PDA

View Full Version : Hướng dẫn cách đo huyết áp tại nhà chính xác



saigonman
06-08-2018, 22:10
https://uebe.vn/wp-content/uploads/2016/11/xet-nghiem-benh-chlamydia4.jpg
Cao huyết áp vẫn được coi là tên sát nhân thầm lặng, vì có khả năng giết người mà không báo trước. Vì thế, việc đo huyết áp tại nhà hàng ngày là cách tự kiểm soát huyết áp của bản thân, đặc biệt là những người bệnh huyết áp. Và vấn đề ở đây là dù có máy đo huyết áp nhưng không phải ai cũng biết cách đo huyết áp. Vậy cách đo huyết áp đúng là như thế nào? Cách đo huyết áp chuẩn là sao? Vì thế, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc cách đo huyết áp để bạn có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như gia đình mình một cách tốt nhất.

Vậy cách đo huyết áp như thế nào?
Nếu bạn muốn cách đo huyết áp đúng cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Bao giờ thì nên đo và đo mấy lần trong ngày?
Tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ gia đình sẽ cho chúng ta biết là phải đo bao nhiêu lần trong ngày. Nhưng chúng ta có thể đo hai lần một ngày trong hai tuần rồi một lần mỗi ngày trước khi uống thuốc. Khi máu đã tương đối bình thường thì chỉ cần đo vài lần trong tuần.

Nên đo huyết áp tại nhà vào buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều sau bữa ăn khoảng 1 giờ. Nhớ ghi lại tất cả kết quả với ngày và giờ đo vào sổ để thầy thuốc tiện việc đánh giá đúng về tình trạng huyết áp.

Mỗi lần đo phải đo ít nhất 2 lần và cách nhau ít nhất 3 đến 5 phút cho mỗi lần đo.Trị số huyết áp chính xác là giá trị trung bình cộng của 2 lần đo nói trên. Nếu 2 lần đo chênh lệch nhau > 5mmHg, cần thực hiện đo lần thứ 3 và lấy trung bình cộng của cả 3 lần đo.

Chúng ta không đặt máy đo ở cánh tay bị thương hoặc đang được truyền dịch tĩnh mạch và không đo huyết áp ngay sau khi vận động cơ thể hoặc đang trong tình trạng căng thẳng tinh thần.

2. Tư thế
Bệnh nhân phải chọn tư thế ngồi thoải mái. Trước đó nên thư giãn 5 phút. Trong khi đo người bệnh không được nói chuyện, không được cử động tay và máy đo luôn đặt ở vị trí ngang tim. Không đo huyết áp ngay sau khi leo cầu thang, chạy nhanh (trừ khi bác sĩ cần đo lúc gắng sức), vừa mới ăn no, quá đói, quá mệt…, vì huyết áp khi đó cao hay thấp hơn con số trung thực.

3. Vị trí đo huyết áp
Với máy đo điện tử, có thể đo huyết áp ở bắp tay hay cổ tay miễn là điểm cảm ứng trong băng quấn tay (sensor) phải nằm ngang mực tim. Nếu đo bắp tay chúng ta có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay khoảng 2cm. Nếu đo ở cổ tay thường phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với trái tim. Do đó, việc đo huyết áp cổ tay dễ sai lệch hơn đo bắp tay vì người đo khó giữ cánh tay cho yên. Đối với máy cơ thì cánh tay để ngửa, quấn băng quấn tay vào cánh tay, mép dưới của băng quấn trên nếp khuỷu tay từ 2,5 – 5 cm, quấn nhẹ nhàng vừa phải.

4. Phương tiện
– Máy đo: Bạn nên chọn máy đo có chất lượng tốt (như Omron), độ chính xác cao, có nguồn gốc rõ dàng. Nếu dùng máy điện tử tự động thì nên chọn máy:

+ Vận hành đơn giản với một nút (one touch) để người đo đỡ phân tâm.

