Dù bất đồng gay gắt về nhiều vấn đề, các nghị sĩ lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa có chung quan tâm tạo điều kiện để NASA hiện thực hóa tham vọng đưa người lên Sao Hỏa.

Thành viên lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa đều đang háo hức chờ đợi chiếc trực thăng Ingenuity của NASA cất cánh. Chuyến bay dự kiến diễn ra ngày 14/4 sẽ là lần đầu tiên một máy bay của con người cất cánh trên Sao Hỏa.
Tại Điện Capitol, những người ủng hộ chương trình khám phá vũ trụ kỳ vọng sự hứng khởi mà Ingenuity mang tới cho giới nghị sĩ Quốc hội Mỹ, và xa hơn là cho cử tri nước này, sẽ giúp mở rộng ngân sách để NASA theo đuổi những nhiệm vụ tham vọng hơn, theo Politico.
Một số chương trình NASA kỳ vọng triển khai trong tương lai gồm đưa người lên Sao Hỏa, mang mẫu vật từ Sao Hỏa về Trái Đất, hay gửi robot đi tới những hành tinh xa xôi hơn trong Hệ Mặt Trời.
"Có những lúc bạn bè tôi, cả cực hữu lẫn cực tả, đều không muốn Quốc hội chi tiền cho NASA, hay cho khám phá vũ trụ và tiến vào không gian. May mắn thay, có sự ủng hộ đông đảo từ những người trung dung hiểu lý lẽ trong Quốc hội", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Frank Lucas, thành viên Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ Hạ viện, cho biết.
Một số nghị sĩ lạc quan rằng sự hào hứng đối với chuyến bay của Ingenuity, cũng như toàn bộ nhiệm vụ thăm dò Sao Hỏa với mục tiêu dài hạn là mang mẫu vật về Trái Đất, sẽ giúp ngân sách trong tương lai của NASA được mở rộng.
Nhưng điều đó không có nghĩa khoản tiền này sẽ dễ dàng được thông qua, dù có sự ủng hộ lưỡng đảng.
Quốc hội Mỹ đang đối mặt một danh sách dài các ưu tiên ngân sách cần triển khai trên Trái Đất, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19, trong khi nợ công duy trì ở mức khổng lồ.
"Tôi biết có những người hoài nghi ngoài kia, nghĩ rằng chúng tôi có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ không có phi hành gia, nhưng viễn cảnh một lần nữa đưa người lên Mặt Trăng hay thậm chí Sao Hỏa mang lại cảm giác hứng khởi bất chấp chính trị, tôn giáo, tuổi tác", Hạ nghị sĩ Don Beyer, chủ tịch Tiểu ban Hàng không Vũ trụ Hạ viện, nói.
"Đối đầu ở Washington khiến rất khó đạt được thống nhất. Nhưng khi nói về NASA, đặc biệt là khám phá các hành tinh khác, hai đảng nhìn chung nhất trí hợp tác", Hạ nghị sĩ Beyer nói.

Chuyến bay lịch sử


Chuyến bay của Ingenuity có nhiều điều đáng trông đợi. Các cánh quạt của chiếc trực thăng siêu nhẹ sẽ phải quay nhanh gấp bốn lần trực thăng bình thường để giữ nó bay được trong môi trường không khí siêu loãng tương đương độ cao 30.000m trên Trái Đất.
Chiếc trực thăng Ingenuity sẽ hoàn toàn tự vận hành, bởi thông tin liên lạc hai chiều giữa Trái Đất và Sao Hỏa có độ trễ là 30 phút.
Ingenuity được đưa lên Sao Hỏa cùng xe thăm dò Perseverance hồi tháng 2. Nhiệm vụ thăm dò của Ingenuity chỉ kéo dài trong 31 ngày.
Trong lần cất cánh đầu tiên, NASA chọn "sân bay" là một khu vực bằng phẳng, đủ điều kiện cho phép Ingenuity có thể sử dụng camera để theo dấu vị trí của chính mình.
Chiếc trực thăng sẽ lên thẳng với tốc độ 0,9 m/giây, di chuyển trong khoảng 30 giây, thực hiện một cú lượn, trước khi hạ cánh. Nếu Ingenuity hạ cánh an toàn, các kỹ sư sẽ tiến hành thêm những chuyến bay tiếp theo.

