PDA

View Full Version : Người Tình Một Thuở



Hieucali
09-04-2014, 23:37
NGƯỜI TÌNH MỘT THUỞ

Hồ Thị Triều Lam


An sinh trưởng nơi một gia đình khá giả lại là con út trong 10 người con. An lớn lên với tình thương bao la của cha mẹ và các anh chị. Từ ngày nàng chào đời, công việc kinh doanh của Ba Má nàng phát đạt hơn, nên ba má và các anh chị thương yêu chiều chuộng nàng nhiều hơn.

- Út cưng của Má có đôi mắt to tròn, có đôi gò má bầu dễ thương, lớn lên sẽ thành người đẹp làm chết nhiều ông lắm đó (sau này, những lúc tán gẩu với con bạn thân nó thường nói: “Bà nhắc hoài thời má bầu của bà thì người at sẽ cười chết vì… Má miếng bầu ngó lâu muốn chửi… ha ha... ”).

Mỗi khi thấy anh Tư ngồi đàn guitar thì bé Út lật đật nhắc cái ghế nhỏ ngồi kế bên. Dáng Út nhỏ xíu, với mái tóc ngắn theo kiểu Nhật Bản, quấn quít dưới chân của ông anh hơn nàng gần 20 tuổi để lắc lư theo điệu nhạc Flamenco. Anh Tư đã có một thời theo thầy Ninh (GS nhạc trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) đánh đàn 3 ngày 3 đêm liên tiếp mới chịu rời Mỹ Tho để qua Pháp du học.

- Út ơi! Hè này em gái có thích đi du ngoạn Đà Lạt 10 ngày với các anh chị không?

- Dạ, đi chớ… Trời ơi! Thích quá, em nghe nói đến Đà Lạt mà chưa bao giờ có dịp đi… À! Mà ngay cái thành phố Mỹ Tho này em cũng chưa đi hết, đừng nói chi đến Đà Lạt!

- Ừ! Chị cũng chưa bao giờ đi. Để chị xin phép Ba Má cho 4 chị em mình đi Đà Lạt hè này nha.

Đó là bà chị thứ Năm, chị lớn hơn An 10 tuổi. Trước chị có 2 anh đã mất khi còn nhỏ, vì trận dịch tả năm xưa. Chi Năm học Luật, tánh chị rất phóng khoáng và có rất nhiều bạn trai gái ở khắp nơi. Chị có biệt hiệu là “Trần Bạch-Hương” vì chị thích họ Trần thay vì họ Hồ nhà nàng, ví như một nhà thơ nữ lãng mạn của dòng họ… Hồ của đất Gò Công!

Mùa hè năm đó, chị Năm dẫn theo 3 đứa em, chị Sáu, anh Tám và nàng, từ Mỹ Tho lên Sài Gòn ở nhờ nhà bạn của chị một đêm, để sáng sớm lên đường đi Đà Lạt cho tiện. Bởi anh Hai nàng ở vùng Phú Thọ Hòa, rất nghiêm túc, khó khăn, nên mấy chị em nàng đều đồng ý ở nhà bạn của chị. Xui cho An là tối hôm đó nàng bị sốt nặng, trong lúc mê man, nàng có cảm giác như có người con trai nào đó quanh quẩn bên giường săn sóc cho nàng suốt đêm. Các anh chị lo lắng cho chuyến đi Đà lạt ngày mai sẽ phải đình lại, nên lo cạo gió cho An, bắt nàng uống thuốc đầy đủ mỗi 4 tiếng. Hình như tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” “ăn mau chóng lớn” nên sáng hôm sau An bớt sốt, các anh chị mừng rỡ đón taxi Ra bến Xe lô, để lên đường đi Đà Lạt. Trong khi các anh chị nhìn phong cảnh hai bên đường thì An ngủ vùi suốt một đoạn đường, đến Định Quán thì Xe ngừng lại cho khách ăn uống.

An xuống Xe, người nàng đã khỏe hẳn Ra. Nàng hít thở không khí mát mẻ của vùng cao nguyên mà mong cho chóng đến Đà Lạt. Rồi Xe tiếp tục lên đường, mọi người đều I'm lặng nhìn cảnh vật bên ngoài, không ồn ào như lúc bắt đầu khởi hành, có lẽ sau 4 giờ ngồi trên Xe, mọi nguời đã thấm mệt.

