PDA

View Full Version : Smart-phone sẽ chết?



vohh2
04-22-2017, 06:34
smart-phone sẽ chết?

https://s18.postimg.org/ghmhee5g9/image.png (https://postimg.org/image/5i1a2sf11/)

Điện thoại thông minh: Sẽ chết? Làm sao nó chết được. Cứ nhìn chung quanh, từ người trẻ đến người già hầu như ai ai cũng có một (thậm chí hai ba cái) smart-phone. Vậy làm sao nó có thể chết được? Nhưng một ngày Smart-phone tắt thở, lúc đó xã hội sẽ phản ứng ra sao? Chuyện gì sẽ xảy ra? Xã hội sẽ loạn cả lên? Sẽ tận thế? Không thể tưởng tượng nổi! Và riêng bạn, có bao giờ bạn từng nghĩ qua một ngày không lâu điện thoại thông minh sẽ cáo chung.
Khỏi bàn cãi nhiều, vai trò vị trí của điện thoại thông minh trong xã hội gần như thiết yếu đến nỗi có nhiều người tin rằng: Không có nó là không xong. Thực ra ban đầu điện thoại thông minh là món hàng xa xỉ. Nó là thứ sản phẩm của người giàu có. Người nghèo không thể mua nó. Nhưng càng về sau điện thoại thông minh càng trở nên phổ biến và rẻ hơn. Hầu như ai cũng có. Cứ có nhu cầu là có, nên càng về sau mọi người mới càng thấy rõ không có nó là không được.

Vì thế điện thoại thông minh đã ung dung thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống. Nhiều gia đình mỗi người có một cái. Các cụ cao niên có. Trẻ em cũng có. Thậm chí nhiều em nhỏ mới 5-6 tuổi bố mẹ đã mua điện thoại thông minh cho con như một hình thức babysitting (vú em). Tại sao? Vì chỉ cần có một cái smart-phone là các em sẽ “ngoan” hơn, bớt phiền quấy cha mẹ hơn. (Ít nhất đây là những lợi ích có thể quan sát từ bên ngoài).
Còn nhớ sự ra đời của smart-phone với lắm chức năng ưu việt của nó đã giết chết biết bao nhiêu sản phẩm khác như đồng hồ báo thức, đồng hồ đeo tay, sách bản đồ, bản đồ định vị, máy tính, TV, đĩa nhạc, máy hát, truyền hình cáp, chi phiếu in thành tập (checkbook), điện thoại bàn, máy chụp ảnh, pager, fax machine… Tất cả cứ thế lần lượt ra đi trong âm thầm lặng lẽ. Vâng. Nếu như có kiếp luân hồi, smart-phone sau này vĩnh viễn không thể đầu thai vào một kiếp tử tế hơn vì nghiệp quả sát sanh của nó quá đỗi nặng nề đối với các sản phẩm khác.
Trở lại câu hỏi ban đầu của chúng ta: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu smart-phone biến mất. Chắc chắn lẽ khủng khiếp lắm. Bởi vì nó quá đa năng. Nó đảm trách quá nhiều nhiệm vụ thiết yếu. Nó ôm đồm nhiều thứ. Nếu nó biến mất những công việc thiết yếu đó ai sẽ làm thế nó. Con người sẽ tá hỏa bởi nhiều kỹ năng thao tác một dạo rất “chân tay” đã biến mất vì họ “lệ thuộc” quá nhiều vào nó (nên quên mất rồi).

Câu hỏi thứ hai: Khi nào smart-phone biến mất? Một thập niên nữa? Hai thập niên nữa? Có khi nào bạn nghĩ chuyện sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất tuyệt vời hôm nay chỉ sau vài thập niên tới sẽ trở thành “chuyện quá khứ”, thành “chuyện hồi xưa bọn mình”… Nói có sách, mách có chứng… tương lai ảm đạm của smart-phone (là chuyện) nhiều chuyên gia có tầm nhìn xa như Elon Musk, Bill Gate và những công ty gạo cội trong làng viễn thông cá nhân nổi danh như Microsoft, Facebook, Amazon, cùng với nhiều công ty nhỏ, các công ty mới thành lập… đang hăng hái bàn tán. Họ quan tâm lo lắng. Họ cân nhắc. Họ phỏng đoán. Và rồi nỗi ám ảnh smart-phone sẽ bị đào thải cứ lớn dần… Nói khác đi họ nhận ra sớm muộn gì thiên hạ cũng sẽ bắt đầu chán smart-phone!

