Việc Nhà Trắng hai lần thay đổi quyết định về mức trần tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ chỉ trong 24 giờ cho thấy sự bối rối của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 16/4 tuyên bố sẽ nâng trần giới hạn số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận. Chính sách này sẽ được thực hiện từ tháng 5. Hiện chưa rõ số người tị nạn tối đa được phép nhập cảnh vào Mỹ là bao nhiêu.
Quyết định mới đưa ra đi ngược lại tuyên bố được chính Nhà Trắng thông báo chỉ vài giờ trước đó, đồng thời là lần thứ 2 chỉ trong vòng 24 giờ chính quyền Tổng thống Biden đảo ngược chính sách về vấn đề nhập cư, theo NBC News.

Thất hứa rồi lại sửa sai chỉ trong 24 giờ


Hôm 16/4, Nhà Trắng cho biết sẽ giữ nguyên mức trần người nhập cư được tiếp nhận năm 2021 ở con số 15.000 người như thời cựu Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối từ phe cấp tiến trong đảng Dân chủ cũng như các nhà hoạt động vì người nhập cư.

Sức ép từ nhóm này đã khiến chính quyền Tổng thống Biden phải thay đổi quyết định của mình.
Hồi tháng 2, Tổng thống Biden từng cam kết sẽ nâng trần người tị nạn được tiếp nhận. Ngoại trưởng Antony Blinken trả lời trước Quốc hội Mỹ hôm 12/2 rằng chính quyền dự định tiếp nhận 62.500 người nhập cư trong năm tài khóa 2021.
Phát biểu hôm 16/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc thực hiện cam kết tiếp nhận 62.500 người tị nạn "khó có thể xảy ra" bởi chính sách này gây "bối rối".
"Bối rối ấy đến từ bên trong Nhà Trắng", NBC News bình luận.
Người nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Getty.
Việc liên tục hứa hẹn rồi thất hứa, ra quyết định rồi vội vàng "sửa sai" là kết quả của tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại mà chính quyền Tổng thống Biden đối mặt.
Ông Biden đang phải trả lời câu hỏi hóc búa: làm thế nào để tìm được nơi ăn chốn ở phù hợp cho hàng chục nghìn người nhập cư đang đổ dồn về biên giới phía nam của Mỹ và làm hài lòng khối cử tri cấp tiến Dân chủ, trong khi không làm mất lòng các cử tri trung dung.
Nếu mở rộng cửa đón người nhập cư, chính quyền ông Biden sẽ không bao giờ giành được sự ủng hộ của các nhóm bảo thủ, hiện tiếng nói của họ được đại diện bởi nhóm America First tại Quốc hội, nhằm bảo vệ "các truyền thống chính trị Anglo-Saxon".
Khối cử tri bảo thủ ôn hòa nhất cũng ưu tiên các chính sách siết chặt quy định về nhập cư.
Ngay cả nếu không dự định tái tranh cử năm 2024, Tổng thống Biden cũng cần giành được sự ủng hộ của cả hai phe cấp tiến và trung dung trong phe Dân chủ để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình, đồng thời duy trì thế đa số của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Bên nào cũng khó

Tới lúc này, Tổng thống Biden không chỉ đang thất bại trong nỗ lực giành được sự ủng hộ tất cả các phe, ông chủ Nhà Trắng thậm chí gặp khó khi muốn làm hài lòng bất cứ phe phái nào.
Theo kết quả thăm dò của AP - NORTC Center for Public Affairs, chỉ chưa đầy 25% cử tri ủng hộ cách Tổng thống Biden xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía nam.
Ngay bên trong đảng Dân chủ, số người coi nhập cư bất hợp pháp là một "vấn đề nghiêm trọng" đã tăng từ 15% lên 29% chỉ trong vài tháng, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
"Khi chạy đua, việc hứa hẹn sửa sai rất dễ. Nhưng tình hình thực tế hiện nay là một sự hỗn loạn mà họ không biết cách giải quyết", trợ lý một thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích.
Việc chính quyền ông Biden liên tục thay đổi quyết định trong mức trần tiếp nhận người tị nạn không chỉ cho thấy chính sách nhập cư đã thất bại, nó còn là bằng chứng nhấn mạnh mức độ "phức tạp và khó khăn" của vấn đề nhập cư, trợ lý này cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty.
Trong khi đó, làn sóng nhập cư chưa từng có tại biên giới phía nam đã buộc nhà chức trách Mỹ đưa trẻ em nhập cư vào các cơ sở quá tải.
Chính quyền ông Biden đã phải xem xét lại cam kết cho phép người tìm kiếm quy chế tị nạn chờ đợi trên đất Mỹ trong thời gian đơn của họ được thẩm định.
Nhà chức trách đã bắt giữ hoặc trục xuất hơn 100.000 người nhập cư tại biên giới với Mexico chỉ trong tháng 2 vừa qua, theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ.
Dù tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden vẫn đang trên mức 50%, thái độ của cử tri với cách ông xử lý vấn đề nhập cư có thể ảnh hưởng tiêu cực tới vị thế chính trị, báo hiệu những rắc rối đang chờ phía trước.
Trước ngày nhậm chức, Tổng thống Biden tuyên bố ông muốn đảo ngược các chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, nhưng sẽ lập ra lộ trình để không hành động hấp tấp, có nguy cơ "làm phức tạp thêm" tình hình.
Ông Biden ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu đánh giá lại các chính sách của cựu Tổng thống Trump. Nhưng tới nay, nhiều chính sách nhập cư từ thời ông Trump vẫn đang được giữ nguyên.
Cho tới trước ngày 16/4, các đồng minh trong đảng Dân chủ vẫn tương đối dè dặt và ít chỉ trích Tổng thống Biden, với hy vọng cuối cùng Nhà Trắng cũng sẽ thực hiện những lời hứa tranh cử. Nhưng tình thế hoàn toàn thay đổi sau tuyên bố giữ nguyên mức trần tiếp nhận người tị nạn.
"Mục tiêu tiếp nhận người tị nạn của chính quyền Biden là không thể chấp nhận được", Thượng nghị sĩ Dân chủ Whip Dick Durbin tuyên bố.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal, thủ lĩnh phe cấp tiến tại Hạ viện, cáo buộc ông Biden "phá vỡ cam kết khôi phục nhân tính" và gọi mức trần 15.000 người là "bài ngoại và phân biệt chủng tộc".
Một nhà hoạt động vì quyền của người Latin từng tham gia thảo luận với quan chức Nhà Trắng về chính sách nhập cư cho biết chính quyền ông Biden dường như không có kế hoạch rõ ràng về nhập cư.
Phản ứng của các nghị sĩ Dân chủ trước quyết định giữ nguyên mức trần tiếp nhận người tị nạn ban đầu cho thấy sự kiên nhẫn của phe cấp tiếp trong đảng Dân chủ đang dần cạn.
"Cách xử lý lúng túng của chính quyền phản ánh sự bối rối trong nỗ lực hài hòa các mục tiêu chính sách đã đưa ra với lợi ích chính trị của ông Biden", NBC News bình luận.

Theo NBC News