Một người có thể bị thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ nếu đương đơn xin nhập quốc tịch bất hợp pháp. (Hình minh họa: cnn.com)

Vào ngày 26 tháng Hai, 2020, Bộ Tư Pháp (Department of Justice) đã công bố việc thành lập ra một văn phòng dành riêng cho việc điều tra và khởi kiện việc thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ. Văn phòng đó được gọi là "The Denaturalization Section".

Văn phòng Denaturalization này sẽ tham gia các bộ phận hiện có trong Văn phòng Tố tụng Di trú của Bộ phận dân sự. Bộ Tư Pháp cho biết là họ muốn cho mọi người thấy sự cam kết của Bộ Tư Pháp trong việc mang lại công lý cho những kẻ khủng bố, tội phạm chiến tranh, tội phạm tình dục và những người nhập quốc tịch Hoa Kỳ bằng cách lừa đảo gian lận với chính phủ Hoa Kỳ.

Bộ Tư Pháp cho biết tuy rằng Văn phòng Tố tụng Di trú đã đạt được thành công lớn trong các vụ kiện thu hồi quốc tịch với 95% hồ sơ thắng kiện, nhưng vì số hồ sơ do những cơ quan thực thi pháp luật gửi đến yêu cầu khởi kiện càng ngày càng gia tăng đã thúc đẩy việc thành lập ra một văn phòng riêng chuyên đảm nhận những hồ sơ thu hồi quốc tịch.

Một người có thể bị thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ nếu lọt vào một trong 4 lý do sau:

1- Một người có thể bị thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ nếu đương đơn xin nhập quốc tịch bất hợp pháp.

Nhập quốc tịch bất hợp pháp có nghĩa là đương đơn không hội đủ điều kiện để nhập quốc tịch. Cho nên, bất cứ điều kiện nhập tịch nào mà đương đơn không đáp ứng được có thể tạo ra lý do để bị kiện thu hồi lại quốc tịch. Điều này bao gồm các yêu cầu về cư trú, sự hiện diện ở Hoa Kỳ, nhập cảnh Hoa Kỳ hợp pháp, tính cách đạo đức tốt, và gắn liền với Hiến pháp Hoa Kỳ.

2- Một người có thể bị thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ nếu cố ý có sự lừa dối từ phía đương đơn trong việc trình bày sai hoặc không tiết lộ một sự kiện quan trọng hoặc sự kiện trong đơn xin nhập tịch của đương sự hoặc những lần xét duyệt sau đó.

Nói chung, một người có thể bị hủy bỏ quốc tịch trên cơ sở này nếu:
- (1) Công dân Hoa Kỳ nhập tịch đã trình bày sai hoặc che giấu một số thực tế;
- (2) Việc trình bay sai hoặc che giấu là cố ý;
- (3) Các sự kiện hoặc sự thật được trình bày sai hoặc che giấu là quan trọng;
- (4) Công dân Hoa Kỳ được nhập tịch do kết quả của việc trình bày sai hoặc che giấu.


Lý do để thu hồi quốc tịch này bao gồm thiếu sót cũng như các trình bày sai. Việc trình bày sai có thể là lời khai bằng miệng được cung cấp trong cuộc phỏng vấn nhập tịch hoặc có thể bao gồm thông tin có trong đơn xin nhập tịch.

3- Một người có thể bị thu hồi quốc tịch Hoa Kỳ nếu người đó trở thành thành viên hoặc liên kết với đảng Cộng Sản, đảng toàn trị khác hoặc tổ chức khủng bố trong vòng 5 năm kể từ khi nhập tịch.

Nói chung, một người có liên quan đến các tổ chức như vậy không thể hội đủ điều kiện nhập tịch để có sự gắn bó với Hiến Pháp Hoa Kỳ.

4- Ngoại trừ được ra quân đội Hoa Kỳ với tính cách danh dự (Honorable Discharge) trước 5 năm phục vụ trong quân đội sau khi nhập quốc tịch Hoa Kỳ, một người có thể bị thu hồi quốc tịch nếu:
- (1) Đương sự trở thành công dân Hoa Kỳ thông qua nhập tịch trên cơ sở phục vụ danh dự trong quân đội Hoa Kỳ;
- (2) Đương sự sau đó ra khỏi quân đội Hoa Kỳ trong tình cảnh không danh dự;
- (3) Sự ra khỏi quân đội này xảy ra trước khi đương sự phục vụ một cách danh dự trong một khoảng thời gian hoặc thời gian tổng hợp ít nhất 5 năm.


Trong nhiều năm, Bộ Tư Pháp tập trung các nỗ lực nhằm tước bỏ quyền quốc tịch của những người nhập cư bị tình nghi là tội phạm chiến tranh đã nói dối về giấy tờ di trú của họ, đặc biệt là các cựu phát xít Đức. Sở Di Trú USCIS và Bộ Tư Pháp đã theo đuổi những trường hợp đó khi nào có xảy ra, nhưng không thông qua một nỗ lực phối hợp nào đến ngày hôm nay. Theo thông tin cho biết, những hồ sơ thu hồi quốc tịch đang được điều tra đả tăng lên 600 phần trăm trong vòng 3 năm vừa qua. Vào năm tài chánh 2019, chính phủ Hoa Kỳ dưới Tổng thống Donald Trump yêu cầu ngân khoản $207 triệu để điều tra 800 vụ có thể bị thu hồi quốc tịch và để duyệt xét lại 700,000 hồ sơ di trú với ý định thu hồi quốc tịch. Trong thời buổi này, việc thu hồi quốc tịch không còn dành riêng cho các tội phạm chiến tranh nữa mà Bộ Tư Pháp đang chú ý đến những hồ sơ gian lận.

Nguồn: Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.