Không biết từ bao giờ, báo Tết đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Việt Nam mỗi độ Xuân về.

Những tờ báo được trình bày đẹp mắt hơn, trở thành vật phẩm sưu tầm chứ không thuần túy là ấn phẩm mua về đọc thông tin rồi bỏ qua như các trang báo ngày thường. Hiểu được điều này, nhà báo Phạm Công Luận đã dày công sưu tầm các bài báo đăng số Tết thuở trước, hợp tuyển lại trong tác phẩm "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" (Phương Nam Book và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành 2020).

Bản thân "Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa" như là một giai phẩm Tết. Ta thấy ở đó chuyện của một thời, hoài niệm của một người trở thành ký ức chung của nhiều người.
Dĩ nhiên những bài báo Xuân không chỉ một giọng miên man say lòng người, mà nó còn cái hóm hỉnh, cái duyên dáng của nụ cười ý nhị dẫu giờ đây tất cả chỉ còn là quá vãng. Ta thấy ở đây bóng dáng của một tên tuổi làng báo đã in sâu trong tâm khảm bè bạn.

Sách “Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa”


Không chỉ "ôn cố", những bài báo Xuân còn là dịp để "tri tân". Bên cạnh những phút giây lắng đọng chuyện đã qua, còn trình bày cho công chúng những thú thưởng Xuân phong lưu tao nhã, cùng nhau ngắm hoa nở, đối ẩm, ngâm thơ của những tao nhân mặc khách ngày trước. Những thú vui có lẽ chỉ còn được biết đến trong sách vở khi nhắc về "một thời vang bóng".
Nhắc tới "vang bóng một thời" lại nhớ đến Nguyễn Tuân, một trong những "diễn viên" đầu tiên của Việt Nam sang Hương Cảng để đóng vai nhỏ trong phim "Cánh đồng ma". Trong bài báo Xuân của Hoàng Thu Vân in trên Chuông Mai - Xuân Canh Tý 1960, có kể lại kỷ niệm về cái Tết tha hương trên đất Hương Cảng của đoàn làm phim "Cánh đồng ma" năm xưa.


Dường như, lĩnh vực sân khấu điện ảnh là đề tài được đại chúng khá quan tâm, nên không thể thiếu vắng trong những giai phẩm Tết. Nhất là giai đoạn này ở miền Nam là thời cực thịnh của ngành sân khấu. Đó là những tâm sự về chuyện đời chuyện nghề của nghệ sĩ hàng đầu như Năm Châu, hay trải lòng của nghệ sĩ tài sắc Phùng Há về thân phận và nỗi lòng nhớ quê hương của "kỳ nữ" Kim Cương khi đón Xuân trên đất Pháp... đã thỏa mãn phần nào sự tò mò của khán giả muốn hiểu thêm về người nghệ sĩ họ ái mộ.
Xuân là của mọi người, mọi nhà, những câu chuyện hài hước, mang tính hấp dẫn tầng lớp bình dân như thời buổi ranh giới giữa người và cọp còn chưa cách biệt quá xa như bây giờ. Cho đến những vấn đề "thực dụng" như bài so sánh vật giá và đồng lương công chức. Các chuyện vui trong làng xóm cũng không thể thiếu, chúng khiến không khí của một tờ báo Xuân lúc nào cũng tủm tỉm một nụ cười.
Trong cái rộn ràng chung đó còn có những niềm riêng, như những hồi ức bên bếp lửa tối giao thừa cùng mẹ của nhà thơ Kiên Giang hay những Tết Thầy. Không ai cảm thấy mình lạc lõng, bị bỏ quên thời khắc thiêng liêng đó.
Đọc lại những trang báo Xuân của mấy mươi năm về trước, trong dòng chảy xuyên suốt với báo Xuân hôm nay, mới thấy tinh thần người Việt. Người làm báo nào mà không trông chờ vào dịp cuối năm, bắt tay làm tờ báo Tết, vất vả hơn nhưng cũng háo hức hơn, để duy trì món "đặc sản" báo Xuân không thể thiếu vào dịp Tết đến, Xuân về.

Huỳnh Trọng Khang