Khi Xe bắt đầu tiến vào thành phố Đà Lạt thì mọi người đều tỉnh dậy và bắt đầu xôn xao. An đã nhìn thấy núi đồi hùng vĩ, những hàng thông xanh ngát và khung cảnh mơ mộng của cao nguyên về chiều. Quả thật không khí nơi đây rất khác không khí Sài Gòn đầy bụi bậm và náo nhiệt.

Bạn của chị nàng đã mướn sẵn khách sạn gần chợ Hòa Bình, nằm kế bên Hồ Xuân Hương. Sau khi sắp xếp đồ đạc vào phòng xong thì trời đã về chiều, các anh chị An đã đi ăn tối, bỏ nàng ở lại khách sạn, vì sợ nàng sẽ cảm lạnh lại với khí hậu Đà Lạt. Buổi chiều có mây phủ núi đồi và những làn sương mờ mờ ảo ảo vây quanh thật quyến rũ và thơ mộng. An cảm thấy mệt mõi sau cuộc hành trình dài 10 tiếng đồng hồ, nên nàng đã ngủ quên lúc nào không hay. Mãi đến khi nàng nghe tiếng ồn ào, nhộn nhịp của chợ Đà Lạt ở bên ngoài thì mới biết rằng trời đã sáng. An nhìn Ra cửa sổ thấy Hồ Xuân Hương trước mắt. Ngay bờ hồ có nhà Thủy Tạ, có những chiếc thuyền hình con ngỗng bơi cho hai người ngồi, đang bập bềnh theo sóng nước. Trời bên ngoài thật đẹp, ánh nắng chan hòa, xa xa là rừng thông bạt ngàn. Nàng muốn chạy vội ra hồ để có thể đi dọc theo bờ hồ, nơi có những bụi hoa cúc vàng, trắng lẫn lộn mọc theo lối đi dẫn lên ngọn đồi dễ thương làm nàng nhớ đến bản nhạc “Đồi thông hai mộ”, ghi lại một chuyện tình rất đẹp của đôi tình nhân yêu thương nhau. Trong lúc các anh chị còn ngủ say, nàng sắp xếp áo quần, máng vào tủ, rồi nhìn quanh phòng. Trên bàn viết, chị Năm còn để tập thơ chị đem theo mỗi khi đi xa. Thấy chị vẫn còn ngủ, An len lén đến mở tập thơ của chị để tìm hiểu xem thế giới của chị khác thế giới của nàng như thế nào mà chị thường nói nàng còn con nít, đi chỗ khác…chơi. Vẫn không có gì mới lạ ngoài những bài thơ của Nguyễn Bính, Huy Cận… và thêm vài bài thơ của anh bạn học của chị, mà An thường lén chép vào tập thơ riêng của nàng, nói cho đúng… An chỉ biết chép y chang… những gì chị viết để bắt chước theo chị mà… mơ mộng. Trong tâm nàng thuở đó thật trong trắng, không có chút gợn sóng thì biết mơ mộng là thế nào? Mỗi khi xem những phim tình tứ, lãng mạn như Love Story hay Roméo & Juliette, An chỉ khóc theo phim, hết phim thì quên hết rồi lo vui chơi với bạn bè…

Chương trình du ngoạn của chị Năm là đầu tiên dẫn các em đi chơi thác Prenn, thác lớn nhất của Đà Lạt và thác Cam Ly. Quả thật khi nhìn thác nước cuồn cuộn chảy xuống trắng xóa như trong tranh ảnh, An có thể tưởng tượng ra các tiên nữ đang vui đùa tắm suối giữa dòng nước trong veo, lẫn trong núi rừng xanh thẳm.

Qua ngày kế tiếp, cả phái đoàn (nói cho oai) ghé thăm Thung Lũng Tình Yêu. Trên đồi, An có thể nhìn thấy phía dưới là hồ nước nằm giữa thung lũng, chung quanh vẫn là những cây thông xanh ngát. Bất chợt nàng nhìn thấy hàng cây Mimosa với hoa màu vàng nhỏ li ti thật đẹp, dễ thương quá! Nàng vừa đi dưới hàng cây vừa đảo mắt tìm các anh chị, mới thoáng đây mà họ đã biến đâu mất. Hoa đẹp quá mà không người nào chịu thưởng thức!

Bỗng đâu nàng nghe một giọng Bắc ở sau lưng:

- Khung cảnh nơi đây đẹp lắm, khi về nhà không có hình thì thật là tiếc. Nếu Cô thích, tôi có thể chụp dùm Cô vài tấm hình.

