Cho đến bây giờ, mỗi lần ngọn gió heo may rung cành lá và làm mất lòng kẻ đang bước qua ngưỡng cửa của chiều hôm xế bóng, là mỗi lần tôi nhớ đến thuở hoa niên tràn nhựa sống.

Nhất là khi mùa xuân đến, vạn vật như hớn hở vui cười và người người rộn rịp rước thêm một tuổi nữa giữa tiếng pháo đì đùng, thì mớ tro tàn kỷ niệm năm xưa lại âm ỉ gợi lên đóm lửa nhớ nhung trong lòng tôi.
Năm xưa, cũng một mùa xuân như mùa xuân này, tôi là một cầu thủ thích giang hồ và đã dừng chân bến Đà Giang. Nhưng chưa bao giờ tôi phải nếm mùi cay đắng và tái tê như mùa Xuân năm ấy: 1945.
Cách đây đúng mười ba lần mai nở, một đêm rét mướt và gió thổi bời bời, tôi là một lữ hành cô đơn bước xuống sân ga Đô thành ướt át. Nhưng lòng tôi vẫn vui như một ngày nắng ráo, và hăm hở tiến vào thành.
Tôi không cần lo nghĩ, dẫu lúc ấy trong túi tôi còn có 5 hào, chỉ đủ uống một tách cà phê đen đậm pha thêm cốc “rum” để sưởi ấm. Vì các bạn đêm giao thừa năm cũ có gió từ ngoài khơi lộng vào để trợ lực cho cái rét mướt trên một thành phố vùng bể áp đảo tôi mà khóc thay tôi chỉ mặc một bộ quần áo thể thao, bộ “short” cổ điển của anh chàng thể thao gia.
Nhưng tôi bất chấp, bầu máu nóng và sức lực của một lực sĩ vừa mới “ra lò”… trường Cao đẳng thể dục còn nóng hôi hổi cũng đủ chịu đựng lắm rồi. Tôi đút hai tay vào túi quần, chân nện mạnh trên đường khuya, mồm huýt sáo một điệu quân hành, bụng nghĩ: Rồi sẽ được ngủ một giấc say sưa lo gì?

Tác giả lạc lõng giữa không khí đón giao thừa nơi xứ lạ. Ảnh: Lichngaytot.

