PDA

View Full Version : Tài ngang Khổng Minh, đây mới là người chiếm trọn trái tim đa nghi của ‘gian hùng’ Tào Tháo .



hatat
10-16-2016, 00:06
Người ta nói, sở dĩ Tào Tháo không thể nhất thống thiên hạ là bởi mất đi một trong những mưu thần xuất sắc nhất của mình. Người này so tài với Khổng Minh thì quả thực là “kẻ tám lạng, người nửa cân”, bày mưu tính kế gì Tào Tháo cũng đều nhất nhất nghe theo không chút nghi ngờ.

Tào Tháo đa nghi nhưng không nhỏ nhen

Đa nghi là tính cách nổi bật nhất của Tào Tháo, thậm chí đã đi vào thành ngữ dân gian: “Đa nghi như Tào Tháo”. Sử sách chép lại rất nhiều về thói đa nghi của ông. Câu chuyện nổi tiếng nhất có lẽ là giai thoại Tào Tháo giết cả nhà ông lão Lã Bá Sa chỉ vì nghi người nhà của ông mài dao giết mình (thực chất là mài dao mổ lợn, thết đãi Tào Tháo).

Dù đa nghi nhưng Tào Tháo không hề nhỏ nhen hay thù vặt. Tào Tháo ứng xử với thủ hạ dưới quyền là tuyệt đối công bằng, phân minh với phương châm “Đã nghi thì không dùng, còn đã dùng thì không nghi”.

Đặc biệt, với những mưu sĩ như Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục… Tào Tháo luôn rất trọng vọng, gặp mưu thì dùng, nghe kế thì làm theo ngay. Nhân vật được Tào Tháo tin tưởng nhất trong hàng ngũ mưu thần chính là Quách Gia, một trong những mưu lược gia nổi tiếng nhất nhì thời đại Tam Quốc.

“Túi khôn” của Tào Tháo

Quách Gia (170 – 207), tự Phụng Hiếu, vốn người huyện Dương Địch, quận Dĩnh Xuyên, Dự Châu (tỉnh Hà Nam ngày nay). Ngay từ khi còn trẻ, Quách Gia đã có chí hướng khác người, thường kết bạn với những kẻ tuấn kiệt, trí giả.

“Tam Quốc chí” chép rằng, Tào Tháo đóng quân ở Duyện Châu ra sức thu dụng nhân tài, đã kéo được rất nhiều hiền sĩ về dưới trướng. Mưu sĩ Tuân Úc viết thư tiến cử Quách Gia cho Tào Tháo. Chỉ gặp Quách Gia lần đầu, Tào Tháo đã nhận định: “Kẻ khiến ta thành đại nghiệp, ắt hẳn là người này đây”. Còn chính Quách Gia cũng nhận xét Tào Tháo: “Thực là chân chúa của ta vậy”.

Tào Tháo dâng biểu lên thiên tử nhà Hán phong cho Quách Gia làm Tư không Quân tế tửu. Từ đó trở đi, trước khi ra những quyết sách quan trọng, Tào Tháo đều hỏi ý Quách Gia.
2014624133530549
Tào Tháo trọng dụng Quách Gia, luôn nghe theo lời khuyên của mưu sĩ này.

Bấy giờ, Viên Thiệu làm chủ 4 châu rộng lớn: Ký Châu, U Châu, Tịnh Châu và Thanh Châu, chính là kình địch lớn nhất của Tào Tháo. Tháo muốn đánh Viên Thiệu nhưng còn nghi ngại. Quách Gia lập tức chỉ ra 10 điều bại của Viên Thiệu và 10 điều thắng của Tào Tháo. Chỉ khi ấy, Tào Tháo mới quyết kế đánh Viên Thiệu. Quả nhiên, sau này, Viên Thiệu thảm bại dưới tay ông dù sở hữu lực lượng hùng mạnh hơn nhiều.

