kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Tình người trên đất Mỹ

  1. #1
    Activation needed
    Tham gia ngày
    Jun 28th 2012
    Bài gởi
    13,343
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    0

    Default Tình người trên đất Mỹ


    Lối đi ven bờ sông ở trung tâm thành phố San Antonio, Texas. (Getty Images)

    Bài CHU TẤT TIẾN

    Tình người trên đất Mỹ, nói chung, trong những thập niên 60-70 thật tuyệt vời. Có thể nói, tình người hồi ấy rất nhân hậu, mênh mông, không biên giới. Năm 1967, tôi học tại trường Lackland, thuộc thành phố San Antonio, Texas. San Antonio có một con sông hờ hững uốn quanh thành phố, có lúc nằm ngay giữa trung tâm phố thị, bên cạnh những trung tâm thương xá khổng lồ có nhiều tầng, đôi lúc làm khách du tưởng rằng mình đang ở Venice.

    San Antonio cũng nổi tiếng nhờ di tích Alamo, nơi hơn 100 dũng sĩ Texas đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ thành phố này trước sự tấn công của hơn 1,500 quân lính nổi tiếng tàn bạo của tướng Mễ Santa Ana. Cho đến ngày nay, di tích Alamo vẫn được coi là một "đền thờ" để tưởng nhớ đến gương hy sinh của các dũng sĩ Texas, trong đó có James Bowie, Williams Travis và một chiến sĩ gan lì, thiện xạ nổi tiếng thời đó là David Crockett, một anh hùng dân gian, người khai phá, và chính trị gia.

    Thời gian học ở Lackland, tôi chỉ học đến 4 giờ chiều là tan lớp. Sau đó, lợi dụng tối đa cơ hội ở Mỹ, ngày nào tôi cũng ra phố, đi ngắm cảnh, và ăn chiều. Phương tiện ra phố là xe buýt, nhưng đôi khi, không muốn chờ lâu, tôi đứng cạnh đường đi, giơ ngón tay cái của bàn tay phải lên, ngoắc ngoắc. Chỉ vài phút sau là có chiếc xe đỗ lại ngay. Người lái xe hỏi rất lịch sự, "Anh muốn đi đâu?". Tôi nói, "Cho tôi ra phố…" Chủ xe liền với tay mở cửa mời lên ngay.

    Trên đường đi, người chủ xe nói chuyện rất thân thiện, và khi xe đậu lại, cho tôi xuống, còn nói, "Cám ơn anh đã cho tôi giúp anh!" Đôi khi người lái còn cho tôi biết đáng lẽ ông ấy đi đường khác, xa với địa điểm tôi muốn xuống cả vài chục dặm, nhưng rồi lại chặc lưỡi và nói, "Không sao! Tôi vẫn đưa anh tới nơi anh muốn!"

    Đơn giản như thế đấy! Có lần tôi và bạn mải mê đi bộ, ngắm cảnh, xa phố thị cả chục dặm, nghĩa là về phòng trọ cả gần 100 dặm, vẫn có người đưa về. Lần khác, tôi và bạn đến một chỗ có hồ nước xanh trong, có một rừng cây phong rủ lá như những mái tóc của tiên nữ, hai đứa tôi nằm lăn ra cỏ, nhìn trời đất bao la rồi ngủ quên. Không biết bao lâu, bỗng có một phụ nữ lại lay hai đứa tôi dậy, và hỏi "Có sao không?" rồi mời chúng tôi ra xe, đưa về nhà.

    Một điều lạ lùng nữa, vì tôi là người Công giáo, nên buộc phải đi lễ Chủ Nhật, tôi rủ anh bạn Phật giáo đi xe buýt đến nhà thờ cách phòng trọ chừng chục dặm. Dự lễ xong, chúng tôi ra đứng trước cổng nhà thờ, chờ xe buýt. Đang ngóng về hướng xe sẽ đến, một phụ nữ trung niên tiến lại, hỏi, "Các anh người nước nào?" Sau khi biết chúng tôi là người Việt Nam, bà lịch sự hỏi, "Các anh có muốn về nhà tôi dùng cơm trưa không?" Dĩ nhiên, chúng tôi gật đầu lẹ.

