So với nhiều món canh rau mát mẻ, nhanh nguội vào mùa hè, canh dưa mùa đông có điểm cộng là nóng rất lâu.


Phụ nữ khéo trước hết là người biết chắt chiu, biến tấu để từng bữa cơm gia đình luôn trở nên hấp dẫn. Mỗi khi gió lạnh kéo về, những cơn mưa cứ mặc nhiên "đi bộ" từ tuần này sang tháng khác, gian bếp nhỏ của mẹ càng thêm ấm áp.
Mùa hè thì dễ, cá ngoài đìa, tôm dưới hói, rau củ cũng mọc chen chúc phong phú khắp vườn, nhờ vậy mà mâm cơm gia đình bao giờ cũng ngon, đủ dinh dưỡng. Nhưng tầm tháng Mười âm lịch trở đi, khi những bông lau báo hết bão nở trắng ngọn đồi trước nhà, khoảng một tuần sau trời bắt đầu đổ mưa, gió lạnh kéo về, rau rợ cũng đến kỳ rũ tàn, héo úa.
Lúc này, mọi sinh hoạt gia đình cũng dần chuyển vào gian bếp nhỏ. Nấu nướng, ăn uống, sàng gạo, chằm nón… Thậm chí thằng Út vì lạnh quá còn kéo cả quyển tập xuống bếp cho chị bày chữ. Những bóng lửa không ngừng nhảy múa, phản chiếu lập lòe trên tấm giấy kiếng bọc vở của nó.

Ảnh minh họa


Tôi thích mùa đông. Vì ba sẽ làm đồng về sớm hơn, bà thay vì tất bật vườn tược sẽ có thêm nhiều thời gian thong dong kể chuyện, còn mẹ sẽ chuyên tâm với mấy món dưa cà, mắm muối ngày đông - thứ hàng thức mằn mặn, thơm mùi chua chua rất hợp khẩu vị của tôi
.Hồi đó nhà tôi có một cái gạc-măng-rê đóng bằng gỗ tạp và mấy tấm tôn, gồm ba tầng. Tầng dưới cùng là những thanh gỗ mỏng, dài khoảng 30 phân được gá dọc, hàng cách hàng đều đặn. Tầng hai và ba xếp chồng lên nhau, được đóng mở nhờ một cánh cửa chung cố định bằng chiếc then gài là một cục gỗ nhỏ, hễ xoay dọc thì mở, xoay ngang thì đóng. Để tránh kiến và các loại côn trùng, ba tôi còn nghĩ ra sáng kiến kê bốn chân chạn vào bốn cái bát sứt, rồi đổ dầu hỏa ngập vào.
Tôi còn nhớ, mẹ vẫn thường trữ những loại thực phẩm và gia vị quý như mật ong, đường, mỡ heo… vào hai tầng trên, tầng dưới cùng là chi chít những chai lọ để không, và những hũ sành bé xinh đựng đủ thứ dưa muối: dưa cải ngồng, dưa nưa, dưa cà, dưa môn… Mẹ bảo: "Trời mưa rét kéo dài thì vườn làm gì có rau, đồ tươi như thịt thà, cá trứng cũng khan hiếm, các món dưa và mắm chính là vị cứu tinh. Cũng may mẹ được học từ bà nghề muối dưa từ nhỏ".
Những món dưa mẹ muối không chỉ chín vừa, thơm dịu, giòn sật, mà còn rất dễ biến tấu. Mẹ chỉ cần bắc chảo lên bếp, phệt vào nửa muỗng mỡ heo, đợi tích tắc mỡ sôi xèo xèo thì chêm thêm vài ba củ tỏi đập dập, rồi vắt nắm dưa thả vào, đảo đều tay trong vòng ba, bốn phút, rắc thêm tí mì chính và tiêu bột là xong ngay một món hao cơm. Hôm nào muốn đổi vị, mẹ lại nấu canh dưa.

Ảnh minh họa



So với nhiều món canh rau mát mẻ, nhanh nguội vào mùa hè, canh dưa mùa đông có điểm cộng là nóng rất lâu. Thường thì cả phần nước và cái đều giữ được vị ấm đến khi chúng tôi húp cạn bát cuối cùng còn sót lại trong nồi. Cơm nóng, những thanh dưa môn hoặc dưa cải chua chua, phần nước lại nghi ngút khói, tỏa ra hương thơm thoang thoảng của gừng ấm, thật là dân dã và lành tính chẳng còn gì bằng.
Thế nhưng, đó chưa phải là món khoái khẩu nhất của những đứa trẻ luôn cảm thấy rét và "thèm ăn cả thế giới" trong những ngày mùa đông kéo dài. Chị em tôi thích nhất vẫn là món dưa môn um cá đồng. Yêu cầu là cá phải tươi, dưa vừa chín tới, nhưng còn một điều kiện nữa để món ăn trở thành cực phẩm, đó là phải um trong nồi đất.
Nhà tôi có cái nồi đất nho nhỏ, xinh lắm. Thế mà trong một lần sơ sẩy, tôi làm rơi khiến chiếc vung sứt một vệt. Sau này mỗi lần kho dưa, mẹ phải dùng một tấm lá chuối đắp vào miệng nồi để tránh bốc hơi.
Nếu những món ăn khác chỉ chính thức bắt đầu khi đã được dọn lên mâm, thì với món cá um dưa, chị em tôi được "ăn trên nồi". Đó là kiểu ăn trong tưởng tượng, khi khứu giác không ngừng bị đánh thức bởi thứ hương thơm rất hấp dẫn, le lói bốc lên từ chiếc nồi con. Vị chua của dưa, vị béo ngậy từ cá, vị mặn mòi hòa quyện từ lượng nước vừa đủ chan... Chúng tôi nghĩ đến, thuộc nằm lòng, rồi thúc nhau bày ghế, háo hức so đũa, dọn mâm.
Mãi sau này, dù được đi nhiều nơi, thưởng thức rất nhiều món ngon trong những không gian sang trọng, nhưng với tôi, sẽ chẳng có bữa cơm dưa nào ấm cúng, hấp dẫn bằng những bữa rau dưa khi cả nhà quây quần trong gian bếp nhỏ. Những chén cơm mau chóng vơi đi cùng tiếng cười nói, tiếng củi lửa tí tách, và cả mùi oi khói ấm nồng. Bên ngoài, mùa đông rét mướt dù có kéo dài hơn nữa, thì sự quấn quýt vẫn còn đó, đủ để mọi thành viên cùng nhau sưởi ấm, gắn bó bên nhau.



Theo Diệu Thông (phunuonline.com.vn)