Những Tháng Ngày Tị Nạn

Ngày rời đảo Pulau Bidong ở Malaysia để vào đất liền đến trại Sungai Besi chờ chuyến bay đi định cư nước thứ ba. Cầu Jetty là nơi chia tay người đi kẻ ở. Lúc từ biệt, cô bạn nhỏ ôm tôi thật chặt khóc sướt mướt, đêm qua hai đứa ngồi trong một quán cà phê ngoài bãi biển nói lời chia ly. Khi nghe bài hát. “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười. Một người lên xe về miền quá khứ, còn người đem theo, toàn vẹn thương yêu……” Cô bật khóc thành tiếng !

Có lẽ nước biển mặn vì nước mắt của phe kẹp tóc rơi xuống. Cô cứ thút thít và giúi vào tay tôi 20 Dollars, thấy cô ở đảo cẩn hơn, tôi trả lại cô. Cô nói là tới nơi viết thơ cho cô qua những dòng nước mắt dàn dụa, đầm đìa ! Còi tàu thúc giục cô vẫn còn nắm chặt và khẻ bóp nhẹ bàn tay tôi. Nắm tay nhau lúc này là truyên cho nhau những tiếng nói chân thật, rung động trút hết từ đáy lòng mình.

Sau hai tuần chờ đợi chuyến bay, thấy thời gian trôi rất chậm, cuối cùng rồi cũng tới ngày lên đường. Chiếc Charter Boeing 747 đến bóc chúng tôi từ phi trường Kuala Lumpur chỉ dừng lại ở Alaska lấy nhiên liệu rồi bay tiếp tới phi trường San Francisco. Sau hơn 13 giờ bay, xe bus tới đưa chúng tôi về trại tị nạn là một căn cứ quân sự cũ ở Richmont, California.

Trên đường từ phi trường San Francisco đến Richmont, ngồi trong xe bus nhìn ra ngoài xe cộ như mắc cửi và chạy rất nhanh trên freeway, tôi nghĩ như thế này thì làm sao mình lái xe được! Những buildings to và liên tục, người người ăn mặc sang trọng. Tôi cảm thấy mình như con cá nhỏ được bỏ vào một hồ gương mới, bị ngộp nước cứ mặc kệ trôi đâu thì trôi!

Ngồi nghĩ ngợi miên man tôi trở về với thực tế, giờ đã xa thật xa quê hương, trong lòng mình đang có cả vui buồn lẫn lộn, vui là thấy đời mình từ nay sẽ thay đổi, được sống trong một đất nước văn minh, giàu có, tự do không còn những ngày ăn cơm phải độn khoai và lúc nào cũng trong tầm nhìn của công an khu vực. Rồi cái buồn cũng vội vàng kéo về, buồn là nghĩ về mẹ, anh chị, mấy đứa cháu đang nhớ mình! “Sài Gòn ơi! Ta có ngờ đâu rằng, một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mãi mãi xa nhau…….”

Khi xe chạy qua cầu Golden Gate ở San Francisco lại nhớ tới thầy Đào Đức Hoàng, dạy Anh Văn, khi đọc những bài trong sách Enghlish ForToday, thầy nói cây cầu lịch sử này là một trong những kỳ quan thế giới (The Wonders of the world), thầy ước mơ một ngày được đi tới cầu này. Thầy ơi! Ngày xưa thầy trò mình ước mơ được đi thăm cây cầu này, giờ con đang tới, con nhớ tới thầy và bạn bè trong giờ học Anh Văn ngày xưa!

Những ngày ở trại Hamilton, Richmont được ăn uống thật thoải mái, hôi USCC (Hội Nhà Thờ) đưa người đến phục vụ ăn uống với những món ăn như mì bò viên, Ham Sanwiches, cơm chiên, gà barbecue, các món ăn tráng miệng như trái cây, ice cream, cookies, đồ uống như Soda, nước trái cây, sữa tươi. Chỉ thiếu sữa Ong Chúa của Kỳ Duyên mà thôi.

Ở trại này được một tuần, tôi theo toán người về cùng thành phố Stockton bằng xe bus Greyhound, tôi cảm thấy mình giờ như các cô thôn nữ bỡ ngỡ lên xe hoa về nhà chồng vì không biết nơi thường trú ở đâu, như thế nào! Đến chiều thì xe bus đổ bến, người sponsor ra dẫn năm đứa về nhà vì cùng chung một người bảo trợ.Trong số năm người có anh bạn đồng hành cũng tên Hiếu, con của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, cựu Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù, sau đó là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB.

