Những điều nên biết về căn bệnh ung thư






Ung thư hiên vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh ung thư ảnh hưởng đến mọi người bất kể quốc gia, chủng tộc hay tôn giáo, bất kể lứa tuổi, giới tính hay địa vị xã hội. Vậy ung thư là gì?





Ung thư là gì?

Ung thư (cancer) là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ánh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu.


Để cơ thể hoạt động bình thường, mỗi cơ quan phải có một số lượng tế bào nhất định. Tuy nhiên, các tế bào trong hầu hết các cơ quan đều tồn có tuổi thọ nhất định và để tiếp tục hoạt động, cơ thể cần thay thế các tế bào bị mất này bằng quá trình phân chia tế bào.


Sự phân chia tế bào được điều khiển bởi các gien nằm trong nhân tế bào. Các gien này có vai trò chỉ thị các tế bào cần sản xuất loại protein nào, phân chia như thế nào và nó sẽ sống bao lâu. Tuy nhiên, quá trình này có thể bị phá vỡ khi có lỗi xảy ra trong lúc chỉ thị.







Cơ thể đưa ra một số cơ chế để ngăn chặn các lỗi trong gien xảy ra và loại bỏ các tế bào gien bất thường khỏi cơ thể. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của một số người, cơ chế phòng thủ này hoạt động không đủ mạnh và một số lượng của các tế bào bất thường đã thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể và phát triển. Sau đó, những tế bào ung thư này tụ tập lại thành khối u và tiêu diệt các mô bình thường.


Không phải tất cả các khối bướu đều là ung thư, các khối bướu có thể lành tính hoặc ác tính. Khối u lành tính không phải là ung thư và có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật và trong hầu hết các trường hợp, khối bướu lành tính không tái phát. Các tế bào trong khối bướu lành tính không lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Các khối bướu ác tính là ung thư. Các tế bào trong những khối bướu này có thể xâm nhập vào các mô lân cận và lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Sự lây lan của ung thư từ một phần của cơ thể đến bộ phận khác được gọi là di căn.



Ung thư không chỉ là một bệnh mà là nhiều bệnh. Theo thống kê từ International Agency for Research on Cancer, WHO, http://globocan.iarc.fr/ có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Hầu hết các bệnh ung thư được đặt tên theo cơ quan hoặc loại tế bào mà chúng khởi phát. Ví dụ, ung thư khởi phát trong dạ dày được gọi là ung thư dạ dày. Một số ung thư không tạo thành các khối bướu, ví dụ như bệnh bạch cầu là một loại ung thư của tủy xương và máu.




Nguyên nhân gây ung thư?


Ung thư xảy ra khi có sự thay đổi trong các gien chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và sửa chữa của tế bào. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và các tác nhân bên ngoài mà có thể được phân loại như sau:


Các tác nhân vật lý: Chẳng hạn như tia cực tím (UV) và bức xạ i-on hóa

Các tác nhân hóa học: Chẳng hạn như khói A-mi-ăng Asbestos và khói thuốc

Các tác nhân sinh học: Chẳng hạn như nhiễm trùng do vi-rút (vi-rút viêm gan B và ung thư gan, vi-rút Papilloma ở người (HPV) và ung thư cổ tử cung) và vi khuẩn (Helicobater Pylori và ung thư dạ dày) và ký sinh trùng (Schistosomiasis và ung thư bàng quang).

Thực phẩm nhiễm độc như nhiễm độc tố từ nấm như Aflatoxin trong nấm mốc có thể gây ra ung thư gan.







Người hút thuốc lá và người hít phải khói thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao



Thuốc lá và những tác hại: 40% các ca ung thư có thể được ngăn ngừa được nếu biết cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất và không hút thuốc lá.


Người hút thuốc lá dễ có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư phổi, hầu họng, miệng, tuyến tụy, bàng quang, dạ dày, gan, thận và các loại khác; người thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng dễ mắc bệnh ung thư phổi. Hiện nay, những người hút thuốc lá được xem là tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh ung thư và có thể dẫn đến một số bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, dạ dày, bàng quang, khoang miệng và nhiều loại khác.




Chế độ ăn uống và lối sống: Tuy còn phải thực hiện nhiều nghiên cứu sâu thêm để khẳng định, nhưng hiện đã có một số bằng chứng chứng đáng tin cậy cho thấy thói quen ăn uống và thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng góp phần gia tăng nguy cơ gây ung thư: điển hình như chế độ ăn uống không cân bằng như thiếu rau quả và lượng muối cao, ít hoạt động thể chất, béo phì. Ngoài ra, nhiều chứng cứ khoa học cũng chỉ ra rằng rượu cũng có thể gây ra nhiều bệnh ung thư như ung thư thực quản, họng, thanh quản, gan, vú...






Tập thể dục thường xuyên hạn chế nguy cơ bệnh tật




Các dấu hiệu của ung thư?


8 dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư gồm:


o Vết thương không chịu lành (lâu lành)

o Có khối bướu hoặc cảm giác cộm bên trong vú hoặc ở các bộ phận khác

o Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường

o Những thay đổi thói quen của đường ruột như tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón kéo dài

o Những thay đổi bất thường trong nốt ruồi, mụn cóc

o Tình trạng khó tiêu hóa, khó nuốt kéo dài và dai dẳng

o Khàn giọng hoặc ho kéo dài

o Bắt đầu suy giảm thính lực, xuất hiện tiếng ồn liên tục trong cùng một tai

Những dấu hiệu này không phải luôn luôn có nghĩa là ung thư nhưng nếu chúng vẫn tồn tại, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn ngay.





Theo hyvong