.

Dưới những làn dao mổ


Sau đây là câu chuyện có thật về cuộc đời con chó bị bán cho phòng thí nghiệm. Hàng triệu con chó khác cũng có chung cảnh ngộ thảm thê này.




Hình minh họa

Chúng tôi đặt tên nó là Kiki. Nó là một con chó Đức cao lớn, với hai tai vểnh, lúc nào cũng như đang nghe ngóng để phóng lên chạy khi có tiếng động. Đầu và chân nó dường như là to quá khổ so với cái thân mình nhỏ nhắn với những bắp thịt rắn chắc, thon thon của nó. Từ lớp da đầy bọ chét rúc rỉa và cái tai không được rửa ráy bốc ra chung quanh nó một mùi hôi hám khăn khẳn. Tựu chung thì nó cũng chẳng có gì là đặc biệt lắm đối với một con chó trong số hàng ngàn con chó khác đã không có cái may mắn được có một người chủ.

Năm học đó là niên khóa thứ ba tại trường thú y của tôi, và con chó được nhà trường mua từ một sở nhốt súc vật đi lạc. Tam cá nguyệt sắp tới, bốn người trong số chúng tôi sẽ thực tập về kỹ thuật mổ xẻ trên thân mình nó. Đó là buổi thực tập mổ xẻ đầu tiên của chúng tôi trên mình một con thú loại nhỏ còn đang sống.

Kiki rất nhiều tình cảm, luôn luôn tỏ ra thân thiện với mọi người . Mỗi khi thấy chúng tôi bước tới gần, mắt Kiki sáng long lanh nhìn, miệng rên lên ư ử, đuôi vẫy rối rít, quất lia lịa vào thành cái chuồng nhỏ bằng nan sắt. Mà chúng tôi cũng chẳng cho nó được nhiều nhặn gì, bất quá là dắt nó ra ngoài, vỗ nhè nhẹ vào đầu nó vài cái, và cho nó đi loanh quanh một cuốc ngắn trong sân trường, rồi lại dẫn nó trở về cái chuồng chật chội mà nó sống qua ngày.

Rồi thì buổi thực tập cũng đã tới. Việc đầu tiên chúng tôi làm là hoạn nó. Cuộc mổ này chỉ là chuyện nhỏ, ngoại trừ chuyện chúng tôi đã dây dưa ra tới cả giờ đồng hồ cho cái việc lẽ ra chỉ làm xong trong vòng 20 phút, để bọn sinh viên chúng tôi bàn luận, nghiên cứu. Và vì biết rằng chúng tôi sẽ mầy mò thân mình nó lâu hơn thường lệ, chúng tôi đã tặng nó liều thuốc mê nặng hơn, cộng thêm phần thuốc "phòng xa", nên sau khi mổ xong, nó đã ngủ thẳng cẳng tới 36 tiếng đồng hồ.

Tuy vậy, nó cũng mau chóng hồi phục và lại vui vẻ, vẫy đuôi, mừng rỡ khi gặp chúng tôi như thường lê..

Hai tuần sau, chúng tôi tiến hành một cuộc thám hiểm sâu xa hơn. Chúng tôi mổ banh bụng nó ra, kiểm tra lục phủ ngũ tạng của nó, rồi khâu kín trở lại . Đối với tất cả chúng tôi, đây là cuộc giải phẫu lớn đầu tiên và vì không có sự giám sát thích hợp, chúng tôi đã không khâu lại một cách thích đáng.

Sáng sớm hôm sau, vết mổ bị bể ra, và nó ngồi đè lên khúc ruột của chính nó. Chúng tôi vội vã đem nó lên phòng mổ, khâu lại cho nó, nhờ vậy, nó thoát chết.

Nhưng cũng phải đến hơn một tuần lễ sau nó mới có thể bước được để mà hăm hở gia nhập vào cuộc đi tản bộ. Nó vẫn vẫy đuôi khi chúng tôi tới gần và mừng rỡ đón tiếp chúng tôi với tất cả cảm tình nồng nhiệt của nó.

Vài tuần lễ sau, một lần nữa, trong khi nó nằm trong cơn say thuốc mê, chúng tôi bẻ gẫy chân nó rồi chắp lại bằng cách kèm theo một thanh sắt nhỏ.

Sau lần mổ này, dường như Kiki bị đau đớn liên tục, nhiệt độ tăng lên và nó không hồi phục mau lẹ như trong quá khứ. Nó đã mất cái khả năng phục hồi mau lẹ. Mặc dầu được dùng thuốc kháng sinh, nó không bao giờ hoàn toàn bình phục. Bước đi của nó lảo đảo, và sự thăm viếng của chúng tôi cũng chỉ có thể làm cho nó gắng gượng vẫy đuôi một cách yếu ớt. Tia sáng lấp lánh từ mắt nó chiếu ra trước kia, nay đã biến mất. Cái chân bị mổ ra để ráp nối lại vần còn xưng cứng.

Tam cá nguyệt đã qua và cuộc đời của Kiki chỉ còn kể ngày. Một buổi chiều, chúng tôi chích cho nó một mũi thuốc để nó được vĩnh viễn ra đi .

Khi mà sự sống từ từ rời khỏi thân mình nó và đôi mắt nó bắt đầu lạc thần thì cũng chính là lúc mà quan điểm về sự nghiên cứu trên mình con vật sống của tôi bắt đầu thay đổi .

Sưu tầm