“Tam Quốc chí” chép, năm 198, Tào Tháo phát binh đánh Lã Bố, qua ba trận giao tranh đều thắng lớn. Bố phải rút lui liên tiếp, cố thủ trong thành, không dám xuất đầu lộ diện. Giằng co mãi, binh sĩ đã rất mỏi mệt, Tào Tháo định lui binh. Nhưng Quách Gia lại khuyên nên đánh gấp.

Ông nói: “Xưa kia Hạng Tịch đánh nhau hơn bảy mươi trận, chưa từng thua một trận nào, một ngày thất thế mà thân chết nước mất, ấy là hữu dũng vô mưu vậy. Nay Bố thua trận liên tiếp, khí suy lực tận, trong ngoài thất thủ. Mà uy lực của Bố chẳng bằng được Hạng Võ, song nỗi khốn quẫn lại trầm trọng hơn nhiều, nếu chúng ta thừa thắng tấn công, thế tất có thể bắt được Bố”.

Tào Tháo khen hay rồi thi hành y như vậy, càng vây đánh Lã Bố chặt hơn. Sau, Tào Tháo dùng kế dẫn nước sông Nghi, sông Tứ vào thành Hạ Phì. Lã Bố bị vây khốn, nước lụt dâng khắp 4 cửa thành, kế cùng lực tận phải ra đầu hàng và bị Tào Tháo xử tử.
.
Một sự kiện khác chứng tỏ cơ trí tuyệt vời của Quách Gia là việc ông giúp Tào Tháo tiêu diệt gọn dư đảng Viên Thiệu mà không phải tốn một mũi tên hòn đạn. Năm 202, Viên Thiệu chết, truyền vị cho con trai thứ 3 là Viên Thượng mà bỏ qua con trưởng Viên Đàm. Vì đó, Đàm và Thượng mâu thuẫn với nhau, đem quân giết hại lẫn nhau.

Nhân cơ hội đó, Tào Tháo mang đại binh lên chinh phạt miền bắc. Đánh thắng nhiều trận, sĩ khí đang hăng, Tào Tháo muốn thừa thắng diệt gọn dư đảng họ Viên. Tuy nhiên, Quách Gia bày kế tạm lui binh, không truy đánh gấp để hai anh em họ Viên tự nảy sinh mâu thuẫn mà diệt lẫn nhau. Quả nhiên, Tào Tháo vừa lui binh không lâu, Đàm và Thượng bất hòa, dẫn quân giao tranh giành giật Ký Châu, không đánh mà tự bại vong.

Quách Gia không chỉ giỏi bày mưu tính kế, liệu sự như thần mà còn cho thấy khả năng tiên tri, dự đoán vô cùng chuẩn xác. Về điểm đó, ông có chỗ gặp gỡ với Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Một ví dụ kinh điển chứng minh điều đó là chuyện Quách Gia đoán trước được cái chết của Tôn Sách. Theo “Tam Quốc chí”, Tôn Sách chiếm được đất đai ngàn dặm, thâu tóm hết cả xứ Giang Đông, nghe tin Tào Tháo và Viên Thiệu giao chiến ở Quan Độ, định đem quân vượt sông Trường Giang tiến vào tập kích Hứa Đô. Quan quân Tào nghe tin ấy đều kinh sợ, đứng ngồi không yên.

Lúc đó, duy chỉ có mỗi Quách Gia tỉnh táo, nhận định rằng: “Tôn Sách mới bình định được Giang Đông, những kẻ bị Sách giết đều là những bậc anh hùng hào kiệt, mà dưới trướng họ có nhiều người sẵn sàng lấy cái chết để báo thù cho chủ. Thế mà Sách lại rất coi thường không chịu phòng bị. Dẫu dưới tay Sách có trăm vạn quân, cũng chẳng khác gì một mình đi giữa Trung nguyên. Ví như có kẻ thích khách mai phục đánh lén, cũng chỉ là một người đánh một người. Thế nên tôi cho rằng, Sách tất sẽ chết bởi tay của một kẻ thất phu mà thôi”.

Đúng như lời đoán của Quách Gia, Tôn Sách nắm quyền Giang Đông chưa được bao lâu thì bị môn khách của Hứa Cống sát hại.

