PDA

View Full Version : Lý do gì khiến Trung Quốc im hơi lặng tiếng tại Thế vận hội mùa Đông?



QHNM
02-23-2018, 10:28
Trong khi cả thế giới chăm chú nhìn vào cuộc hội ngộ chưa từng có Mỹ-Triều-Hàn tại Thế vận hội mùa Đông, một quốc gia mang vai trò lớn như Trung Quốc lại bất ngờ khá im hơi lặng tiếng.


Trong khi cả thế giới đang tập trung dõi theo những diễn biến diễn ra ở Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, dường như một cặp mắt khác ở Bắc Kinh đang lặng im và theo dõi Washington.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tìm hiểu xem Tổng thống Mỹ Donald Trump có nghiêm túc về hành động quân sự chống lại Triều Tiên hay không, theo Asia Nikkei.


Một nguồn tin Trung Quốc cho biết "ông Tập Cận Bình đã lờ đi Thế vận hội Pyeongchang và chỉ tập trung vào Tổng thống Donald Trump. Điều này càng thể hiện rõ ràng từ hành động ngoại giao của Trung Quốc vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa Đông”.


Nguồn tin này nói đến chuyến thăm bất ngờ của ông Dương Khiết Trì tới Nhà Trắng vào ngày 9/2. Ông Dương là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc vừa được bầu vào Bộ Chính trị trong đại hội đảng vào năm ngoái. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ.


Không khó để hình dung chuyến thăm của phái viên ngoại giao Trung Quốc là tìm hiểu những ý định thực sự của ông Trump đối với Triều Tiên. Biết kế hoạch của Washington là rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Nếu khả năng lựa chọn quân sự ở mức cao, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch cho Bình Nhưỡng.


Tại Washington, ông Dương tỏ ra rất mong chờ các cuộc gặp với một số nhân vật quan trọng từ phía Mỹ. Bên cạnh cuộc gặp với Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu dịch giả cho ông Đặng Tiểu Bình đã gặp cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster và Jared Kushner, con rể của Trump. Ông Dương đang chứng tỏ rằng năng lực bản thân hoàn toàn xứng đáng với những gì mà trung ương đã tin tưởng trong đại hội vừa qua.


Thế vận hội bị chính trị hóa?


Trong khi đó, tại Pyeongchang, Kim Yo-yong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên lại trở thành tâm điểm sân khấu. Chuyến thăm Hàn Quốc của bà đã khiến cho giới truyền thông Hàn Quốc xôn xao từ khi đặt chân đến cho tới lúc ra về.


Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên.


Trong lễ khai mạc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ ngồi cách bà Kim vài mét, nhưng cả hai đã không chú ý đến nhau. Tổng thống Moon Jae-in đã cố gắng sắp đặt một cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và Triều Tiên, nhưng không thành công.


Ông Pence được đánh giá là một trong số ít nhân vật trung thành của Tổng thống Trump và là người hiếm hoi thực sự biết những gì ông chủ Nhà Trắng đang nghĩ.


Nếu ông Trump đang cân nhắc phản ứng quân sự đối với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, tất nhiên Phó Tổng thống như ông Pence sẽ không thể vui vẻ bắt tay với bà Kim Yo-yong, hay bất kỳ ai từ đoàn Triều Tiên, tờ Asia Nikkei nhận định.


Sự hờ hững của Trung Quốc với Thế vận hội lần này cũng bắt nguồn từ quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Seoul thời gian qua.


Quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Hàn Quốc đã khiến Trung Quốc trả đũa bằng cách ra lệnh cấm khách du lịch cũng như trừng phạt các công ty Hàn Quốc đang làm ăn tại đại lục. Những động thái này đã làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế của Hàn Quốc.


Trong một động thái phản ánh đúng tình trạng hiện tại của mối quan hệ, ông Tập chỉ cử ông Hàn Chính – Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc đến dự lễ khai mạc.


Ông Hàn tham dự bữa tiệc do Tổng thống Moon Jae-in tổ chức và trao đổi vài lời với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người mà ông ngồi bên cạnh. Ngoài ra, ông Hàn cũng trò chuyện với Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam.


Tại Pyeongchang, ông Moon cũng gặp đại diện phía Trung Quốc và giải thích chính sách về Triều Tiên của Hàn Quốc, cũng như một số vấn đề khúc mắc trong hoạt động kinh doanh giữa hai bên.


Thế vận hội đôi khi được quảng bá như một biểu tượng cho hòa bình toàn cầu, giúp mang thế giới xích lại gần nhau bằng hoạt động thể thao hơn là ngoại giao, kinh tế hay thậm chí quân sự. Nhưng giới phân tích đánh giá, chưa có thế vận hội nào bị chính trị hóa sâu đậm như ở Hàn Quốc năm nay.
nguồn: người đưa tin