PDA

View Full Version : Giữa 2 lằn đạn .



Người Saigon
12-01-2012, 16:03
Hồi chiến tranh, hai bên quốc gia và cộng sản đánh nhau, súng đạn nổ bùng trời. Người dân như con kiến giữa nồi rang, giữa hai lằn đạn đó, không biết tìm chỗ nào cho mình một chỗ trú thân.


Bây giờ, lằn ranh giữa quốc gia và cộng sản, họng súng tranh chấp vẫn còn nổ đùng đùng, bạo liệt. Đứng ngoài nhìn vào sẽ bị gọi là vô tư, nhưng, nếu nhảy vô, chắc chắn sẽ bị bao mủi tên nhắm bắn. Tôi gọi đó là “giữa hai lằn đạn”.



BÊN NÀY - BÊN KIA


Bên Này là nơi tôi đang định cư, là xứ Mỹ, nơi có khối người Việt di tản sau 30 tháng tư, bảy lăm.


Bên Kia là chính quyền Cộng Sản Việt Nam.


Bên Này nói Bên Kia không nghe. Bên Kia nói Bên Này không nghe. Nên tôi gọi đó là “Nói chuyện với Đầu Gối”.


Bên nào cũng là đầu gối cả.


Chữ này là của Chu Tử, trong một mục Phiếm Luận của tờ báo Sống của ông ở Sài Gòn trước năm 1975.


Nay tôi thấy từ đó hay và hợp với thời thế quá nên tôi mượn xài đở.


Biết là Nói Chuyện Với Đầu Gối nhưng tôi vẫn cứ nói, cứ viết.



*


Tôi quyết định về Việt Nam sống một thời gian (2005). Trong thời gian này, ngoài những chuyện lo về gia đình, tôi muốn có thời gian để nhìn lại những ngày đã qua, thời gian sống tại Mỹ, trong hơn mười năm.


Thời gian đó, dù chỉ hơn 10 năm, tôi đã làm được một số công việc như đi làm kiếm tiền và viết văn, làm thơ... Dĩ nhiên là đi làm kiếm tiền hơn hẳn ngày tôi ở Việt Nam rất nhiều, có thể nói là hơn gấp nhiều lần. Ngày ở Việt Nam, tôi là người tù cải tạo trở về, đời sống khố rách áo ôm, nợ nần chồng chất, không có chuyện gì để làm cho ra hồn, ngoài cái sống vất vưởng, lây lất, không định hướng, không tương lai. Đó là tháng ngày đen tối, khổ lụy nhất của tôi. Điều này, thật tình tôi cám ơn nước Mỹ đã mở rộng vòng tay tiếp đón tôi, cho tôi cư ngụ, có công việc làm ăn, chứ nếu không có chuyến đi, tôi không biết xoay xở cuộc sống mình ra sao?


Mười lăm năm ở Mỹ, tôi làm thêm được một công việc, mà tôi nghĩ đã thành công, theo hoài bão của tôi:


Đó là Viết. Tự Do Viết, Tự Do xuất bản sách của mình, Tự Do trong mọi công việc.


Tôi đã in được 6 quyển sách: 2 tập thơ và 4 cuốn truyện.


Đây tôi nói về công việc tôi đã thực hiện được, chưa hẳn là một thành công. Nội dung và giá trị của cuốn sách mình in ra mới là chính yếu. Phần này xin dành cho bạn đọc và các nhà phê bình văn học.


Chẳng cần xin phép ai, chẳng cần luồn lách ở cửa ngõ nào. Chỉ viết, trình bày, có tiền mướn nhà in, in. Rồi phát hành, gởi đi bán khắp nơi.


Đó là Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Tư Tưởng, Tự Do Báo Chí đúng nghĩa của nó.


Nhưng tôi cũng vẫn thấy lấn cấn trong lòng. Lấn cấn một điều gì đó không hiểu nổi, nên tôi muốn sống trong 6 tháng thảnh thơi ở Việt Nam, an nhiên tự tại, để nhìn lại, chiêm nghiệm lại những chuyện Bên Này, Bên Kia. Hay đúng hơn, ở ngoài nước và ở trong nước hay “lên gân” một chút, giữa cộng sản và quốc gia.


