Hai tàu sân bay Mỹ và một tàu sân bay Anh tham gia diễn tập chung với 17 chiến hạm của 6 nước ở vùng biển Tây Nam Okinawa - Nhật Bản cuối tuần trước.

Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) ngày 4-10 thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã tham gia tập trận cùng với chiến hạm thuộc hải quân Nhật Bản, New Zealand, Hà Lan và Canada ở phía Tây Nam Okinawa.

Thông báo của JMSDF cho biết cuộc tập trận đã giúp nâng cao kỹ năng chiến thuật và khả năng tương tác của JMSDF với các lực lượng hải quân tham gia.
Nội dung diễn tập gồm phối hợp tác chiến trên không, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập chiến thuật và thông tin liên lạc. Các hoạt động này diễn ra vào ngày 2 và 3-10.

Từ gần đến xa: Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Ise và tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Ảnh: JMSDF



Các tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Carl Vinson và HMS Queen Elizabeth tham gia tập trận cùng các chiến hạm. Ảnh: JMSDF


Chuẩn đô đốc Yasushige Konno của Hải quân Nhật Bản khẳng định: "Cuộc diễn tập thể hiện ý chí mạnh mẽ của các quốc gia tham gia nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. JMSDF sẽ hợp tác chặt chẽ với các lực lượng hải quân đồng minh và thân thiện, có cùng mục tiêu, để ứng phó với các thách thức toàn cầu, bảo vệ trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền".

Đại tá Steve Moorhouse, chỉ huy HMS Queen Elizabeth, cho biết Anh đã đưa phi đội máy bay thế hệ 5 lớn nhất tới tham gia tập trận. Nước Anh cũng thể hiện cam kết với khu vực. Ngoài ra, một số tàu thuộc nhóm tác chiến số 21 của Anh (CSG21), do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu, cũng đang hoạt động ở biển Đông.

Nội dung diễn tập gồm phối hợp tác chiến trên không, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập chiến thuật và thông tin liên lạc. Ảnh: JMSDF


Hình ảnh JMSDF cung cấp cho thấy tàu sân bay trực thăng JS Ise của Nhật Bản và tàu sân bay Queen Elizabeth dẫn đầu đội hình. Theo sau là tàu sân bay Ronald Reagan và Carl Vinson của Mỹ cùng 13 khu trục hạm, tàu hộ vệ và hậu cần.


Cuộc tập trận tiến hành hồi cuối tuần qua có 17 chiến hạm tham gia đến từ 6 nước Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Canada và New Zealand. Ảnh: JMSDF


Cuộc tập trận quy mô lớn tổ chức giữa lúc căng thẳng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương leo thang ở một số khu vực như biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.
Tờ Sankei tuyên bố rằng mục đích của các cuộc diễn tập quân sự nêu trên nhằm "kiềm chế Trung Quốc" khi nước này tích cực tìm cách mở rộng hoạt động ở các vùng biển xung quanh.

Trung Quốc đã cử 38 máy bay chiến đấu đến vùng nhận diện phòng không của đảo Đài Loan vào ngày 1-10 và 39 chiếc vào ngày 2-10. Theo trang Stars and Stripes, đây là lần triển khai máy bay với số lượng lớn nhất của Trung Quốc trong ngày từ tháng 9-2020.
Trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan có nguy cơ tính toán sai lầm, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi "Bắc Kinh ngừng gia tăng áp lực về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan".
Ngày 4-10, nhóm tấn công tàu sân bay số 21 của Anh (CSG21) do hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth dẫn đầu thông báo trên Twitter rằng đã đi qua eo biển Luzon ở biển Philippines và đang trên đường đến Singapore, nơi có kế hoạch tập trận với Hải quân Singapore.

Cuộc tập trận quy mô lớn mới nhất tổ chức giữa lúc căng thẳng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương leo thang tại một số khu vực. Ảnh: SMRMOORHOUSE



Huệ Bình


Theo AP