Do có sự nhầm lẫn về thời điểm ra đời của bài "Chấp nhận" dẫn đến sự nhầm lẫn về cách hiểu nội dung, ý nghĩa của bài thơ

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.

Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ
Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ.
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.
Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng…

Đây là những câu mở đầu bài thơ “Cha Đàng Ngoài, Mẹ Ở Đàng Trong” của nhà thơ Xuân Diệu, đổng thời cũng là bản “Lý lịch trích ngang” của “Ông Hoàng thơ tình”.
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu. Ông sinh ngày 2.2.1916 tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, quê nội của Xuân Diệu là làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của Xuân Diệu là cụ đồ nho Ngô Xuân Thọ (quê Hà Tĩnh) và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Hiệp (quê Bình Định). Thuở cắp sách, Xuân Diệu học ở Qui Nhơn.
Nhà thơ Xuân Diệu

Năm 1943, Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho, sau đó ra Hà Nội viết văn và trở thành thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Ông cũng là một trong những chủ soái của Phong trào Thơ Mới, với các tác phẩm tiêu biểu, như: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939),Trường ca (1945). Vì vậy, sinh thời Xuân Diệu được tôn vinh là “Ông Hoàng thơ tình”. Không chỉ có vậy, ngoài thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học…Ngày 18.12.1985, Xuân Diệu qua đời. Trước khi mất ông đã để lại một số sáng tác, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Chấp nhận. Đáng tiếc, lâu nay đã có không ít nhầm lẫn về xuất xứ, thời điểm ra đời của bài thơ, nội dung bài thơ, cũng như những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa bài thơ…Theo đó, thời gian qua, Chấp nhận có khá nhiều dị bản, với không ít sai lệch. Đơn cử như nội dung bài thơ mà nhà thơ Anh Ngọc và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng giới thiệu. Còn đây là nguyên văn bài thơ Chấp nhận, do nhà thơ Xuân Diệu đích thân chép tặng người em kết nghĩa thân thiết của mình là bác sĩ Trà Văn Tri:Chấp nhận
Tôi nhận cái này đã từ lâu
Bây giờ nó đến, dẫu hơi mau
Đã không tránh khỏi, thì tôi tiếp
Một cách đau thương, nhưng ngẩng đầu
*
Ai có thích gì đi mãi mãi
Vô trong cái cõi chẳng mô tê
Một khi cập bến vào vô tận
Thì đến vô biên chẳng trở về.
*
Tuy vậy, tôi đã sống hết mình
Suốt đời, không một phút coi khinh,
Tôi coi trọng nhất khi làm việc,
Họa có thua khi sống với tình.
*
Ồ! Quả cam này đã vắt hết
Hiến cho non nước, hiến đời thân
Tuy không biết đến bao giờ kiệt
Nhưng, dẫu sao thì vẫn phải dừng.
*
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư.
Xuân Diệu
Theo đó, thời gian qua nhiều người vẫn cho rằng nhà thơ Xuân Diệu viết bài Chấp nhận vào đầu tháng 12.1985, trước khi mất khoảng nửa tháng (18.12.1985); đồng thời cho rằng qua bài thơ, Xuân Diệu đã ‘tiên lượng” về cái chết của mình (!?).
Bút tích Xuân Diệu tặng bài thơ Chấp nhận cho bác sĩ Trà Văn Trí