Những điều này, thường là bên nào cũng có cái nhìn chủ quan “phe ta đúng trăm phần trăm”. Ở hải ngoại, ai nói nghiêng về phía trong nước một chút thì liền bị ngay một thế lực vô hình gọi là “cộng đồng” ào ào lên tiếng, bị ghép vào nhiều tội tày đình, như là Việt Cộng nằm vùng, đón gió trở cờ, thi hành nghị quyết ba sáu. Nghĩa là đủ cả, cái duy nhất là làm sao “đội nón cối” một cách vô thưởng vô phạt , vô tội vạ, cho kẻ phát biểu khác mình, khác phe nhóm mình.


Còn trong nước thì gọi những người chống cộng là ”phản động, âm mưu lật đổ chính quyền”.


Đó là lối nói xưa như quả đất.


Dĩ nhiên rồi. Bất cứ ai chống lại đường lối của chính quyền cộng sản là phản động, nên mới có tên gọi là cộng sản độc tài.



*


Tôi muốn an nhiên tự tại. Nghĩa là không dính dấp gì đến chế độ, không quan tâm đến tình hình chính trị, không mơ màng đến chuyện xã hội quanh tôi, để tôi có cái nhìn khách quan mà viết. Coi như mình là người khách vãng lai, cầm bàn hình mà chụp, nếu nhằm chỗ bùn lầy nước đọng thì chụp chỗ bùn lầy nước đọng, nếu gặp cảnh xe cộ chạy trên xa lộ Xuyên Á láng bong, rộng rãi thì mình cũng chụp. Thế mà có những lúc tôi bị cái cuộc sống hiển hiện trước mắt quấn lấy làm tôi chóng mặt, không bình thản được, không vô tư được.


Dĩ nhiên tôi cũng cố gắng vô tư.



BÊN NÀY - VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI


Trong một bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn tôi về những vấn đề văn học Việt Nam hải ngoại, đăng trong giai phẩm Người Việt Xuân Ất Dậu, 2005, tôi có đề cập đến sự chựng lại của một số tạp chí văn học hải ngoại như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 (nay đã đình bản) hay Hợp Lưu trong những năm 2003, 2004. Điều này cũng khiến một số anh em chủ trương không vui. Tôi nói vậy vì theo ý tôi, các tạp chí văn học trên phát hành từ một tháng một kỳ, nay là 2 tháng một kỳ. Thông thường, những tờ báo ăn khách, nhiều độc giả, thường phát triển đi lên, từ nguyệt san sẽ lên bán nguyệt san, lên tuần san. Đó là sự tiến triển bình thường. Tôi không nói đến sức viết hay giá trị văn chương của các tờ báo đó.


Trong sinh hoạt văn học Việt Nam hải ngoại, phải nói rằng các tạp chí như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 rất xứng đáng là biểu tượng văn học đúng nghĩa, dĩ nhiên cũng có những tạp chí khác có giá trị chứ không phải là không, nhưng thường là không đứng vững được lâu, là ra hai, ba số, dăm, sáu số là đình bản. Có lẽ vì vấn đề tài chánh. Một tạp chí thuần về văn học nghệ thuật rất kén chọn độc giả và là báo bán chứ không phải báo biếu (vì không có quảng cáo), nên đời sống “thọ” hay “yểu” của tờ báo cũng tùy thuộc vào đời sống kinh tế của người chủ trương hay nhóm chủ trương.


Tờ Hợp Lưu khởi đầu cho dòng chảy văn học: Đăng bài của những người viết trong và ngoài nước, miễn là bài đó hay. Trong suốt mười mấy năm trụ lại được, công lớn phải nói là của họa sĩ Khánh Trường (trước khi “qua tay” Đặng Hiền), người chủ trương và chủ biên tờ báo đó. (tôi muốn dùng chữ hoạ sĩ hơn là nhà văn hay nhà thơ KT, vì từ đó đúng nghĩa nhất với KT). Khánh Trường viết truyện và làm thơ, vẽ và làm chủ biên tờ Hợp Lưu. Theo tôi, Khánh Trường làm chủ biên tờ Hợp Lưu và vẽ thì tuyệt. Trong suốt quá trình mười mấy năm, Khánh Trường đã giữ cho tờ Hợp Lưu đứng vững, phát huy những chủ đề văn học, bài được chọn đăng giá trị và hay. Tôi không thấy ở trong đó có chút gì là Việt cộng nằm vùng, thế mà khi mới qua Mỹ, tôi nghe lời một “nhà tranh đấu” nói dè chừng khi tôi hỏi đến Khánh Trường: “Coi chừng, thằng Khánh Trường là Việt cộng nằm vùng đó. Hợp Lưu cái gì, ai hợp lưu với anh mà anh đòi hợp lưu.””


