Trước hết tôi xin cảm tạ ban tổ chức, gồm có quý vị trong Liên Đoàn Võ Đạo Việt Nam và Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn đã cho tôi được dịp ngỏ lời trong buổi lễ long trọng này để giới thiệu tuyển tập viết về một vị anh hùng trong quân đội đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự, không chịu đầu hàng địch quân, là cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.


Đối với tôi, ông không phải là người xa lạ, vì tên tuổi của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã sáng chói trong quân sử Việt Nam. Dù là một quân nhân hay là một thường dân, ai là người đã để tâm tới sự thăng trầm của đất nước cũng phải biết đến ông. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu nổi bật kể từ tháng 11 năm 1967 khi ông chỉ huy Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù với chiến thắng oanh liệt trong trận đánh đồi Ngok Van, cao điểm 1416 ở Kontum, trong một cuộc xung kích dạ chiến đã tiêu diệt trọn vẹn một trung đoàn chủ lực Bắc Việt. Đây là một cuộc hành quân phối hợp với Lữ Đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ chịu trách nhiệm tấn công đồi 875 và một Trung Đoàn của Sư Đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ có nhiệm vụ thanh toán đồi 1338 là hai ngọn đồi thấp hơn ở cùng một vùng cao nguyên. Sau đó ông cùng với đơn vị, nay được nâng cấp thành Lữ Đoàn, về tham gia trận đánh Tết Mậu Thân đợt I và II ở ven đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, trợ giúp công việc giải tỏa cho thủ đô. Ông là một vị chỉ huy được coi là phúc tướng, đánh đâu thắng đó và ít thương vong tới binh sĩ và thường dân. Những năm kế tiếp, khi được thăng cấp để nắm quyền tư lệnh những đại đơn vị bắt đầu là Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong bốn năm và rồi trở thành Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, ông được quân và dân biết tới như một vị chỉ huy tài ba, đức độ, thanh liêm và rất mực thương quân sĩ cùng gia đình dưới quyền.


Tốt nghiệp Khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vào tháng 10 năm 1953, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã nêu gương sáng của một chàng trai thời loạn, theo tiếng gọi của non sông, lên đường vì nghĩa vụ. Là một công chức, đã có kinh nghiệm về hành chánh, ông có thể xin làm về tham mưu, nhưng ông đã là một trong số 9 tân sĩ quan của một khóa có 750 người tốt nghiệp chọn ngành chiến đấu tiền phương là Nhẩy Dù. Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, từ ngày ông ra trường cho đến khi ông tuẫn tiết để giữ tròn danh dự và tránh sự thương vong thêm cho dân quân hai miền đã được nhiều nhân chứng mọi cấp và mọi giới đã biết ông và ghi lại trong những ngày qua thành những trang sử oai hùng và hồi ký trung thực và sống động, nay đã được Hải Quân Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí, là cháu ruột gọi Thiếu Tướng bằng cậu, sưu tầm đầy đủ và trình bày thành cuốn sách NGUYỄN KHOA NAM chúng ta có trong tay hôm nay.


Tuy chỉ gặp người anh hùng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam một vài lần khi ông còn ở trại Hoàng Hoa Thám, nhưng vì lòng kính trọng gương liệt sĩ ông để lại cho hậu thế mà từ mấy năm qua tôi đã đọc sách báo và biết thêm nhiều về ông. Những bạn cùng khóa với ông đã thành lập Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 3 Thủ Đức và mỗi năm hai kỳ đã đều đặn xuất bản những đặc san có tên là Đặc San Nguyễn Khoa Nam, lấy tinh thần trung kiên, yêu nước, thương dân của ông làm phương châm hướng dẫn cuộc đời không những cho những hội viên, năm nay đã ở tuổi bẩy mươi và tám mươi mà sẽ còn mãi mãi cho những thế hệ mai sau. Tuy không được học cùng ông một khóa nhưng tôi vẫn nhận được đặc san vì đã viết bài đóng góp theo tinh thần Nguyễn Khoa Nam từ những số đầu, và trên Đặc San số 18 của giữa năm 2001 tôi mới nhận được tôi vẫn có vinh dự được ghi tên trong số những người cộng tác, đứng cùng với những học giả như giáo sư Nguyễn Sĩ Tế, bác sĩ Nguyễn Tường Bách, luật sư Đào Hữu Dương ... , những bậc niên trưởng đã cùng chia sẻ tâm nguyện với ban biên tập.


Cùng với Đặc San Nguyễn Khoa Nam, mà sự phổ biến chỉ giới hạn trong phạm vi hội viên và thân hữu của Khóa 3 Thủ Đức, tuyển tập về Nguyễn Khoa Nam ra đời thật đúng lúc. Thế hệ di cư đời thứ hai ở hải ngoại đã trưởng thành, nhiều bạn đã ở những địa vị có quyền lực ở những nước cư ngụ. Giới trẻ trong nước cũng đã bắt đầu có những nhận xét thấu triệt hơn về thực chất giả tạo và lường gạt của những nhà lãnh đạo Cộng Sản. Giờ đây là lúc cần thiết để chúng ta giới thiệu những mẫu người anh hùng, chân chính yêu nước để làm gương sáng cho hậu sinh. Một học giả uyên thâm ở trời Tây đã viết một bài thơ trong đó có hai câu:



“ Thánh nhân thử địa tằng lưu tích,

Tuấn kiệt hà phương vị bất lai?”




có nghĩa rằng đất nước ta, tiền nhân đã để lại những chiến tích oai hùng, vang danh xứ sở, mà nay lớp cháu con ưu tú sao chưa thấy đứng lên để đáp lời sông núi. Những cuốn sách như Nguyễn Khoa Nam cần phải được phổ biến rộng rãi để tới tay các em. Tôi xin nhiệt liệt ca ngợi sự cố gắng sưu tầm tài liệu của anh chủ biên Nguyễn Mạnh Trí và sự ấn hành và phổ biến sách của anh Phạm Văn Thanh, người mà tôi biết có nhiều thiện chí phát huy văn hóa Việt Nam, từ khi gặp anh còn là một sinh viên ở Đại Học Michigan cách đây hai mươi năm.



Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh,

tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức,

là Đại Tá Tư Lệnh Không Quân thời Đệ Nhất Cộng Hòa.


(Trích nguyenkhoanam.com .)