Họ hàng nhà kiến có nhiều loại như kiến đen, kiến đỏ, kiến nâu, kiến khâu, kiến bọng, kiến hôi… nhưng thường được sử dụng làm thuốc nhiều nhất là kiến đen ( Formica fusca Linnaeus).


Trứng kiến đen thường được đồng bào các dân tộc miền núi ở phía Bắc thu về để thổi xôi ăn hằng ngày. Nguồn: internet


Theo Đông y, kiến có vị mặn, cay và hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, thường dùng chữa trị rắn cắn, mụn nhọt sưng đau.
Trứng kiến có vị béo, hơi độc nhưng dùng để bổ khí lực rất tốt. Hiện nay một số nước đã sử dụng trứng kiến trong điều trị chứng suy giảm sinh dục của nam giới, giúp sống lâu, trẻ đẹp.
Kiến đen chứa 40-67% protein gồm nhiều loại axit amin, trong đó có 8 chất không thay thế được. Các nhà khoa học cho biết, có nhiều loại côn trùng được dùng làm thuốc chữa bệnh, trong đó có loài kiến đen làm thuốc rất tốt. Hàm lượng các chất dinh dưỡng của trứng kiến đen rất cao, gồm hơn 30 loại axit amin, 31 nguyên tố vi lượng chủ yếu là canxi, sắt, đồng, kẽm, coban (trong đó hàm lượng kẽm cao nhất) cùng các vitamin A, D, E, B1, B12 và hoạt chất tryptohan.
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ kiến đen:
Chữa phụ nữ sau khi sinh ít sữa: Kiến đen hầm với đậu phụ hoặc kết hợp với một số rau quả khác làm món ăn bổ dưỡng chữa bệnh…

Chữa cho người suy nhược: Trứng kiến đen 500g, trứng gà 2 quả, hành 20g, rượu 10g, nước dùng 20g, gừng 10g, bột ngũ cốc 20g, bột hạt tiêu 2g. Sau khi ướp xong cho vào hấp trong 20 phút xào, chưng, hấp ăn.
Chữa viêm khớp, tê thấp, viêm gan mãn tính: Lấy kiến đen rửa sạch xào với mướp đắng ăn hoặc lấy kiến đen ngâm dầu (dầu thầu dầu hoặc dầu lạc) để một thời gian, dùng xoa bóp chữa viêm khớp, tê thấp, viêm gan mãn tính.
Trứng kiến đen thường được đồng bào các dân tộc miền núi ở phía Bắc thu về để thổi xôi ăn hằng ngày làm thuốc bổ, tăng cường thể lực. Phụ nữ cho rằng ăn nhiều trứng kiến đen sẽ có làn da đẹp, mịn màng, tươi tắn.
Lưu ý: Tác dụng của trứng kiến là cung cấp thực phẩm giàu protein tuy nhiên, có thể gây dị ứng cho những người mẫn cảm với arginine, prolin, histidin. Hơn nữa, kiến là loài sống ở những nơi ẩm thấp, trong rừng núi nên sẽ chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn gây hại cho người. Nếu dùng trứng kiến đen không phải loại tươi, sạch thì vô tình chúng ta lại tự đưa thêm vào cơ thể mình những vi khuẩn gây hại. Đặc biệt, những người dùng trứng kiến để ăn gỏi thì càng có nguy cơ ngộ độc cao.


Theo DS Nguyễn Văn Hào/khoahocdoisong.vn