+ Bơm nhanh và không gây tiếng động lớn khi bơm hơi để người đo bớt lo lắng trong khi chờ đợi.

+ Có tính cảm ứng cao biểu hiện qua dấu hiệu máy ngưng vận hành ngay khi cánh tay cử động thay vì tiếp tục bơm rồi cuối cùng báo lỗi.

– Bao quấn tay: Phải dài tối thiểu 33 cm nếu đo ở bắp tay và 19,5 cm nếu đo ở cổ tay. Nếu bao quá dài hay quá ngắn do người quá mập hay quá ốm phải thay bao khác với chiều dài thích hợp. Bao khi quấn phải chặt nhưng không gây cảm giác khó chịu cho người đo.

5. Kết quả đo
Khi sử dụng máy đo huyết áp, cần ghi lại cả trị số tâm thu, tâm trương và số nhịp tim hiển thị trên máy đo huyết áp để bác sĩ có đủ thông tin để chẩn đoán.

Trị số huyết áp có thể thay đổi trong ngày tùy theo trọng lượng, thói quen sinh hoạt … Nên không cần quá lo lắng nếu máy đo huyết áp cho thấy huyết áp dao động ít nhiều trong ngày.

Đo huyết áp hàng ngày là việc rất cần thiết. Nhưng nếu cách đo huyết áp của bạn không đúng cách sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy về sau cho bản thân. Vậy nên, với những chia sẽ về hướng dẫn cách đo huyết áp chuẩn tại nhà trên sẽ hữu ích cho các bạn và tiện lợi khi sử dụng máy đo huyết áp tại nhà một cách chính xác.

Theo uebe.vn

saigonman
06-08-2018, 22:18
Có thể tìm hiểu thêm:
Hướng dẫn cách đo huyết áp tại nhà

Với những bệnh nhân được chuẩn đoán là cao huyết áp thì việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là điều vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, với những gia đình có người bị cao huyết áp cần trang bị một chiếc máy đo huyết áp cổ tay hoặc máy đo huyết áp bắp tay để tiện cho việc theo dõi bệnh tình của mình. Hôm nay Quản trị mạng sẽ hướng dẫn bạn cách đo huyết áp tại nhà rất đơn giản và chính xác mà không cần phải đến bệnh viện hoặc phòng mạch bác sĩ.

Cách đo huyết áp với máy đo huyết áp bắp tay
Cách quấn và lắp vòng bít:
- Vén áo qua vị trí bắp tay.
- Quấn vòng bít vào cánh tay trái cách khuỷu tay 2 - 3 cm và bên trên động mạch chủ.
- Vòng bít được quấn vào bắp tay nhưng không quá chặt, chỉnh cho dây nối vòng bít nằm ở chính giữa mặt trong cánh tay.
- Cắm đầu dây nối vòng bít vào lỗ cắm bên cạnh thân máy đo huyết áp bắp tay.
- Nên sử dụng vòng bít chính hãng. Vòng bít phù hợp với cánh tay có chu vi từ 22 - 35 cm.

https://i.quantrimang.com/photos/image/2017/12/02/huong-dan-cach-do-huyet-ap-chinh-xac-tai-nha-1.jpg
Nên đo huyết áp thường xuyên để tránh đột quỵ

Tư thế ngồi đo huyết áp:
- Nghỉ ngơi khoảng 5 phút trước mỗi lần đo.
- Bạn có thể đo huyết áp ở tư thế ngồi hoặc nằm đều được. Tuy nhiên cần lưu ý đặt tay sao cho vòng bít ở vị trí ngang tim.
- Không nói chuyện hoặc cử động trong lúc đo.

https://i.quantrimang.com/photos/image/2017/12/02/huong-dan-cach-do-huyet-ap-chinh-xac-tai-nha.jpg
Tư thế đo huyết áp bắp tay đúng

