PDA

View Full Version : Điểm sách: Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác - Nhật Tiến



Đỗ Phương Khanh
04-12-2015, 17:17
.

Hoàng Nhất Phương điểm sách
Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác
Tác giả: Nhật Tiến



Tôn sư trọng đạo là truyền thống của người Việt Nam. Hai chữ Nhà Giáo từ ngàn xưa đã là danh xưng cao quý dành cho “lương sư hưng quốc” - những người đầy đủ phẩm chất đạo đức, có tâm huyết có hoài bão theo đuổi ngành sư phạm, tác phong tư cách của họ chính là khuôn vàng thước ngọc, để rèn luyện thanh thiếu niên thành người hữu ích theo châm ngôn “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn.”

Nhà giáo có thẩm quyền và tự do, trong việc giảng dạy hay đánh giá học sinh của họ. Thế nhưng dưới ngòi bút của nhà văn Nhật Tiến, có một thời ở Việt Nam (và hình như cả bây giờ cũng vậy), Thầy Giáo, Cô Giáo bị đối xử như một người “thợ dạy,” nghèo vật chất, bị nhiều áp lực trong công việc, thiếu tự do, không có thực quyền trong lãnh vực chuyên môn. Họ bỗng trở thành những người “nhếch nhác.” Sự tôn nghiêm và tinh thần mẫn tiệp phong phú dường như bị bóp nghẹt, bị biến dạng, bị triệt tiêu. Màu đen từ thực tế cuộc sống đã biến đổi nhà giáo trở thành những “nhân vật bi hài” đáng buồn, như lời nhạc “chế” của trò Tửu:

“Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu. Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi. Lâu lâu Thầy bán Honda. Lâu lâu Thầy bán giầy da. Lâu lâu Thầy bán cái quần xì… Bài hát ấy tuy là giễu nhưng thật đâu có sai. Tôi thì không có nhà lầu, xe hơi, Honda để bán, nhưng đồ đạc trong nhà thì cứ lần lượt đội nón ra đi. Không bán đồ đạc thì lấy tiền đâu đi chợ.” [1]



http://baotreonline.com/images/stories/content/diem-sach/nha-giao-mot-thoi-nhech-nhac--nhat-tien.jpg (http://baotreonline.com/images/stories/content/diem-sach/nha-giao-mot-thoi-nhech-nhac--nhat-tien.jpg)

Nhà văn Nhật Tiến và tác phẩm

Cơm-gạo-áo-tiền! Vật giá đắt đỏ! Áp lực nghề nghiệp trầm trọng! Thường xuyên căng thẳng! Vì phải đối phó với đoàn kiểm tra của ban giám hiệu, đoàn thanh tra của phòng-sở-bộ giáo dục, vì những chỉ tiêu và những danh hiệu vừa hồng vừa chuyên cần đạt được! Ngần ấy điều khiến nhà giáo đuối sức, cảm thấy chơi vơi trước sứ mạng “vì lợi ích trăm năm trồng người.”

Lòng tự trọng khiến họ dù bị dồn ép vào bước đường cùng, vẫn can trường giữ đúng câu đói cho sạch rách cho thơm, “chẳng lẽ bây giờ lại đi ra chợ trời, tay cầm mớ quần áo cũ, miệng rao “mua đi… mua đi… rẻ rồi… rẻ rồi…” [1] Nếu không may gặp người mua là học trò cò ke bớt một thêm hai, thầy giáo hay cô giáo chỉ đành “…vất mẹ nó áo đi, bỏ của chạy lấy người, chớ ở đó mà bớt !” [1]

Bán đồ đạc lấy tiền đong gạo không phải là cảnh đời riêng của nhà văn Nhật Tiến, mà là thực trạng của hầu hết những người giảng dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa sau năm 1975. Là chứng nhân nhìn thấy “một thời đểu cáng đã lên ngôi,” [2] nhà văn Nhật Tiến ngậm ngùi chia sẻ:

“Khi thời thế thay đổi, nhất lại là sự thay đổi ý thức hệ này qua ý thức hệ khác, thì hầu như mọi vốn liếng tinh thần của nhà giáo tưởng sẽ tồn tại lâu dài với những chuẩn mực vốn đã trở thành truyền thống lâu đời, thì nay đã hoàn toàn đảo lộn, bị tróc gốc đến độ như tôi đã có cảm giác rằng mình kiêm nhiệm cùng một lúc cả hai vai trò: vừa là thầy giảng dạy, vừa là tên học trò cứ bị nhà trường uốn nắn thường xuyên từ tác phong, cử chỉ cho đến lời ăn tiếng nói... Nhưng trải qua 4 năm trời trầy trật dưới một mái nhà trường XHCN tôi phát giác ra rằng ở đây người ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà giáo, mà tệ hơn lại còn không cho phép các thầy cô được làm trọn vẹn vai trò của một nhà giáo đúng nghĩa.” [3]

Có lẽ không còn cảnh tượng nào “nhếch nhác” cho bằng cảnh tượng này: Đang dạy về đề tài Thấu Kính của môn Quang Học, thầy Nhật Tiến nghe gọi tên mình trên loa phóng thanh lên văn phòng nhận nhu yếu phẩm - “phần thưởng” của chế độ dành cho công nhân viên chức. Ông vẫn tiếp tục bài giảng, nhưng một nữ đồng nghiệp đã xách xâu cá đến lớp đưa cho ông, chuyện bình thường như cân đường hộp sữa! Ông cảm thán:

“Khi cô giáo đi khỏi rồi, tôi mệt mỏi tay cầm xâu cá chân bước lên bục giảng. Đột nhiên cả lũ học trò cùng phá lên cười, xen vào đó tôi còn nghe thấy cả những tiếng vỗ tay nữa. Tôi đột nhiên biến thành một thứ diễn viên hề đang ra mắt khán giả trên sân khấu. Vào cái giây phút này bài giảng Quang Học về Thấu Kính chẳng có liên hệ gì tới xâu cá tôi cầm trên tay. Tôi có cảm giác như mình vừa bị đẩy tuột từ vai trò một thầy giáo nghiêm chỉnh, xuống vai trò của anh đứng bán xâu cá ngay ở giữa chợ trời! Còn bọn học trò thì chắc chẳng nghĩ ngợi gì xâu xa hay dè bỉu gì về cái chuyện ấy đâu. Chắc chúng nó chỉ thấy vui vui khi thấy ông Thầy đang đứng trên bục mà tay lại cầm xâu cá, một hình ảnh trái khoáy so với dáng vẻ nghiêm chỉnh của thầy mọi ngày. Có lẽ trong cả cuộc đời lấm lem cùng bụi phấn, cả Thầy lẫn trò chúng tôi chưa bao giờ lại bị nhập vai trong một pha như thế này trên bục giảng và trong lớp học.” [4]

Nhà văn Nhật Tiến tên thật là Bùi Nhật Tiến sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936 tại Hà Nội, hiện nay cư trú ở tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ thập niên 1950, có những tác phẩm nổi tiếng dành cho người lớn và thanh thiếu niên, như: “Thềm Hoang (1961), Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Mây Hoàng Hôn (1962), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Đường Lên Núi Thiên Mã (1972)….,” đặc biệt “Thềm Hoang” được Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc Miền Nam Việt Nam năm 1962. Ông là chủ nhiệm của nhà xuất bản Huyền Trân, là chủ bút của Tạp Chí Thiếu Nhi, được mệnh danh là cây bút thiên về hiện thực xã hội, cây bút viết cho tuổi thơ bất hạnh, và là “nhà văn vẫn đứng ngoài nắng.” [5] Cho dẫu đứng trong nắng hay ngoài nắng, những gì nhìn thấy và những gì xảy ra suốt thời gian giảng dạy dưới chế độ cộng sản, đã được nhà văn Nhật Tiến ký gửi vào“Nhà Giáo - Một Thời Nhếch Nhác (2012)” - tác phẩm ghi chép chân thực về giai đoạn biến động của nền giáo dục, về số phận nghiệt ngã của giới giáo chức tại Miền Nam Việt Nam sau ngày 30-04-1975.

Con đường xưa đã đi qua/ ngùi trông quá khứ sơn hà cánh chung! Gần bốn mươi năm rồi, mà sao vẫn “thấm thía câu thơ nhại theo Kiều của Nguyễn Du: Bắt phanh trần phải phanh trần. Cho may-ô mới được phần may-ô.”[6].

Những ai đã sống trong thời đại khốc liệt này, đặc biệt là quý thầy cô, nhất định sẽ nhận ra hình ảnh của chính họ, khi đọc “Nhà Giáo - Một Thời Nhếch Nhác.”



http://baotreonline.com/images/authors/Ho%C3%A0ng%20Nh%E1%BA%A5t%20Ph%C6%B0%C6%A1ng.jpg (http://baotreonline.com/images/authors/Ho%C3%A0ng%20Nh%E1%BA%A5t%20Ph%C6%B0%C6%A1ng.jpg)



Hoàng Nhất Phương


[1]. Chương 3: Học Sinh Cá Biệt.
[2]. Thơ Bùi Minh Quốc.
[3]. Lời nói đầu.
[4]. Chương 2: Nhu Yếu Phẩm.
[5]. Lời của nhà văn Mai Thảo nhận xét về nhà văn Nhật Tiến.
[6]. Chương 19: Người Bạn Cũ.


Saturday, 12 April 2014
http://baotreonline.com/Van-hoc/Diem-sach/nha-giao-mot-thoi-nhech-nhac-nhat-tien.html