Qua một căn phố, tôi thấy một ông đạo mạo trong bộ quốc phục đang trịnh trọng khấn vái trước một bàn đầy hương dâng trà quả, khói hương nghi ngút. À, cúng giao thừa đây mà. Đợi cho ông làm cái việc cúng vái xong là tôi bước đến trước mặt, lễ phép thưa:
- Thưa ông, nhờ ông chỉ giúp cho hướng nào có khách sạn cho thuê?
Ông nhìn tôi từ trên xuống dưới như dò xét để “đánh giá” và có lẽ dấu vết phong trần còn đượm nét trên sắc diện cũng như bộ quần áo “thể thao” của tôi có vẻ… tố cáo hạng người tôi không được… đứng đắn lắm, nên ông đáp cộc lốc:
- Ai đùa với anh mà giờ nầy anh đến đây để hỏi lần thần? Không biết…
Nói xong ông ta quay lưng vô nhà. Tôi hơi tủi bởi mình là khách từ xa đến, thế mà chưa chi đã được nếm ngay hương vị chua chát. Tuy vậy, con nhà thể thao vốn rộng lượng và thừa can đảm nên mặc dầu bị đối đãi lạnh nhạt, tôi cũng sẵn sàng tha thứ cử chỉ của ông nọ và cứ nhắm trung tâm thành phố đi bừa.
Càng đi sâu vào thành phố, tôi càng nhìn thấy quang cảnh rộn rịp của cuộc đón giao thừa. Đó đây nhà nhà sáng choang đèn nến, khói hương ngào ngạt, đì đùng tiếng pháo: Người ta xúng xính trong những bộ y phục ngự hàn nói cười vui vẻ chung quanh một bàn ăn thịnh soạn, rượu đầy chai.
Vui vẻ và ấm cúng quá.
Riêng tôi, thân cô lữ lầm lũi đi dưới cơn mưa, chẳng biết lát nữa đây sẽ được “Rũ áo phong sương trên gác trọ” nào?”. Tôi đập cửa những lữ quán rải rác trong thành phố, song đâu đâu cũng chỉ nghe trả lời giống nhau:
- Hết phòng rồi!
Không lẽ đi dầm dưới mưa cho đến sáng ư? Tôi nhớ trên dòng sông Hương có những con đò xinh xắn cho khách mướn. Ở đây có dòng sông Đà, ừ, thì không lẽ chẳng có một chiếc đò bềnh bồng nào để tôi tạm đỡ một đêm nay?
Tôi lần theo đường mé sông để thăm hỏi thì may thay, đây rồi, một bà lão ngồi ở đầu thuyền đã trả lời tôi:
- Thầy muốn thuê? Được, hai đồng từ đây đến sáng mai.
Tôi nhảy xuống đò, không cần nghĩ đến chuyện có tiền hay không, chuyện ấy không quan trọng bằng một giấc ngủ say sưa đã. Bà lão nghe tôi nói giọng Sài Gòn và quần áo ướt sũng, bà tỏ ra ái ngại, bảo bằng giọng Huế dịu hiền:
- Thầy người ở mô? Sài Gòn hỉ? Ra đây bao chừ, răng quần áo ướt rứa? Thầy không mang hành lý à?
- Dạ, tôi từ Sài Gòn vừa đến theo chuyến tàu suốt. Hành lý bị người ta trộm cả, đâu từ trong Diêu Trì lận.
- Tội nghiệp chưa? Cơm nước gì chưa, chưa ăn thì tôi vừa cúng đó, đầy bánh tét, xôi, chè, mời thầy tạm đỡ cho no đi đã rồi hẵng ngủ.
Đáng kính mến thay bà chủ đò. Bà mang cho tôi những thức ăn và cả rượu “công xi” đựng trong chai… xá xị:
- Có cả rượu, uống vài ly cho ấm bụng, thầy.
Tôi không đợi mời hai tiếng, ăn ngay và chỉ trong một loáng là “tiêu thụ” hết một đòn bánh tét, một đĩa xôi và hai chén chè đậu ván. Chai rượu cũng không còn đến một giọt.
No rồi, tôi ngả lưng xuống ván thuyền.
Cơ khổ, bà chủ đò cũng nghèo lắm nên chiếc đò bà đã cũ rồi, mái lá lủng lỗ lấm tấm, nằm ngửa mặt lên nhìn thấy cả mảnh trời lốm đốm sao. Gió từng cơn thổi lùa vào khoang thuyền chỉ che có mỗi tấm liếp còi cọc phía trước.

Giao thừa của tác giả được no bụng với tấm lòng bà lão lái đò. Ảnh: PLO.

