PDA

View Full Version : Israel tạo ra trái tim người đầu tiên bằng công nghệ in 3D



saigonman
04-17-2019, 11:51
Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Israel đã phát triển thành công trái tim in 3D đầu tiên trên thế giới bằng cách sử dụng tế bào và vật liệu sinh học của con người.

Theo The Times of Israel, nhóm nghiên cứu lấy tế bào mỡ từ bệnh nhân và lập trình lại thành các tế bào gốc đa năng trước khi biệt hóa chúng thành tế bào tim và nội mô. Các nhà khoa học sau đó pha trộn các tế bào biệt hóa này để tạo thành "mực in sinh học". Một máy in 3D chuyên dụng sẽ sử dụng chúng để tạo ra trái tim nhân tạo.

Trái tim nhân tạo, dù chỉ bằng trái tim của một chú thỏ, nhỏ hơn nhiều so với kích thước tim người thật nhưng thành quả này đánh dấu một bước đột phá trong việc nghiên cứu, tìm ra các bộ phận thay thế cho cơ thể người.

http://image.nghenhinvietnam.vn/w1024/Uploaded/2019/tpuohuo/2019_04_17/1_enqf.jpg
(Ảnh: REUTERS/Amir Cohen)
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Tal Dvir cho biết, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí khoa học Advanced Science và đây là lần đầu tiên con người tạo ra được một trái tim nhân tạo bằng công nghệ in 3D với đầy đủ các tế bào, mạch máu, tâm nhĩ hay tâm thất.

http://cdn.vietlong.org/dnn/baothanhhoa/news/1915/105d3155647t8015l4-222.jpg
Máy in 3D in trái tim hoàn chỉnh với mô người. (Ảnh: REUTERS)
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang đối mặt với một vấn đề rằng trái tim được tạo ra từ công nghệ in 3D chưa có khả năng bơm máu dù nó vẫn có thể co bóp. Dù vậy, họ khẳng định sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ và sẽ thử nghiệm trái tim nhân tạo này trên động vật vào năm sau.

Trước mắt, các nhà khoa học sẽ tiếp tục hoàn thiện và đang có kế hoạch thử nghiệm trên động vật trong vòng 1 năm tới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, và cấy ghép hiện là lựa chọn duy nhất dành cho các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, số lượng người hiến tim rất hạn chế và nhiều bệnh nhân đã tử vong trong quá trình chờ đợi, hoặc cơ thể của bệnh nhân đôi khi không thích ứng. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng khắc phục vấn đề này bằng cách lấy sinh thiết mô mỡ từ các bệnh nhân được sử dụng để phát triển "mực" cho bản in 3D.

Sử dụng mô của chính bệnh nhân là yếu tố hết sức quan trọng để loại bỏ nguy cơ cấy ghép gây ra phản ứng miễn dịch. "Khả năng tương thích sinh học của các vật liệu kỹ thuật là rất quan trọng để loại bỏ nguy cơ từ chối cấy ghép", ông Dvir nói.

In 3D, hay còn gọi công nghệ chế tạo đắp lớp, là quá trình tạo ra vật thể thật trong không gian 3 chiều với vật liệu được đắp lên và hình thành theo sự điều khiển của máy tính.

Chỉ với một bản vẽ kỹ thuật 3 chiều, công nghệ in 3D sẽ tạo ra các sản phẩm chi tiết mang đầy đủ yêu cầu và hình dáng mong muốn.

Xem clip:
3SXvKCNdM8k

Theo Euronews/Luke Hurst