Thời gian ở chung nhà với ông bảo trợ, vì không tiền nên đến kho đồ cũ nhà thờ xin quần áo cũ về mặc nhưng còn rất tốt. Tôi tìm được một chiêc quần Jeans hiệu Levi’s vừa vặn, thích vô cùng. Mùa lạnh bắt đầu, tôi mặc chiếc quần này ngủ thì tối hôm đó chiêm bao thấy một anh Mỹ trẻ đè tôi xuống, cởi chiếc quần Jeans ra, giựt mình thức dậy mệt gần chết, hoảng hồn tôi liền cởi chiếc quần Jeans ra, sáng hôm sau đem đốt.

Những ngày cuối tuần đi hái nho, cherry, dưa leo, dưa hấu, cà tomato để kiếm thêm tiền. Mùa cherry, vào vườn nhận 1 cái thùng nhựa đeo trước ngực và 1 cái thang cao, đi từ cây này tới cây kia hái, leo thang cao, gặp gió mạnh thổi té nhào xuống đất, mình mẩy rêm cả tuần. Hái dưa hấu rất nặng, hái xong, hai tay xách 2 thùng dưa đầy chạy theo xe truck, trên xe có người đứng bỏ vào xe. Một ngày chỉ kiếm được từ $50 đến $60, lúc đó thì đồ ăn còn rẻ, mỗi tuân đi chợ đầy một trunk sau xe chỉ tốn khoảng $40, $50 thôi, gà thì một dollar một con. Nhà mới xây 3 phòng, 2000 square feet chỉ có $75000.

Mấy tháng hè tim việc làm để kiếm thêm tiền gởi về Việt Nam. Vào chợ Safeway xin việc, đưa vào khâu xẻ thịt , nhiệm vụ mình chỉ đứng treo cài đùi bò lên móc liên tục, chịu không nổi, nghỉ. Đi bưng đồ ăn cho khách một tiệm phở, khách kêu: "Ê cho xin trái ớt". Buồn, nghỉ. Cuối cùng trở lại vườn hái trái cây, công việc này tuy cực nhưng thoải mái tinh thần hơn.

Hết hè đi học lại, ngoài giờ học xin làm part time ở Cafeteria, $5.60 một giờ, mỗi ngày làm 4 giờ. Mấy tháng đầu chưa có tiền mua xe cũ, phải lội bộ đi về hơn 3 miles từ nhà tới trường, gần mùa Đông trời lạnh phải đi bộ trong Mall.

Những năm đầu vượt biển qua đây, phần nhiều là những danh ca (đánh cá) vì họ sống ở biển có tàu dễ đi hơn, tôi giúp một số anh em mang bài tới nhà chỉ họ làm, nhất là toán, cũng vui vui. Thời điểm đó chưa có Internet nên tối vào library xem tài liệu để học và làm bài có đêm mãi tới 2 giờ khuya mới về tới nhà. Ăn uống thì có một bác gái bên cạnh nhà kho giùm một nồi thịt ăn cả tuần đến nổi thấy thịt phải rùng mình!

Sau hai năm College, chuyển lên California State University Sacramento thêm hai năm thật vất vã vô cùng, toán có căn bản thì không ngán, nhất là cuối năm có những lớp phải lên thuyết trình như thiệt. Mình thì tiếng Anh mới qua mấy năm phát âm cũng không khá lắm, nguyên bài thuyết trình phải học thuộc lòng trước ở nhà thật vất vã vô cùng ! Đã vậy trong lớp họ đặt những câu hỏi trong bài mình phải trả lời, qua sự cố gắng, cuối cùng cũng được điểm B, ở Đại Học điểm C coi như là bị thấp.

Học xong, trước khi đi xin việc ở ngành giáo dục phải qua kỳ thi CBEST của Tiểu Bang gồm Reading, Mathematics và Writing. Writing phải viết hai bài luận (Essay), 50 câu hỏi toán và 50 câu hỏi Reading trong thời gian ấn định. Bài luận thì vào thư viện mượn sách, tập viết thật nhiều, sau khi viết thì vào trường nhờ teachers sửa giùm, lúc đó tôi làm part time ở trường Middle School.

