được dỡ xuống. Ảnh: Hoàng Anh

Trước đó, vào ngày 29/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo: Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

"Ngựa thồ" của Tổng thống Mỹ

Boeing C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự bốn động cơ tua bin phản lực cánh quạt được hãng McDonnell Douglas phát triển cho Không quân Mỹ từ thập niên 1980.
Vận tải cơ C-17 hiện đang phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh như: Anh, Kuwait, Australia, Canada, Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia, và các thành viên của Chiến lượng Sáng kiến Năng lực Vận chuyển Chiến lược của NATO (SAC) và Các đối tác cho Các quốc gia hòa bình (PfP).
C-17 trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F117-PW-100, phát triển từ động cơ Pratt & Whitney PW2040 thương mại được sử dụng trên Boeing 757. Mỗi động cơ có lực đẩy 180 kN (330 km/h).
Trọng tải tối đa của C-17 là 77.500 kg trong khi trọng lượng cất cánh tối đa là 265.000 kg. Với độ cao hành trình ban đầu là 8.500 m, C-17 có tầm bay không tiếp nhiên liệu khoảng 4.400 km cho tới 5.200 km tùy phiên bản.


Boeing C-17 Globemaster III là một loại máy bay vận tải quân sự bốn động cơ tua bin phản lực cánh quạt. Ảnh: Hoàng Anh

Đối với các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, C-17 cần một phi hành đoàn gồm ba người: phi công, phi công phụ và nhân viên phụ trách hàng hóa. Khoang chứa của C-17 dài 27 m, rộng 5,5 m, cao 3,76 m. Sàn máy bay có các con lăn để tải hàng hóa đóng thùng nhưng có thể gập phẳng để chứa cho các loại xe và máy móc khác.
Nhờ khoang hàng hóa rộng, máy bay C-17 có thể chở được 102 lính dù được trang bị đầy đủ, hoặc 4 trực thăng vận tải UH-60 Black Hawk, hoặc 2 trực thăng tấn công AH-64 Apache, hoặc 3 xe thiết giáp Stryker, hoặc 6 xe bọc thép M1117, hoặc một xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams.
Kể từ lần đầu tiên được bàn giao cho Không quân Mỹ tại Căn cứ Liên hợp Charleston vào năm 1993, máy bay quân sự hàng đầu của Boeing C-17 Globemaster III đã phục vụ quân đội nước này qua hai cuộc chiến tranh và hỗ trợ trong vô số các cuộc xung đột và nhiệm vụ trên khắp thế giới.
Máy bay C-17 lần đầu được sử dụng để triển khai lính dù trên chiến trường thực tế vào năm 2003. Khi đó, gần 1.000 binh sĩ Mỹ đã nhảy dù xuống khu vực do dân quân người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Iraq trong chiến dịch Tự do Iraq.
Bộ Tư lệnh Cơ động Hàng không Mỹ chủ yếu vận hành một phi đội bao gồm hơn 200 máy bay C-17, đã được chuyển giao trong ba thập kỷ qua. Những chiếc máy bay này hoạt động như một máy bay chở hàng, vận chuyển quân và thậm chí là một bệnh viện bay. Và trong gần 3 thập kỉ phục vụ, Mỹ chỉ mất duy nhất 1 chiếc C-17 trong một vụ tai nạn ở bang Alaska vào năm 2010 do lỗi chủ quan của phi công.

Sau này, nhờ khả năng chuyên chở ấn tượng cũng như tính ổn định cao, C-17 được sử dụng như "ngựa thồ" chuyên "cõng đồ" phục vụ các chuyến công du của Tổng thống Mỹ. Nó sẽ chở theo trực thăng Marine One, siêu xe chống đạn The Beast cùng phương tiện hỗ trợ và đảm bảo an ninh tại các địa điểm mà Tổng thống Mỹ đặt chân tới. Quá trình vận chuyển thường được thực hiện khoảng 5-10 ngày trước chuyến công du.
C-17 cũng chính là loại máy bay chở hàng hóa, vật dụng và máy bay trực thăng tới Hà Nội cho cựu Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào năm 2019.

Theo soha