Chánh án Geoffrey lần đầu lên tiếng khẳng định sự độc lập tư pháp của Hong Kong, sau khi Trung Quốc chỉ trích phán quyết bỏ lệnh cấm mặt nạ.

"Hệ thống pháp lý của chúng ta dựa trên các nguyên tắc và đặc trưng cơ bản như bình đẳng trước pháp luật, giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật, suy đoán vô tội, bảo đảm xét xử công bằng và trên hết là sự độc lập về bộ máy tư pháp", Chánh án Tòa phúc thẩm Hong Kong Geoffrey Ma Tao-li phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường luật của Đại học Hong Kong tối 24/11.

Ông cho rằng những điều này đã được thể hiện bằng "các thuật ngữ rõ ràng nhất" trong Luật Cơ bản của Hong Kong. Theo ông, hệ thống luật hiện nay của Hong Kong đang phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả, nhờ sự chuyên nghiệp về pháp lý mang đẳng cấp thế giới và một hệ thống tư pháp được tôn trọng.
Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Ma sau khi Zang Tiewei, phát ngôn viên Ủy ban Hiến pháp và Luật pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPCSC) hôm 19/11 chỉ trích Tòa án Tối cao Hong Kong vượt quyền khi ra phán quyết bỏ lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ, khẩu trang.
Ủy ban Hiến pháp và Luật pháp cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Hong Kong đã làm suy yếu nghiêm trọng quyền lãnh đạo của Trưởng đặc khu và chính quyền đặc khu hành chính, khẳng định chỉ có quốc hội Trung Quốc mới có quyền phán quyết liệu một quy định có phù hợp với Luật Cơ bản của Hong Kong hay không. Tuyên bố này vấp phải sự phản đối của các chuyên gia pháp lý Hong Kong.
Chánh án Geoffrey Ma Tao-li tại lễ khai mạc năm pháp lý ở Hong Kong hồi tháng 1. Ảnh: AFP.
Tòa án Tối cao Hong Kong hôm 18/11 ra phán quyết rằng lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ mà chính quyền thành phố áp dụng từ ngày 5/10 là vi hiến, không phù hợp với Luật Cơ bản ngay cả trong tình hình hỗn loạn hiện nay tại Hong Kong. Tòa án Tối cao hôm 22/11 cho biết chính quyền đặc khu yêu cầu kéo dài thêm thời gian hoãn thi hành phán quyết, nhưng bị bác bỏ và thay vào đó gia hạn lệnh cấm thêm 7 ngày.

Từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong hồi tháng 6, những người tham gia đã sử dụng khẩu trang và mặt nạ phòng độc để đối phó với hơi cay của cảnh sát. Nguyên nhân thúc đẩy biểu tình là dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang những nơi chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền rút dự luật, nhiều người vẫn biểu tình, đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra cảnh sát dùng vũ lực, tổ chức bầu cử dân chủ và trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.

Căng thẳng tại Hong Kong gần đây leo thang khi cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại khuôn viên các trường đại học, sau đó đám đông tập trung trong Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ ngày 17/11. Sau vài ngày cố thủ, phần lớn người biểu tình đã rời khỏi PolyU, trong đó khoảng 1.100 người đã bị bắt.
Hong Kong trở nên yên tĩnh vào cuối tuần qua, khi hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu ủy viên hội đồng của 18 quận trên thành phố. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy phe dân chủ đã giành thắng lợi lớn khi kiểm soát 17/18 hội đồng quận, với 347 ủy viên ủng hộ dân chủ được bầu trong tổng số 452 ghế.

Huyền Lê (Theo SCMP)