Tôi và bạn – cùng bao nhiêu người khác nữa; tất cả chúng ta đều là con người – nhu cầu giao tiếp xã hội (dạo gần đây) liên tục chuyển đổi từ “tính năng cộng đồng” sang “tính năng ốc đảo” chủ yếu liên hệ qua những kênh giao tiếp thiên về máy móc viễn thông; trong đó vai trò của smart-phone và internet đã góp phần thúc đẩy phát triển những địa hạt nối-kết-xã-hội không ai ngờ đến. Để rồi con người càng lúc càng tách biệt, càng rời xa nhau hơn, co cụm hơn, cuối cùng smart-phone đã trở thành tháp ngà (cõi riêng) của mỗi cá nhân.
Khi smart-phone biến mất, liệu xã hội có xảy ra nhiều chuyện nực cười. Tuy điện thoại thông minh xuất hiện cách đây không lâu, song ảnh hưởng của nó đối với nhân loại quá lớn, quá hiển nhiên đến nỗi nó trở thành một dạng “oxy thứ hai” của nhân loại. Nó khiến con người ta lười nhác hơn, lệ thuộc vào nó nhiều hơn. Vô tình họ cứ nghĩ nó giải phóng họ nhưng thực tế nó đang nô-lệ-hóa những ai sở hữu nó một cách rất âm thầm, rất tinh vi.

Quá gọn ghẽ, quá tiện nghi, quá đa năng (để có thể) giúp con người thực hiện bao nhiêu công việc. Vậy tại sao một sản phẩm tuyệt vời hoàn hảo như thế có thể biến mất? Đặc biệt với ứng dụng GPS, điện thoại thông minh cho phép nhiều dịch vụ (sử dụng chung với các apps chuyên môn) tạo ra một sân chơi mới độc đáo. Gần như chỉ cần một chiếc smart-phone là thiên hạ có thể vui vẻ sống với những chức năng được nó đem lại. Con người vì thế càng lúc càng lười biếng hơn bởi các dịch vụ “ăn hôi” smart-phone liên tục “lăn xả chèo kéo”, khiến con người lún sâu hơn vào cạm bẫy của tiện nghi.
Lùi về quá khứ một chút, bạn còn nhớ sự ra đời của máy tính bàn (desktop) chứ – những thế hệ máy vi tính cá nhân đầu tiên, cục mịch và thô thiển. Những hard drive sử dụng floppy disk đầy bất tiện. Sau đó là máy tính xách tay (laptop) sang trọng và nhẹ nhàng hơn. Rồi CD. Rồi USB. Các sản phẩm máy vi tính cá nhân cứ bị những thế hệ đàn em sinh sau đẻ muộn “khả úy” vượt mặt (về vận tốc xử lý và thiết kế mẫu mã) khiến cho nhiều sản phẩm ban đầu xuất hiện oai phong lẫm liệt bao nhiêu rồi cũng phải ngậm ngùi chia tay cuộc chơi khi tuổi đời vẫn còn thời trung niên, còn tráng kiện.

Vậy ai sẽ là con “quái vật” khả dĩ có thể thay thế smart-phone. Hãy tưởng tượng xem. Một thiết bị cá nhân nào đó “gắn được” vào cơ thể con người có khả năng chuyển tải những thông tin trực tiếp hiển thị qua kênh thị giác. Ví dụ như thiết bị gắn trên đầu: Tạm gọi nó là SARH (standalone augmented reality headsets) cho tiện. Con người sẽ không còn “tốn sức lao động” khi tiếp cận với thông tin thông qua các thiết bị SARH này. Họ không phải quẹt ngón tay vào màn hình cảm ứng. Họ cũng không sợ đánh rơi, hay thất lạc chiếc smart-phone yêu dấu của mình…

SARH sẽ hoàn hảo hơn. Mọi chức năng của một smart-phone bạn đang có hôm nay sẽ được SARH “lăn xả vào” đảm trách 300% nhiệt tình hơn. Nó gọn nhẹ. Sang trọng. Tiện nghi. Bảo đảm an toàn. Riêng tư hơn. Cá nhân hơn. Thậm chí nó còn đảm trách thêm nhiều chức năng liên quan đến sức khỏe cá nhân vì được “gắn sát” vào cơ thể. Cuối cùng smart-phone sẽ phải ngậm ngùi ra đi vì so với SARH nó cồng kềnh và vướng víu hơn nhiều.
Hiện tại smart-phone khai thác một số kênh giác quan như xúc giác (quẹt màn hình cảm ứng), thị giác (nhìn vào màn ảnh), và thính giác (nghe) nhưng chúng có vẻ bán-tự-động. Mai kia tất cả những kênh giác quan này (thiết kế với các sản phẩm SARH) sẽ liên kết chặt chẽ với nhau hơn, tự động hơn, nhanh nhạy hơn, thức thời hơn… Cuối cùng smart-phone sẽ không còn là sản phẩm ưu việt nhất nữa. Nó sẽ nhanh chóng bị hất cẳng như nó đã từng hất cẳng những thế hệ đàn anh của nó trước đó.

Lợi lộc ở đâu khi các nhà nghiên cứu đầu tư quyết định để cho smart-phone tắt thở. Luật chơi của thế giới đồ điện tử cá nhân càng lúc càng khốc liệt. Đào thải là một quy luật khá tàn nhẫn, không biết thiên vị, không biết tiếc thương. Mạnh được, yếu thua. Và chuyện smart-phone cuốn gói ra đi, hoặc trở thành sản phẩm dành cho người nghèo (vì giá bán của SARH vẫn còn đắt đỏ) là chuyện sớm muộn. Một khi biết rõ ngày tàn của smart-phone sẽ đến (tuy vận tốc diễn ra nhanh chậm hiện nay chưa nắm rõ), các công ty một dạo ăn nên làm ra nhờ vào smart-phone đang nghĩ cách từ bỏ nó; không thì sẽ bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh thị phần (nếu như họ đợi nước đến chân mới chịu nhảy).
Có thể smart-phone không chết quá nhanh như người ta lo lắng. Hiện nay smart-phone đang đảm trách quá nhiều chức năng phục vụ đời sống con người. Nhất là từ khi hàng loạt những thế hệ apps ra đời, xun xoe, bợ đỡ, nhiệt tình gần như thái quá; thành ra nhiều kỹ năng cần đến óc tổ chức của con người đã bị “đánh cắp”. Cuối cùng họ cứ ngỡ smart-phone giải phóng họ nhưng vô tình nó đang “làm chủ” họ mà họ vẫn cứ vô tư, bình chân như vại, tưởng mình làm chủ smart-phone cuối cùng lại bị smart-phone làm chủ!

Trò chuyện với các anh em người Việt Nam mình, có người nghe nói smart-phone chết sớm sẽ gật đầu: Chuyện này có gì lạ. Smart-phone càng ngày càng trở nên nhàm chán với thị hiếu vốn luôn thay-đổi-như-chong-chóng của con người. Vì thế smart-phone chết không phải vì nó hết đất sống, mà nó bị một đối thủ nào đó mới mẻ và lạ mắt hơn ra đời. Càng hiện đại, con người càng bị cuốn vào những thế hệ sản phẩm mới độc chiêu hơn, lắm trò hơn, khác người hơn… Cuối cùng smart-phone chết vì nó bị con người chê chán khi họ có những lựa chọn khác bắt mắt hơn.
Chỉ cần một sản phẩm ưu việt hơn. Không cồng kềnh như smart-phone, tiện hơn, gọn hơn, đẹp hơn, bớt lách cách hơn, “khác người” hơn, sản phẩm đó sẽ hất cẳng smart-phone không mấy khó khăn. Một dạo Google glasses đã từng thách đố smart-phone. Rồi Apple Watch cũng đã toan hạ bệ smart-phone. Tuy nhiên hai kẻ này non cơ hơn nên chưa quật ngã smart-phone được. Nói thế để thấy chuyện nay mai smart-phone sẽ chết chẳng có gì là mới mẻ cả. Có điều đối thủ của nó phải độc chiêu hơn.
Và rồi… chuyện gì sẽ xảy ra.
Không ai biết được tương lai của smart-phone sẽ đi về đâu. Như chuyện Mr. Trump đắc cử. Như chuyện Nga cứ ngỡ Mr. Trump sẽ mặn mà với mình nhưng ngó vậy mà không phải vậy. Như chuyện Trumpcare bị xếp xó (tạm thời cứ biết vậy) còn Obamacare cứ ngỡ đã bị treo cổ nhưng vẫn èo uột lay lắt. Như chuyện Syria tự đã được Mỹ “lờ cho” nhưng vẫn “ngốc nghếch” sát hại dân vô tội bằng vũ khí hóa học, cuối cùng bị Mỹ thả bom… Tương tự, smart-phone sống lâu hay mệnh yểu (bản thân nó không làm gì được) mà do những ông chủ, những tay đầu nậu, những bộ óc khoa học siêu việt sẽ quyết định bao giờ sẽ đưa nó lên đoạn đầu đài? Và quyết định đó (cho đến giây phút này) chẳng ai nói mạnh được khi nào mới xảy ra.
Nguyễn Thơ Sinh

dacdi
04-22-2017, 13:59
mình thường nói với mấy đồng nghiệp trong hãng: đi làm có thể quên đem lunch nhưng không thể quên điện thoại

Đắc Di