Bản chất của vấn đề không phải như vậy. Nguyên nhân dẫn đến “sự cố” này là do một số vị ở tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình (giai đoạn sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) khi thực hiện số tạp chí kỷ niệm ngày mất của Xuân Diệu, trong phần mở đầu đã giới thiệu: “Nhà thơ Xuân Diệu sinh năm 1916 tại Vạn Gò Bồi, làng Tùng Giảng, huyện Tuy Phước, Nghĩa Bình, mất ngày 18-12-1985. Văn nghệ Nghĩa Bình trân trọng giới thiệu với bạn đọc: Bài thơ Chấp nhận, tiểu luận Mấy bài thơ Đào Tấn anh gửi cho Văn nghệ Nghĩa Bình đầu tháng 12.1985; Nhà thơ của trí tuệ tâm hồn, điếu văn do đồng chí Thu Hoài đọc trong buổi lễ truy điệu nhà thơ Xuân Diệu do Hội Văn nghệ Nghĩa Bình tổ chức tại Qui Nhơn ngày 26.12.1985”. Thực ra, bài Chấp nhận được nhà thơ Xuân Diệu viết lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 27.8.1980 (nghĩa là trước khi Xuân Diệu qua đời hơn 5 năm). Và nhà thơ Xuân Diệu đã tặng bài thơ này cho một người em kết nghĩa cực kỳ thân thiết ở TP Qui Nhơn là Trà Văn Tri. Ông Trà Văn Tri vốn là một bác sĩ. Ngay từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, khi còn là sinh viên Y khoa ở Sài Gòn, qua nhà thơ Nguyễn Bính, ông Trà Văn Tri đã gặp và kết nghĩa anh em với Xuân Diệu (lúc đó đang làm Tham tá ở Ty Thương chánh Mỹ Tho.Tháng 8-1945, Xuân Diệu tham gia cách mạng ở Hà Nội thì ông Trà Văn Tri tham gia cách mạng ở Qui Nhơn. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hai anh em Xuân Diệu - Trà Văn Tri kẻ Bắc, người Nam… Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Xuân Diệu về thăm quê và người đầu tiên mà nhà thơ tìm gặp chính là Trà Văn Tri…Chính vì có sự nhầm lẫn về thời điểm ra đời của bài Chấp nhận dẫn đến sự nhầm lẫn về cách hiểu nội dung, ý nghĩa của bài thơ. Theo đó, nhiều người vẫn nghĩ và hiểu rầng qua bài Chấp nhận Xuân Diệu đã “tiên lượng” về cái chết của mình (!?). Thực tế không phải như vậy. Không ai lại đi “tiên lượng” về cái chết của mình trước đó hơn 5 năm cả (nhất là đối với một người yêu đời như Xuân Diệu)…Ngược lại, qua bài thơ, Xuân Diệu đã gửi gắm “tâm sự” của mình trước những đổi thay của “thế thái nhân tình” và cả những nỗi đau của cuộc đời… Bởi vậy, mở đầu bài Chấp nhận Xuân Diệu đã viết: “Tôi nhận điều này đã từ lâu/Bây giờ nó đến, dẫu hơi mau/Đã không tránh khỏi, thì tôi tiếp/Một cách đau thương, nhưng ngẩng đầu”.
Nhà thơ Xuân Diệu (bên phải) và bác sĩ Trà Văn Tri tại TP Qui Nhơn năm 1982

Xung quanh vấn đề trên, trong bài Xuân Diệu: Vẫy chào cõi thực hư, nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương từng cho biết: Có lần, nhà thơ Xuân Diệu đã đưa bài thơ Chấp nhận cho ông đọc. Thế nhưng, ngay sau đó, bất ngờ Xuân Diệu nói “Thôi không đọc bài này nữa, viết xong mình cũng thấy ghê ghê.Khi nào mình chết thì các cậu hãy đăng”. Nói xong, Xuân Diệu ngồi thừ trên chiếc ghế trúc. Bỗng Xuân Diệu ngả đầu ra phía sau, thở dài, vuốt mái tóc bồng bềnh, và nói: “Nhiều lúc mình thấy mình cũng ê chề. Viết thêm một bài hay không thì Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu, nhưng rồi người ta đặt, mình vẫn cứ viết… Làm thơ như thả cánh hoa hồng vào mặt biển thời gian. Mong manh lắm! Biết thế nào?”.Vậy là “Ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã rời cõi tạm hơn 35 năm. Song, sự nghiệp và những thi phẩm của ông, trong đó có Chấp nhận sẽ mãi in đậm trong trái tim của người yêu thơ. Vâng, mặc dù Xuân Diệu đã giã từ, vẫy chào cõi thực để vào hư, song ông “vẫn si tình đến ngất ngư”…
Viết Hiền
Nguồn PNO