Ảnh mô phỏng trực thăng Ingenuity hoạt động trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Nếu Ingenuity thành công, NASA hy vọng công nghệ trên trực thăng này có thể được sử dụng để tiến hành khám khá phần còn lại của Sao Hỏa.
Những chiếc trực thăng như Ingenuity có thể giúp xe thăm dò xây dựng lộ trình lý tưởng nhất khi hoạt động trên bề mặt, làm hoa tiêu cho những chuyến thám hiểm có sự tham gia của con người trong tương lai, hay thậm chí để khám phá các hành tinh khác.
"Nếu chúng ta bay được trên Sao Hỏa, chúng ta có thể bay ở những nơi khác, ví dụ như Venus", Bobby Braun, giám đốc Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, cho biết.
Bởi độ trễ lớn về thông tin liên lạc, NASA sẽ không truyền trực tiếp hình ảnh từ Sao Hỏa về Trái Đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học kỳ vọng xe thăm dò Perseverance đang hoạt động trên Sao Hỏa có thể ghi lại hình ảnh và video từ chuyến bay của Ingenuity.
NASA tiêu tốn khoảng 80 triệu USD để chế tạo Ingenuity. Chi phí vận hành trong 1 tháng thăm dò trên Sao Hỏa của trực thăng này là 5 triệu USD.
Toàn bộ dự án Perseverance dự kiến tốn gần 3 tỷ USD, phần lớn phục vụ phát triển và chế tạo tàu vũ trụ. Chi phí vận hành trong thời gian 2 năm nhiệm vụ là khoảng 300 triệu USD. Những chi phí này chỉ là số lẻ nếu so với tham vọng đưa con người lên Sao Hỏa.
Chuyến hành trình của con người lên Sao Hỏa dự kiến tốn khoảng 500 tỷ USD để thiết kế và chế tạo tàu vũ trụ, chưa kể chi phí cho các hệ thống duy trì sự sống của con người. Chương trình gửi con người lên Sao Hỏa, với từ hai nhiệm vụ trở lên, sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD.
Ngân sách của NASA những năm qua còn cách xa chi phí tối thiểu cho một nhiệm vụ đưa người lên Sao Hỏa như vậy. NASA được Quốc hội Mỹ phân bổ 23,3 tỷ USD trong năm tài khóa 2021. Chính quyền Tổng thống Biden dự kiến chi 24,7 tỷ USD cho NASA trong năm 2022.
Với mức phân bổ như hiện nay, NASA sẽ phải dành dụm toàn bộ ngân sách trong 20 năm tới nếu muốn thực hiện một nhiệm vụ thăm dò.
Đến nay, NASA vẫn chưa có lộ trình thời gian cụ thể cho tham vọng đưa người lên Sao Hỏa. Một số ý kiến ủng hộ tại Quốc hội Mỹ đang kêu gọi thực hiện nhiệm vụ có sự tham gia của con người đầu tiên vào năm 2033.
Chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra ủng hộ kế hoạch đưa người lên Sao Hỏa, tuy nhiên chưa phát biểu chính thức về mốc thời gian nói trên.
Cuộc chiến nhọc nhằn

Một trong những thách thức để NASA được duyệt khoản ngân sách khổng lồ phục vụ chương trình Sao Hỏa là hiện nước Mỹ có quá nhiều ưu tiên khác.
Trong bối cảnh chính phủ liên bang phải phục hồi sức mạnh kinh tế, kiểm soát đại dịch, tạo thêm việc làm, cũng như đối phó các mối đe dọa từ nước ngoài, không khó để thấy trước viễn cảnh ngân sách cho chương trình không gian sẽ bị cắt xén.
Thăm dò dư luận cũng mang lại kết quả nhất quán, cho thấy cử tri Mỹ muốn NASA tập trung vào chống biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ Trái Đất khỏi các thiên thạch.
Dù đưa con người khám phá vũ trụ là kế hoạch hấp dẫn, sự ủng hộ với những chương trình kiểu như vậy sẽ luôn nằm ở cuối danh sách các ưu tiên của NASA, trong đó có phát triển công nghệ mới có thể ứng dụng ngay trên Trái Đất.
Dẫu vậy, lịch sử đã chứng minh khi ưu tiên đầu tư vào vũ trụ, nước Mỹ thường sẽ thu lại kết quả to lớn. Trong cuộc đua lên Mặt Trăng với Liên Xô, Mỹ là nước chiến thắng, khi đó ngân sách của NASA lên tới hơn 4% tổng ngân sách liên bang.

Dự án đưa người lên Sao Hỏa của NASA sẽ tốn hàng nghìn tỷ USD. Ảnh: NASA.

"Dự án Apollo không phải là chương trình của đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đó là chương trình của nước Mỹ, của nhân loại. Vũ trụ nên là vấn đề phi đảng phái, và tôi nghĩ chúng ta đã từng thấy điều đó. Chúng ta đang sống trong môi trường chia rẽ đảng phái, nhưng chính quyền Biden chưa từng xóa bỏ những gì ông Trump làm về vũ trụ", Hạ nghị sĩ Ami Bera cho biết.
Thực tế, chính quyền Tổng thống Biden đã lên tiếng ủng hộ 3 sáng kiến không gian của cựu Tổng thống Trump: Lực lượng Không gian, Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, và chương trình Artemis đưa người trở lại Mặt Trăng.
Mới đây, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố vũ trụ là vấn đề hiếm hoi ông Biden và người tiền nhiệm có chung quan điểm.
Vũ trụ cũng là một trong số ít lĩnh vực mà mọi thành viên Quốc hội đều có lợi ích địa phương, dù đó là cơ sở hạ tầng bãi phóng tàu không gian, hay cung cấp nguyên vật liệu cho các chương trình của NASA.
"Phần lớn tiểu bang chúng tôi có doanh nghiệp, hoặc là nhà thầu của NASA, hoặc là một phần trong ngành công nghiệp vũ trụ. Đó là lý do nhiều người quan tâm. Họ hiểu những cơ hội kinh tế tiềm năng", Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen cho biết.
Hợp tác lưỡng đảng tại các ủy ban về vũ trụ đồng nghĩa các nghị sĩ có thể nhất trí với nhau riêng về lĩnh vực này, bất chấp khác biêt sâu sắc trong những vấn đề khác.
"Tôi có quan hệ tốt với nghị sĩ Brian Babin, thành viên ban lãnh đạo tiểu ban về vũ trụ. Một số điều ông ấy làm khiến tôi khó chịu. Ông ấy không bỏ phiếu luận tội cựu tổng thống, không chấp nhận kết quả bỏ phiếu của Pennsylvania. Nhưng chúng tôi đồng quan điểm về NASA, cụ thể là Ingenuity", Hạ nghị sĩ Bayer nói.

Duy Anh
Theo Zing