PDA

View Full Version : Đôi Điều về Bệnh Tiểu Đường



vinamaster
11-09-2009, 11:20
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/100222-medium_SucKhoe-NguyenTranHoang.jpg

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

(714) 531-7930
nguyentranhoang@aol.com

Kỳ 1


Hỏi:
-Tiểu đường theo em hiểu, tức là đi tiểu ra đường, tức là trong nước tiểu có đường, vậy mà sao em lại thấy bác sĩ thử máu má em để chẩn đoán bệnh tiểu đường mà không chỉ thử nước tiểu? (Tí khờ)

-Tôi nghe nói ăn đường nhiều có thể bị tiểu đường, vậy mà sao tôi ăn uống rất cẩn thận lại vẫn bị tiểu đường? (bà Hiền)

-Em bị tiểu đường lúc có thai, sinh con xong thì hết bị tiểu đường, nhưng nghe nói sau này sẽ dễ bị tiểu đường hơn, có đúng không? (Dung)

-Tôi nghe nói một số thuốc có thể gây ra tiểu đường, có đúng không? Xin cho biết các nguyên nhân gây ra tiểu đường? Bệnh tiểu đường có di truyền hay không? (Richard, An, Hung)

-Ở Việt Nam tôi ít thấy người bị tiểu đường mà ở bên Mỹ này lại thấy bạn bè bị bệnh này quá nhiều, tại sao vậy? Làm sao để biết là mình có bị tiểu đường hay không? (bác Cầm)

-Tại sao cùng là bị tiểu đường mà lại có người có thể uống thuốc, có người lại phải chích thuốc? Tôi sợ chích thuốc quá, có thể uống thuốc thay thế thuốc chích được không? (Nam, Thanh)

-Nghe nói bị tiểu đường thì thế nào cũng bị suy thận và dễ bị mù, có phải vì uống thuốc mà gây ra chuyện này hay không? Ngoài suy thận, mù mắt tiểu đường còn có các biến chứng nào khác hay không? Làm sao để tránh các biến chứng này? (Tuyen, Bắc)

-Tôi nghe một số người quảng cáo thuốc chữa khỏi hẳn bệnh tiểu đường, mà theo tôi biết hình như bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi hẳn, xin cho biết giùm sự thật như thế nào? (Van, Như, Lai)


Tiểu đường là gì?

Tiểu đường, khác với tiểu (ngoài) đường, tiếng Anh gọi là Diabetes Mellitus, là một hội chứng (tức là sự tụ hội của nhiều triệu chứng) do rối loạn về chuyển hóa và sự gia tăng mức đường trong máu một cách không thích hợp. Khi mức đường trong máu tăng quá mức bình thường, nó sẽ không thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho cơ thể làm việc, mà có thể bị thải một cách phung phí ra nước tiểu. Vì việc đi tiểu ra (chất) đường chỉ là hậu quả của việc gia tăng quá đáng của mức đường trong máu, nên việc chẩn đoán tiểu đường được thực hiện bằng cách thử mức đường trong máu, chứ không phải bằng cách tìm đường trong nước tiểu.

Trong cơ thể có một chất nội tiết (hormone) chịu trách nhiệm chính về việc chuyển hóa đường, gọi là chất insulin. Insulin do một cơ quan nằm trong bụng gọi là tụy tạng hoặc là lá mía (pancreas) tiết ra. Khi đường trong máu tăng cao, ví dụ như sau khi ta uống nước đường, mới ăn xong..., insulin sẽ được tiết ra nhằm kiềm chế sự gia tăng này bằng cách đem đường cất vào các nhà kho, hoặc đem vào các xưởng chế biến nó thành chất đạm hay chất béo dự trữ trong cơ thể; nó cũng góp phần đem đường vào các bộ máy làm việc của cơ thể (như tế bào cơ bắp, tế bào não...) để chất đường được chuyển hóa thành năng lượng giúp cho tế bào có thể làm việc.

Một chất nội tiết khác cũng tham gia vào việc chuyển hóa đường gọi là chất glucagon, cũng được tiết bởi tụy tạng, có tác dụng ngược lại với insulin. Khi mức đường trong máu xuống quá thấp, nó có thể được tiết ra để nâng mức đường trong máu lên.

Cũng còn nhiều chất khác ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất đường trong cơ thể. Tuy nhiên, insulin là chất chính yếu làm nhiệm vụ này, glucagon góp phần nhỏ hơn, còn các chất kia chỉ ảnh hưởng một phần.

Khi cơ thể bị thiếu insulin một cách tuyệt đối hay tương đối, hoặc khi mà chất glucagon bị tiết nhiều quá, đó là lúc mà mức đường trong máu tăng cao quá mức, làm cho ta bị tiểu đường. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nữa. Tuy nhiên, tiểu đường thường gặp nhất là do sự rối loạn của insulin.



Tại sao bị bệnh tiểu đường?

Khi insulin bị thiếu một cách tuyệt đối, tức là khi các tế bào của tụy tạng tiết ra insulin (được gọi là tế bào bêta) bị phá hủy, không thể tiết ra được insulin đủ theo nhu cầu của cơ thể, ta sẽ bị tiểu đường loại 1 (type 1 diabetes). Vì vậy mà những người bị tiểu đường loại 1 cần phải chích insulin.

Sự phá hủy của các tế bào bêta tiết ra insulin, trong 90% các trường hợp, bị gây ra bởi một quá trình được gọi là tự miễn (autoimmune). Tự miễn là một quá trình mà trong đó các tế bào miễn dịch (quân lính) của cơ thể cứ tưởng một phần nào đó của cơ thể (trong trường hợp này là các tế bào bêta tiết ra insulin) là kẻ thù, và quân ta cứ thế mà xúm vào đánh quân mình. Khi các tế bào bêta bị thiệt hại đến một mức nào đó, nó sẽ không còn đủ sức để cung cấp lượng insulin cần thiết cho cơ thể, và thế là ta bắt đầu bị tiểu đường loại 1.

Loại tiểu đường thường gặp nhất lại là bệnh tiểu đường loại 2 (type 2 diabetes). Trong trường hợp này, các tế bào bêta vẫn mạnh khỏe và tiết ra đầy đủ insulin. Tuy nhiên, khi đến các tế bào để lên chương trình cho các tế bào tiếp nhận đường vào để biến thành năng lượng hoạt động, những tên gác cửa (receptor) của tế bào lại trở chứng không cho insulin vào làm việc (tiếng Mỹ gọi là “insulin resistance”), và do đó, tế bào không thể dùng chất đường, và mức đường lại trong máu lại bị tăng cao. Chất đường lang thang ngoài máu vô tích sự rồi quậy phá lung tung gây ra đủ biến chứng.

Ngoài hai nguyên nhân chính (bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tiểu loại 1) kể trên, đường trong máu cũng có thể tăng cao trong một số các trường hợp khác. Trong các trường hợp này, nếu nguyên nhân được giải quyết, mức đường trong máu sẽ có thể trở lại bình thường. Một số trong các nguyên nhân này là:

-Một số u bướu tiết ra các chất nội tiết có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu.

-Một số thuốc có thể làm tăng đường trong máu. Ví dụ: Các chất có chất glucocorticoids (thường dùng trị viêm khớp và các loại viêm khác, có người còn lạm dụng để trị cảm), các chất thuốc kích thích thần kinh giao cảm...

-Một số bệnh của gan.

-Các rối loạn của các mô mỡ.

-Một số bệnh của tụy tạng.

-Một số rối loạn của bắp thịt (myotonic dystrophy).

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Kỳ 2

Hỏi:

-Em bị tiểu đường lúc có thai, sinh con xong thì hết bị tiểu đường, nhưng nghe nói sau này sẽ dễ bị tiểu đường hơn, có đúng không? (Dung)

-Ở Việt Nam tôi ít thấy người bị tiểu đường mà ở bên Mỹ này lại thấy bạn bè bị bệnh này quá nhiều, tại sao vậy? Làm sao để biết là mình có bị tiểu đường hay sắp bị tiểu đường hay không? (bác Cầm)

-Ba em và ông nội em đều bị tiểu đường, ông nội em đã chết vì tiểu đường nặng quá làm hư thận và phải cưa chân rồi bị nhiễm trùng. Em nghe nói tiểu đường có thể di truyền và đang sợ bị giống như ba và ông nội. Có cách nào để ngừa bệnh tiểu đường hay không? (Thanh)

-Có phải ăn nhiều đường sẽ làm dễ bị tiểu đường hay không, có những yếu tố nào khác khiến dễ bị tiểu đường hay không? Và nếu tránh những yếu tố này có thể giúp không bị tiểu đường hay không? (Hạnh, Nguyên Nhung)



Tiểu đường lúc có thai

Khoảng 2 phần trăm các bà bầu bị tiểu đường trong lúc có thai, tiếng Anh gọi là “gestational diabetes”. Loại tiểu đường này, một cách rất tóm tắt, là hậu quả của việc kết hợp các tác động của các các chất kích thích (hormone) từ nhau thai và việc gia tăng ăn uống khi có thai. Ở những phụ nữ này, tỉ lệ sẽ bị tiểu đường trong lúc có thai lần sau là khoảng từ một đến hai phần ba (tùy theo các nghiên cứu khác nhau).

Theo một số nghiên cứu, nếu mức đường trở về bình thường sau khi sanh trong vòng 4 đến 16 tuần, tỉ lệ bị tiểu đường loại 2 ở các phụ nữ này là khoảng 12%; nếu mức đường vẫn không trở về bình thường (nhưng vẫn chưa cao đến tiêu chuẩn của bệnh tiểu đường) sau khi sanh trong vòng 4 đến 16 tuần, tỉ lệ bị tiểu đường loại 2 ở các phụ nữ này là khoảng 84%. Con cái của các bà bầu bị tiểu đường trong lúc có thai cũng sẽ có nguy cơ cao hơn bị tiểu đường khi lớn lên.

Bên cạnh việc bị tiểu đường khi có thai, một số yếu tố khác cũng góp phần báo trước nguy cơ sẽ bị tiểu đường sau này:



Các yếu tố báo trước việc gia tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 2:

- Bị “tiền tiểu đường”: ở những người này, mức đường chưa tới tiêu chuẩn bị tiểu đường, nhưng lại cao hơn bình thường. Ngoài việc dễ bị tiểu đường loại 2 hơn, họ cũng có nguy cơ cao bị các biến chứng tim mạch như các cơn kích tim (heart attack), đột quị (stroke). Xin nhắc lại, mức đường trong huyết tương (plasma) lúc nhịn đói trên 12-14 tiếng đồng hồ, được coi là bình thường nếu dưới 99 mg/dL; gọi là tiền tiểu đường khi từ 100 đến 125, “đụng” vào mức 126 mg/dL trở lên thì được chẩn đoán là tiểu đường.

- Quá cân, mập phì: Giảm cân ở những người này sẽ giúp giảm nguy cơ tiểu đường loại 2. Trong số này, những người bị mập bụng và phần trên cơ thể sẽ có nguy cơ bị tiểu đường loại 2 cao hơn so với những người mập mông và phần dưới cơ thể. Tỉ lệ vòng eo/vòng hông (waist-to-hip ratio) trên 0.95 ở các ông quá cân và trên 0.85 ở các bà quá cân, là một yếu tố cho biết họ sẽ có nguy cơ bị tiểu đường loại 2 cao hơn. Những người nhẹ cân lúc sanh nhưng trở nên quá cân lúc lớn lên cũng sẽ có nguy cơ tiểu đường loại 2 cao hơn.

- Một bất thường ở buồng trứng gọi là hội chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovary syndrome-buồng trứng có nhiều nang) cũng là yếu tố báo trước phụ nữ đó có nguy cơ cao bị tiểu đường loại 2. Một số đặc điểm của hội chứng này là kinh nguyệt không điều hòa, nhiều trứng cá và lông mặt.



Các yếu tố báo trước việc gia tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 1:

Yếu tố quan trọng nhất là yếu tố di truyền, cộng với một số tác động của môi trường.

Tìm một số kháng thể trong máu có thể giúp tiên đoán sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 1. Các loại kháng thể (antibodies) được áp dụng trong thực tế nhiều nhất nhằm mục đích này là islet-cell antibodies, insulin autoantibodies, and antibodies to glutamic acid decarboxylase, đây là các loại kháng thể mà “phe mình” (cơ thể) sản xuất ra để chống lại các thành phần “phe ta” (cũng của cơ thể mà bị coi là “quân địch”) góp phần vào việc sản xuất ra insulin (chất chính tham gia vào việc điều hòa lượng đường trong cơ thể - như đã trình bày).



Có cách nào để phòng bệnh tiểu đường hay không?

Một số nghiên cứu đã được và rất nhiều đang được thực hiện để tìm hiểu điều này. Trong đó, việc phòng ngừa hoặc làm chậm lại thời gian bị tiểu đường loại 2 (là loại chiếm khoảng 90% các trường hợp bênh tiểu đường) đã cho thấy nhiều kết quả, còn các nghiên cứu trong việc phòng ngừa tiểu đường loại 1 (chiếm khoảng 10% các trường hợp bênh tiểu đường) vẫn chưa có kết quả và tiến bộ rõ rệt.

Các phương cách để phòng bệnh tiều đường loại 2: Ba phương cách chính là thể dục, giảm cân, và dùng thuốc.

Thể dục đều đặn đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu là yếu tố giúp giảm nguy cơ bị tiểu đường loại 2. Ða số các nghiên cứu được thực hiện ở những người bị “tiền tiểu đường” (có mức đường cao hơn bình thường nhưng chưa tới “tiêu chuẩn” tiểu đường). Nếu thay đổi để thể dục hàng ngày và ăn uống lành mạnh trở thành lối sống của mình, tỉ lệ bị tiểu đường ở những người này có thể giảm xuống chỉ bằng khoảng một phần ba so với những người không thực hiện điều này.

Giảm cân, và duy trì được việc này, ở những người quá cân, đã được chứng minh rất rõ là có thể giúp giảm mức đường ở những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, và làm chậm lại sự tiến triển đến bệnh tiểu đường loại 2.

Nhiều loại thuốc, hầu hết được dùng trong việc điều trị tiểu đường loại 2 hoặc cao huyết áp, đã được dùng trong nhiều nghiên cứu để phòng ngừa và làm chậm lại sự phát triển của bệnh này ở những người bị tiền tiểu đường.

Trong số đó, thuốc metformin hình như đã được nghiên cứu nhiều nhất trong mục đích này. Nó đã được chứng tỏ có hiệu quả, nhất là khi kết hợp với thể dục và giảm cân.

Một số nhóm thuốc khác cũng đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là có hiệu quả trong mục đích này là:

- Nhóm thiazolidinediones, với các thuốc rosiglitazone và pioglitazone, với cơ chế làm tăng sự nhạy cảm của các bắp thịt với insulin, giúp kích thích tăng tiết insulin, và giúp giảm mức đường ở những người bị tiền tiểu đường xuống mức bình thường, đã được chứng tỏ là có thể làm ngưng hoặc chậm lại sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

- Nhóm Angiotensin-Converting Enzyme (ACE) inhibitors: Ðây là các thuốc thường được dùng trong việc trị bệnh cao huyết áp. Trong một nghiên cứu lớn ở những người bị bệnh tim mạch, thuốc này đã cho thấy cũng góp phần làm chậm lại hoặc phòng ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

- Nhóm Alpha-glucosidase inhibitors, cũng là một nhóm thuốc trị tiểu đường loại 2 bằng cách thay đổi việc hấp thu thức ăn ở ruột. Trong một nghiên cứu, nhóm này cũng đã được chứng tỏ là có thể phòng ngừa và làm giảm sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

Các thuốc kể trên đều cần toa và sự theo dõi của của bác sĩ trong lúc sử dụng.

Các phương cách để phòng bệnh tiểu đường loại 1: vẫn chưa có

Cho tới nay, nhiều loại thuốc, ví dụ như azathioprine, cyclosporine, nicotinamide, and insulin, đã được thí nghiệm trong nhiều nghiên cứu nhằm mục đích này. Tuy nhiên, kết quả rất khiêm tốn và thường chỉ tạm thời.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


Kỷ 3

Hỏi:

-Làm sao để biết là mình có bị tiểu đường hay sắp bị tiểu đường hay không? (bác Cầm)

-Tôi dùng máy đo đường ở đầu ngón tay của mẹ tôi, đo đường lúc sáng chưa ăn thấy kết quả là 107. Như vậy có phải là tiểu đường hay không?

Tôi thấy bác sĩ viết trong kỳ vừa rồi trên báo Người Việt (cuối tháng Tám năm 2009) rằng tiểu đường có hai loại 1 và 2, cách chữa hơi khác nhau. Làm sao để biết mình bị loại 1 hay 2 để biết cách chữa? (Mai)

-Người nhà chúng tôi bị tiểu đường, mỗi lần thử máu, thường thấy bác sĩ khoanh tròn kết quả glucose và HbA1C. Xin cho biết ý nghĩa 2 xét nghiệm về đường này khác nhau như thế nào? Ðể chẩn đoán tiều đường thì dùng glucose hay HbA1C? (Thái, Uy)

-Triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì? Tôi không thấy có triệu chứng gì lạ cả, vậy mà khi bác sĩ thử máu lại nói là bị tiểu đường. Thử đi thử lại mấy lần rồi nói đúng là tôi bị tiểu đường và viết toa thuốc tiểu đường. Không có triệu chứng thì có thể chỉ dùng xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hay không, và có cần uống thuốc không? Vì vừa mất công uống thuốc, thử máu hàng ngày rất phiền phức, và tôi cũng sợ nếu không có gì mà uống thuốc thì có nóng gan hại thận hay không?


Làm sao để biết mình có bị tiểu đường hay không?


Một số người bị bệnh tiểu đường có thể có các triệu chứng do mức đường cao trong máu gây ra. Các triệu chứng này thường là khát nước quá độ, uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều mà lại sụt cân (vì bao nhiêu năng lượng bị tiểu ra ngoài hết), mờ mắt. Tuy nhiên rất nhiều người dù bị tiểu đường nhưng hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu cả.

Khi đến bác sĩ, chẩn đoán bệnh tiểu đường, cũng như đa số nhiều bệnh khác, được thành lập dựa vào thăm, khám, và các xét nghiệm.

Trong phần thăm (hỏi bệnh) khám, bác sĩ sẽ hỏi xem ta có các triệu chứng gây ra do mức đường trong máu cao gây ra (như đã kể trên) hay không. Vì di truyền cũng là một yếu tố quan trọng, bác sĩ cũng sẽ hỏi xem trong gia đình có ai bị tiểu đường hoặc các bệnh khác cũng thường liên quan đến tiểu đường, như là cao huyết áp, cao mỡ trong máu, mập phì. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem đã có biến chứng gì của bệnh tiểu đường hay chưa. Trong giai đoạn ban đầu của bệnh tiểu đường, khám bệnh thường không cho thấy dấu hiệu thể lý của bệnh.

Các xét nghiệm, tương đối đơn giản và không mắc tiền, thường là yếu tố chính yếu trong việc xác định chẩn đoán. Một số xét nghiệm khác có thể giúp phân loại bệnh (loại 1 hay loại 2, hay lai cả hai) và độ trầm trọng của bệnh.

Thử mức đường trong máu lúc nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán bệnh. Mức đường trong máu dưới 100 mg/dL được coi là bình thường. Mức đường trong máu ở khoảng từ 100 đến 125 được coi là tiền tiều đường. Mức đường trong máu từ 126 mg/dL trở lên, gợi ý rằng bệnh nhân đã bị tiểu đường. Chẩn đoán sẽ được khẳng định bằng hai lần thử máu lúc nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đều có mức đường cao từ 126mg/dL trở lên.

Thử mức đường trong máu một cách ngẫu nhiên bất cứ lúc nào trong ngày, không cần để ý xem đã ăn lần chót lúc nào cũng có thể giúp xác định bệnh. Nếu cách thử này cho thấy mức đường trong máu từ 200 mg/dL trở lên cộng với các triệu chứng của bệnh, đó cũng là một gợi ý rằng bệnh nhân đã bị tiểu đường.

Trước đây, xác định chẩn đoán bệnh tiểu đường thường được xác định bằng xét nghiệm cho uống nước đường. Trong xét nghiệm này, bệnh nhân được cho uống nước đường, sau đó mức đường trong máu được đo mỗi tiếng đồng hồ trong khoảng thời gian vài tiếng. Mức đường trong máu từ 200 mg/dL trở lên 2 giờ sau khi uống nước đường gợi ý rằng bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Hiện nay, xét nghiệm này ít khi được thực hiện, trừ trường hợp cần chẩn đoán bệnh tiểu đường do thai nghén.

Ðể xác định bệnh tiểu đường loại 1, bác sĩ có thể thử máu để tìm các kháng thể chống lại các thành phần sản xuất ra insulin của tụy tạng, các kháng thể này được gọi là “islet-cell antibodies” (kháng thể chống lại các cụm tế bào sản sinh ra insulin). Các xét nghiệm máu cũng có thể giúp phát hiện ra các kháng thể chống lại glutamic acid decarboxylase, chống lại chính insulin hoặc các thụ thể (receptors) tiếp nhận insulin vào các loại tế bào.

Những người bị tiểu đường cũng thường nghe nói đến xét nghiệm thử mức hemoglobin A1c (HbA1c) trong máu. Xét nghiệm này có thể cho biết phần nào mức đường trong máu trong khoảng từ 8 đến 12 tuần trước đó. Bình thường, mức HbA1c dưới 6%. Xét nghiệm này hiện đang được dùng trong việc theo dõi những người đã bị tiểu đường.

Hồi Tháng Sáu, năm 2009, một Hội Ðồng Chuyên Gia Quốc Tế (International Expert Committee) đã đưa ra một khuyến cáo rằng nên dùng mức HbA1C từ 6.5% (đo hai lần khác nhau) trở lên như là cách chẩn đoán tiểu đường, vì độ tin cậy cũng cao, sự liên hệ chặt chẽ hơn với biến chứng ở võng mạc mắt (retinopathy) và lại tiện lợi cho bệnh nhân vì khỏi phải nhịn đói trước lúc thử máu. Khuyến cáo này đang được một ủy ban của Hiệp Hội Tiểu Ðường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) xem xét để áp dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, khi bài này được viết (ngày 9 Tháng Chín, năm 2009), tiêu chuẩn chính thức để chẩn đoán tiểu đường ở Hoa Kỳ vẫn là dùng mức đường trong huyết tương như trình bày trên đây.

Tóm lại, cách đơn giản, rẻ tiền và chính xác nhất để chẩn đoán tiểu đường là thử mức đường trong máu (một cách chính xác là trong huyết tương-plasma) lúc đã nhịn đói từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ. Nếu từ 126 mg/dL trở lên trong hai lần đo, đó là yếu tố xác định ta đã bị bệnh tiểu đường. Trong giai đoạn sớm, ta thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không chữa trị, các biến chứng của tiểu đường như suy thận, tổn thương thần kinh, hư mắt... sẽ đến nhanh, do đó, một khi đã được chẩn đoán, cần điều trị ngay để cố kiềm chế mức đường máu ở mức bình thường hầu làm chậm lại hoặc tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tưởng cần nhấn mạnh một lần nữa: Nếu đã được khẳng định bằng xét nghiệm như kể trên là đã bị tiểu đường, thì dù chưa thấy triệu chứng gì cả, cũng rất cần chữa trị. Vì nếu không, chính bệnh tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất làm suy thận, và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng khác về thần kinh, mạch máu, có thể làm mù mắt, mất cảm giác, tê chân, tê tay, đẫn đến bị cưa chân, góp phần làm tăng nguy cơ bị nghẹt mạch máu tim gây ra trụy tim, nghẹt mạch máu não gây đột quị, bán thân bất toại, vân vân.

Những người bị tiểu đường bị các biến chứng thường đều là do bệnh tiểu đường gây ra chứ không phải vì thuốc.

Tùy theo việc chữa trị có hiệu quả hay không, (trong đó việc uống thuốc đều đặn, để giữ mức đường trong mức cần thiết, là điều rất quan trọng), mà (một hay một số trong các) biến chứng sẽ xảy ra sớm hay trễ hay không xảy ra.

Thân mến


Kỳ 4

Hỏi:

Có phải bị tiểu đường là phải uống thuốc suốt đời hay không? Và nghe nói là cũng phải tự thử máu hàng ngày, đâm kim vào đầu ngón tay hàng ngày, phải kiêng khem, tập thể dục suốt đời? Có cách nào để chữa dứt hẵng hay giúp cho người bệnh chịu đựng dễ dàng hơn không? (bà Thao)

Tôi vừa mới bị tiểu đường. Nghe nói nếu ăn uống đúng cách và tập thể dục siêng năng thì có thể khỏi uống thuốc. Có đúng như vậy không? Cần ăn uống như thế nào và tập thể dục như thế nào? Mỗi ngày tập bao nhiêu lâu? (Hùng, Nam, bà Phấn)

Tôi nghe nói bệnh tiểu đường là bệnh kinh niên phải chữa suốt đời. Nhưng thỉnh thoảng cũng nghe quảng cáo là uống thuốc này thuốc kia có thể chữa dứt bệnh tiều đường trong một thời gian ngắn hay dài. Chuyện này có đúng hay không? Tại sao các bác sĩ và hội tiểu đường không dùng các thuốc này để giúp cho nhân loại? (Tiến)

Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)

Làm sao để sống vui với bệnh tiểu đường

“Mấy điều tâm niệm” của người bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh kinh niên, tức là cho đến nay, chưa có thuốc nào (được nghiên cứu và kiểm chứng một cách khoa học) giúp chữa dứt được bệnh này; người bệnh phải học cách “sống chung hòa bình” (và vui vẻ) với nó. “Sống chung hòa bình” không có nghĩa là bỏ mặc nó, “quên nó đi”, mà là biết nó đòi hỏi ta phải làm những gì, nắm vững những gì cần làm, hiểu tại sao ta phải làm những chuyện đó, để thấy sự cần thiết của những chuyện đó đối với sức khỏe của mình, và do đó có một động cơ nội tại để làm các việc đó một cách tự giác hàng ngày, biến chúng thành những thói quen lành mạnh.

Ngày xưa, bên Tàu có một ông (tên là Vương Dương Minh) đề ra thuyết “tri hành hợp nhất”: khi biết thực sự, khi thấu hiểu, hành động của chúng ta sẽ tự nhiên thay đổi để thích hợp hơn với tâm thức mới của mình. Và khi ý thức sự tất yếu của những việc mình cần làm, ta sẽ biết cách làm sao để vui và tận hưởng cuộc sống với một (trong những) điều mà mình muốn tránh cũng không được (luôn tồn tại trong cuộc sống của bất cứ ai).

Có ai đó đã nói, đại khái là, nếu không có những cái mà mình thích thì nên (tập để) thích những cái mà mình có, hơn là mãi vọng tưởng những chuyện hão huyền, mà nếu có, cũng chưa chắc gì là thật sự thích hợp với mình.

Sống và tập thưởng thức những điều mà mình cần làm (hơn là những cái mình thích và cứ tưởng là cần, trong khi thực tế rất nhiều khi nó chẳng cần thiết chút nào mà còn có hại cho mình), đó là một trong những bí quyết để sống mạnh khỏe, hiểu theo nghĩa là sự thoải mái (bao giờ cũng tương đối) kể cả về thể chất, tâm thần và xã hội (định nghĩa của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới).

Ðể “sống vui với bệnh tiểu đường”, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:

-Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.

-Tránh thuốc lá.

-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.

-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp bằng thuốc men cũng như thể dục và ăn uống.

-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.

-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.

Cũng như trong đại đa số các bệnh và vấn đề sức khỏe khác, ta chính là trung tâm, là thành phần chính trong việc chữa bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của mình. Bác sĩ, người nhà, các chuyên viên, nhân viên y tế... chỉ có thể giúp chúng ta mà thôi. Họ không thể uống thuốc giùm, bỏ thuốc lá giùm, ăn uống đúng cách giùm, tập thể dục giùm,... giùm thay cho chính ta.

Vạn sự khởi đầu nan, tuy nhiên, qua khỏi bước đầu hơi khó khăn để làm quen với một “người bạn đời” mới không mấy dễ chịu (và không thể “li dị” được), ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Rất nhiều người đã làm được điều đó, sống với bệnh một cách thoải mái (vì không muốn và tập thoải mái thì cũng “chẳng làm gì được ai”, chỉ càng làm khổ mình mà thôi. Mà mục đích của đại đa số chúng ta trong cuộc sống là niềm vui, là hạnh phúc).

Các kỳ sau, ta sẽ đi sâu vào các chi tiết thiết thực của các việc cần phải làm kể trên.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


Kỳ 5


Hỏi:

-Tôi có đọc bài báo “Sống Vui Với Bệnh Tiểu Ðường” của bác sĩ trên website của báo Người Việt, bài rất bổ ích và lý thú. Tuy nhiên, tôi nghĩ đa số các bệnh nhân tiểu đường cần biết chi tiết hơn về các ăn uống, thể dục thể thao, và cách uống thuốc, chắc bác sĩ thế nào cũng viết về các vấn đề này? (Tân, Texas)

-Xin cho biết lượng đường đo ở đầu ngón tay trước khi ăn nên là bao nhiêu, và sau khi ăn nên là bao nhiêu? (Xinh)

-Tôi vừa mới bị tiểu đường. Nghe nói nếu ăn uống đúng cách và tập thể dục siêng năng thì có thể khỏi uống thuốc. Có đúng như vậy không? Cần ăn uống như thế nào và tập thể dục như thế nào? Mỗi ngày tập bao nhiêu lâu? (Hùng, Nam, bà Phấn)

-Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)

-Tôi nghe nói mập thì dễ bị tiểu đường, nếu giảm cân, có giúp giảm bệnh tiểu đường hay không? Ngoài ra có cách nào khác giúp phòng bệnh này hay không? Có cách nào để biết trước mình sẽ bị tiểu đường để tìm cách đề phòng hay không? (Hung, Brian)



Làm sao để sống vui với bệnh tiểu đường

Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp

Ăn uống đúng cách có thể giúp giảm cân, duy trì mức đường trong máu vừa phải, hạ cholesterol trong máu và cải thiện huyết áp. Cách ăn uống có thể hơi khác ở tiểu đường loại 1 lẫn loại 2.

Các nguyên tắc chính mà bệnh nhân tiểu đường cần chú ý là:

-Duy trì cân nặng vừa phải.

-Giảm sự gia tăng mức đường máu sau khi ăn.

-Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng chung.

-Ăn uống điều độ, vào những giờ cố định.

Biến các nguyên tắc ăn uống thích hợp thành thói quen, luôn duy trì và cải thiện các thói quen tốt đó.



Duy trì cân nặng vừa phải

Duy trì cân nặng vừa phải có nghĩa là người nào đã vừa thì giữ để đừng tăng cân, còn ai quá cân thì cố giảm xuống mức vừa.

Cách thường dùng nhất để biết cân nặng thế nào là vừa, là tính chỉ số cân nặng (Body Mass Index-BMI). BMI được tính bằng cách chia cân nặng tính bằng ký lô gram với bình phương của chiều cao tính bằng mét (kg/mét vuông). Ví dụ một người nặng 100 ký lô gam, cao 2 mét, thì BMI sẽ bằng 100 chia cho 4 (tức là bình phương của 2), ra 25 (100 kg/4 m2= 25 kg/m2).

Chỉ số cân nặng lý tưởng ở người lớn là từ 18.5 đến 24.9. Từ 25 đến 29.9 là quá cân (overweight), từ 30 trở lên được coi là mập (obesity).

Nếu đã bị quá cân, thì giảm cân sẽ rất có ích, đặc biệt là cho những người bị tiểu đường loại 2. Giảm cân có thể giúp cải thiện việc kiểm soát mức đường (trong) máu bằng cách giảm bớt sự đề kháng với chất insulin ở các tế bào cũng như phục hồi khả năng sản xuất insulin của tụy tạng (lá mía). Giảm cân cũng có thể giúp giảm mức cao huyết áp, cũng là một nguy cơ gây ra các biến chứng tim mạch (như đột quị/stroke, các cơn kích tim/heart attacks, vân vân).

Giảm số năng lượng (calories) ăn uống vào, là một trong những cách giúp giảm cân. Thể dục cũng là một điều quan trọng giúp giảm cân. Ðôi khi, tăng cân là một tác dụng phụ của các thuốc trị tiểu đường, đặc biệt là insulin. Tác dụng phụ gây tăng cân này, chữa tốt nhất bằng giảm bớt năng lượng ăn uống vào và thể dục. Ngưng thuốc hoặc bỏ bớt thuốc, không phải là điều nên làm.

Giảm năng lượng, không nhất thiết phải là nhịn ăn. Thay thế những chất có nhiều năng lượng bằng những thứ ít năng lượng hơn (ví dụ như thế nước ngọt bằng nước lọc, thay bánh ngọt, thay đồ chiên mỡ màng bằng rau, quả ít đường) vừa giúp ta có đủ chất dinh dưỡng, không bị đói quá để đủ “bình tĩnh” thực hiện kế hoạch giảm cân lâu dài. Uống nước (lọc) trước khi ăn (để bụng no nước, ít đói, ít tham ăn hơn), cũng là một “mánh” được nhiều người áp dụng thành công trong việc giảm cân. Những người bị mập phì, nếu có điều kiện, thì nên tham gia một chương trình giảm cân để được các chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn và theo dõi. Ði thăm bác sĩ thường xuyên để được theo dõi cân nặng và nhắc nhở, kết hợp với các chương trình như nói trên, được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm cân.



Giảm sự gia tăng mức đường máu sau khi ăn

Ðôi khi, mức đường máu tăng lên rất cao sau khi ăn. Ta có thể hạn chế điều không tốt cho cơ thể này bằng cách... ăn ít. Muốn ăn ít thì phải ăn nhiều lần hơn. Trung bình, người tiểu đường nên ăn ba bữa chính và có thể hai bữa phụ nếu có điều kiện. Ăn nhiều bữa với số lượng năng lượng thấp hơn sẽ giúp mức đường sau khi ăn không lên cao quá, và khi nó vừa mới xuống thấp, thì ta đã có bữa kế tiếp, khiến ta không cảm thấy bị đói, thèm ăn quá, mà mức đường dễ được giữ ở mức không bị lên cao hoặc xuống thấp quá.

Tăng các thức ăn có chất sợi hoà tan được (soluble fiber) trong bữa ăn cũng có thể làm giảm bớt sự gia tăng nhanh mức đường máu sau khi ăn này. Các thức ăn có chất sợi hòa tan này cũng giúp làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) trong máu. Chất sợi hoà tan có nhiều trong các hạt chưa xay (whole grains) như gạo lức, bánh mì đen, các loại rau quả, đậu (beans).

Dùng các thức ăn có chỉ số đường thấp (low glycemic index) cũng là một cách giúp kiểm soát sự gia tăng đường huyết quá mức sau khi ăn.

Sau đây là một vài thí dụ về chỉ số đường của một số thức ăn:

Loại thức ăn Chỉ số đường (glycemic index)

Bánh mì trắng 100

Cơm trắng 83

Chuối (tươi) 79

Khoai tây 70

Sữa tươi, táo, da ua (yogurt) 49-53

Ðậu (Soya beans, tinned) 20

Một số bệnh nhân bị tiểu đường của tôi đã kinh nghiệm rằng củ mài (còn gọi là củ hoài sơn), giúp kiểm soát mức đường máu rất tốt.

Một cách dễ thực hiện và thiết thực nhất là ăn thử các loại thức ăn rồi sau đó đo lượng đường trong máu. Sau khoảng vài tuần, ta có thể biết đối với cơ thể của mình, thức ăn nào sẽ ít làm đường máu tăng quá mức.

Mức đường đo ở đầu ngón tay trước khi ăn nên trong khoảng từ 80-120, 130, và sau khi ăn 2 tiếng đồng hồ nên dưới 180 mg/dL.

Thân mến


Kỳ 6



Hỏi:

-Có cách ăn uống như thế nào để có thể giúp ngừa được bệnh tiểu đường hay không? (Phan, Vy, Van Anh)

-Vì sợ bị tiểu đường nên tôi ăn ít đi, nhưng có người lại bảo cần phải ăn nhiều lần, mỗi lần một ít. Sự thật, như thế nào mới là đúng? (Linh)

-Bị tiểu đường có được ăn đường không? Và nên ăn mấy lần một ngày? Có nên nhịn chỉ ăn một hai lần mỗi ngày hay không?

-Tôi có đọc bài báo “Sống Vui Với Bệnh Tiểu Ðường” của bác sĩ trên website của báo Người Việt, bài rất bổ ích và lý thú. Tuy nhiên, tôi nghĩ đa số các bệnh nhân tiểu đường cần biết chi tiết hơn về các ăn uống, thể dục thể thao, và cách uống thuốc, chắc bác sĩ thế nào cũng viết về các vấn đề này? (Tân, Texas)

-Tôi vừa mới bị tiểu đường. Nghe nói nếu ăn uống đúng cách và tập thể dục siêng năng thì có thể khỏi uống thuốc. Có đúng như vậy không? Cần ăn uống như thế nào và tập thể dục như thế nào? Mỗi ngày tập bao nhiêu lâu? (Hùng, Nam, bà Phấn)

-Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)

-Tôi nghe nói mập thì dễ bị tiểu đường, nếu giảm cân, có giúp giảm bệnh tiểu đường hay không? Ngoài ra có cách nào khác giúp phòng bệnh này hay không? Có cách nào để biết trước mình sẽ bị tiểu đường để tìm cách đề phòng hay không? (Hung, Brian)

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn uống thế nào?

(Tiếp theo số báo Thứ Sáu tuần trước, 25 Tháng Chín)

Ăn uống đúng cách có thể giúp giảm cân, duy trì mức đường trong máu vừa phải, hạ cholesterol trong máu và cải thiện huyết áp. Cách ăn uống có thể hơi khác giữa tiểu đường loại 1 và loại 2.

Các nguyên tắc chính mà bệnh nhân tiểu đường cần chú ý là:

-Duy trì cân nặng vừa phải.

-Giảm sự gia tăng mức đường máu sau khi ăn.

-Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh.

-Ăn uống điều độ, vào những giờ cố định.

-Biến các nguyên tắc ăn uống thích hợp thành thói quen, luôn duy trì và cải thiện các thói quen tốt đo.Ô

Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh

Các nguyên tắc dinh dưỡng chung là cân bằng, đa dạng và vừa phải.

Hoa Kỳ đã cập nhật hướng dẫn về dinh dưỡng cho người Mỹ lần chót là năm 2005, sau lần cập nhật trước đó13 năm. (Xin chú ý: Hướng dẫn này là cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho các bệnh nhân tiểu đường.) Trong lần cập nhật cuối cùng (cho đến nay) này, một số khái niệm mới đã được thêm vào hoặc nhấn mạnh. Ðó là các khái niệm: hoạt động, cá nhân hóa, và cải thiện một cách từ từ.

1. Dinh dưỡng như thế nào là cân bằng?

Thành phần nào cũng cần và cần cân bằng: Rau quả, các loại hạt (cốc), chất bột đường (carbohydrates), chất đạm và chất béo.

Trong mỗi thành phần, cũng cần có sự cân bằng. Thí dụ: trong các loại hạt, cần cân bằng giữa nhóm đã xay sạch cám (fine grains) với hạt thô (whole grains-còn cám, như gạo lức, bánh mì đen).

Nói chung, chất bột đường (carbohydrates) nên chiếm tỉ lệ khoảng 55-60%, trong đó, các loại hạt chưa xay (whole grains) nên chiếm ít nhất là phân nửa, chất béo nên chiếm dưới 30%, trong đó hầu hết nên là chất béo bão hòa (monounsaturated or polyunsaturated). Một cách đơn giản, dầu olive, dầu canola là vài trong số các loại chất béo không bão hòa, và do đó tương đối tốt cho sức khỏe chất đạm nên chiếm chỉ khoảng 12 đến 20%.

Tùy theo loại tiểu đường và từng trường hợp cụ thể, các chuyên viên dinh dưỡng sẽ hướng dẫn các công thức ăn uống chi tiết hơn

Thức nào tốt nhiều thì dùng nhiều hơn, tốt ít thì dùng ít (chứ không phải cứ nghe nói “tốt” thì chỉ dùng một thứ đó, còn nghe nói “xấu” - hay đúng hơn, là “không tốt lắm” - thì tuyệt đối không bao giờ dùng đến). Thường thì thức nào cũng cần không nhiều thì ít.

2. Dinh dưỡng như thế nào là đa dạng?

Cần đủ các nhóm thức ăn (bột đường, đạm, béo, rau quả).

Trong mỗi nhóm cũng cần đa dạng. Ví dụ: rau cũng cần có rau màu đậm, màu lợt; chất đạm cũng cần có đủ các thứ, thịt, cá, đậu... Mùa nào thức nấy là tốt nhất vì vừa tươi, vừa rẻ.

3. Dinh dưỡng như thế nào là vừa phải?

Ăn chất béo vừa phải, chọn lọc các loại chất béo tốt cho sức khỏe.

Chất đạm cũng cần tiêu thụ vừa phải, tập trung nhiều hơn vào các loại chất đạm tốt (ví dụ như cá, các loại đậu).

Muối cũng cần vừa phải thôi vì nếu ăn mặn, sẽ dễ bị cao huyết áp hơn. Mỗi ngày, kể cả nêm nếm, ta chỉ cần tổng cộng khoảng một muỗng cà phê muối (5 gram).

Thứ tốt thì dùng nhiều nhưng cũng cần vừa phải, thứ không tốt lắm thì dùng ít hơn, nhưng không có nghĩa là bỏ hẳn. Ví dụ thịt đỏ (như thịt bò, cừu) có nhiều cholsterol, nhưng không có nghĩa là nên bỏ hẳn không ăn thịt đỏ.

Thân mến.

(còn tiếp)

vinamaster
11-11-2009, 12:21
Kỳ 7



Hỏi:
-Trong bài viết vừa rồi, bác sĩ có nói bệnh nhân dùng củ mài (củ hoài sơn), có thể giúp kiểm soát đường trong máu rất tốt. Xin cho biết mua củ đó ở đâu? (Amy Luong)
-Có cách ăn uống như thế nào để có thể giúp ngừa được bệnh tiểu đường hay không? (Phan, Vy, Van Anh)
-Vì sợ bị tiểu đường nên tôi ăn ít đi, nhưng có người lại bảo cần phải ăn nhiều lần, mỗi lần một ít. Sự thật, như thế nào mới là đúng? (Linh)
-Bị tiểu đường có được ăn đường không? Và nên ăn mấy lần một ngày? Có nên nhịn chỉ ăn một hai lần mỗi ngày hay không?
-Tôi vừa mới bị tiểu đường. Nghe nói nếu ăn uống đúng cách và tập thể dục siêng năng thì có thể khỏi uống thuốc. Có đúng như vậy không? Cần ăn uống như thế nào và tập thể dục như thế nào? Mỗi ngày tập bao nhiêu lâu? (Hùng, Nam, bà Phấn)
-Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)
-Tôi nghe nói mập thì dễ bị tiểu đường, nếu giảm cân, có giúp giảm bệnh tiểu đường hay không? Ngoài ra có cách nào khác giúp phòng bệnh này hay không? Có cách nào để biết trước mình sẽ bị tiểu đường để tìm cách đề phòng hay không? (Hung, Brian)

