Bức ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy cảnh 2 sĩ quan trên tàu khu trục USS Mustin đang quan sát một tàu quân sự cỡ lớn từ khoảng cách gần. Con tàu sơn màu xám đó có số hiệu 16 và ngoại hình y hệt tàu sân bay Trung Quốc.


Sĩ quan chỉ huy tàu khu trục USS Mustin của Mỹ quan sát tàu sân bay Trung Quốc trên biển Philippines ngày 4-4. Ảnh nhỏ: Các chi tiết chứng minh đây là tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh: US NAVY
Bức ảnh trên được đăng tải trên một trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ. Chú thích ảnh ghi thời gian chụp là ngày 4-4 và địa điểm chụp là "Biển Philippines".
Không khó để nhận ra con tàu đang bị hai sĩ quan Mỹ theo dõi từ buồng hoa tiêu là một tàu quân sự. Con tàu được sơn màu xám, có số hiệu 16 ở đầu tàu. Có 4 hoặc 5 máy bay chiến đấu đậu trên boong phía cuối đuôi tàu.
So sánh các hình ảnh trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, có thể khẳng định chắc chắn tàu quân sự cỡ lớn mà tàu chiến Mỹ bắt gặp là tàu sân bay Liêu Ninh.
Câu hỏi đặt ra là 4 tàu khu trục, 1 tàu hậu cần hộ tống tàu Liêu Ninh đã ở đâu khi USS Mustin tiến gần tàu sân bay Trung Quốc?
Đây cũng không phải là lần đầu tiên tàu Mỹ thực hiện điều mà giới chuyên môn gọi là "chọc thủng đội hình" tàu Trung Quốc. Năm ngoái, một sĩ quan quân đội Trung Quốc tiết lộ tàu khu trục Mỹ đã từng áp sát tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông ở khoảng cách chưa đầy 100m.

Hôm 3-4, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phát hiện nhóm tàu Liêu Ninh, gồm tàu sân bay và 5 tàu chiến hộ tống, đang băng qua eo biển Miyako theo hướng từ Trung Quốc đại lục ra Thái Bình Dương.
Hải quân Trung Quốc sau đó xác nhận tàu sân bay Liêu Ninh đã vượt qua eo biển Miyako và tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan. Với thông tin này, nhiều người khẳng định tàu Trung Quốc đã rẽ ngoặt về phía tây nam và đi vào vùng biển Philippines.
Theo "Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) - một tổ chức nghiên cứu của chính quyền Bắc Kinh, tàu chiến Mustin của Mỹ đã di chuyển trên biển Hoa Đông và áp sát cửa sông Dương Tử ngày 3-4.
Kết hợp các thông tin trên, có thể suy đoán tàu khu trục Mỹ đã vượt qua eo Miyako và bám theo nhóm tàu sân bay Trung Quốc đến tận biển Philippines.

Tàu sân bay Trung Quốc vào Biển Đông?

Vị trí nhóm tàu được cho là tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ngày 10-4 - Đồ họa: BẢO DUY (Nguồn: Cơ quan vũ trụ châu Âu, Google Earth, Twitter @detresfa)

Một số nhà quan sát quân sự và phân tích nguồn tình báo mở cho rằng Biển Đông đang trở nên đông đúc hiếm thấy. Nguyên nhân là do sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở eo Ba Sĩ.
Các hình ảnh do vệ tinh Sentinel của Cơ quan vũ trụ châu Âu chụp ngày 10-4 cho thấy một nhóm tàu được cho là tàu sân bay Liêu Ninh đã băng qua eo biển Ba Sĩ để tiến vào Biển Đông. Tài khoản Twitter @detresfa thì đăng các hình ảnh vệ tinh khác và cho biết nhóm tàu Trung Quốc băng qua eo biển Luzon (phía nam eo Ba Sĩ) để vào Biển Đông.

Quân đội Trung Quốc vẫn giữ im lặng về hành tung của nhóm tàu sân bay. Tuy nhiên, trang Twitter của SCSPI trước đó đã ngầm thông báo tàu sân bay Trung Quốc sẽ tiến vào Biển Đông sau khi tập trận gần đảo Đài Loan.
Trong bài đăng ngày 9-4, SCSPI cho biết 2 máy bay săn ngầm P-8 của Mỹ đã xuất hiện tại eo biển Ba Sĩ trong cùng ngày và đảo nhiều vòng tại khu vực. Theo SCSPI, hành động như "rà quét" của máy bay Mỹ có thể nhằm dọn đường cho nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời Biển Đông "hoặc để nghênh đón đội tàu sân bay Liêu Ninh sắp đến".
Nếu được xác nhận, Biển Đông không chỉ có nhóm tàu sân bay Trung Quốc (gồm tàu Liêu Ninh và 5 tàu chiến hộ tống). Theo hải quân Mỹ, nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt và tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island cũng đang có mặt tại khu vực.
Cả hai nhóm tàu này đã hiệp đồng diễn tập trên Biển Đông hôm 9-4. Trong thời gian ở Biển Đông, các tiêm kích trên hạm của USS Theodore Roosevelt cũng diễn tập bay theo đội hình với tiêm kích của không quân Malaysia.


Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island hiệp đồng tập trận trên Biển Đông ngày 9-4 - Ảnh: US NAVY

Theo tuoitre