Năm 2005 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một luật tên là "Đạo Luật Khánh Tận 2005 Ngừa Lạm Dụng và Bảo Vệ Giới Tiêu Thụ" ("Bankruptcy Abuse Prevention and Consumer Protection Act of 2005",gọi tắt là BAPCPA). Luật này đã được Tổng Thống Bush ký ban hành có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2005 trên toàn lãnh thổ liên bang đã hoàn toàn thay đổi lề lối khai phá sản cũ, cũng gây khó khăn không ít cho những người đang khổ vì nợ.

Đạo luật BAPCPA được đặt dưới sự giám sát thi hành của một Ủy Ban có tên "United States Trustee Program" trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Ủy Ban có nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống luật khánh tận quốc gia qua việc giám sát cả hai khía cạnh hành chánh lẫn pháp lý trong các vụ khai phá sản trên toàn quốc để bảo đảm luật pháp được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh.

Tổng quát ra, Ủy Ban này có nhiệm vụ áp dụng một phương pháp gọi là "Trắc Nghiệm Trung Bình" (The Means Test) để xác định mức lợi tức của người muốn khai phá sản nếu hội đủ điều kiện khai theo chương 7 xin xóa sạch nợ hay theo chương 13 xin trả nợ dần. Ngoài ra Ủy Ban còn có trách nhiệm kiểm tra bất chợt các hồ sơ khai hoặc theo dõi những vụ nghi ngờ để chắc chắn rằng những chứng từ khai theo chương 7 đều hợp lệ và chính xác.
Ủy ban này còn chuẩn y cho các "cơ sở cố vấn tín dụng" (Credit Counseling Agency) giúp ý kiến cho bất cứ ai trước khi nộp đơn khai phá sản; cùng các trường huấn luyện tài chánh (Debtor Education Provider) cho người sắp được giải nợ.

Tóm lại, theo luật mới trước hết muốn khai khánh tận người nợ phải đi lấy ý kiến cố vấn tín dụng trước khi nộp đơn ra tòa. Tiếp đó trước khi được xóa nợ người ấy còn phải học hỏi cách tính toán tiền bạc (budgeting)điều hành nợ nần (debt management). Những người thuộc giới có lợi tức cao từ nay sẽ không còn được khai phá sản theo chương 7 mà thay vào đó sẽ phải trả lại một phần nào tiền nợ theo chương 13. Thêm một nỗi khó khăn nữa, vì lý do luật mới áp đặt nhiều điều kiện gắt gao cho các luật sư cho nên việc tìm ra luật sư thay mặt cho mình trong các vụ khai phá sản cũng không còn dễ dàng như trước.

Sau đây là chi tiết về những thay đổi quan trọng của luật Khánh tận mới:

- Bắt buộc cố vấn (counseling requirements)
Trước khi khai phá sản dù theo chương 7 hay chương 13, người khai phải hoàn tất thủ tục tham vấn tín dụng với một cơ sở được "United States Trustee Program" chuẩn y. Muốn tìm văn phòng của các cơ sở này tại địa phương thì có thể vào trang webside www.usdoj.gov/ust và chọn đề mục "Credit Counseling and Debtor Education". Mục đích của việc tham vấn là giúp cho người nợ tìm hiểu xem có thật sự cần khai phá sản hay không hoặc chỉ cần đến một chương trình trả nợ không chính thức; nhưng có thể giúp cho đương sự thoát khỏi nợ nần mà khôi phục lại được tình trạng tài chánh của mình.

- Điều kiện đi tham khảo ý kiến của cố vấn tài chánh là bắt buộc cho dù việc dàn xếp trả nợ không thể thi hành được hoặc gặp những món nợ mà người nợ cảm thấy bất công không muốn trả. Việc tham khảo cố vấn là hình thức người nợ phải tham dự, tuy nhiên không bị bắt buộc phải theo bất cứ chương trình trả nợ nào mà cơ sở cố vấn đề xướng ra. Trường hợp nếu cơ sở này đề nghị một chương trình trả nợ thì người nợ vẫn phải đem ra trình tòa án cùng với chứng chỉ xác nhận đã hoàn tất thủ tục tham vấn trước khi chính thức nộp đơn khai phá sản.

- Sau khi vụ khai đã chấm dứt, đương sự lại còn phải tham dự một khóa học khác, nhưng lần này để huấn luyện về cách quản trị và điều hành tiền bạc cá nhân. Sau khi thụ huấn xong đương sự phải nộp chứng chỉ hoàn tất cho tòa án, sau đó tòa mới cấp án lệnh tuyên bố giải nợ hoặc cho dàn xếp trả nợ.

Hạn chế quyền khai phá sản theo chương 7

Theo luật cũ thì người xin phá sản có quyền tùy ý lựa chọn xin khai theo chương nào thích hợp nhất với hoàn cảnh của mình mà phần đông thường khai theo chương 7 để được rũ sạch nợ hoàn toàn mà làm lại cuộc đời. Trái lại, luật mới đặt mức hạn chế cấm không cho người nợ có lợi tức cao khai phá sản theo chương 7 mà bắt buộc phải khai theo chương 13.

Như vậy lợi tức là bao nhiêu thì bị coi là cao?

Theo luật mới, bước đầu tiên trong việc xác định điều kiện khai theo Chương 7 là so sánh "lợi tức hiện tại hàng tháng" ("Current monthly income") với "lợi tức trung bình" ("median income") mà chính phủ đã định đối với từng cỡ gia đình tại tiểu bang cư trú.
Tuy nhiên mức "lợi tức hiện tại hàng tháng" không phải là lợi tức của người ấy tính ngay lúc khai. Mức này là tổng số lợi tức trong sáu tháng liên tục trước khi khai chia cho sáu. Đối với nhiều người nhất là đối với những người khai phá sản vì bị thất nghiệp thì "lợi tức hiện tại hàng tháng" tính theo luật này sẽ cao hơn hẳn số tiền thực sự người này lãnh được vào thời điểm khai khánh tận, thí dụ tiền thất nghiệp của tiểu bang cấp phát.

