Bánh chưng 'chuẩn Lang Liêu' chấm mật mía, ai mà cưỡng nỗi.Mẹ hì hục cả chiều mới xay hết chục cây mía. Trong quá trình xay phải có tấm lọc để được nước mía tinh khiết, và cho thêm quả quất (trái tắc) để hạn chế bọt.


Bánh chưng chấm mật mía của nhà tôi


Bánh chưng là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết ở mọi miền quê. Nhưng đối với quê tôi, bánh chưng phải chấm mật mía mới đúng vị và trọn "mùi tết’.
Từ nhỏ, những ngày gần tết, tôi đã thấy mẹ mua rất nhiều mía. Nếu để dựng hai bên bàn thờ thì chỉ cần hai cây, nhưng mẹ thường mua cả bó, mục đích là để làm mật mía chấm bánh chưng.
Bánh chưng - như bao nơi khác - khoảng 28 tết, nhà tôi mới làm cũng với công thức mà Lang Liêu để lại, còn mật mía thì có nơi chấm nơi không nên không phải lúc nào cũng chuẩn bị. Mía có thể được chọn là mía xanh hoặc mía tím. Sau khi bỏ gốc và ngọn, mía được rửa sạch và cạo qua lớp vỏ bên ngoài.
Ngày xưa, chưa có máy xay mía như bây giờ mà là máy xay bằng tay. Mẹ hì hục cả chiều mới xay hết chục cây mía. Trong quá trình xay phải có tấm lọc để được nước mía tinh khiết, và cho thêm quả quất (trái tắc) để hạn chế bọt. Bao giờ được cả thùng nước mía trong vắt, ít bọt thì mới đem đi nấu được.
Ngày xưa có một dạo đun rơm, cay xè mắt, có khi phải đun trong mấy tiếng rồi sau đó ủ trấu đến nửa ngày, nước mía mới cô lại thành mật đặc quánh. Nhớ hồi đó, ngày tết trời lạnh, anh em tôi cứ sán vào đun để được sưởi ấm rồi ăn vụng. Mẹ luôn lo lắng chúng tôi mở nồi ra và để khói xông vào làm oi khói, mật mía sẽ mất ngon.
Về sau, nhà chuyển sang đun củi, nồi mật mía cũng vơi đi và nhanh cô hơn. Ngồi đun mà chốc chốc lại lấy đũa cả để "thử", thực ra là thèm của ngọt quá nên thử đến cả chục lần.
Mật mía cô lại có màu nâu, sền sệt, một ít bọt nổi lên. Sau khi để nguội, mẹ múc ra liễn và đậy nắp kín rồi dặn chúng tôi: "Không được ăn vụng đâu. Mật mía này để mấy bữa nữa chấm bánh chưng, ăn vụng mẹ đánh đòn nghe chưa".
Mật mía rất thu hút kiến, vì vậy mẹ phải để cách thủy không cho kiến đi vào. Mấy ngày sau, cả làng nô nức nấu bánh chưng. Ngồi đun bánh thâu đêm, anh em tôi xin mẹ ít mật mía "chấm chấm mút mút" cả đêm không biết chán, đến nỗi ngọt khé họng, nóng rừng rực nhưng không thể nào vơi được cơn nghiện mật mía.

Đến những ngày tết, sau khi làm cơm cúng, cả nhà cùng ăn cơm. Món đầu tiên tôi ăn chính là bánh chưng lăn đều trong mật mía. Cả mẹ và bố chỉ chấm chấm, nhưng tôi thì lăn kín miếng bánh trong mật, rồi đưa cả miếng bánh to đùng vào mồm. Vị ngấy của bánh chưng cộng với độ ngọt khé của mật mía quyện vào nhau, bù trừ nhau tạo ra một sự cân bằng tuyệt vời mà chẳng ai cưỡng nổi.
Bây giờ, hàng hóa tiện lợi hơn, mẹ thường mua mật mía sẵn ở chợ chuẩn bị cho ngày tết, có chút gì đó không ấm áp như xưa nhưng dẫu sao vẫn còn nguyên vị, và mẹ vẫn nhớ tôi kết nhất món bánh chứng chấm mật mía cho dù đã đi làm xa nhiều năm.
Khách nơi khác đến, thấy dân làng tôi bóc bánh chưng có bát nước chấm bên cạnh mà không biết để làm gì, ăn thử thì mê ngay lập tức.
Ngoài ra, những ngày tết thường lạnh, mẹ thường lấy ít mật mía hòa với nước ấm để cả gia đình uống cho ấm bụng mỗi sáng. Mẹ bảo như vậy tốt cho dạ dày, tất nhiên nước để uống pha khá nhạt chứ không "khé họng".
Tết lại về. Tôi lại chuẩn bị được ăn bánh chưng chấm mật mía, món mà hằng ngày chẳng mấy khi có, món mà đã gắn bó với tuổi thơ của tôi, tượng trưng cho tình cảm gia đình ngọt ngào, ấm cúng.


Theo Nguyễn Văn Công (tuoitre.vn)