Những chiếc máy bay không người lái của Google sẽ được sử dụng như những trạm phát sóng di động, giúp phủ sóng Internet ngay cả ở những khu vực hẻo lánh nhất.

Trong khi hãng công nghệ không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng hàng ngàn vệ tinh lên quỹ đạo với tham vọng phủ sóng Internet trên toàn cầu, thì Alphabet (công ty mẹ của Google) đang hợp tác với hãng viễn thông SoftBank (Nhật Bản) đang phát triển những chiếc máy bay không người lái để phủ sóng mạng Internet.
Những chiếc máy bay không người lái này có thể xem như những trạm phát sóng di động, có thể tiếp cận và phủ sóng Internet tại những khu vực xa xôi, hẻo lánh, với phạm vi phủ sóng lớn hơn so với các trạm phát sóng di động thông thường.

Chiếc máy bay không người lái giống như một cánh diều khổng lồ, với chiều dài cánh lên đến 78m

Dự án phát triển máy bay không người lái để phủ sóng Internet là một phần trong hợp tác giữa dự án Loon của Alphabet và HAPSMobile của SoftBank. Loon là dự án sử dụng khinh khí cầu để phát sóng mạng Internet từ trên cao của Google, trong khi đó HAPSMobile là công ty con phát triển máy bay không người lái của SoftBank.
Mới đây, Google và SoftBank cho biết đã đạt được một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển dự án, khi đã có thể phát sóng mạng di động 4G LTE từ máy bay không người lái ở độ cao 18.900m xuống mặt đất.
Sau khi mạng 4G LTE được phát sóng từ chiếc máy bay không người lái này, một cuộc gọi video bằng smartphone đã được thực hiện giữa Alastair Westgarth, CEO của dự án Loon; Jun Murai, Giám đốc đối ngoại của HAPS Mobile và Vint Cerf, người được xem là “cha đẻ” của mạng Internet và hiện là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phát triển Internet tại Google. HAPSMobile cho biết cuộc gọi có chất lượng tốt với độ trễ thấp, nhưng không cung cấp chi tiết về tốc độ kết nối.
Chiếc máy bay không người lái do Google và SoftBank hợp tác phát triển sử dụng pin năng lượng mặt trời, có thể hoạt động trên bầu trời trong nhiều tháng liên tục mới phải quay trở lại mặt đất để bảo dưỡng. Chiếc máy bay có thiết kế giống như một cánh diều khổng lồ, với chiều dài cánh lên đến 78m, được vận hành bởi 10 cánh quạt và cho tốc độ bay tối đa 110km/h. Mặc dù có tốc độ bay không lớn, chiếc máy bay này được tập trung về sức bền và khả năng vận hành, hơn là tốc độ.
Chiếc máy bay này sẽ hoạt động trên tầng bình lưu, bay cao hơn các chuyến bay thương mại, sử dụng năng lượng mặt trời để sạc pin và có thể điều chỉnh hướng bay theo các cơn gió.
Junichi Miyakawa, CEO và Chủ tịch HAPSMobile cho biết chuyến bay thử nghiệm này là một bước tiến để hiện thực hóa mục tiêu phát triển máy bay sử dụng năng lượng sạc nhằm cung cấp Internet tốc độ cao ở mọi nơi trên thế giới.
“Chúng tôi đã tiến gần hơn một bước tới mục tiêu xây dựng một trạm phát sóng bay lơ lửng trên bầu trời, chỉ sử dụng năng lượng mặt trời”, Junichi Miyakawa tuyên bố.
Những hình ảnh về chiếc máy bay không người lái giúp phát sóng mạng Internet từ trên cao:

Những tấm pin năng lượng mặt trời phủ trên cánh máy bay


Hệ thống cánh quạt trên máy bay


Chiếc máy bay sẽ hoạt động ở độ cao cao hơn các chuyến bay thương mại


Chiếc máy bay có thể hoạt động liên tục trong nhiều tháng mới phải quay trở lại mặt đất để bảo dưỡng

Theo Dân trí