Xong xuôi đi xin việc, một job mà có tới 36 người nộp đơn lúc đó, thấy không thể nào chen chân cùng họ có cả Mỹ, Việt một số sắc tộc khác nhưng không nản chí cứ đi chứ nghĩ rớt là tự mình đánh rớt mình, cuối cùng tôi được nhận việc. Sau này khi đi học tu nghiệp cuối năm 1 tuần với ông Hiệu Trưởng, ổng là một người trong Hội Đồng Interview Job lúc tôi xin việc, ống nói là tôi bằng điểm interview với vài người và họ chọn tôi qua câu hỏi cuối cùng tại sao tôi chọn làm việc với học sinh? Tôi trả lời: “Làm việc với học sinh tôi sống lại với những ngày thơ ấu, làm việc với học sinh tôi sống lại cuộc đời đi học thật đẹp ! (Working with children, it brings me back to my childhood memories, working with children I relive my beautiful student life!). Và làm tới giờ được 31 năm.

Được bổ nhiệm về làm ở một trường trung học, tối đi làm thêm chân technician ở một hãng điện tử, tôi mua một căn nhà sáu tuổi trả góp, nhà bốn phòng ngủ, 2000 square feet chỉ có $99,000. Cuộc sống tạm ổn định, cuối tuần thường đi xa thăm bạn bè anh em ở San Jose, San Diego, các anh Nguyễn Mai Chửng dạy ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật trước năm 1975, anh Phạm Huấn tác giả quyển sách Triệt Thoái Cao Nguyên, lần nào xuống San Jose cũng ghé quán cà phê của anh để nghe kể những ngày cuối cùng Quân Đoàn II, anh là sĩ quan báo chí QĐ thường theo tướng Phạm Văn Phú nên biết được nhiều thông tin chi tiết, tình hình Quân Đoàn.

Thời gian này ba má tôi ở VN khuyên lập gia đình để tránh cảnh cha già con muộn, lúc đó đã 36 tuổi ngoài. Bạn bè giới thiệu nhiều nhưng cũng không đi đến đâu! Một hôm người bạn mời sinh nhật con gái anh, vừa ngồi vào bàn thì đứa cháu gái 26 tuổi đang học college bưng đến cho tôi một dĩa bánh birthday thấy cũng xinh. Lúc tàn tiệc ra về thì cô xách bịt rác ra ngoài bỏ vào cái bin rác lớn và cao, thấy vậy tôi tới bỏ vào cho cô và có dịp làm quen. Sau ngày đó cuối tuần tôi hay ghé lại thăm, khoảng hai năm sau chúng tôi đã đi tới hôn nhân.

Chuyện vợ chồng thật đúng là duyên hay nợ, lúc mình lặn lội đi tìm xa xôi cũng không thấy, và khi duyên nợ đến thì người trăm năm của mình đang đứng ngay trước mặt.

Sông dài cá lội biệt tâm
Phài duyên chồng vợ mười năm vẫn chờ
Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công

Sau khi đám cưới tôi phải kêu anh bạn là chú. Lúc xem tuổi thì cha mẹ vợ ở VN thấy hai đưa kỵ tuổi nhau nên không đồng ý chuyên hôn nhân, cũng nhờ chú đứng ra can thiệp. Nói cho đúng ra lúc yêu nhau thì cha mẹ khó mà ngăn cản, từ đó tôi nghĩ nếu sau này con gái tôi yêu ai thì để chúng tự quyết định vì chuyện vợ chồng là duyên nợ của mỗi người.

Ngày về thăm lại quê hương sau 13 năm xa cách......

Nhìn xuống từ cửa kính của phi cơ đang hạ thấp dần tôi thấy những thảm ruộng xanh mướt bồng bềnh theo chiều gió, những bóng dừa rợp lá, nhiều con đường uốn mình ngoằn ngoèo ôm quanh dòng sông, tất cả tạo thành một bức tranh quê hương thật đẹp trong nắng chiều. Ôi! Quê hương thật chung thủy, sắt son cho dù thời gian có bao lâu, không gian có bao xa, quê hương vẫn âm thầm chờ đợi ngày trở về.

Trong khi chờ đợi thủ tục nhập cảnh, tôi hình dung được nỗi vui mừng của mẹ già hơn mười ba năm xa cách. Kể từ buổi chiều từ biệt mẹ để lên đường vượt biển đi tìm tự do.