Nàng quay đầu nhìn lại. Một anh chàng mặt quân phục oai phong, mang Alpha Đỏ trên cầu vai (sau này nàng mới biết đó là huy hiệu của Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt đang thụ huấn ở quân trường), khuôn mặt dễ nhìn, đang cười nhẹ… làm quen.

Nàng bẽn lẽn gật đầu và đưa máy chụp hình cho Anh ta. Giống như người chuyên nghiệp, chàng chụp rất lẹ đủ mọi tư thế. Đàng nầy, đàng kia… nhưng thôi rồi, các anh chị đang đi tìm nàng.

- An ơi! đâu rồi… mình đi về kẻo muộn.

An không muốn các anh chị nhìn thấy mình với người đàn ông lạ, nên nàng vội vã cám ơn và nhanh chân chạy về phía các anh chị. Sau lưng vẫn còn nghe giọng Bắc ngọt ngào của người ấy:

- Sau nầy mỗi khi nhìn hình, Cô hãy nhớ đến tôi nhé.

Những ngày kế tiếp, phái đoàn tiếp tục đi viếng hồ Than Thở. Nhìn hồ nước phẳng lặng, nàng có cảm giác buồn buồn vì nơi đây từng có rất nhiều người thất tình tự tử cho cuộc tình không trọn vẹn. Chùa Trúc Lâm Yên Tử ở trên đồi nhỏ, nơi đây có vườn trồng hoa Lan đủ màu, có đủ loại hoa Pansée mà An thích, nhất là Pensée màu tím trắng dễ thương; nhiều nhất là hoa Dã Quỳ mà người ta thường gọi là “Quỷ già” bên bờ rào của những căn nhà nho nhỏ xinh xinh cạnh những giàn hoa giấy đỏ.

Tim tím chiều nay tim tím nhớ…

hay

Mimosa sao em nở muộn,
Chuyện chúng mình có đượm thương đau?

(Thơ con cóc đầu tiên của An đó. Sau này, mỗi khi đọc lại An thấy vui vui. Chị Năm nàng thường nói, làm thơ phải ra vẻ đau khổ, thất tình mới gọi là thơ hay, mà An mới gặp người ấy chụp cho vài tấm hình cũng làm ra được mấy vần thơ… đau thương).

Nhìn cảnh thanh tịnh với những vị sư mặc áo cà sa màu vàng qua lại, tiếng chuông vọng từ xa, An cảm thấy lòng lắng đọng, ước gì có Má bên cạnh, để Má nàng nhìn cảnh chùa thật đẹp yên tỉnh nằm giữa rừng thông vi vu, gió thổi nhè nhẹ chào đón khách từ phương xa. Má nàng mỗi sáng tối thường lần chuỗi Phật với nụ cười thật hiền từ, phúc hậu. Má là Phật trong tâm của nàng, không ai có thể thay thế được.

Mười ngày viếng Đà Lạt mộng mơ qua mau. Chị em An thu xếp hành trang trở về tỉnh nhỏ với mớ mận tươi và rượu dâu nổi tiếng làm quà cho cha mẹ. Vì còn mùa hè, lên lớp đệ Tam, không cần học nhiều, nên An bận rộn học may vá, học nấu ăn. Má nàng theo ông bà ngoại di cư từ ngoài Trung vào ẩn cư trong vùng quê hẻo lánh miền Nam để lánh nạn “Tru di tam tộc”, một từ để giải thích rằng khi có một vị vua thất sủng và có một vị vua mới thay thế, để tận diệt những phần tử phản loạn thì tất cả thân nhân, dòng họ của vua cũ đều bị giết!

Xuất thân từ nhà Nho nên ông bà ngoại đã dạy dỗ con gái theo lối xưa “Tam Tòng Tứ Đức”, theo Má nàng thì con gái phải khéo léo, biết nấu ăn ngon; nhưng nhìn cách An cầm dao xắt từng miếng thịt như sắp sửa cho mọi người nếm thêm phần thịt trên tay của nàng, Má nàng chỉ biết… lắc đầu, thở dài, còn An may những chiếc quần đen cho Má nàng thì bà chỉ để dành mặc trong nhà… An cười “nịnh” Má nàng rằng:

- Má đừng lo lắng cho con nhiều quá. Khi con lập gia đình, con sẽ mượn chị bếp của Má về nhà con, còn không thì con sẽ cưới ông nào biết nấu cơm, khỏe… re, phải không Má!