    Bà mở cửa xe cho chúng tôi, lái về nhà, giới thiệu chúng tôi với gia đình, người chồng, và mấy cô con gái, con trai. Xong, bà chỉ cho chúng tôi "rest room" rồi đứng chờ ngoài cửa. Hai đứa tôi không biết là bà đứng chờ, cứ giỡn đùa mãi, mới ra. Mở cửa, trông thấy bà vẫn đứng cạnh, chúng tôi xấu hổ quá, chỉ biết xin lỗi. Bữa cơm thật thịnh soạn, và không chỉ cơm trưa, mà sau đó, hai vợ chồng mời chúng tôi ở lại dùng cơm chiều luôn. Đến tối thật khuya, sau khi nói chuyện mỏi cả miệng và tay (hồi đó, tôi còn thiếu ngôn từ, nên thỉnh thoảng phải dùng tay để vẽ…), bà chở chúng tôi về nhà.

    Tuần lễ sau, cũng đi lễ với người bạn Phật tử, và cũng được một gia đình người Do Thái đến mời chúng tôi về nhà ăn cơm trưa và chiều luôn. Từ đó, quen lệ, mỗi tuần chúng tôi đến nhà một gia đình không quen biết và ở lại đến tối mịt. Rồi đến môt ngày, chúng tôi gặp một gia đình kia, chiếm luôn chúng tôi, nghĩa là bà không chờ chúng tôi đi lễ bằng xe buýt nữa, mà đến thẳng phòng trọ chúng tôi đón chúng tôi đi.

    Việc đưa đón này kéo dài vài tháng, như một thành viên trong gia đình, (1) cho đến khi chúng tôi được cô giáo đón chúng tôi tại phòng trọ, để chúng tôi ở lại từ sáng thứ Bảy đến chiều Chủ Nhật mới đưa về để bắt đầu một mối tình Thầy-Trò khá lạ lùng. Cô giáo của chúng tôi, một phụ nữ Mỹ lai Tây Ban Nha, dưới 30 tuổi, đẹp hơn tất cả các minh tinh màn bạc mà tôi biết, với đôi mắt đen tuyền, mái tóc đen óng ả, cặp môi hình trái tim, dáng người tầm thước như thiếu nữ Việt Nam, giọng nói trầm, nhẹ nhàng như hơi gió.

    Ngay lần đầu, khi tôi được cô giáo đón về nhà, tới cửa, thấy ông chồng mặc complet, cà vạt và xách nơi tay một chiếc cặp nhỏ, chờ chúng tôi bước tới là lịch sự bắt tay, và nói, "Enjoy your stay!" (Bạn ở đây vui vẻ nhé!) rồi ông lái xe đi luôn.. một lèo đến ngày hôm sau cũng không thấy mặt, để tôi ở lại với người vợ trẻ, một con trai mới chưa đầy 1 tuổi, nóng hổi. Chúng tôi hết nói chuyện tào lao, thì lại ôm nhau khiêu vũ theo tiếng nhạc, rồi ăn, cười đùa, đến khuya thì ... đi ngủ. Cô giáo "good night" với tôi xong, thì liếc một cú sắc như dao cạo, rồi thon thả bước vào phòng ngủ với chú bé, và không khép cửa, để tôi ngủ ngoài salông, vật vã qua đêm. (2)

    Việc đến nhà cô giáo kéo dài vài lần, thì tôi muốn bệnh nặng, vì phải tự mình chống cự lại chính mình, căng thẳng vô cùng. Đến tuần thứ… tôi kiếu với cô giáo, không đến nữa, để nhận lời đi chơi cuối tuần với một thiếu phụ khác, có ba cô con gái 17, 18, và 19. Bà đưa tôi ra biển, mặc mấy đứa chúng tôi chơi đi trốn đi tìm, bắt được nhau, thì ôm nhau lăn dưới cát như trẻ con. Thật ra, có thể mấy cô bé kia hồn nhiên, còn tôi, đang là thanh niên phơi phới, nên đầu óc tưởng tượng bậy bạ, nhất là khi ôm những tấm thân nẩy lửa như của Marilyn Monroe… Tối về nhà bà, tôi và một cô bé nằm lăn dưới thảm ngủ, hai cô bé kia thì ngủ trên salông, sau khi giỡn đùa đến mệt.

