Với cách làm đơn giản, bạn có thể lọc được hết phần thịt cua từ càng, mai và mình cua, tránh lãng phí.
Cuối năm là mùa cua. Loại hải sản này được nhiều người yêu thích, có thể chế biến được nhiều món chiên, xào, hấp, hầm... với phong cách khác nhau. Mùa cua lông Thượng Hải nổi tiếng khắp Trung Quốc là khoảng tháng 10 dương lịch. Cua Việt Nam thường có nhiều khoảng tháng 10 âm lịch tới cuối năm. Đây là thời điểm ăn cua ngon nhất, thịt nhiều.
Từ lâu, ăn cua là cả một nghệ thuật. Có nơi người dân tin rằng gỡ hết thịt cua thật khéo léo, sau đó ghép lại thành hình dáng cua nguyên vẹn như lúc đầu chứng tỏ sự quý tộc hay đem lại may mắn. Một số khác lại cho rằng ăn cua khá phiền phức, lột vỏ cần nhiều thời gian và công sức, phần thịt ăn được không nhiều, dễ bị sót. Cách ăn cua này giúp lấy sạch thịt cua một cách nhẹ nhàng, hiệu quả nhưng không phải ai cũng biết.
Cách lấy hết thịt cua ở phần chân.
Dụng cụ đóng vai trò quan trong trong việc lọc thịt cua. Bạn cần chuẩn bị kéo, búa nhỏ và thìa dẹt cán dài. Chúng giúp việc lột vỏ nhanh chóng, thuận tiện hơn. Cua sau khi hấp được cắt rời càng và ngoe (phần chân nhỏ) thành hai khúc, dùng phần ngoe nhỏ, đẩy thịt trong càng lên một cách dễ dàng.
Tiếp theo, dùng búa nhỏ đập dập rồi lách thìa dẹt vào, tách đôi phần mình cua. Ở phần mai, lấy tay ấn vào khoảng hở, đẩy thịt ở đây tách ra. Ở nửa còn lại, bạn tách đôi, dùng thìa lấy trứng và gạch cua. Tiếp tục lấy kéo cắt phần rìa xung quanh mình cua, sử dụng thìa nhỏ, lấy hết phần thịt ở đây, cho ra phần mai đã tách thịt trước đó. Cuối cùng, trộn đều thịt cua vừa tách, thêm xì dầu, muối, hạt tiêu hay tương ớt và thưởng thức. Với cách làm này, bạn có thể lọc được hầu hết phần thịt cua một cách triệt để, không tốn quá nhiều công.
Hà Nguyên