Khi vào đại học Văn Khoa, An chọn khu nhà thuê trên đường Phan Đình Phùng để sáng đi, chiều về. Nàng có thể đi ngang những hàng cây nhiều bóng mát, cùng các bạn học ghé ngang một góc đường Duy Tân uống ly nước mía ngọt lịm hay ăn một dĩa bánh bột chiên có pha trứng màu vàng nóng hổi. Trong khuôn viên trường đại học, nàng thích đi lang thang thả hồn theo mây theo gió, An thường ngồi trong Thư viện để đọc thêm sách, lại thêm một lần tâm hồn nàng bị xáo trộn…

- Này cô bé…

- Cô gì đó ơi!

Hình như có “ai” đang gọi ...”ai đó”… Có phải họ muốn nói chuyện với mình không?

An ngước lên nhìn, chợt thấy một khuôn mặt có vẻ quen thuộc, nhưng vẫn xa lạ…

- Cô có phải là cô bé tôi chụp dùm hình ở Đà Lạt mấy năm về trước không?

Anh ngỡ ngàng:

- A… Anh thợ chụp hình…

Hôm nay Chàng không mặc quân phục SVSQ Võ Bị Đà Lạt, mà mặc bộ đồ tây thường, nên An nhìn không ra.

- Tôi tên Lĩnh.

- Dạ! Tôi tên An. Cám ơn anh lần nữa. Những tấm hình anh chụp rất đẹp.

Như đã quen tự thuở nào, Lĩnh thân thiện nói:

- Tôi có thể mời An ra quán nước được không? Ở trong trường có nhiều người qua lại không tiện cho lắm.

Không hiểu sao An lại đi theo người đàn ông chỉ gặp thoáng qua một lần, mà như thân thuộc từ trăm năm trước. Lĩnh kể, lúc gặp nhau ở Đà Lạt là lúc chàng thụ huấn trong quân trường mới có nửa năm, sau đó chàng ra trường, đánh những trận lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bị thương vài lần rồi giải ngũ. Chàng về Sài Gòn cưới vợ và đã có 2 con, một trai một gái. Riêng An cho biết đã dạm hỏi và sắp sửa lập gia đình với người em trai của bạn chị Năm trong chuyến đi Đà Lạt năm nào.

Chiến tranh càng ngày càng sôi động, hầu hết nhà nào cũng nghe radio đài BBC để biết thêm tin tức. An thấy Ba Má nàng thường to nhỏ trong phòng ngủ có vẻ lo lắng một chuyện gì. Ngày 17-3 Tổng thống Thiệu ra lệnh bỏ Kontum, ngày 21-3 Huế thất thủ, ngày 1-4 Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang mất, ngày 18-4 quân đoàn Cộng Sản tập trung gần thành phố Sài Gòn 19 cây số… Ngày 30-4 vùng chợ Bến Thành bị pháo kích, tiếng đạn nổ vang trời. Vâng lời cha mẹ, An theo người chồng mới cưới vội vã rời nhà ra bến Bạch Đằng lên một chiếc tàu đánh cá nhỏ của người bà con, đợi đủ người thì tàu nhổ neo. Lúc đó trên bờ đã xuất hiện những chiếc xe chở đầy những con người về từ rừng rậm và trên xe phất phơ lá cờ màu đỏ sao vàng. Dọc thủy lộ tàu vớt thêm những người lính hải quân, người nhái rồi thẳng đường ra biển. Gần một tuần sau thì tàu đến Subic Bay, Phi Luật Tân. Tất cả mọi được đưa lên bờ khám xét, làm thủ tục, tạm trú trong những ngôi nhà hoang chưa chuẩn bị. Một tháng sau thì vợ chồng An được máy bay đưa qua đảo Guam vào trại tị nạn. Chỉ một tuần sau, cơ quan từ thiện USCC bảo trợ ra một thành phố nhỏ của tiểu bang Kansas.

Bước thêm bước nữa theo chồng.
Về nơi xứ lạ trong lòng lo âu.
Đêm đông lạnh lẽo canh thâu.
Ngày nhìn tuyết trắng mưa Ngâu trong lòng.
Cầu cho thân phận má hồng.
Thế đời bạc bẽo có chồng vui chăng?
Ai ơi “sắc tức thị không…”
Tơ sầu phải dệt long đong cũng đành!

