PDA

View Full Version : Nguyễn Văn Vĩnh



ngoctrongda
08-05-2013, 13:46
http://tannamtu.com/download/120427_500_thumb.jpg

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936)

nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Việt Nam, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Khi viết bài, ông ký nhiều bút danh: Tân Nam Tử, Quan Thành, Tông Gia, Lang Gia, Mũi Tẹt Tử, Đào Thị Loan,....

Cuộc đời và sự nghiệp

Ông sinh ngày 15 tháng 6 năm 1882 tại nhà số 46, phố Hàng Giấy, Thành phố Hà Nội.

Quê gốc của ông là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Vì quá nghèo, cha mẹ ông phải bỏ làng quê ra ở nhờ nhà bà nghè Đại Gia (tức ông nghè Phạm Huy Hổ) ở phố Hàng Giấy kiếm sống, và rồi sinh ông tại đây.

Năm lên 8 tuổi, ông đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng. Sau đó, ông phát hiện ở đình làng Yên Phụ (nay là Trường phổ thông cơ sở Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) có lớp học do thầy giáo người nước ngoài phụ trách, dạy học sinh trở thành thông ngôn (nhân viên phiên dịch).

Sau đó, ông về xin phép cha mẹ được thôi nghề chăn bò, để làm công việc kéo quạt làm mát cho lớp học này. Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng ông vẫn chăm chú nghe giảng. Nhờ vậy, mà ông nói và viết được tiếng Pháp.

Được Hiệu trưởng D’Argence chú ý và nâng đỡ, đến kỳ thi tốt nghiệp, ông được phép dự thi cùng với 40 học sinh khác, và đã đỗ thứ 12 khi mới 10 tuổi. Nhờ được đặc cách là học sinh chính thức của trường, nên ông được cấp học bổng để theo học trường thông ngôn (Collège des Intreprêtes) niên khóa 1893-1896, và đã đỗ thủ khoa.

Năm 1896, 15 tuổi, ông làm thông ngôn ở Tòa sứ Lào Cai.

Năm 1902-1905, ông chuyển về Tòa sứ Hải Phòng và Bắc Giang. Thời gian này ông làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương).

Được Công sứ Bắc Giang Hauser đánh giá rất cao về tài mẫn tiệp và khả năng nói tiếng Pháp của ông, nên đặc cách cho ông làm Chánh văn phòng. Khi viên quan này được cử làm Đốc lý Hà Nội, ông cũng được đi theo.

Dưới thời Toàn quyền Beau, nhờ sự giúp đỡ của Hauser, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các bạn đồng chí hướng, lần lượt làm đơn xin thành lập Hội Trí Tri (Hà Nội), Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học, Đông Kinh nghĩa thục (ông là người thảo điều lệ, viết đơn xin phép, và sau đó là giáo viên tiếng Pháp của trường).

Năm 1906, ông cùng Hauser sang Pháp lo việc tổ chức gian hàng Bắc Kỳ tại Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Được nhìn tận mắt nền văn minh phương Tây, ông trở về nước với quyết tâm truyền bá Quốc ngữ và bài bác hủ tục phong kiến để canh tân đất nước.

Tiếp đó, ông được Schneider mời biên soạn và in ấn tờ Đại Nam đồng văn nhật báo (Tờ báo hàng ngày của nước Đại Nam chung một văn tự). Cũng trong năm này, ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội nhân quyền Pháp.

Năm 1907, sau khi ra được 722 số, tờ báo trên đổi tên là Đăng cổ tùng báo (Tập báo khêu đèn gióng trống) do ông làm Chủ bút.

Lo ngại vì đường lối hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 11 năm 1907. Sau đó, họ còn cho bắt giam Phan Chu Trinh, là một trong số giáo viên của trường.

Lập tức, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với bốn người Pháp đồng ký tên đòi thả Phan Chu Trinh. Việc làm này cùng với việc cho đăng báo bài Đầu Pháp chính phủ thư của Phan Chu Trinh (dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, rồi cho đăng ở phụ trương tờ Đăng cổ tùng báo), khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị chính quyền thực dân gọi lên đe dọa (Cần kiểm chứng).

Sau vụ Kháng thuế Trung Kỳ (tháng 3 năm 1908) và vụ Hà thành đầu độc ở Hà Nội (tháng 6 năm 1908), thực dân Pháp liền cho đóng cửa Đăng cổ tùng báo của ông, đồng thời cấm diễn thuyết, cấm lưu hành và tàng trữ các tác phẩm của trường Đông Kinh nghĩa thục.

Năm 1908, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Hà Nội. Cùng năm này, ông xin ra tờ Notre Journal (Nhật báo của chúng ta).

Năm 1910, ông xin ra tờ Notre Revue (Tạp chí của chúng ta). Báo này ra được 12 số. Cùng năm đó, ông Sài Gòn vào làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn.

Năm 1913, ông trở lại Hà Nội làm Chủ bút tờ tuần báo Đông Dương tạp chí (do Schneider sáng lập vào ngày 15 tháng 3 năm 1913). Sau đó, ông được bầu vào Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ (sau đổi làm Viện dân biểu).

Năm 1914, ông kiêm luôn chức Chủ bút tờ Trung Bắc tân văn do Schneider sáng lập.