    Người Mỹ vào thập niên đó, nếu phải so sánh như thần tiên thì cũng không quá đáng lắm. Tôi nhớ mùa Giáng Sinh năm ấy, một bà đến mời hai đứa chúng tôi về nhà dùng tiệc Noel. Chúng tôi ăn xong, ngồi nói chuyện đến gần sáng, thì bà đưa chúng tôi ra xe buýt, vì nhà bà cách chỗ chúng tôi gần 100 dặm. Đến trạm xe buýt, bà bước xuống cùng chúng tôi, ôm hai đứa và khóc vì thương chúng tôi xa nhà trong mùa Giáng Sinh! Những sự thân thiện ấy, tôi đã quên nhiều. Nhưng có hai người mà tôi không thể quên là ông Thầy già, hễ có hội chợ (Fair) là đón tôi đi chơi, một anh chuyên viên phòng Lab, lo âm thanh cho chúng tôi nghe tiếng nói qua "head phone", đưa tôi đi thẳng về Mễ, ở với gia đình anh ta mấy ngày Tết Tây, ăn bánh đa làm bằng ớt, cay đến nghẹt thở, và uống Tequilla đến bất tỉnh.

    Đi chợ, ra phố, đâu đâu cũng có nụ cười. Ngay cả khi vào những rạp xi nê hồi đó chiếu phim XXX (bây giờ là RRR), những tiếp viên nam cũng luôn tươi cười chỉ dẫn. Vào nhà hàng sang trọng, nữ tiếp viên mặc đồng phục cúi gập mình chào như người Nhật! Người ta tôn trọng nhau, ngay cả với người Á châu như tôi.

    Có lần, đang đi lang thang, ngó trái ngó phải, thấy có một đám người ăn mặc lịch sự, đứng xếp hàng ngay ngắn trong im lặng trước một cửa hàng gì đó. Với tính tò mò, tôi cũng ghé chân vào, định xếp hàng sau cùng. Một người Mỹ đứng gần cuối, vội lùi ra sau, nhường cho tôi đứng trước. Trong cả hàng người, không ai nói một lời. Tất cả đứng im lặng, chờ đến lượt mình. Khi tôi bước tới cửa bán vé, hỏi giá tiền, và móc túi ra trả tiền, thì một tiếp viên khác đứng gần đấy vội lấy một chiếc áo vét và một cái cà vạt ướm vào người tôi, rồi mặc áo cho tôi, thắt cà vạt cho tôi rồi đưa tay mời tôi vào trong. Tưởng là một buổi hòa nhạc, ai ngờ vào bên trong mới biết rằng mình vừa bước vào một Play Boy Club với những người đẹp ngực trần, đội hai cái tai thỏ trắng, bưng một cái khay rượu, bước tới mời mình uống rượu! Tôi lúng túng, từ chối. Người đẹp xoay người ngang sang, nhưng nghiêng mình, quay đầu lại để cặp môi gần sát mặt tôi, và nở nụ cười tinh nghịch. Tim tôi muốn ngừng đập, tôi lật đật lùi lại, vấp vào người đến sau, suýt té. Lập cập xin lỗi cả hai, tôi lùi lũi rút vào góc nhà, mãi một lúc sau, mới dám ngồi xuống ghế, thở ra. Ngồi chừng mười lăm phút, tôi lẳng lặng chuồn vì ở lại mãi cũng thế, chẳng có gì khác ngoài các em … nhà nghèo đó bước thẳng lên chiếc bàn thấp mà khách ngồi, đứng trên đó mà nhún nhảy, chờ khách cho "tip" bằng cách bỏ tiền vào chỗ cần bỏ…

    Đêm nay, trong khí lạnh của mùa Giáng Sinh, tôi chợt nhớ tới những mùa Noel trước mà lòng bùi ngùi, vì sự thân thiện, hiếu khách đó đã không còn tồn tại. Bây giờ không ai cho ai đi quá giang. Không ai dám mở cửa cho người lạ bước vào nhà. Vì không phải chỉ có tội ác của người Mỹ gốc Mễ, gốc Phi Châu, mà cả người Mỹ gốc Á châu, nhất là gốc Việt. Người mình, sau chừng một thập niên ở Mỹ, bắt đầu dây dưa với tội ác, lừa gạt, buôn bán mánh mung, trộm cắp, cướp của, giết người, hiếp dâm và buôn xì ke… Nhiều bản án làm xấu hổ dân Việt, ngay cả đến giai cấp thượng lưu như Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Tiến Sĩ, Luật Sư… cũng không tránh khỏi những tiếng xấu, khiến cho xã hội co cụm lại. Người ta bây giờ bớt chia sẻ với những đau thương, hoạn nạn của kẻ khác.