Khi về đến nơi, ông bà bảo trợ, đại diện cho hội từ thiện chỉ dẫn vợ chồng An từng bước một. Họ mướn cho vợ chồng nàng một căn gác nhỏ. Nơi quê người, nàng học thêm Anh Ngữ, học về phong tục tập quán… Cách sống nơi đây hoàn toàn khác hẳn quê nhà từ món ăn đến nhà ở, từ ngôn ngữ đến đời sống đều xa lạ. Chồng An thèm cơm nên nàng theo người bảo trợ đi chợ, chao ơi! Siêu thị “bự” kinh khủng, nếu An không để ý thì nàng đã đi lạc. An đi vòng quanh tìm nơi để gạo, khổ nổi tiếng Anh của nàng nói toàn giọng Pháp nên khi An hỏi họ thì những người Mỹ trong chợ càng không hiểu. Nàng phải lấy giấy ra vẽ, mà món ăn của người Mỹ là bánh mì, là khoai tây, và ít khi nấu cơm thì nàng vẽ bao gạo hay vẽ chén cơm? Ngại ngùng An đành đi loanh quanh hết cả chợ để tìm gạo về nấu cơm. Lần đầu tiên An nấu nồi cơm, nàng nhìn chung quanh để tìm người Việt nào đó để hỏi “cách nấu cơm” mà không thấy, có lẽ chỉ có vợ chồng nàng là người Việt Nam duy nhất ở cái làng này! An cố moi trí mình ra để nhớ cách chị người làm ở nhà nấu cơm như thế nào! Ừ! Thử bỏ gạo vào nồi, bỏ thêm nước vo sạch gạo xong để lên lò nấu, mà nấu bao lâu mới chín? An hồi hộp nhìn nồi gạo sôi mà tưởng nó sẽ thành nồi cháo nên nàng chắt nước ra bớt. Đợi khoảng 15 phút thì nàng nghe mùi khen khét, An dở nấp nồi ra kiểm soát, chao ơi! Nó không giống cơm tí nào! Nửa sống nửa chín, phải chi hồi còn ở Việt Nam, tiểu thơ như nàng chịu khó xuống bếp học nấu ăn thì giờ này sẽ có cơm ngon canh ngọt cho chồng nàng thưởng thức. Chồng An ngồi đợi và tưởng tượng đến chén cơm trắng tinh, bốc khói mà phát thèm, nhưng khi nhìn thấy nồi cơm đầu tiên của cô vợ trẻ nấu thì chàng thất vọng, lặng lẽ dẫn nàng ra… tiệm gà chiên gần nhà ăn đỡ đói.

Mỗi ngày An đón xe bus đi học, ngồi kế bên những người ngoại quốc đủ màu da: trắng, đen, nâu… nàng cảm thấy lạc lõng, sợ hãi, không hiểu họ dùng ngôn ngữ nào để nói. Khi nhìn những khuôn mặt xa lạ đôi khi hung dữ, đôi khi lạnh lùng, hầu như mọi người đều vội vã, lo âu, xứ người mà!

Thôi thì cứ để dòng đời xoay chuyển, tới đâu hay tới đó. An theo chương trình CETA (Community Employment Training Act) học lớp Kế Toán trong vòng một năm, thật vất vã cho nàng mỗi ngày đi bộ, lang thang ngoài trời giá lạnh vào mùa Đông. Thời tiết lạnh của miền Mid West cũng chưa thấm bằng cái lạnh của miền Bắc nước Mỹ; nhưng nỗi nhớ nhà từ từ ăn sâu vào xương tủy, nàng nhớ cha mẹ quay quắt, lo lắng không biết giờ này Ba Má nàng đang làm gì, cơ sở kinh doanh cả đời Ba Má nàng tạo dựng có ảnh hưởng gì không? Mọi tin tức bên nhà đã cắt đứt, những trông chờ chỉ còn nhờ ở tin tức từ TV. Có nhiều đêm nằm ngũ, An đều thấy ác mộng, đôi khi nàng thấy nàng một mình lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ giữa biển khơi, đôi khi thấy cha mẹ lâm vào cảnh nghèo khổ và đang kêu gọi nàng trở về nhà. Cuộc sống ở xứ lạ làm cho nàng không còn thì giờ nghĩ ngợi, vì gia đình An còn phải lo lắng về tương lai với đôi bàn tay trắng, chồng nàng tiếp tục học lấy bằng tương đương. Thành phố, nơi nàng tạm trú không có nhiều người Việt, và số người Việt biết nói tiếng Anh lại càng ít hơn. An xin việc làm tạm ở văn phòng Hội Việt Mỹ trong khi chờ đợi công việc chính thức. Mỗi ngày An chỉ trả lời điện thoại và làm ít giấy tờ lặt vặt, thời gian còn lại nàng mở sách ra học thêm Anh Văn. Vẫn như thường lệ, hôm đó An đang làm sổ sách thì nghe tiếng chân bước đến gần bàn viết. Nàng ngước lên định hỏi người ấy cần gì thì nghe một giọng Bắc quen thuộc.