Thiên tài yểu mệnh

Quách Gia học vấn tinh thông, đầu đầy mưu lược, thấu hiểu việc đời nên rất được Tào Tháo tin dùng. Tào Tháo thường nói với bá quan văn võ của mình: “Duy chỉ có Phụng Hiếu biết được ý của ta”. Tuy nhiên, con người tài năng ấy lại bạc phận, yểu mệnh. Năm 207, trên đường trở về từ cuộc chinh phạt Ô Hoàn, Quách Gia đổ bệnh nặng, ốm ở Liễu Thành, không bao lâu thì mất. Khi ấy, ông mới vừa tròn 38 tuổi.

Tào Tháo vô cùng thương tiếc, cho làm tang cực hậu, dâng biểu tâu thiên tử gia phong cho Quách Gia ăn lộc 1000 hộ. “Tam Quốc chí” kể lại, lúc Quách Gia chết, Tào Tháo thương cảm, ngoảnh lại bảo Tuân Du, Tuân Úc, Trình Dục rằng: “Các ngươi tuổi tác đều suýt soát với cô, chỉ có Phụng Hiếu là nhỏ tuổi nhất. Ta tính rằng việc thiên hạ định xong, sẽ giao phó việc sau cho, thế mà đang lúc tráng niên rờ rỡ lại chết sớm, chẳng hay đó là số mệnh đã định hay sao!”.
Sau khi mất Quách Gia, Tào Tháo tuy vẫn là thế lực quân sự mạnh nhất Trung Nguyên nhưng thực sự đã mất đi một cánh tay phải, một túi khôn. Có thể chia sự nghiệp quân sự Tào Tháo thành 2 giai đoạn: trước và sau khi Quách Gia mất.

Khi còn Quách Gia làm mưu sĩ, Tào Tháo đánh đâu thắng đó, xưng bá ở Trung Nguyên. Sau khi Quách Gia mất đi, dù vẫn có bên mình những mưu thần lỗi lạc (Tuân Úc, Trình Dục, Tuân Du) nhưng Tào Tháo đã phải gánh chịu thêm nhiều thất bại cay đắng, điển hình nhất là trận đại bại ở Xích Bích trước liên minh Lưu Bị – Tôn Quyền.

“Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung) kể rằng, sau khi thất bại ở Xích Bích, Tào Tháo trở về mở tiệc giải sầu. Giữa tiệc, Tháo bỗng cất tiếng khóc nức nở. Bá quan xúm lại hỏi han, Tháo nghẹn ngào nói: “Nếu Quách Phụng Hiếu còn sống, chẳng thể khiến ta đến nông nỗi này. Thương thay Phụng Hiếu! Xót thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu!”.

Quách Gia trước sau theo phò tá Tào Tháo tổng cộng 11 năm. Dù thời gian không lâu nhưng tài kinh bang tế thế của Quách Gia đã giúp Tào Tháo chinh phục trọn vẹn được miền bắc Trung Hoa, lần lượt đạp bằng các chư hầu sừng sỏ nhất như Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Tú… Bởi vậy, mất Quách Gia, Tào Tháo hiểu đại nghiệp thống nhất thiên hạ của mình mãi mãi sẽ chẳng thành.

Cứ như những gì sử sách còn biên chép lại, Quách Gia so với Khổng Minh Gia Cát Lượng thì quả là “một chín một mười”, đều là bậc tài cao chí lớn, có khả năng xoay chuyển càn khôn. Quách Gia chưa từng một lần đối đầu với Gia Cát Lượng, đó cũng là một nuối tiếc lớn. Nhưng dù người đời mãi mãi không được chứng kiến cuộc so tài vĩ đại ấy thì cả hai bậc vĩ nhân ấy đều đã bước vào ngôi đền huyền thoại của lịch sử, soi sáng mãi cho hậu thế những giá trị bất diệt về trí huệ cao cả, trác tuyệt của cổ nhân.

Hữu Bằng

TKiem
10-16-2016, 02:43
TKiem cũng khoái ông này lắm...