Lần này tóc bạc phơ, mẹ già nhiều, thấy còn sức đi đó đây được, tôi đưa mẹ tới những nơi mẹ thích, những nơi có nhiều kỷ niệm xa xưa của mẹ như biển Ba Động, Trà Vinh, lăng Mạc Cữu, Hà Tiên, bến Ninh Kiều. Tôi đưa mẹ ra Huế, Đà Lạt, Nha Trang…Và lần đi chơi này cũng là lần đi chơi xa cuối cùng của đời mẹ.

Sau ba tuần lể quấn quít bên mẹ rồi cũng tới ngày từ giã. Nhìn dáng vẻ tiều tuỵ với hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy guộc tôi bùi ngùi thương mẹ! Trước khi ra phi trường tôi bỏ tiền vào bì thơ đưa cho mẹ và nói: “Con tặng mẹ cái này con vui lắm !” Mẹ hỏi : “Sao vui?” Tôi trả lời: “Vì bây giờ mẹ còn tiêu được, con sợ tới một ngày mẹ không còn tiêu được nữa, mắt sẽ mờ, tai sẽ yếu, đôi chân không còn đi xa được!”

Tôi có một mái ấm gia đình nho nhỏ, một thế giới riêng của mình. Cuộc sống rất bận rộn với hai đứa con gái. Buổi sáng bà xã dậy sớm lo sữa, thức ăn cho cả nhà tôi phải chở hai đứa đến babysitter chiều chở về. Lúc này không thường đi nhậu, uống cà phê như xưa với bạn bè vì không đủ thời gian cho gia đình thì làm gì có thời gian nhiều cùng bạn bè. Đến tuổi đi học thì càng bận thêm, tối chỉ chúng làm homeworks, chở đi học múa Ballet, học Karate, học Piano, cuối tuần chở đi học tiếng Việt nên bây giờ chúng viết, đọc thông tiếng Việt và hát karaoke được. Từ đó tôi mới biết cha mẹ là người thầy đầu tiên của đứa nhỏ, và đứa nhỏ đến trường với sự lo lắng, yêu thương của cha mẹ khác với những đứa trẻ bị hất hủi từ gia đình.

Có lần tôi hỏi chúng: “Mấy đứa có biết ba thương hai con nhiều lắm không?” Chúng nói: “Dạ biết.” Tôi hỏi tiếp: “Sao con biết ?” Chúng trả lời: “Ba dẫn đi xem Disney Movie, ba chỉ con làm homeworks được hạng A, ba rửa chén dĩa giùm khi con học bài và hôm con bịnh Pneumonia (viêm phổi) ba ở với con trong bệnh viên mấy đêm liền.” Nghe chúng kể mà lòng mình sung sướng biết bao! Tôi dẫn chúng về VN thì bên nội cũng như bên ngoại khen chúng ngoan, nói chuyện dạ thưa và nói tiếng Việt rõ ràng.

Tôi có một người bạn ở Pháp từ lúc nhỏ, đi học cũng như về nhà đều nói tiếng Tây, anh bạn nói tiếng Anh rất khá, tôi quen anh trong lớp học Child Development ở Mỹ, anh tâm sự lần đầu về VN đi Taxi anh viết và đưa cho tài xế địa chỉ khách sạn vì anh không còn thân nhân, kêu món ăn phải lấy tay chỉ. Chiều ra thấy bờ biển Vũng Tàu, anh nói quê hương mình đẹp quá rồi anh ngồi khóc vì mình không nói được tiếng mẹ đẻ ngay trên quê hương mình!

Cuộc sống tất bật và thời gian trôi nhanh, hai đứa con cũng theo giòng thời gian lớn dần bây giờ là hai cô sinh viên Đại Học. Hôm con gái lớn ra trường, buổi sáng đứng trước gương chải đầu thì thấy tóc mình đã bạc nhiều, muối nhiều hơn tiêu !

Ghé lại tiệm hoa, tôi mua một đoá hoa Hồng thật tươi, thật đẹp vào hội trường ngồi chờ khai mạc lễ ra trường. Khi nghe họ đọc tên để lãnh văn bằng, lòng mình lâng lâng lên một niềm vui không thể tả! Một ngày chờ đợi của người cha suốt mười bảy năm dài đăng đẵng. Lễ xong con gái đến ôm chằm cha mẹ nói: “Thank you mom and dad for your support!” Và tôi hôn lên trán rồi nước mắt sung sướng của mình tự nhiên rơi nhanh xuống !

HN11