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn uống thế nào? (tiếp theo số báo tuần trước)
Ăn uống đúng cách có thể giúp giảm cân, duy trì mức đường trong máu vừa phải, hạ cholesterol trong máu và cải thiện huyết áp. Cách ăn uống có thể hơi khác giữa tiểu đường loại 1 và loại 2.
Các nguyên tắc chính mà bệnh nhân tiểu đường cần chú ý là:
-Duy trì cân nặng vừa phải.
-Giảm sự gia tăng mức đường máu sau khi ăn.
-Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh.
-Ăn uống điều độ, vào những giờ cố định.
Biến các nguyên tắc ăn uống thích hợp thành thói quen, luôn duy trì và cải thiện các thói quen tốt đó.
Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh. (tiếp theo số báo tuần trước)
Các nguyên tắc dinh dưỡng chung là cân bằng, đa dạng và vừa phải.
Hoa Kỳ đã cập nhật hướng dẫn về dinh dưỡng cho người Mỹ lần chót là năm 2005, sau lần cập nhật trước đó13 năm. (Xin chú ý: Hướng dẫn này là cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho các bệnh nhân tiểu đường). Trong lần cập nhật cuối cùng (cho đến nay) này, một số khái niệm mới đã được thêm vào hoặc nhấn mạnh. Ðó là các khái niệm: hoạt động, cá nhân hóa, và cải thiện một cách từ từ.
Hoạt động liên hệ như thế nào với dinh dưỡng?
Hoạt động thể lực kích thích khẩu vị, giúp chuyển hóa thêm hiệu quả.
Cần hoạt động thể lực đều đặn. Người lớn ít nhất 30 phút mỗi ngày, trẻ em cần ít nhất một tiếng mỗi ngày, người cần giảm cân cần thể dục ít nhất một đến hai tiếng mỗi ngày.
Nên tập vừa sức mình, vì sức mỗi người mỗi khác. Nếu chưa quen tập, có thể bắt đầu nhẹ nhàng hơn, thời gian ngắn hơn, rồi tăng lên từ từ. Quan trọng là tập thành thói quen đều đặn.
Ý nghĩa của cá nhân hóa trong việc dinh dưỡng.
Liệu cơm gắp mắm. Giàu nghèo, hoàn cảnh thế nào, trừ trường hợp quá ngặt nghèo, đều có thể tìm cách ăn uống thích hợp mà vẫn lành mạnh. (Những người sống lâu, mạnh khỏe, lại thường là những người sống và ăn uống đơn giản.)
Khi hoạt động nhiều thì cần ăn nhiều hơn và ngược lại. Tuổi tác khác nhau cũng có nhu cầu ăn uống khác nhau.
Cân nặng là một trong những yếu tố quyết định trong nhu cầu ăn uống. Mập, cần giảm cân thì cần ăn ít năng lượng hơn; người ốm, muốn tăng cân thì cần ăn nhiều năng lượng hơn.
Nhắc lại, cân nặng lý tưởng tính bằng kí lô gram chia cho mét vuông: Ký lô gam cân nặng, chia cho bình phương của chiều cao tính bằng mét. Một cách lý tưởng, chỉ số cân nặng (tính bằng cách trên) nên ở khoảng từ 18 đến 25 (đã làm tròn cho dễ nhớ).
Tình trạng bệnh tật hay sức khỏe cũng rất quan trọng trong việc điều chỉnh cách ăn uống.
Cải thiện từ từ là như thế nào?
Khi cần cải thiện, điều quan trọng là đi những bước đều đặn và vững chắc. Thà chậm mà chắc hơn là hấp tấp, bị vấp ngã rồi sợ không dám tiếp tục.
Cải thiện, thay đổi từ từ lại giúp cho cơ thể thích nghi kịp thời với những thay đổi đó.
Tóm lại, các nguyên tắc chánh của cách dinh dưỡng lành mạnh (cũng như nhiều điều lành mạnh khác trong cuộc sống) là cân bằng, đa dạng và vừa phải. Thay đổi từ từ để cơ thể kịp thích ứng, chọn cách thích hợp với điều kiện riêng của mỗi người, luôn kết hợp dinh dưỡng với vận động thể lực thích hợp, cũng là những nguyên tắc rất quan trọng của một chế độ dinh dưỡng tốt.
Mua củ mài (củ hoài sơn) ở đâu?
Theo bệnh nhân của tôi, người đã giới thiệu về công dụng của củ này, ông thường mua ở chợ Nhật hay chợ Ðại Hàn. Tên của củ này trong chợ Nhật hay Ðại Hàn, được ghi là “Nagaimo”.
Cần nhắc lại, đây chỉ là kinh nghiệm của một bệnh nhân của tôi, được vài bệnh nhân khác áp dụng, cũng đồng ý là tốt.
Củ mài này, chỉ dùng như một thức ăn ít làm lên đường, chứ không thể thay thế được thuốc.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng




Kỳ 8



Hỏi:
-Tôi là người đã bị tiểu đường lâu năm và cố gắng ăn uống, thể dục cẩn thận để giảm bớt việc dùng thuốc không cần thiết. Tôi nhận thấy rằng khi tập thể dục quá mạnh bạo, đường đo lại có vẻ cao hơn là khi tập vừa vừa. Xin bác sĩ giải thích hiện tượng này, tôi nên tập như thế nào?
-Tôi vừa mới bị tiểu đường. Nghe nói nếu ăn uống đúng cách và tập thể dục siêng năng thì có thể khỏi uống thuốc. Có đúng như vậy không? Cần ăn uống như thế nào và tập thể dục như thế nào? Mỗi ngày tập bao nhiêu lâu? (Hùng, Nam, bà Phấn)
-Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)
-Tôi nghe nói mập thì dễ bị tiểu đường, nếu giảm cân, có giúp giảm bệnh tiểu đường hay không? Ngoài ra có cách nào khác giúp phòng bệnh này hay không? Có cách nào để biết trước mình sẽ bị tiểu đường để tìm cách đề phòng hay không? (Hung, Brian)


Làm sao để sống vui với bệnh tiểu đường (tiếp theo)

Ðể sống vui với bệnh tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:
-Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.
-Tránh thuốc lá.
-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.
-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp bằng thuốc men cũng như thể dục và ăn uống.
-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.
-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.

Tránh thuốc lá
Khoảng trên 25% những bệnh nhân được chẩn đoán bị tiểu đường là những người hút thuốc. Bỏ thuốc là một trong những điều quan trọng và hữu ích nhất mà bệnh nhân tiểu đường có thể làm để cải thiện sức khỏe của họ. Những người bị tiểu đường mà lại hút thuốc sẽ nhận những hậu quả sau đây:
-Hút thuốc làm tăng tỉ lệ tử vong ở những người bị tiểu đường.
-Hút thuốc làm tăng mức mỡ trong máu.
-Hút thuốc gây khó khăn cho việc kiểm soát mức đường trong máu.
-Những người hút thuốc cũng bị tăng nguy cơ bị các biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường.
-Những người hút thuốc cũng bị tăng nguy cơ bị suy thận dẫn đến phải lọc thận nhân tạo, và giảm tuổi thọ so với những người bị lọc thận nhưng không hút thuốc.
Ðiều đáng mừng là cai hút thuốc có thể làm giảm các nguy cơ kể trên. Dĩ nhiên, cai thuốc không phải là điều dễ, tuy nhiên với quyết tâm và với sự giúp đỡ của các bác sĩ cũng như các chương trình giúp cai thuốc, rất nhiều người bị tiểu đường đã thành công trong việc bỏ thuốc.

Thể dục và vận động thể lực thích hợp
Các tác dụng của thể dục có thể chia làm hai nhóm chính là tác dụng tức thì (ngay trong lúc thể dục và trong vòng 24 tiếng đồng hồ), và tác dụng dài hạn (xảy ra nhiều ngày, tuần hoặc năm sau khi tập).
Tác dụng tức thì của thể dục:
Ở những người kiểm soát mức đường tốt với insulin, thể dục làm cho mức đường hạ thấp ngay trong lúc thể dục. Sau khi thể dục vài tiếng đồng hồ, đường huyết có thể hạ một lần nữa, khi mà cơ thể chuyển đường trong máu vào các nhà kho để dự trữ. Do đó, ở những người (mà mức đường được kiểm soát tốt) này, việc tập thể dục hoặc vận động thể lực có thể giúp giảm nhu cầu insulin.
Ngược lại, ở những người mà mức đường không được kiểm soát tốt, thể dục có thể lại có thể làm tăng mức đường một cách tạm thời. Do đó, nếu mức đường cao hơn 250 mg/dL, bệnh nhân thường được khuyên nên trì hoãn việc tập thể dục cho đến khi mức đường máu được kiểm soát đúng mức hơn.
Tác dụng lâu dài của thể dục:
Thể dục giúp giảm cân, hạ huyết áp, hạ mỡ trong máu, cải thiện việc duy trì mức đường huyết, đem lại cảm giác khỏe khoắn cho những người bị tiểu đường. Nó có thể giúp ngừa tiểu đường loại 2 ở những người có nguy cơ cao bị tiểu đường, như bị quá cân, mập phì, tổn thương khả năng điều chỉnh mức đường máu, hoặc gia đình có tiền sử bị tiểu đường loại 2. Dù mới bị hay bị tiểu đường đã lâu, thể dục đều có ích.
Thể dục có thể giúp giảm nhu cầu dùng thuốc của bệnh nhân, thậm chí có thể giúp cho mức đường huyết được kiểm soát mà không cần phải dùng thuốc (trong một số các trường hợp nhẹ). Tuy nhiên, cần chú ý là dù cho thể dục giúp giảm mức đường máu đến mức không cần phải dùng thuốc, ta cũng vẫn cần phải theo dõi mức đường thường xuyên để dùng thuốc trở lại khi cần thiết. Một nghiên cứu lớn ở Anh cho thấy, những người không dùng thuốc thường bị các biến chứng của tiểu đường hơn. Vì sau khi ngưng thuốc một thời gian, họ lơ là việc theo dõi mức đường, và mức đường cao trở lại mà họ không biết, và nếu đường cứ cao liên tục, có khi chỉ cần một thời gian không lâu lắm, các biến chứng (như suy thận, mù mắt, tổn thương thần kinh ngoại vi, vân vân) có thể xảy ra.

Nên tham khảo bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục
Bác sĩ sẽ phải đặc biệt khám cẩn thận những người bị tiểu đường đã trên mười năm hoặc trên 35 tuổi để xem có họ có nên tập không, tập như thế nào, và cần phải đặc biệt chú ý những điều gì bên cạnh những nguyên tắc chung.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Kỳ 9

Hỏi:
-Tôi bị tiểu đường cũng đã vài năm nay, nhưng bây giờ mới sắp xếp được thì giờ để tập thể dục khoảng nửa tiếng mỗi ngày, không biết như vậy có OK không? Nên tập thể dục như thế nào? Ði bộ, chạy bộ hay tập tạ. Có cần chú ý điều gì trước và trong khi tập thể dục không? (Thái)
-Tôi bị tiểu đường loại 2, nhưng vì gan thận yếu, nên bác sĩ cho chích insulin. Việc uống thuốc hoặc chích insulin có ảnh hưởng gì đến việc tập thể dục không? Tôi nên tập thể dục như thế nào để giúp kiểm soát bệnh tốt hơn mà lại tránh được các biến chứng. (Hưng)
-Tôi là người đã bị tiểu đường lâu năm và cố gắng ăn uống, thể dục cẩn thận để giảm bớt việc dùng thuốc không cần thiết. Tôi nhận thấy rằng khi tập thể dục quá mạnh bạo, đường đo lại có vẻ cao hơn là khi tập vừa vừa. Xin bác sĩ giải thích hiện tượng này, tôi nên tập như thế nào?
-Tôi bị tiểu đường, nghe nói cần tập thể dục, nhưng đôi khi trong lúc đang tập thể dục, tôi bị choáng váng muốn té. Như vậy có nguy hiểm không? Và tôi có nên tập thể dục nữa hay không? Làm sau để tránh việc bị choáng váng lúc tập thể dục? (Anh)

Làm sao để sống vui với bệnh tiểu đường
Ðể sống vui với bệnh tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:
-Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.
-Tránh thuốc lá.
-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.
-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp bằng thuốc men cũng như thể dục và ăn uống.
-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.
-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.
Thể dục và vận động thể lực thích hợp (tiếp theo)
Các nguyên tắc chung cần chú ý trong việc tập thể dục của bệnh nhân tiểu đường.
Các nguyên tắc này giúp bảo đảm an toàn và đem lại lợi ích cao nhất có thể được. Những điều cần chú ý này bao gồm việc:
-Nên tập vừa sức, nên nghỉ trước khi quá mệt.
-Mang giày thích hợp khi tập thể dục.
-Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập. Nếu bị thiếu nước, mức đường máu có thể bị rối loạn.
Những bệnh nhân dùng insulin nên đo mức đường máu trước, trong và sau khi tập để biết được phản ứng của cơ thể đối với thể dục để điều chỉnh mức insulin cho thích hợp. Liều insulin thường nên giảm khoảng 30% vào trước lúc tập thể dục, vì thể dục thường cũng giúp hạ mức đường máu. Cũng nên chọn nơi chích insulin xa những bắp thịt ta sử dụng trong lúc tập.
Một điều quan trọng khác là phải luôn có các loại đường hấp thu nhanh (như các viên đường, kẹo viên cứng, hoặc nước trái cây) sẵn sàng để dùng ngay khi bắt đầu có các triệu chứng hạ đường huyết như hoa mắt, hồi hộp, muốn xỉu... Nếu dùng insulin, ta có thể sẽ cần phải dùng loại đường hấp thu nhanh này khoảng 15 đến 30 phút trước khi tập và mỗi 30 phút trong khi tập (nếu tập hơn 30 phút).
Ngoài ra, dùng các loại carbohydrates hấp thu chậm như quả khô ngay sau khi tập sẽ giúp ngăn ngừa những đợt hạ đường máu chậm sau khi tập.
Nếu mức đường trước khi tập từ 250 mg/dL trở lên, nên hoãn việc tập cho đến khi mức đường được kiểm soát.
Nên tập loại thể dục nào
Loại thể dục nào thích hợp thường tùy thuộc vào mức độ kiểm soát được của đường máu cũng như tình trạng của các biến chứng của tiểu đường và sức khỏe nói chung của từng bệnh nhân.
Các loại thể dục nhẹ nhàng có tác dụng làm tăng nhịp tim kéo dài một khoảng thời gian, (gọi là thể dục aerobic), như đi bộ, đạp xe, chèo thuyền, bơi lội, thường là chọn lựa thích hợp nhất cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, những người mà mức đường được kiểm soát tốt, không bị biến chứng hay bệnh gì khác có thể tham gia các loại thể dục thể thao mạnh hơn. Các bệnh nhân bị các biến chứng mắt nên tránh các loại hoạt động thể lực quá mạnh bạo như cử tạ, vì nó có thể làm tăng huyết áp làm cho dễ bị chảy máu trong nhãn cầu hơn. Những người bị các biến chứng thần kinh nên tránh các thể dục có thể làm tổn thương ở những vùng bị biến chứng đó, ví dụ, nếu đã bị mất cảm giác ở chân thì nên tránh chạy bộ vì nó sẽ rất có thể dẫn đến một biến chứng rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường là loét bàn chân.
Cường độ tập thể dục
Các loại thể dục aerobic như đi bộ, bơi lội, chèo thuyền tương đối thích hợp với bệnh nhân tiểu đường. Nên tập vừa sức, với thời gian sức tập của ta sẽ tăng lên, tuy nhiên cường độ tập nên được tăng vừa sức. Nên ngưng tập ngay khi có các triệu chứng như tức ngực, hoa mắt chóng mặt. Nếu bị hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, nên ngưng tập và ăn ngay một cục kẹo đường, uống nước đường, hoặc bất cứ loại đường nào khác ngay, vì đó thường là triệu chứng của hạ đường huyết, nếu không dùng đường ngay, có thể bị xỉu và có thể đi vào hôn mê.
Thời gian tập thể dục
Trong mỗi buổi tập, thường nên tập các động tác khởi động để làm “nóng máy,” làm căng các bắp thịt khoảng 10 phút trước khi vào bài tập chính. Sau đó có thể tập tiếp khoảng 20 phút các bài tập thể dục aerobic (như chạy trên máy đi bộ, bơi lội, đi bộ). Nếu đã tập một thời gian, thấy tập 30 phút “chưa đã”, ta có thể tập thêm tùy theo sức. Lúc mới bắt đầu tập, thời gian có thể ngắn hơn, và chỉ nên tăng thời gian tập từ từ tùy theo sức. Quan trọng là tập đều đặn chứ không phải là hôm thì không tập, hôm thì “tập bù” bằng cách tập quá sức.
Nên tập lúc nào
Tập sáng chiều gì cũng được, nhưng điều quan trọng là cố tập đều đặn cùng một giờ mỗi ngày so với thời gian ăn uống và chích insulin. Ðiều đó sẽ giúp mức đường dễ được kiểm soát ở mức cần thiết hơn.
Nên tập bao nhiêu lâu một lần
Tốt nhất là mỗi ngày, ít nhất là ba lần một tuần. Nên chọn những cách tập nào hào hứng và phù hợp đối với mình để mình trở thành “ghiền” tập, thành thói quen tốt suốt đời. Nếu có trở ngại gì, nên thảo luận với bác sĩ để giải quyết sớm.
Xin nhắc lại điều quan trọng là tập đều đặn hàng ngày. Không nên nghĩ đến những cách tập nhiêu khê, tốn kém, chưa phù hợp với hoàn cảnh của mình, rồi cứ chờ hoài mà không bao giờ thực sự bắt đầu. Mỗi ngày đi bộ khoảng nửa tiếng đồng hồ, hay đạp xe trong lúc coi TV hay phim bộ, hay nghe nhạc, vân vân, sẽ tốt hơn là chỉ mỗi cuối tuần đi ra gym một lần đến hai ba tiếng.
Thân mến


Kỳ 10

Tóm tắt các kỳ trước
Ðể sống vui với bệnh tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:
-Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.
-Tránh thuốc lá.
-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.
-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp.
-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.
-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.

Mặc dù bệnh tiểu đường là một tình trạng kinh niên, bệnh thường có thể kiểm soát được bằng thuốc men, ăn uống, thể dục. Mục tiêu chính là giữ mức đường máu ở mức bình thường hoặc ít nhất cũng gần bình thường. Ðo mức đường hàng ngày tại nhà là một trong những cách tốt nhất để biết được bệnh có được kiểm soát tốt hay không.
Bác sĩ của ta cũng sẽ thử máu định kỳ để xem mức đường máu và mức độ của một chất gọi là hemoglobin A1c (cũng còn được gọi là glycohemoglobin). Kết quả của các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ có một ý niệm chung về mức độ được kiểm soát của bệnh. Tuy nhiên, đo đường tại nhà góp phần rất quan trọng trong việc điều chỉnh phương thức điều trị để bệnh được kiểm soát đến mức tối ưu.
Ðo đường tại nhà giúp ta cũng như bác sĩ biết được mức đường máu vào những thời khắc khác nhau, bất cứ lúc nào (ví dụ sau khi ăn một món ăn nào đó, sau khi tập thể dục, khi người cảm thấy khó chịu...). Ðiều này giúp ta điều chỉnh thuốc men, cách ăn uống, và tránh các hậu quả có thể trở nên nguy hiểm tức khắc hay về lâu về dài do mức đường huyết quá cao hay quá thấp. Việc kiểm soát mức đường huyết thường xuyên hàng ngày góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ bị các biến chứng của tiểu đường hoặc làm cho nó phát triển chậm lại nếu ta đã bị biến chứng.

Kiểm soát mức đường máu tại nhà như thế nào?

Trừ các trẻ em nhỏ ra, hầu như bất cứ ai bị tiểu đường cũng có thể đo mức đường máu tại nhà bằng các dùng một máy đo đường (gọi là glucometer) để đo mức đường từ một giọt máu ở đầu ngón tay.
Ðôi khi, đường cũng có thể được đo ở những nơi khác (như ở cánh tay, cẳng tay...). Có người cảm thấy rằng châm kim để lấy máu ở những nơi này ít đau hơn là ở đầu ngón tay. Tuy nhiên, đường máu ở những nơi này có thể ít chính xác hơn ở đầu ngón tay, nhất là khi mà mức đường máu đang tăng hay giảm nhanh.
Ðôi khi, nếu khó lấy máu ở đầu ngón tay, ta có thể làm cho máu để nặn ra hơn bằng cách rửa tay với nước ấm, lắc bàn tay ở vị trí thấp như dưới thắt lưng.

Nên đo đường mỗi ngày bao nhiêu lần?

Ðiều này tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường của ta cũng như một số yếu tố khác có thể làm thay đổi mức đường huyết, và mục tiêu điều trị.
Ðối với các bệnh nhân tiểu đường loại 1, mục tiêu điều trị là đạt được mức đường máu càng gần mức bình thường cũng như càng an toàn càng tốt. Ðối với tiểu đường loại 1, đo đường máu tại nhà hàng ngày là cách duy nhất để đạt được điều này, vì dựa trên mức đường huyết mà ta mới có thể điều chỉnh liều lượng insulin. Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần phải đo đường máu ba đến bốn lần mỗi ngày, những người cần dùng insulin liều cao, có khi phải đo đường máu đến bảy lần một ngày.
Ðối với tiểu đường loại 2, đo bao nhiêu lần một ngày là tốt nhất vẫn chưa được xác định rõ. Thường thì lúc mới bắt đầu điều trị, ta cần phải đo nhiều lần trong ngày hơn để điều chỉnh thuốc, khi mức đường đã tương đối được kiểm soát rồi, ta có thể đo ít lần hơn, hôm thì giờ này, hôm thì giờ khác để cuối tháng hay cuối tuần, tổng hợp lại, ta sẽ có được một hình ảnh chung về mức đường ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu giữ được một lịch trình ăn uống, cách ăn uống và thể dục, vận động điều độ, mức đường máu sẽ dễ được dự đoán chính xác hơn và khiến cho ta có thể ít phải đo đường hơn. Tuy nhiên, mỗi ngày đo ít nhất một lần vào những thời điểm được căn dặn bởi bác sĩ, vẫn là điều nên làm, nếu ta thật sự muốn kiểm soát mức đường máu của mình hầu tránh các biến chứng. Tùy theo từng trường hợp và từng lúc khác nhau, bác sĩ sẽ cho ta biết cách nào tốt nhất.
Một trong những điều quan trọng nhất là sự thành thật và hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Nếu sợ đau hay vì lý do gì đó mà không dám hay không thể thử theo những giờ giấc bác sĩ dặn dò, nên thảo luận thành thật và thẳng thắn với bác sĩ. Ðiều nguy hiểm nhất là không đo, vì “sợ bị rầy”, mà ghi những con số bịa đặt vào sổ để đưa cho bác sĩ, vì với những thông tin không chính xác, bác sĩ không thể đưa ra những lời khuyên thật sự hữu ích cũng như kê toa chính xác được.
Sức khỏe là của chính ta, chính ta là người quan trọng nhất. Bác sĩ hay bất cứ ai khác chỉ có thể giúp ta khi mình biết tự giúp mình. Ðiều đầu tiên và quan trọng nhất để có thể tự giúp mình trong việc trị bệnh (cũng như hầu như mọi sự trên đời), là tự thành thật với mình và những người muốn giúp mình.
Thân mến

Kỳ 11


Làm sao để kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp (tiếp theo)
Tóm tắt các kỳ trước
Ðể sống vui với bệnh tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:
-Ðể ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.
-Tránh thuốc lá.
-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.
-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp.
-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.
-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.
Dùng thuốc và đo đường đều đặn hàng ngày
Kiểm soát mức đường máu hàng ngày đều đặn là việc tương đối phức tạp. Muốn giữ mức đường ở mức an toàn thường xuyên để tránh các biến chứng cấp tính hay mạn tính, ta cần có một lịch trình dùng thuốc, thử đường và ăn uống có kế hoạch cẩn thận.
Tuy nhiên, sự thành công không đòi hỏi ta phải từ bỏ mọi vui thú trong cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, biết cách sắp xếp để việc điều trị hòa nhịp được với các thú vui lành mạnh hàng ngày, là chìa khóa để thành công, vì nếu chữa bệnh mà “khổ quá” thì ít ai có thể theo đuổi suốt đời được, mà việc điều trị tiểu đường, là một việc hầu như ta sẽ phải làm suốt đời (trừ trường hợp trong tương lai có một phát minh bất ngờ nào giúp chữa khỏi hẳn được bệnh).
Mặc dù lúc đầu có thể hơi khó khăn trong việc thành lập một thói quen, một thời khóa biểu mới kết hợp được tất cả những việc cần thiết nói trên (dùng thuốc, thử máu, ăn uống thích hợp), rất nhiều bệnh nhân tiểu đường đã thực hiện được điều này, biến nó thành một “bản năng” thứ hai của mình, và sống vui với bệnh.
Lúc đầu, thường ta cần phải viết ra một thời khóa biểu và kế hoạch dùng thuốc, ăn uống, thử máu hàng ngày, cho tới khi các kế hoạch, thời khóa biểu này đã thành một thói quen, đã thẩm thấu vào trí nhớ, não trạng của mình. Bên cạnh kế hoạch chính, ta nên có sẵn vài phương án dự phòng, dành cho những tình huống bất ngờ, ví dụ như có bạn ghé qua mời đi ăn, tập thể dục nhiều hơn bình thường bị hạ đường máu, bị cảm không ăn uống được như bình thường, vân vân (sẽ phải tăng giảm liều thuốc như thế nào, nên ăn thứ gì,...).
Người bệnh tiểu đường có thể (thường) phải dùng nhiều thuốc khác nhau cho các bệnh khác nhau (ví dụ như cao huyết áp, cao cholesterol, thuốc để phòng các biến chứng tim mạch như aspirin). Tất cả các thuốc này đều quan trọng trong việc duy trì sức khỏe trong trường kỳ, tránh các biến chứng. Do đó, kết hợp tất cả các thuốc men, phương pháp điều trị vào kế hoạch hàng ngày, theo đúng những điều cần thiết được bác sĩ dặn dò là điều quan trọng.
Trong việc dùng thuốc, một hộp đựng thuốc hàng ngày (pills organizer) có thể rất hữu ích. Nó giúp ta chỉ cần một lần mỗi tuần bỏ thuốc vào ngăn, sau đó đến giờ cứ mở ngăn ra lấy thuốc mà dùng, nếu quên, lần kế, nhìn thấy thuốc còn trong ngăn, ta sẽ biết là mình đã quên, và như vậy, ngày sẽ càng ít quên hơn.
Kiểm soát bàn chân hàng ngày
Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng ở bàn chân, và ta có thể không phát hiện kịp thời cho đến khi chúng đã trở thành trầm trọng. Do đó người bị bệnh tiểu đường nên, tập thành thói quen kiểm soát bàn chân mình hàng ngày.
Tốt nhất là vào một giờ cố định, ví dụ như lúc mang giày đi làm, lúc đi tắm, khi thức dậy vào buổi sáng hay trước khi đi ngủ... Việc này chỉ tốn khoảng một phút mỗi ngày, nhưng có thể sẽ được trả giá bằng cả bàn chân của ta. Ta cần kiểm soát cả bàn chân của mình, cả gan bàn chân, mu bàn chân, kẻ các ngón chân. Cần xem xét kỹ xem có bi bị rách da, lở loét, nổi bóng nước, da khô, bị các cục chai, hay bất thường gì khác hay không.
Nếu thấy bất thường, nên đi khám và báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Ta phải chữa sớm vì các vết thương ở người bệnh tiểu đường thường rất khó lành, khi đã trễ, khó khăn sẽ càng tăng gấp bội.
Ði khám bác sĩ thường xuyên
Tập thành các thói quen mới cho cuộc sống hàng ngày nhằm thích nghi tình trạng mới (bệnh tiểu đường) của mình (như đã nêu trên), là điều rất tốt và rất cần thiết. Tuy nhiên, các thói quen mới nhằm tự chăm sóc mình không thể thay thế được việc được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ.
Các buổi thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc men, phát hiện sớm các biến chứng, thực hiện các xét nghiệm thường quy để theo dõi tình trạng bệnh tiểu đường, các biến chứng, và các bệnh có liên quan.
Cần nhớ rằng, các vấn đề sức khỏe thường được chữa có hiệu quả nhất là vào lúc nó còn nhẹ, đôi khi còn chưa có triệu chứng.
Một trong những điều quan trọng khác góp phần vào sự thành công của việc chữa trị là “lắng nghe” cơ thể của mình, để phát hiện sớm các bất thường, và nên báo bác sĩ sớm, không cần phải đợi đến ngày hẹn thường quy.
Trong việc chữa trị tiểu đường, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc theo dõi với bác sĩ gia đình, nội khoa tổng quát, hay với bác sĩ chuyên về nội tiết (endocrinologist) thường đem lại kết quả không khác nhau. Ðiều quyết định là sự chủ động của bệnh nhân, sự làm việc cẩn thận, thường xuyên theo dõi của bác sĩ.
Tóm lại, điều cần nhớ là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi đã bệnh thì chữa kịp thời lúc càng nhẹ, sẽ càng dễ chữa và ít tốn kém tiền bạc cũng như hao mòn sức khỏe, cơ thể của ta hơn.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hết

KeeslerAFB
12-22-2010, 18:25
Cám ơn paxman nhiều