Đo huyết áp:
- Sau khi đã quấn vòng bít vào bắp tay, ngồi ở tư thế thoải mái và chọn bộ nhớ cần dùng, nhấn nút bật/tắt để bắt đầu đo.
- Sau khi tự kiểm tra, toàn bộ các thông số hiển thị nhanh trên màn hình, máy bắt đầu quá trình đo.
- Vòng bít sẽ tự động được bơm hơi để đo huyết áp. Nếu áp suất trong vòng bít không đủ, thiết bị sẽ tự động bơm thêm để có áp lực đủ đo.
- Khi đã đạt mức cần thiết, áp suất vòng bít tự động giảm dần.
- Sau cùng, kết quả đo huyết áp ( số tâm truơng và thu trương) và nhịp tim sẽ hiển thị trên màn hình.

Lưu ý: Bạn có thể ngừng quá trình đo bất cứ lúc nào bằng cách nhấn nút tắt/bật.
Máy sẽ tự động tắt sau 1 phút. Đợi ít nhất 5 phút trước khi đo lần tiếp theo.

Cách đo huyết áp với máy đo huyết áp cổ tay(không chính xác)
Cách quấn vòng bít ở cổ tay:
- Chú ý không quấn vòng bít lên cổ tay áo, cần xắn tay áo lên và bắt đầu quấn.
- Nên tiến hành đo ở cổ tay bên trái vì tay trái gần tim hơn sẽ cho kết quả chính xác hơn.
- Quấn vòng bít sao cho ngón tay cái song song với màn hình hiển thị của máy.
- Mép vòng bít cách cổ tay từ 1 - 2 cm.

Tư thế khi tiến hành đo huyết áp:
Tư thế đo quyết định rất nhiều đến kết quả đo. Khi bạn sử dụng máy đo huyết áp cổ tay thì bạn không nên để quá cao so với tim cũng như không nên để quá thấp so với tim, nên nhớ luôn luôn để máy đo huyết áp ngang tim. Đặc biệt, bạn nên đo huyết áp ở cùng một thời điểm trong ngày để biết được huyết áp của bạn có dao động nhiều hay không.

Trước khi đo bạn cần:
- Ngồi thoải mái, thư giãn ở nhiệt độ phòng thích hợp.
- Không ăn uống, hút thuốc, tập thể dục. Nghỉ ngơi từ 30 phút - 60 phút, sau đó mới bắt đầu đo huyết áp.
- Ngồi trên ghế, đặt chân xuống nền nhà phằng. Không vắt chân chữ ngũ, không ngồi nghiêng ngả, không cử động hay nói chuyện trong quá trình đo.

Đo huyết áp:
- Sau khi đã thực hiện 2 bước trên, người dùng nhấn nút ON/OFF để tiến hành đo huyết áp.
- Vòng bít sẽ tự động được bơm hơi để đo huyết áp. Nếu áp suất trong vòng bít không đủ, thiết bị sẽ tự động bơm thêm để có áp lực đủ đo.
- Khi đã đạt mức cần thiết, áp suất vòng bít tự động giảm dần.
- Cuối cùng, kết quả đo huyết áp và nhịp tim sẽ hiển thị trên màn hình LCD.

Nếu muốn đo thêm một lần nữa bạn hãy đợi ít nhất 5 phút rồi mới tiến hành đo lần tiếp theo.
Hy vọng với bài viết hướng dẫn này sẽ giúp người bệnh, kể cả với những cụ cao tuổi cũng có thể tự đo huyết áp tại nhà dễ dàng.

Nếu bạn đang muốn tìm mua một chiếc máy đo huyết áp cổ tay và máy đo huyết áp bắp tay thì nên tham khảo các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như Omron - Nhật Bản, Microlife (Thụy Sĩ), Beurer - Đức... sẽ giúp bạn yên tâm hơn về độ bền và chất lượng hơn cũng như kết quả đo.

Chúc các bạn luôn có một sức khỏe tốt.

Theo quantrimang