    Trong cộng đồng Việt, tình bạn bây giờ cũng hiếm có, chỉ còn tình bè. Gặp nhau, nhậu nhẹt, ca hát, nhảy nhót... xong rồi, mạnh ai nấy sống, nếu không lường gạt nhau. Tình chiến hữu cũng thế, đôi khi chỉ vì một hư danh, mà đồng đội muốn thanh toán lẫn nhau bằng ngôn từ trên mạng. Cấp dưới gọi cấp trên bằng "Thằng" kèm theo nhiều tĩnh từ, trạng từ xấu xa khác. Bạn thân có thể chia sẻ tâm tình thầm kín bây giờ không còn. Ôi thôi! Tình người nay còn đâu? Nghĩ đến mà lòng đau như dao cắt…

    *
    (1) Sau khi tôi về lại Việt Nam, chúng tôi vẫn thư từ qua lại. Ngày tôi lập gia đình, bà đã gửi cho tôi một món quà rất quí. Tháng 4-75, biết là số phận tôi gặp nguy hiểm, bà đã liên tục viết thư cho Bộ Ngoại Giao, các Nghị Sĩ, Dân Biểu trong địa hạt bà, mong họ cứu tôi ra khỏi tù CS. Nhưng vì không biết chỗ tôi bị tù, nên tất cả đều trả lời bà là "Sorry! Chúng tôi không làm được gì!". Sau khi qua Mỹ theo diện H.O., tôi tìm cách liên lạc lại với bà. Bà mừng quá, mời tôi qua Texas chơi, "Tiến! Qua mau đi, kẻo không kịp gặp tôi. Năm nay gần 80 rồi!". Nghe thế, tôi vội sang thăm bà. Cầm tay tôi, bà đưa vào phòng ngủ của bà và chỉ cho tôi bức tranh tôi vẽ Đức Mẹ bằng sơn dầu, tặng bà năm 1967, vẫn còn treo trên đầu giường ngủ của bà! Sau đó, bà và gia đình bay qua California thăm tôi, bà nói, "Tiến! Tôi phải thăm em lần cuối kẻo mai mốt không có cơ hội nữa. Tôi rất mệt". Vài tháng sau, bà mất.

    (2) Năm 1968. Buổi học cuối cùng trước khi tôi rời San Antonio để bay qua Georgia học tiếp, cô giáo tôi đứng khóc ngào nghẹn ngay cạnh bàn giấy kê bên bảng xanh. Tôi phải bước lên, ôm vai cô và nói, "Tôi không bao giờ quên cô!". Cô nức nở nói, "Tôi yêu anh! Anh là người đàn ông kỳ diệu nhất mà tôi được gặp!"

  2. #2
    CCCĐ
    Tham gia ngày
    Nov 10th 2009
    Nơi Cư Ngụ
    America's Historic Triangle
    Bài gởi
    2,045
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    0

    Default

    Nếu có dịp đến San Antonino thì đừng bỏ qua khu River Walk (lối đi ven bờ sông). Mình thích ăn steak ở Texas Land & Cattle Steak House.

Similar Threads

  1. Ngư dân Việt Nam cứu người trên tàu chìm ở Mỹ
    By Hoàng Na in forum Tin Người Việt Bốn Phương
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-07-2018, 08:34
  2. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 11-15-2016, 22:02
  3. Người đàn bà trên tỉnh lộ 7 .
    By hatat in forum Truyện Ngắn - Hồi Ký
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-28-2016, 22:34
  4. Trên nỗi tình người
    By ld6bdq in forum Thơ - Poems
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 06-04-2009, 18:33

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •