PDA

View Full Version : Tia tử ngoại và mỹ phẩm



PN99
05-17-2008, 12:39
Tác hại của tia tử ngoại (UV ray) trong ánh sáng mặt trời là một trong những mối lo của phụ nữ. Đánh trúng tâm lý ước muốn có một làn da trắng mịn của người phụ nữ, không ít nhà sản xuất mỹ phẩm lạm dụng những hoạt chất để quảng cáo và gây ấn tượng bằng hình ảnh cực kỳ sinh động trong việc tẩy trắng, xóa vết nám trên da...


http://img170.imageshack.us/img170/3450/060101942qk3.jpg

UVA, UVB và UVC

Ánh sáng (hay ánh nắng mặt trời) chuyển động liên tục với một năng lượng và nhiệt độ khá cao dưới dạng "hạt", chiếu thẳng vào khuôn mặt của chúng ta. Chính nhờ ánh nắng, tế bào da bị kích thích, hoạt động tích cực để bảo vệ thân nhiệt, bài tiết và chống đỡ, hình thành những cấu chất NMF tạo độ ẩm cho da như các loại acid amin, lipid (chất béo), chất nhờn ở tầng cơ mỡ (như collagen làm căng da), vitamin D giúp da phát triển khỏe mạnh và bình thường ngoài việc chống lại vi khuẩn và vi trùng từ môi trường bên ngoài.

Nhưng trong ánh nắng mặt trời, ngoài những tia ánh sáng thấy được (độ dài sóng từ 400-790nm), còn có những tia ánh sáng không thấy được gọi là tia tử ngoại có độ dài sóng thấp (từ 180nm-400nm), được chia làm 3 loại như sau:

- UVC 180nm - 290nm không chiếu được vào mặt đất nhờ tầng ôzôn ngăn cản, nhưng ở những vùng bị thủng thì đây là tia sáng gây ung thư mạnh nhất.

- UVB 290nm - 320nm gây chứng viêm da, cháy bỏng da.

- UVA 320nm - 400nm làm cho da bị sạm đen, nguyên nhân của nám nhăn, thúc đẩy sự lão hóa của da nhanh chóng.

SPF và whitening

Gần đây, khi phát hiện khả năng bị tai biến vì ánh nắng mặt trời, rất nhiều sản phẩm từ dưỡng da đến trang điểm (phấn hồng, son môi...) đều có ghi chỉ số chống nắng SPF (Sun Protecting Factors) trên bao bì để khách hàng dễ chọn lựa. Thời gian ánh sáng gay gắt nhất với cường độ UV cao, thông thường từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (có nơi sớm hơn hay muộn hơn tùy vào thời tiết địa lý), vì vậy việc bảo vệ da trong khoảng thời gian này vô cùng quan trọng, nên đội nón và chọn kem trang điểm, phấn hồng hay son môi có chỉ số chống nắng cao (SPF từ 28-32). Bột màu trong mỹ phẩm trang điểm cũng là một trong những nguyên nhân gây nám do làn da bị cảm quang (photo-sensitive), dễ bắt nắng vì vậy việc chọn màu để trang điểm cho ban ngày (màu nhạt) và cho ban đêm (màu đậm) cũng khác nhau. Mặt khác, hương liệu pha chế trong mỹ phẩm cũng không kém phần tác hại, nước hoa và hương liệu mạnh có thể làm cho da bị khô và cháy nám.

Để làm trắng da, nhiều nhà sản xuất dùng các chất có tác dụng tẩy lột cực mạnh như sáp ong, corticoid và các chất dẫn xuất từ họ hóa chất này (chất chống viêm) và gần đây áp dụng acid trái cây (alpha hydroxy acid) với hàm lượng cao trong các loại kem dưỡng da.

Ngôn ngữ "trắng da" (whitening) trong mỹ phẩm hiện đại bao gồm những sản phẩm lột (peeling), tẩy (cleaning hay cleansing), điều hòa và chống lạm tiết hắc tố, chống sự xâm nhập của tia tử ngoại (anti-UV) và bổ sung bằng vitamin C, A và E. Tuy nhiên, làn da đẹp là một làn da sáng sủa, tươi tắn. Việc chăm sóc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, kết hợp chương trình chăm sóc ngày và đêm cụ thể, tránh việc sử dụng các mỹ phẩm theo lời đồn đại, có chất lượng không an toàn hay "đặc chế" không đúng quy định của Bộ Y tế.

Sản phẩm chống UV

Để chống lại sự xâm nhập của UVA và UVB, nhiều hóa chất đi từ hóa tổng hợp đã được đưa vào những sản phẩm chống nắng phổ biến nhất là oxid titan hay di-oxid titan trong các loại phấn trang điểm hay kem chống nắng. Nhằm tăng cường chỉ số SPF, nhiều nhà sản xuất còn pha chế nhiều loại hoạt chất gây tác dụng phụ, phá hủy những acid amin trong NMF, làm hỏng lớp da non gây chứng teo cơ như hydroquinone, cortisone. Khuynh hướng trở về với dược thảo, hoạt chất thiên nhiên đi từ công nghệ sinh học, có độ an toàn cao ngày càng chiếm nhiều ưu thế. Để bảo vệ da không bị ăn nắng, một số nhà sản xuất đã chú tâm vào nguồn dược liệu phong phú từ cây cỏ như sử dụng tinh dầu cám gạo (gamma orizanol), tinh chất ngọc trai (conchiolin solution), dầu lô hội (aloe vera) và các tinh chất trích li từ cam thảo, tía tô, mướp đắng... để nâng cao khả năng chống nắng của sản phẩm. Bổ sung những hoạt chất này, việc áp dụng vitamin như A, C và E ngày càng trở nên cần thiết để chống lão hóa, làm chậm đi hoạt động tích cực của những enzyme tạo hắc tố trong tế bào thượng bì.

Khi đã "lỡ" bị nám, bạn gái nên bình tĩnh suy xét những yếu tố gây nám cho da mình, tìm cách chữa an toàn và tốt nhất qua lời khuyên của bác sĩ hay chuyên gia mỹ phẩm, trong đó phải kết hợp hai phương pháp: lấy đi vết nám hiện có bằng các loại kem tẩy nám và làm trắng da đồng thời nuôi dưỡng lại da, ngăn chặn hắc tố lạm tiết, điều hòa nội tiết trong da. Hiện nay chưa có một sản phẩm nào có tác dụng tức thời, có thể tẩy nám ngay trong một lúc, chỉ có những sản phẩm làm trắng da qua thời gian từ 3-6 tháng tùy vào độ đậm nhạt, nguyên nhân gây ra. Phương pháp điều chỉnh lại hormon bằng thuốc uống và thoa chỉ có thể thực hiện theo chỉ thị của bác sĩ chuyên khoa hay phương pháp tẩy nám bằng tia laser không thể ứng dụng rộng rãi, có thể gây tai biến bất ngờ. Nám da hay bị “đồi mồi” trên thân thể vào tuổi già là việc bình thường, vì vậy tránh chạy theo những lời quảng cáo phô trương để chuốc lấy những tai hại khó lường.

Copy By PN