- Cô ơi! Có Đại Tá Toàn ở đây không?

- À! Là Anh!

Cố nhân! Một lần nữa xuất hiện trước mặt An. Nàng… ngẩn người và ngạc nhiên quá sức!

- An vẫn khỏe?

Giọng chàng vẫn trầm ấm và ngọt ngào như ngày nào, làm cho trái tim nàng bất chợt giao động.

- Dạ! Em vẫn khỏe. Thời gian qua anh và gia đình sống thế nào?

- Vợ anh theo gia đình cha mẹ vợ đi trước, còn anh ở lại đi chuyến tàu Việt Nam Thương Tín, bị VC bắn B40 làm một vài người chết tại chỗ, trong số đó có nhà văn nổi tiếng Chu Tử. Rồi anh vào trại tị nạn, nhờ Hội Hồng Thập Tự tìm được vợ con, nên mới đoàn tụ gia đình tại đây.

- À! Anh đi tàu VN Thương Tín? Trong ngày cuối cùng 30-4, Em đi tàu đánh cá nhỏ, lúc đi ra biển, Em đã thấy tàu này bị mắc nạn. À thì ra VC bắn vào tàu, nên ông nhà văn Chu Tử chết thảm! Cũng may Em không đi trên chuyến tàu VN Thương Tín, vì biết đâu em bị nạn thì sao!

Những ngày sau đó Lĩnh gọi điện thoại thăm nàng liên tục, quyến luyến không ngừng. Chàng thực sự say mê nàng. Cột điện thoại công cộng gần trường đã bị Lĩnh chiếm cứ cả tiếng đồng hồ, trong khi có những người đứng sắp hàng sau lưng. Họ chờ dài cả cổ mà không thấy Lĩnh nhường điện thoại, đành lầu bầu bỏ đi. Mùa Đông trời tuyết lạnh giá cỡ nào chàng cũng chịu đựng bên cột điện thoại, để được cùng An trò chuyện mỗi ngày. Rồi ít lâu sau, Lĩnh thú nhận đã yêu An như mối tình đầu trong đời. Lĩnh kể rằng trong thời buổi chiến tranh, trai thiếu gái thừa, chuyện trai gái đối với chàng quá dễ dàng, nên ôm trong vòng tay hàng chục cô gái nhưng anh chưa hề yêu ai, kể cả người vợ hiện nay. Tuy vậy, khi gặp An lần thứ hai tại sân trường Đại Học Văn Khoa, Lĩnh đã thầm yêu nàng, nhưng biết chỉ là "tình tuyệt vọng" vì chàng đã có vợ con.

Qua nước Mỹ, Lĩnh quá cô đơn, nên khi gặp lại An thì tình yêu trong chàng bừng cháy mãnh liệt. Chàng cho biết bây giờ không còn sợ dư luận nữa, và chỉ mong yêu nàng bằng tất cả tâm hồn và tôn trọng nàng như một Thánh Nữ. Bởi chàng theo Đạo Thiên Chúa Giáo, không thể ly dị vợ để cưới An được. Trước tấm chân tình của Lĩnh, trái tim An cũng rung động, và yêu chàng từ lúc nào không hay.