Thuyền ngăn đôi hai gian. Bà lão chun vào khoang trong sau khi dọn dẹp chén bát xong, và bà vứt ra cho tôi một chiếc bao, bảo rằng:
- Thầy đắp đỡ kẻo lạnh. Trong này hai bà cháu tui chỉ có cái mền.
Tôi cảm ơn bà. Sóng vỗ lách tách vào mạn thuyền và chiếc thuyền nhẹ nhấp nhô trên từng lượn sóng con ngoài biển lùa vào, làm cho tôi có cảm tưởng như đang nằm trên chiếc nôi mà bàn tay chị vú lắc lắc để dỗ em…
Tám giờ sáng hôm sau tôi mới bừng mắt dậy thì ánh nắng đã le lói rọi vào khoang. Và tôi cũng thấy trên mình có thêm một chiếc mền cũ màu đỏ có nhiều miếng vá đắp lên từ bao giờ.
Bà lão nhìn tôi. Bên cạnh bà, một đứa bé gái tóc mới chấm vai cũng nhìn tôi. Bà nói:
- Tôi thức dậy trước và sợ thầy lạnh nên đắp thêm cho thầy chiếc mền đó.
Quý hóa thay, tấm lòng vị tha của bà lão, tuy nghèo nhưng đầy lòng nhân đạo. Tôi có cảm tưởng như đó là bà mẹ già của tôi đang săn sóc cho đứa con lãng tử mới trở về sum họp dưới mái thuyền. Nhưng tôi cũng vừa chợt nhớ ra, chao ôi! Tiền đâu trả cho bà lão đây?
Hai đồng, tuy ít thật, nhưng trong túi tôi, không có đến một trinh con.
Tôi nghĩ ngay đến ông V… “bạn thân” tôi vốn là nhân viên cao cấp trong sở Quan thuế, đang là thủ lãnh thể thao Đà Nẵng và chính ông đã mời tôi ra đây đầu quân dưới màu cờ hội bóng tỉnh nầy.
Vậy thì, chỉ cần lên phố tìm ông V… là có tiền.
Nhưng tôi phải nghĩ cách lên bến ổn thỏa, vì không lý hôm nay là ngày đầu năm, chưa gì tôi gieo ngờ vực cho một người đang hy vọng vào món tiền thuê đò? Tôi nói:
- Thưa bà, tôi không có tiền lẻ, bà cho cháu theo tôi lên bến đổi tiền, cháu sẽ cầm xuống cho bà được chớ?
Bà lão lắc đầu, bảo tôi rằng: “Trưa này, thầy về đây ăn cơm nghèo ngày mùng Một nghe. Tôi chờ.”
Lên đến bến là tôi nhảy phóc lên chiếc xe tay, bảo anh phu xe đưa tôi đến nhà ông V… Đến nơi, người nhà cho biết ông đã hướng dẫn đội bóng sang Lào rồi. Chết chưa? Tôi lúng túng chẳng biết làm thế nào.
Nhưng may quá, tôi nhớ khi gặp nhau ở Phan Thiết, ông V… có cho biết ông có ông bố vợ, ông P… cũng là một nhân viên cao cấp sở Quan thuế. Tôi bảo anh phu xe chạy đến đó, và lần này tôi khỏi thất vọng. Gặp tôi, ông P… biết tôi ngay:
- Anh Hồng đó hả? Rể tôi có dặn trước khi sang Lào, lúc anh đến đây thì tôi sẽ thay mặt hắn tiếp rước anh. Vì không đợi được anh nên rể tôi đã cùng các cầu thủ đi sang Thakhek cho kịp ngày rồi.
Tôi hỏi mượn ông P… một món tiền, là được chấp thuận ngay. Ông đưa cho tôi hai trăm bạc và nhờ số tiền ấy tôi về trả một món tiền hậu cho bà lão, đi mua tạm một bộ quần áo dạ cũ để mặc ấm và… ăn chơi trong ba ngày xuân với những người không quen nơi thành phố lạ [...]
Cho đến bây giờ, cứ mỗi mùa xuân đến là mỗi lần tôi nhớ chuỗi ngày sống ở Đà thành. Và trong khói hương của ngày Tết, tôi không quên những người bạn cũ cùng chung sức nêu cao ngọn cờ hội bóng Đà giang.
Nhưng bây giờ, các bạn cũ ấy còn lạc lõng phương nào, hay đang nhấp chén tửu mừng xuân giữa cảnh đoàn tụ gia đình, xa cách tôi qua bao nhiêu sông núi? Nhất là tôi nhớ lại mối cảm tình của bà lão trên chiếc đò.
Hoa mai đã nở mười ba lần rồi. Sóng nước sông Hàn vỗ bến trải qua mười ba xuân đời, mà lòng bà, tình bạn, còn rõ ràng quá trong ký ức của tôi.


Phạm Hồng (Báo Khỏe xuân Mậu Tuất 1958)