Luật mới quy định hai mẫu chính thức Bankruptcy Forms B22A và B22B (Statement of Current Monthly Income and Calculations).
Từ 17 tháng 10 năm 2005 mọi người muốn khai phá sản đều bắt buộc phải điền mẫu B22A dùng cho chương 7 với mục đích thử "Trắc Nghiệm Trung Bình" (The Means Test); còn mẫu B22C dùng cho những người khai theo chương 13 xin trả nợ dần. Người khai phải điền vào mẫu mọi chi tiết về lợi tức và chi phí rồi làm tính theo chỉ dẫn.

Sau khi đã tính xong lợi tức thì đem so sánh với bảng "lợi tức tiêu chuẩn" (Median Income) của tiểu bang đang cư ngụ với tin tức lấy từ Sở Thống Kê (Census Bureau) và cơ quan Thuế vụ IRS. (Quý vị có thể tìm bảng "lợi tức tiêu chuẩn" theo từng tiểu bang tương ứng với số người trong gia đình trong webside www.usdoj.gov/ust nêu trên của "United States Trustee Program" và chọn đề mục "Mean Testing Information").

Nếu lợi tức đã tính của người ấy kém hoặc bằng với "lợi tức tiêu chuẩn" thì có thể khai phá sản theo chương 7. Nếu lợi tức nhiều hơn tiêu chuẩn thì phải theo một quy định khác của đạo luật BAPCPA rồi mới được khai trương 7.

"Trắc Nghiệm Trung Bình" (The Means Test)
Mục đích của trắc nghiệm này là tính xem người khai liệu có đủ lợi tức thanh toán được (disposable income) sau khi trừ đi một vài loại chi phí cùng với những số tiền nợ bắt buộc phải trả, như đã được quy định chương trình trả theo chương 13.

Để biết có vượt qua được trắc nghiệm này không, người nợ khởi đầu phải tính ra "lợi tức hiện tại hàng tháng" như đã đã cập ở trên. Từ con số lợi tức này sẽ trừ ra hai khoản tiền sau đây:

(1) Những khoản chi phí được Sở Thuế vụ (IRS) quy định
Tổng quát ra người nợ không được phép trừ những khoản chi phí thực sự như tiền chi xe cộ di chuyển, thực phẩm, quần áo, v..v…, thay vào đó người ấy phải tính theo tiêu chuẩn của IRS đã đề ra mà chắc chắn sẽ thấp hơn chi phí thật sự để sinh sống tại địa phương.

(2) Tiền trả hàng tháng dành cho nợ cầm thế (secured debts) và nợ ưu tiên (priority debts)
Nợ cầm thế là nợ dùng tài sản để bảo đảm cho món nợ, theo đó chủ nợ có quyền xiết vật bảo đảm đó nếu không trả đúng như giao kết, thí dụ như nợ nhà và nợ xe. Nợ ưu tiên là những bổn phận quan trọng trong luật định nên phải ưu tiên trả hàng đầu trong tất cả các món nợ. Điển hình loại nợ này là tiền chu cấp cho con cái, tiền chu cấp cho vợ cũ, nợ thuế và lương bổng còn thiếu nhân viên làm công cần phải thanh toán ngay.

Theo luật nếu người khai có tổng số lợi tức sử dụng được (disposable income) sau khi trừ ra các khoản chi phí đã quy định trên, nếu chỉ còn lại dưới $100 thì trúng tuyển "Trắc Nghiệm Trung Bình"và đủ điều kiện khai theo chương 7 để được hoàn toàn giải nợ. Nếu số tiền còn lại trên $166.66 thì bị loại với kết quả cấm không được khai phá sản theo chương 7 mà bắt buộc phải theo chương 13.

Những người có kết quả ở mức giữa $100.00 và $166.66 thì phải làm thêm vài tính toán nữa. Người ấy phải tính xem số tiền còn lại có đủ để trả thêm 25% các khoản nợ không thế chân hay nợ không có ưu tiên trong thời hạn năm (5) năm (thí dụ như nợ thẻ tín dụng, nợ tiền vay đi học, tiền trả cho nhà thương, v.v…). Nếu tính ra có tiền trả thì cũng kể như hỏng trắc nghiệm và phải khai theo chương 13 xin trả nợ dần. Ngược lại nếu tính ra không đủ khả năng trả như vậy thì được khai phá sản theo chương 7.

Luật mới đưa đến thêm vấn đề khác vì các quy định khó khăn, rắc rối nên rất tốn kém. Luật sư đại diện thân chủ trong vụ khai phá sản phải mất khá nhiều thì giờ và công sức hơn có nghĩa là lệ phí trả cho luật sư sẽ tăng.
Ngoài ra luật mới còn ra nhiều điều kiện gò bó các luật sư, khó nhất là bắt buộc luật sư phải bảo đảm hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về mọi lời khai do thân chủ cung cấp. Điều này có nghĩa là luật sư phải tốn thêm thời gian truy cứu đưa đến kết quả miễn cưỡng tăng thù lao tương ứng. Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng với kết hợp mọi khó khăn do luật mới rồi đây sẽ đưa đến tình trạng một số luật sư chuyên môn luật khánh tận phải chuyển sang ngành khác.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với luật sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

Nguồn: nguoi-viet.com