PDA

View Full Version : FDA phê duyệt công nghệ hấp khẩu trang N95, có thể tái sử dụng 20 lần



saigonman
03-30-2020, 18:10
Mỹ hiện có khả năng sản xuất 400.000 khẩu trang N95 tái sử dụng mỗi ngày, để bù đắp vào sự thiếu hụt trong cơn đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh thiếu hụt thiết bị bảo hộ y tế giữa cơn đại dịch COVID-19, Cơ quan FDA vừa phê duyệt một phương pháp khử nhiễm khẩu trang N95 để tái sử dụng nhiều lần.

Phương pháp được phát triển bởi Battelle, một công ty khoa học công nghệ có trụ sở tại Columbus, Ohio. Văn bản của FDA mô tả công nghệ của Battelle sử dụng một buồng bão hòa ôxy già (hydroperoxide) ở dạng hơi (VPHP) để diệt sạch các mầm bệnh bao gồm cả virus SARS-CoV-2.

Buồng khử khuẩn này có tất cả 5 tiêu chuẩn hóa học, bao gồm nồng độ hydroperoxide và áp suất hơi. Sau 150 phút được đưa vào trong đó, khẩu trang N95 sẽ hoàn toàn sạch khuẩn và mầm bệnh.

Battelle cho biết mỗi buồng VPHP của họ có thể khử nhiễm được 80.000 khẩu trang N95 mỗi ngày để tái sử dụng. Và mỗi chiếc khẩu trang có thể được thu hồi để tái sử dụng 20 lần, miễn là chúng không bị vấy bẩn rõ rệt và không được làm từ vật liệu chứa cellulose.

Hiện tại, Battelle đang có 2 buồng VPHP ở tiểu bang Ohio, họ đang triển khai 3 buồng nữa đến New York, Seattle và Washington D.C. Điều đó có nghĩa là nước Mỹ có thể tái sử dụng đến 400.000 khẩu trang N95 mỗi ngày.

https://i.imgur.com/6PLwW8A.jpg
Khẩu trang N95

"Dựa trên tất cả các bằng chứng khoa học mà FDA có được ở thời điểm hiện tại, hệ thống khử nhiễm của Battelle được tin là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa phơi nhiễm với các hạt mầm bệnh lây lan trong không khí, giữa bối cảnh không có đủ nguồn cung khẩu trang phòng bệnh chuyên dụng trong đại dịch COVID-19", văn bản của FDA viết.

"Bằng cách khử nhiễm này, một khẩu trang N95 bị nhiễm SARS-CoV-2, hay bất cứ vi sinh vật gây bệnh nào khác, cũng có thể được tái sử dụng tối đa 20 lần".

Hệ thống khử nhiễm của Battelle là một thiết bị khử nhiễm độc lập sử dụng hydroperoxide pha hơi (VPHP) để khử nhiễm các mặt nạ N95 có khả năng bị nhiễm mầm bệnh bao gồm SARS-CoV-2. Công nghệ này đã được Battelle phát triển từ năm 2014 và nộp kết quả thử nghiệm cho FDA vào năm 2016.

Các nghiên cứu từ thập niên 1970 cho tới gần đây cho thấy hydroperoxide có thể làm tê liệt nhiều chủng loại virus bao gồm cúm và corona, dựa trên tính chất oxy hóa cao của nó.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu này, ý tưởng sử dụng hơi hydroperoxide để khử trùng khẩu trang N95 đã được nhiều cơ sở khoa học ở Mỹ áp dụng. Đại học Duke cho biết họ cũng đang phát triển một phương pháp như vậy.

Các nhà khoa học ở đây có thể sử dụng một thiết bị chuyên dùng để làm bay hơi hydroperoxide. Sau đó, hơi này được xông vào tất cả các lớp của khẩu trang N95 để tiêu diệt mọi mầm bệnh, bao gồm virus, mà không làm cho vật liệu bị biến tính.

"Đây là một công nghệ và phương pháp khử nhiễm mà chúng tôi đã sử dụng trong nhiều năm qua ở phòng thí nghiệm của chúng tôi", Scott Alderman, phó giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Khu vực Duke, khẳng định.

