Nước Mỹ và tôi

Sống ở Mỹ lâu ngày tôi cảm thấy mến đất nước này. Trước khi chiếc tàu đánh cá rời bờ biển Vũng Tàu để bắt đầu một hải trình vượt biển đi tìm tự do, tôi đã cầu nguyện cho chuyến đi được thuận buồm xuôi gió. Sau bốn ngày bốn đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi đã may mắn cặp được vào bờ biển Mã Lai. Không ai bảo ai, mỗi người đến mũi ghe đốt nhang để tạ ơn Trời Phật và cảm thấy thương chiếc tàu bé nhỏ đã vất vả vượt đại dương đưa mọi người đến bến bờ tự do! Tất cả được Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc đưa đến đảo Pulau Bidong, một trại tị nạn của Mã Lai. Ở đây được hai tháng thì được phái đoàn Mỹ đến thẩm vấn và chấp thuận cho định cư ở Mỹ.

Thời gian tạm trú tại đây, có nơi ăn chốn ở. Hàng ngày được cung cấp thức ăn, nước uống rất đầy đủ, phải nói là quá đầy đủ so với những ngày ăn độn ở Việt Nam khi cộng sản lên nắm chính quyền. Có một chùa và một nhà thờ trên đồi để sinh hoạt tôn giáo. Những thầy cô cũng tình nguyện mở vài lớp học dạy toán, tiếng Anh và học làm quen với cuộc sống mới ở nước thứ ba cho các em nhỏ và mọi người. Tất cả chi phí đều do Mỹ đài thọ. Tôi cảm thấy bắt đầu mang ơn người Mỹ cho việc làm này.

Bây giờ nghĩ tới những tháng ngày tị nạn là giây phút nhàn nhã nhất trong đời mình, khỏi phải lo nợ áo cơm. Công việc “phải” làm hàng ngày là đi câu cá, đánh cờ tướng, xem văn nghệ cây nhà lá vườn, cà phê thuốc lá dài dài, tán dóc…Khỏi phải lo trả bills hàng tháng. Và bây giờ mới thấy thắm thía câu nói: “Ở Mỹ là thiên đường của trẻ em, là chiến trường cho thanh niên và là nơi buồn thảm cho người già!”

Khi đến Mỹ được trợ cấp welfare và đi học ở college khỏi phải đóng tiền trường lại có tiền mỗi tháng. Trường lại cho mượn tiền Student Loan để mua sách vở, mua xe làm phương tiện đi học, đi đó đây thăm bạn bè. Tôi xin được làm part time ở Cafeteria lại có thêm tiền gởi về Việt Nam cho gia đình. Tôi cảm thấy lại mang ơn nước Mỹ.
Bằng cấp của Mỹ khi tốt nghiệp thì bất cứ nước nào cũng chấp nhận còn bằng cấp ở nước khác vào đây phải trở lại từ đầu. Tôi vừa đi làm part time vừa đi học mặc dù lâu hơn nhiều người nhưng cuối cùng cũng lấy đươc mảnh bằng ở Mỹ rồi cũng tìm được công ăn việc làm như công dân Mỹ. Hai đứa con gái hiện giờ cũng được vào đại học mà không bị duyệt xét lý lịch trích ngang, trích dọc như Việt Nam hiện nay. Tôi cảm thấy lại mang ơn nước Mỹ.

Ở đây lâu tôi thấy văn hoá, tập quán của họ cũng gần gũi với Việt Nam mình. Mỗi buổi sáng ở cổng trường tôi nhìn thấy người mẹ đưa con đi học tới trường hôn hai đứa con và chúng nói với mẹ: “bye mom, I love you mom!” Thì cũng giống như mình: “Thưa mẹ con đi học!” Khi về nhà chúng nói: “Hi mom, I am home.” Thì cũng như mình “Thưa mẹ con mới về” vậy. Con cái tôi cũng học được điều này khi tôi đưa chúng tới trường. Người Mỹ khi tiếp xúc, họ nói chuyện rất lịch sự. Buổi sáng đến trường làm việc thì họ rất niềm nở nào là good morning, how are you? How was your weekend?…..Tôi không cần biết bên trong họ có kỳ thị hay không, nhưng tôi cảm thấy mến họ, mến đồng nghiệp!

Gia đình người bạn vừa qua đây được năm sáu tháng, một hôm tôi tới thăm, anh nói: “Buồn quá muốn về lại Việt Nam!” Tôi nói: “ Anh qua đây vì tương lai con cái, từ từ anh sẽ quen cuộc sống ở đây, anh nên biết rằng anh và gia đình đã đến một nơi mà anh cảm thấy được an toàn, có nhân quyền bảo vệ cho gia đình anh không như ở Viêt Nam bây giờ. Ở đó anh làm ăn lương thiện thì không đủ lo cho gia đình, còn muốn có tiền anh phải làm ăn bất chánh và lúc nào cũng phải lo lắng không biết ngày nào vào tù.”
Còn một chuyện nữa ai cũng biết là những người đi diện HO qua đây là do chính phủ Reagan chi cho VC một chi phí rất lớn với những cám kết có lợi cho VC nên mới được qua đây. Phạm Văn Đồng đã nói: “Những người nguỵ quân phải cho chúng lao động thật nhiều và cho ăn rất ít.” Những cán bộ trại tù thường nói: “Tội các anh đáng chết nhưng nhờ đảng khoan hồng.” Cho nên nếu không có Mỹ thì mình sẽ ở tù cho đến chết. Tôi cảm thấy lại phải chịu ơn Mỹ.

Người Viêt chúng ta có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.” Cũng có câu: “Ăn cây nào thì rào cây đó.” Và lại cũng có câu: “Con sâu làm rầu nồi canh.” Thử hỏi nếu ngược lại người Mỹ bị sa cơ đến Việt Nam thì có được như thế không? Thôi thì nếu mình chưa làm được điều gì tốt, thì đừng làm điều gì xấu cho họ. Các bạn thấy bất cứ thiên tai thảm hoạ nào xảy ra trên thế giới thì Mỹ cũng sẵn sàng cứu trợ, còn thảm hoạ 9-11 ở Tháp Đôi New York do khủng bố gây ra thì không nghe ai cứu trợ và tự họ xây dựng xoa dịu với nhau không than van, không trách mốc các nước láng giềng.

Sống ở đây lâu tôi cảm thấy thương mến họ và xem đây như là quê hương thứ hai của mình. Khi biến cố 30/4/1975 phủ trùm lên quê hương gây biết bao tang thương, đau khổ cho người dân như cơn mưa u buồn, trong cơn mưa đó có những hạt mưa rơi xuống vũng bùn, những hạt mưa tan vỡ giữa trời, và có những hạt mưa may mắn rơi trên những bông hoa đẹp. Chúng ta ở đây là những hạt mưa rơi trên những bông hoa đẹp đó!

HN11