Trong vòng nửa năm, An thường hẹn Lĩnh ra bờ hồ gần sở làm để tâm sự. Khi trở lại nhà, trong lòng An bối rối vô cùng. Những cơn sóng ngầm trong tim nàng thổn thức, mỗi đêm nhìn chồng ngủ say, cảm giác tội lỗi dầy vò nàng mỗi lúc mỗi nhiều hơn “Torn between two lovers, feeling like a fool…”

Rồi một kỷ niệm đã in đậm trong trái tim An và Lĩnh suốt cuộc đời. Vào mùa hè, hai người hẹn nhau ở bờ hồ quen thuộc. Hôm đó, trời mây trong sáng, mặt hồ gợn sóng lăn tăn thật thơ mộng. Lĩnh và An ngồi cạnh nhau để tỉ tê tâm sự đủ điều. Khi chia tay, An đi về hướng xe mình. Còn chàng đưa nàng tới cửa xe. Bất chợt Lĩnh xoay người An dựa lưng vào thân xe, ôm nàng và hôn nhẹ lên đôi môi mọng đỏ của nàng. An bủn rủn tay chân, đẩy chàng ra. Lĩnh cũng xúc cảm không kém. Chàng nói nhỏ qua hơi thở:

- Anh sẽ yêu em suốt đời.

An hốt hoảng bước vào xe và lái xe đi ngay, như muốn trốn chạy cuộc tình ngang trái này, nhưng cảm nhận mình đã yêu Lĩnh hơn nàng tưởng tượng. Bởi khi lấy chồng, An chỉ chiều theo ý của Ba Má, và thâm tâm nàng chưa biết mùi vị tình yêu ra sao!

Cùng thời gian đó, chồng nàng ra trường và nhận làm việc ở một làng nhỏ. An lẳng lặng dọn nhà đi vào đầu mùa thu năm đó, không một lời từ giã Lĩnh. Nàng nghĩ rằng Lĩnh có thể đã biết ý định của nàng, khi chàng táo bạo ôm hôn một cô gái hiền lành lương thiện như nàng.

Lặng lẽ ra đi không giã biệt,
Một nửa đời tôi bỏ tôi đi,
Nửa tôi còn lại tim dần chết!
Giấu lệ tình sầu một đớn đau.
Tháng tám dường như trời u ám,
Mây như chùng xuống cõi nhân gian,
Tàn cuộc tình đời tim hấp hối,
Mộng ảo, duyên hờ, cũng nát tan….

Giữa An và Lĩnh chỉ có duyên mà không nợ, có những chuyện không thành thì mãi mãi cũng thế. Dù An không hài lòng hôn nhân như mong ước, nhưng vì tương lai các con, nàng đành vứt bỏ quá khứ để trở về với hiện tại, theo con đường nàng đã hoạch định cho tương lai của các con. Thỉnh thoảng, An thấy hình ảnh Lĩnh trên báo chí. Chàng trở nên nổi tiếng và thành công trong hoạt động chính trị và cộng đồng. Có những bài viết xuất hiện trên những tờ báo với một cái tên xa lạ, nhưng chỉ có An hiểu là Lĩnh đang nhắn tìm nàng.

***

Mùa Thu lại đến, những chiếc là vàng theo từng cơn gió rơi lã tã trên lối về như buổi chiều chia tay bên bờ hồ 27 năm về trước. Đôi ngỗng trắng bơi lội bên bờ hồ đã có thêm bầy ngỗng con đang bơi lội vui đùa trong hồ. Các con của An đã lớn khôn, thành tài theo ước nguyện của nàng nhưng trong tâm nàng vẫn còn thiếu vắng một bóng hình yêu dấu.

… Chiều hôm nay em trở về chốn cũ,
Ngàn thông reo hùng vĩ vẫn triền miên.
Rừng hoang vắng núi chơ vơ im lặng,
Tuyết phủ đầy một màu trắng trong em.

... Đã trể rồi giấc mơ đẹp mùa thu,
Mình đánh mất một đoạn đường tình sử.
“Em yêu Anh, yêu mãi đến ngàn sau…”
Anh ở đâu? Em hoang mang réo gọi.

An tưởng tượng hình ảnh rất đáng yêu của "người tình một thuở": Trần Hoàng Lĩnh. Chàng và nàng yêu nhau bằng một mối tình vô cùng trong trắng. Chỉ một nụ hôn nhẹ trên môi, mà nàng nhớ nhung chàng quay quắt. An nghĩ rằng Lĩnh cũng mang tâm trạng như nàng. Tuy nhiên, An còn bổn phận gia đình (nhất là đối với các con), nên nàng đành phải chịu đựng đớn đau trong kỷ niệm một đời. Nàng bỗng đọc khẽ 2 câu thơ của T.T.Kh. "Rồi từng thu chết, từng thu chết. Vẫn giấu trong tim bóng một người".

Hồ Thị Triều-Lam