Trong khi đó, Matthew Stiegel, giám đốc Văn phòng An toàn Môi trường và Nghề nghiệp tại Đại học Duke cho biết trong tình trạng thiếu hụt khẩu trang N95, họ sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ này tại cả 3 bệnh viện trực thuộc của mình.

https://i.imgur.com/vey5UN4.jpg
(Ảnh minh họa)

Theo nguyên tắc, khẩu trang N95 chỉ nên được sử dụng một lần rồi vứt bỏ. Tuy nhiên, giữa cơn đại dịch COVID-19 lúc này và nhu cầu cao về loại khẩu trang này nên ý tưởng này không thích hợp.

Đại học Duke cho phép sử dụng hydroperoxide để khử nhiễm khẩu trang N95 dựa trên các nghiên cứu được công bố từ năm 2016. Mặc dù quy trình này đã được chứng minh là có hiệu quả, tuy nhiên, nó hiếm khi được áp dụng trừ khi có tình trạng thiếu hụt xảy ra.

"Tái sử dụng khẩu trang N95 sẽ giúp tăng khả năng của các bệnh viện, trong việc bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu [giữa đại dịch COVID-19] khi khẩu trang N95 bị thiếu hụt nghiêm trọng", bác sĩ Cameron Wolfe, một phu tá giáo sư y khoa và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết.

Bác sĩ Monte Brown, phó chủ tịch của Hệ thống Y tế Đại học Duke, tiết lộ thêm nhóm nghiên cứu đang làm việc để xây dựng quy trình chuẩn cho việc khử trùng và tái sử dụng khẩu trang N95 với hydroperoxide.

https://i.imgur.com/CwlH9Zg.png

"Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi đang sử dụng một phương pháp khử nhiễm đã được chứng minh", ông nói. "Đây là một phương pháp đã được chứng minh cụ thể trong nhiều năm qua. Nếu chúng ta có thể tái sử dụng khẩu trang dù chỉ từ một hoặc hai lần, nó sẽ mang lại một lợi ích rất lớn trong bối cảnh thiếu hụt hiện tại".

Bác sĩ Brown cho biết thêm hiện đã có nhiều công ty và đơn vị nghiên cứu nộp đơn xin cấp giấy phép cho các thiết bị khử nhiễm khẩu trang N95 công nghiệp. Một trong số đó là hệ thống của Battelle.

FDA trước đó chỉ cho phép Battelle khử nhiễm 10.000 khẩu trang trong mỗi máy hydroperoxide pha hơi của mình. Tuy nhiên, Mike DeWine, Thống đốc tiểu bang Ohio cho rằng giới hạn của FDA không mang tính khoa học, vì bằng chứng đã cho thấy quy trình khử nhiễm với hydroperoxide hiệu quả cao.

Trong tình huống khẩn cấp tại Ohio hiện nay, Battelle hoàn toàn có thể hoạt động hết công suất để khử nhiễm 160.000 khẩu trang N95 mỗi ngày.

Ông DeWine đã trao đổi với Tổng thống Donald Trump cả trên điện thoại và Twitter để thúc đẩy FDA tháo gở lệnh hạn chế của họ. Sau đó, Tổng thống Trump đã tweet một bài về phát minh của Battelle: "FDA cần phải làm việc khẩn trương. Hi vọng rằng họ sẽ phê duyệt thiết bị khử nhiễm khẩu trang này càng sớm càng tốt".

Cho đến nay, FDA đã chính thức phê chuẩn công nghệ của Battelle và cho họ hoạt động hết công suất thực của mình. Battelle cũng đã chuyển 3 thiết bị khử nhiễm khẩu trang của mình đến New York, Seattle và Washington D.C.

Điều đó có nghĩa là nước Mỹ hiện nay có khả năng sản xuất đến 400.000 khẩu trang N95 tái sử dụng mỗi ngày để bù đắp vào sự thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong cơn đại dịch COVID-19.

Theo genk.vn