Sau ngày 15 tháng 9 năm 1919, Đông Dương tạp chí ngừng xuất bản. Thay thế nó là tờ Học báo (tờ báo của bậc tiểu học, Trần Trọng Kim lo việc bài vở, Nguyễn Văn Vĩnh làm Chủ nhiệm). Cũng trong năm này, ông Vĩnh mua tờ Trung Bắc tân văn và cho ra hàng ngày (đây là tờ báo hàng ngày đầu tiên ở Bắc Kỳ.

Năm 1927, ông cùng với Vayrac lập tủ sách Âu Tây tư tưởng (La pensée de l’Occident), rồi tổ chức in các sách do ông dịch thuật.

Năm 1929, ông được bầu vào Hội đồng Kinh tế và tài chính Đông Dương.

Năm 1931, ông cho ra tờ “ L’Annam Nouveau”' (An Nam mới). Ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút cho đến năm khi mất 1936.

Năm 1932, ông đi dự họp Đại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương tại Sài Gòn. Trong một buổi họp, ông đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, vì có lợi cho ngân hàng Pháp, nhưng lại có hại cho nền kinh tế Đông Dương.

Khi đang họp thì Nguyễn Văn Vĩnh nhận được trát của tòa án đòi tịch biên toàn bộ gia sản vì, sau nhiều lần “mặc cả”giữa Chính quyền và Nguyễn Văn Vĩnh, nhà cầm quyền đòi Nguyễn Văn Vĩnh phải chấp nhận 03 điều kiện sau:

-Chấm dứt việc đả phá Triều đình Huế và quan Thượng thư Phạm Quỳnh.
-Đồng ý vào Huế làm Thượng thư.
-Dừng toàn bộ việc viết báo.

Thay vì không chấp nhận các điều kiện trên, sẽ bị đòi nợ bằng hình thức xiết nợ (bắt buộc phải trả mặc dù khế ước vay là 20 năm) do đã vay một khoản tiền lớn của Ngân hàng Đông dương Dùng để mở Trung tâm sách Âu Tây tư tưởng năm 1927.

Năm 1935, Chính quyền đổi ba điều kiện nêu trên với Nguyễn Văn Vĩnh còn tệ hại hơn và bắt buộc phải chọn một điều kiện, đó là:

-Chấm dứt toàn bộ việc viết !
- Chấp nhận đi tù ( dù chỉ một ngày)!
-Sang Lào tìm vàng để trả nợ!

Tháng 3 năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định đi tìm vàng để trả nợ, ông sang Sê Pôn (Lào) với một người Pháp có tên là A. Climentte, người này lấy vợ Việt Nam, có đồn điền tại tỉnh Hưng Yên và cũng đang ngập nợ vì làm ăn thua lỗ.

Ngày 1 tháng 5 năm ấy (1936), người ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh một mình trên con thuyền độc mộc, một tay cầm bút và tay kia cầm quyển sổ, trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng (tên một nhánh của sông Sê Pôn), ngưòi dân địa phương đưa con thuyền cập vào chân cầu Sê Pôn để chuyển lên trạm y tế Sê Pôn. Nhà cầm quyền loan báo: Nguyễn Văn Vĩnh chết ngày 2 tháng 5 năm 1936 (lúc ấy, ông 54 tuổi). Sau đó, thi hài Nguyễn Văn Vĩnh được đưa về Hà Nội để cử hành tang lễ trong 3 ngày, từ 6 đến 8 tháng 5 năm 1936.

Tại buổi lễ tang, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông dưới dòng chữ: "Kinh viếng Ông tổ của nghề báo".


Tác Phẩm

Theo thống kê chưa đầy đủ, những công trình của Nguyễn Văn Vĩnh gồm có:
Sáng tác

Những bài luận thuyết và ký sự sau:

Xét tật mình (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 6)
Phận làm dân (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 48)
Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 61)
Nhời đàn bà (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 5)
Hương Sơn hành trình (Hành trình thăm chùa Hương, đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 41 đến 45)
Một tháng với những người tìm vàng (viết dở dang).

Dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt

Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine)
Truyện trẻ con của Perrault (Les contes de Charles Perrault).
Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut), tiểu thuyết của Abbé Prévost.
Ba người ngự lâm pháo thủ (Les trois mouquetaires), tiểu thuyết của Alexandre Dumas.
Những người khốn khổ(Les Misérables), tiểu thuyết của Victor Hugo.
Miếng da lừa (La peau de chagrin), tiểu thuyết của Honoré de Balzac.
Guy-li-ve du ký (Les voyages de Gulliver), truyện của Jonathan Swift.
Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Les aventures de Télémaque), truyện của Fénélon.
Bốn vở kịch của Molière: Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Giả đạo đức (Le misanthrope), Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire), Lão hà tiện (L'avare).
Tục ca lệ (Turcaret), kịch của Lesage .
Truyện các danh nhân Hy lạp và La Mã (Les vies parallèles des hommes illustrés de la Grèce et de Rome)của Plutarque.
Rabelais của Emile Vayrac.
Le parfum des humanités (Sử ký thanh hoa) của Emile Vayrac.
Chàng Gil Blax xứ Xăngtizan (Gil Blas de Santillane), tiểu thuyết của Lesage.

Ngoài ra còn những bài dịch về: Luân lý học (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 15) và triết học yếu lược (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 28).
Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp

Kim Vân Kiều tân dẫn Pháp văn (tức Truyện Kiều của Nguyễn Du). Đăng từng kỳ trên Đông Dương tạp chí' từ số 18 trở đi.

Dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp

Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích, đăng trên Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 66-68.


(wikipedia.org)