Hiện đã có 2 người Việt đăng ký hiến phổi để ghép phổi cho phi công người Anh mắc Covid-19 đang nguy kịch. Trong đó, có một phụ nữ khỏe mạnh, có gia đình hạnh phúc, muốn được hiến phổi để "tình thương lan tỏa tình thương".



Các chuyên gia liên tục có các cuộc hội chẩn về phương án ghép phổi cứu bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang trong tình trạng nguy kịchẢNH TRẦN CƯỜNG




Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, 13.5, PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bệnh nhân mắc Covid-19 là nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tiên lượng xấu. Bệnh nhân có mạch và huyết áp ổn định, tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu, thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

''Bệnh nhân vẫn cần điều trị tình trạng bội nhiễm. Hai phổi đã đông đặc không có cơ hội hồi phục. Đây là ca bệnh điều trị rất khó khăn, phức tạp nhưng còn nước, còn tát. Ghép phổi là biện pháp điều trị cuối cùng trong trường hợp này'', PGS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trước thông tin cần lá phổi hiến để ghép cho bệnh nhân 91, trong 2 ngày qua, đã có 2 người Việt Nam liên hệ với trung tâm đăng ký hiến một phần lá phổi của mình để cứu nam bệnh nhân đang nguy kịch.

Mới đây nhất, ngày 12.5, đăng ký hiến là một phụ nữ ngoài 40 tuổi. Chị cho biết, bản thân đang khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc, được yêu thương. Chị hiến một phần lá phổi của mình ghép cho bệnh nhân 91 với mong muốn: “Để tình thương lan tỏa tình thương”.
Trước đó, người đăng ký hiến đầu tiên là cựu chiến binh 76 tuổi ở Đắk Nông. Ông đã 2 lần liên lạc tới trung tâm để sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình.
“Tôi tự hào về nền y tế của Việt Nam. Chính phủ đã rẫt nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau. Số trường hợp tử vong trên thế giới nhiều như thế trong khi nước ta chưa có ai”, người cựu chiến binh bày tỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, ca hiến - ghép phổi phụ thuộc nhiều yếu tố: người hiến và người nhận cần có xét nghiệm về phù hợp nhóm máu, miễn dịch. Với bệnh nhân 91, nếu điều kiện sức khỏe cho phép thực hiện phẫu thuật, cần được lấy toàn bộ phổi để ghép. Do đó, phổi ghép cho bệnh nhân này cần được nhận từ người hiến chết não có các chỉ số phù hợp. Nếu đủ điều kiện, ca ghép phổi sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Trong thông báo chiều nay, 13.5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết ngày 13.5, cả nước không ghi nhận thêm ca bệnh mới.
Trong số 288 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, 252 bệnh nhân đã khỏi bệnh, không có ca tử vong.
Hiện chỉ còn 19 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số 36 bệnh nhân đang được điều trị. 17 bệnh nhân khác có kết quả xét nghiệm từ 1 - 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trên cả nước, đã 27 ngày liên tiếp (từ sáng 16.4) không ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.





Theo thanhnien