Người Việt quan niệm mâm cơm gia đình trong những ngày Tết thường phải đủ đầy. Để chống ngán khi nạp nhiều món dầu mỡ, rau củ là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn.

Gạo nếp, thịt lợn, cá, giò, chả... là những món thường xuyên xuất hiện trong ngày Tết. Việc nạp quá nhiều tinh bột hay các món ăn dầu mỡ thường dễ gây cảm giác chán ngán. Do đó, trong mâm cơm từ đơn giản tới thịnh soạn, người nội trợ sẽ chuẩn bị thêm các món rau củ ăn kèm.
Bạn có thể tham khảo để vào bếp trổ tài một số món được ưa chuộng dưới đây.
Rau muống ngâm giấm tỏi ớt

Nguyên liệu: Rau muống, cà rốt, tỏi, hành tím, ớt sừng to, nước lọc, đường, muối...
Cách chế biến: Nước, giấm, đường nấu sôi, để nguội. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa, cắt mỏng. Hành, tỏi lột vỏ, cắt mỏng. Ớt rửa sạch, cắt nhỏ. Rau muống nhặt bỏ lá, cắt khúc vừa ăn.
Bạn bắc nồi nước to, thêm đường và ít muối, khi sôi, bỏ rau muống vào chần qua trong vài giây (bỏ ít một). Rau vừa chần sẽ được đổ vào nước lạnh, để nguội rồi vớt ra cho ráo nước. Cuối cùng, bạn cho các nguyên liệu sơ chế vào lọ, đổ nước giấm chua ngọt đã nấu vào, đậy nắp kín.

Rau muống ngâm nên để nơi thoáng mát khoảng 2 ngày là dùng được. Ảnh: Amthuc.nhalam.

Dưa giá hẹ muối xổi


Nguyên liệu: Giá đỗ, cà rốt bào sợi, hẹ cắt khúc, muối hạt, đường, nước nóng già (khoảng 60 độ C)...
Cách làm: Bạn hòa tan muối và đường vào nước nóng già. Giá, cà rốt, hẹ trộn đều rồi cho vào lọ, sau đó đổ nước muối vừa hòa tan vào. Dùng đĩa dằn lên trên để giá ngập trong nước. Sau 10 tiếng có thể mang ra thưởng thức hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

Để món ăn giòn hơn, trước khi thưởng thức, bạn vắt nhẹ giá để ráo bớt nước. Ảnh: Amthuc.nhalam.

Hành tím muối chua


Nguyên liệu: Hành tím, giấm, đường, muối, ớt, tỏi, khế, nước vo gạo...
Cách làm: Bạn phơi hành tím trong bóng râm khoảng vài tiếng cho hơi héo rồi ngâm với nước vo gạo ít nhất 8 tiếng để bớt mùi hăng, có độ giòn và bảo quản lâu hơn. Sau đó, hành được đem ra bóc vỏ, rửa sạch, để ráo. Tỏi bóc vỏ, để nguyên tép. Khế ép lấy nước.
Làm nước ngâm hành bằng cách đun giấm, muối, đường, nước ép khế cùng tỏi và ớt đến khi hòa tan và để nguội. Cho hành vào hũ, nén chặt rồi đổ ngập nước giấm chua ngọt vừa làm. Ngâm hành khoảng 3 ngày có thể lấy ra dùng.

Nước ép khế giúp món dưa muối lên màu hồng tím đẹp mắt. Ảnh: Chansfood_.

Rau củ luộc chấm kho quẹt


Nguyên liệu: Đường, nước lọc, nước mắm, thịt ba chỉ, tỏi, hành tím, tôm khô, tóp mỡ, rau củ (đậu bắp, súp lơ, dưa chuột…)
Cách làm: Tôm khô ngâm nước ấm khoảng 30 phút cho mềm rồi rửa sạch. Thịt ba chỉ thái hạt lựu. Tỏi, hành tím, rau củ sơ chế và rửa sạch, để ráo. Bạn khuấy đều hỗn hợp đường, nước lọc, nước mắm. Thịt ba chỉ cắt hạt lựu đảo đều với dầu trên bếp cho tới khi thành tóp mỡ vàng giòn.
Hành tím, tỏi phi thơm rồi cho lần lượt tôm khô, tóp mỡ, hỗn hợp nước mắm vào đun trong lửa nhỏ đến khi hỗn hợp đặc sệt lại. Bạn có thể thêm một ít hành lá, tiêu, ớt vào. Rau củ luộc với nước sôi vừa chín tới.

Bạn không nên luộc rau củ quá chín, làm mất độ giòn tự nhiên. Ảnh: Vietnamesecook69.

Rau củ muối chua ngọt


Nguyên liệu: Cà rốt, su hào, súp lơ trắng, ớt sừng, củ cải trắng, dưa leo, tỏi, nước, đường, muối, giấm gạo...
Cách làm: Hỗn hợp nước ngâm được làm bằng cách đun sôi nước, đường, muối, giấm và để nguội. Dưa leo, súp lơ rửa sạch, cắt nhỏ, ngâm với muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra, rửa lại. Su hào, cà rốt, củ cải gọt vỏ, thái miếng vừa ăn. Ớt sừng thái miếng vát chéo. Tỏi bóc sạch vỏ, thái mỏng.
Bạn trộn đều tất cả nguyên liệu cho vào hũ và cho nước giấm đường đã nguội vào ngập rau củ. Món ăn có thể thưởng thức sau khoảng nửa ngày đến một ngày.

Rau củ muối sẽ chua nhanh hơn nếu nhiệt độ bên ngoài nóng. Ảnh: Vũ Hương Giang.

Nguồn Zing