Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch cấm mọi người ở Mỹ tải ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 20/9.


Logo TikTok bên ngoài văn phòng tại thành phố Culver, bang California, Mỹ hôm 27/8. Ảnh: AFP.
Các nguồn thạo tin hôm 18/9 cho biết lệnh cấm tải TikTok của Mỹ có thể vẫn được Tổng thống Donald Trump hủy trước khi nó có hiệu lực vào cuối tuần, với điều kiện chủ sở hữu ByteDance phải đạt được thỏa thuận về các hoạt động tại Mỹ.
ByteDance đã đàm phán với Oracle Corp và các đối tác khác để thành lập một công ty mới mang tên TikTok Global, nhằm giải quyết những lo ngại của Mỹ về vấn đề bảo mật dữ liệu của người dùng.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu gỡ hai ứng dụng Trung Quốc ở Mỹ và "cấm cửa" chúng trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng "có thể tiếp cận từ Mỹ".
Tuy nhiên, lệnh này sẽ không cấm các công ty Mỹ làm việc trên ứng dụng WeChat bên ngoài lãnh thổ nước này. Đây sẽ là tin tức đáng mừng cho các công ty Mỹ như Walmart và Starbucks bởi họ đang dùng WeChat để thu hút người tiêu dùng ở Trung Quốc. Lệnh mới cũng không cấm các giao dịch với các doanh nghiệp khác của Tencent Holdings, chủ sở hữu WeChat.
Lệnh cấm từ Bộ Thương mại Mỹ được cho là đáp lại yêu cầu của Tổng thống Trump ban hành hôm 6/8, trong đó ông cho Bộ này 45 ngày để xác định cần chặn những ứng dụng nào mà ông cho là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Thời hạn 45 ngày sẽ kết thúc vào ngày 20/9.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross trước đó cho biết đã thực hiện động thái quan trọng để chống lại việc Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, đồng thời tích cực thực thi các quy định và điều luật Mỹ.
Chính quyền Trump gần đây tăng nỗ lực để loại các ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc và gọi TikTok cùng WeChat là "những mối đe dọa đáng kể". TikTok có khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ, đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi. WeChat cũng có 19 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày ở nước này, chủ yếu là du học sinh Trung Quốc và những người Mỹ có quan hệ cá nhân hay kinh doanh ở Trung Quốc.
TikTok đang trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ông chủ Nhà Trắng cũng đặt thời hạn 20/9 cho ByteDance phải đạt thỏa thuận bán hoạt động tại Mỹ hoặc đối mặt với việc bị đóng cửa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân trước đó khẳng định cơ sở an ninh quốc gia mà Mỹ sử dụng để "đàn áp các công ty Trung Quốc" là "không có căn cứ", nhấn mạnh doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)