Con tôm to, chắc thịt chấm nước mắm ớt ăn kèm bún, bạc hà và nước lẩu chua ngọt rất thích hợp thưởng thức khi trời trở gió.
Một trong những điều hút mắt thực khách chính là cách trình bày nồi lẩu tôm càng rất hấp dẫn, gây ấn tượng ngay khi nhìn thấy. Hàng chục con tôm mập ú đã lột vỏ xếp kín phía trên, còn các loại rau ngập trong nước lẩu bên dưới. Đây là loại tôm càng xanh sống ở sông, có chiếc càng nhỏ, lý tưởng để nhúng lẩu nhờ thịt đầy đặn hơn loại tôm có càng to.
Nồi lẩu tôm càng dành cho 3-4 người ăn.
Nước lẩu tôm càng được nấu theo vị lẩu hải sản phổ biến ở Sài Gòn, chua chua, ngọt ngọt ăn đỡ ngấy. Nước dùng vốn dĩ nêm nếm vừa miệng, không quá nhạt, không mặn nên khi ăn, thực khách không cần cho thêm gia vị. Không giống các loại lẩu thường để rau riêng, lẩu tôm càng nấu tất cả loại rau như: đậu bắp, bạc hà, thơm (dứa), cà chua, rau muống và một ít rau ngổ (ngò om)... cùng nước lẩu, chế biến tương tự canh chua.
Ngoài ra, muốn lẩu ngon, một số quán luộc tôm với nước dừa tạo độ ngọt, béo. Con tôm tươi, còn sống, luộc chín kỹ thịt sẽ cứng, đồng thời không bị bở. Những con có trứng ăn vị bùi bùi, ngọt nước. Sau khi luộc, lột sạch vỏ, đầu bếp sẽ chiên sơ tôm với dầu ăn và chút gia vị cho thấm, trước khi cho vào nồi lẩu. Lúc dọn lên, thực khách chỉ việc chờ nước sôi rồi thưởng thức.
Lẩu tôm ăn với bún tươi, bạc hà, rau muống.
Phần lẩu tôm càng gồm nồi lẩu, đĩa bún tươi và chén nước mắm nguyên chất đâm ớt tươi. Thực khách có thể đổi bún thành mì gói nếu thích. Khi ăn, bạn cho bún hoặc mì vào chén, gắp rau, tôm và chan nước dùng vào rồi thưởng thức vị chua ngọt đậm đà của lẩu.
Thực khách ăn lẩu tôm càng sẽ đỡ phải lột vỏ. Con tôm to chấm với chút nước mắm cay cay nhai đã miệng. Một nồi lẩu nóng hổi có giá khoảng 180.000 - 350.000 đồng tùy kích cỡ, đủ cho 2-5 người ăn. Nếu ngại ra quán, bạn có thể dễ dàng nấu món này tại nhà với các nguyên liệu giống như món canh chua tôm, cho gia đình đổi món vào cuối tuần.
Bài và ảnh: Vi Yến