Rau răm và gừng vị cay nồng, ăn với trứng vịt lộn mang tính hàn sẽ giúp chống chứng lạnh bụng, đầy hơi, sát trùng, tán hàn.

Trong Đông y, trứng vịt lộn được xem như bài thuốc có tính hàn, tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược, chóng mặt, tăng cường sinh lý. Nó chứa protein, lipid, canxi, photpho, cholesterol, nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt... Do đó, trứng vịt lộn thường được ăn kèm những thực phẩm có tính nóng như rau răm hay gừng. Đây là cách kết hợp hài hòa đem lại sự cân bằng cho cơ thể. Rau răm và gừng có vị cay, nồng, ăn với trứng vịt lộn sẽ giúp chống chứng lạnh bụng, đầy hơi, sát trùng, tán hàn.

Khay trứng vịt lộn ăn với rau răm và đồ chua ở Huế. Ảnh: Vi Yến

Ngoài ra, bạn nên ăn trứng vịt lộn với muối tiêu chanh - thứ gia vị không thể thiếu khi ăn hột vịt lộn luộc - bởi nó cũng được xếp vào hàng các loại thực phẩm có tính nóng. Còn tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng... thỉnh thoảng trứng vịt lộn luộc ăn kèm nước mắm gừng ớt cay cay, vị chua ngọt và một chút đồ chua ngâm với gừng giúp đỡ ngấy.
Tuy nhiên, ăn liên tục hoặc quá nhiều trứng vịt lộn mỗi ngày cũng không tốt bởi có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, nguy cơ gây các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Theo khuyến cáo của bác sĩ, phụ nữ có thai không nên ăn rau răm quá nhiều do tính nóng, có thể gây sảy thai. Người mang bệnh mạn tính như: gout, gan, thận, cao huyết áp... nên tránh ăn trứng vịt lộn do chúng chứa nhiều dưỡng chất.
Tốt nhất, mỗi tuần một người khỏe mạnh chỉ nên ăn quả hai trứng vịt lộn, kèm khoảng 5 gram rau răm tươi. Tránh ăn trứng vào buổi tối vì món ăn chứa hàm lượng đạm và cholesterol cao, có thể khiến người ăn bị đầy hơi, khó chịu.
Diệp Tử
Nguồn : soha