Để tỏi ớt không bị chìm, bạn cần lưu ý thứ tự và tỷ lệ của các thành phần khi pha bát nước chấm.
Nước chấm làm nên thành công của nhiều món ăn Việt như bún chả, bánh xèo, nem rán, nem cuốn, phở cuốn... Nguyên liệu chính gồm nước mắm, giấm, tỏi, ớt, vị chua ngọt mặn hài hòa. Pha được vị chuẩn không khó nhưng nhiều bà nội trợ gặp khó khăn vì tỏi không nổi lên trên đẹp mắt như ngoài hàng.
Không ít người có thói quen băm nhỏ tỏi ớt, thêm gia vị rồi mới cho nước, nước mắm và giấm vào, khuấy đều. Cách làm này là một trong các nguyên nhân chính khiến tỏi bị chìm xuống đáy bát. Khi cho tỏi vào trước, chúng bị ngấm nước, nặng hơn nên không thể nổi lên trên.
Bát nước chấm tỏi ớt đạt yêu cầu với phần tỏi ớt nổi trên mặt. Ảnh: VnExpress
Để khắc phục, bạn chỉ cần làm ngược lại: cho nước mắm, giấm, nước lọc, đường theo tỷ lệ thích hợp, khuấy đều, rồi mới cho tỏi ớt băm nhỏ lên trên. Như vậy, bạn sẽ có bát nước chấm "điểm 10" vừa đủ vị, vừa nhìn hấp dẫn.
Một số người cũng cho rằng, tỷ lệ giữa các thành phần và thứ tự pha cũng là yếu tố giúp tỏi có thể nổi lên trên. Bạn cần đảm bảo tỷ lệ 1-1-1-4, tức là 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 1 thìa giấm (hoặc nước chanh), 4 thìa nước trắng. Riêng với chanh hoặc giấm, bạn có thể giảm xuống một nửa thìa cũng được. Thứ tự pha cũng cần lưu ý. Đầu tiên, bạn cho 1 thìa đường hòa với 4 thìa nước, khuấy cho tan hết rồi cho 1 thìa nước mắm và 1 thìa giấm vào trộn đều. Sau cùng, cho tỏi ớt băm nhỏ lên trên.
Ngoài ra, một số gia đình cũng thích ăn tỏi giã hơn là tỏi băm vì cho rằng khi giã dập, tỏi thơm hơn. Tuy nhiên, miếng tỏi giã có kích thước lớn, khó nổi lên trên mặt bát. Tốt nhất, bạn nên băm nhỏ cả ớt và tỏi.
Ngoài tỏi ớt, bạn cũng có thể cho thêm dưa chuột và cà rốt thái nhỏ để bát nước chấm thêm hấp dẫn. Ảnh: Trang Lê
Hà Nguyên