Ngày 13/10, nước lũ bắt đầu rút song nhiều nơi ở TP Huế, thị xã Hương Trà... vẫn ngập sâu.




Tại ngã ba đường Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Linh, TP Huế chiều 13/10, nước bắt đầu rút, các phương tiện đi lại bình thường hướng vào trung tâm thành phố. Ba ngày trước, nước lũ dâng cao tại khu vực này khiến các giao thông đình trệ.




Trên đường Lý Thái Tổ (phường An Hòa), một số đoạn nhà dân còn ngập cục bộ, nước dâng hơn một mét. Nhiều gia đình ở phường này phải di tản sang nhà người thân để ở tạm.




Trên góc vỉa hè, chị Thu mở quầy thịt bò tươi. "Tôi bán ở đây để những gia đình bị ngập không phải đi xa mà vẫn mua được thực phẩm", chị nói.




"Tôi chở hàng đến đây thì không vào được, đợi cả tiếng rồi không thấy rút. Chắc phải quay về", tài xế Hưng nói trong lúc chở hàng vào phường An Hòa.




Hàng trăm xe tải, container vẫn xếp hàng dài trên đường Lê Duẩn, TP Huế chờ nước rút hết để tiếp tục lưu thông, chiều 13/10.




Trên đường Nguyễn Văn Linh, một số đoạn nước còn ngập tới 60 cm, người dân thuê đò đi lại với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng.




Người dân đẩy xe chết máy qua đoạn đường ngập Nguyễn Văn Linh.




Ở phía Đông TP Huế, các khu dân cư ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà vẫn ngập sâu trong nước lũ, người dân được chính quyền khuyến cáo sinh hoạt tại chỗ.
5 ngày trước, mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Hương, sông Bồ đổ về khiến nhiều tuyến đường ở thị xã này bị chia cắt.




Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà hiện đã thông sau 3 ngày bị ngăn cách bởi nước lũ. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Bắc Nam vẫn chưa thể hoạt động do còn ngập một số đoạn.




Cây xăng trên quốc lộ 1A, thị xã Hương Trà tạm dừng hoạt động vì nước lũ bủa vây.
Mưa lũ những ngày qua ở Thừa Thiên Huế đã làm một người chết, 6 người bị thương. Gần 25.000 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng; khu vực thủy điện Rào Tranh 3, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) xảy ra sự cố sạt lở khiếnhàng chục người mất tích.



Giang Huy
Theo vnexpress