Tôi đồng ý với chủ trương của Hợp Lưu, đăng bài hay, có giá trị văn học, dù tác giả ở trong hay ngoài nước, hay ở thành phần nào.


Chuyện Hợp Lưu ”bể” như bây giờ. Thật là đáng tiếc.


Ngoài tờ Hợp Lưu gây ồn ào dư luận, các tờ khác như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21 đều là những tờ tập san có giá trị, có một số độc giả nhất định. Tờ Thế Kỷ 21 tựa như tờ Bách Khoa ngày trước 75 ở Sài Gòn với nhiều tiêu đề hơn là văn học thuần túy. Tờ Văn (nay đã đình bản) với Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm chủ biên, hiền hoà như anh vậy. Gần đây đăng những truyện của các tác giả trong nước, tôi đọc rất thích như Nguyễn Ngọc Tư, Vương Văn Quan, Phan Thị Như Ngọc, Phạm Hải Anh. Cái hay của văn học là cái hay thâm thuý, nó thấm vào tận cốt tủy của người đọc, chứ không phải là khẩu hiệu, hoan hô, đã đảo, đọc đó rồi quên ngay.


Tờ Văn Học (tôi không biết tờ Văn Học ở Nam Cali này có phải tiếp nối của tờ Văn Học của nhà văn Dương Kiền ngày trước 75 ở Sài Gòn, như tờ Văn từ Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao, được tiếp nối qua Mai Thảo rồi Nguyễn Xuân Hoàng?). Tờ Văn Học bên này gắn liền với nhà văn Nguyễn Mộng Giác suốt mười mấy năm, bây giờ anh Giác không còn làm chủ biên nữa, tôi thấy như bị hụt hẩng đi. Đó có lẽ là cảm tính, chứ tờ Văn Học vẫn xuất hiện đều đều và vẫn có nhiều bài viết giá trị, (và nay cũng đã đình bản.


Theo tôi, bốn tạp chí tôi kể trên, xứng đáng là biểu tượng của Văn Học Việt Nam hải ngoại.


NHÀ VĂN, NHÀ THƠ


Tôi không biết mình có thể được xếp vào loại nhà văn, nhà thơ không, chứ khi tôi in được một số sách và đăng một số truyện, một số bài thơ trên các báo, thì cũng có nhiều người gọi tôi là nhà văn hay nhà thơ. Tôi lấy làm thích chí, “sướng rên mé đìu hiu” lên. (chữ của Duyên Anh) .


Dĩ nhiên ai làm thơ hay viết văn cũng đều có ý muốn được gọi nhà thơ hay nhà văn.


Trong bài viết giới thiệu cuốn sách Ngẫm Chuyện Nhân Sinh của Vương Trùng Dương, Du Tư Lê đã viết:”


“Gần đây, tôi thấy, có dễ không một cộng đồng thiểu số nào, tại Hoa Kỳ, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ, ngâm sĩ, xướng ngôn viên (gọi chung là nghệ sĩ), tới mức, những người không có trước tên của họ, một chữ “nhà” hay chữ “sĩ” nào, rồi đây sẽ trở thành thiểu số!””


Như thế có nghĩa là số nhà thơ, nhà văn ở hải ngoại dần dần chiếm đa số. Thật đáng mừng xiết bao, nền văn học nghệ thuật VN hải ngoại sẽ nổi đình nổi đám, sẽ ngự trị trên báo chí, trên các tạp chí, các “Nhà” sẽ thi nhau viết, biết đâu chừng sẽ có một giải Nobel Văn Chương cho một trong số các “Nhà” này.


Nói thì nói cho vui thế thôi.


Làm nhà văn, nhà thơ đâu phải dễ.
Đâu ai cũng có thể làm được.



*



Trong cuốn Tác Giả Việt Nam của Lê Bảo Hoàng (tức nhà thơ Luân Hoán) phát hành 2005, số nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ khoảng 1,446 người, phần nhiều là các tác giả hải ngoại, số tôi chưa biết tên cũng nhiều lắm. Thông thường, các nhà văn, nhà thơ nào trong nước hoặc hải ngoại mà có tác phẩm hay thì tôi “đánh hơi” biết liền, khi đọc trong Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, về truyện ngắn, hay thơ.


Đọc được một truyện hay, một bài thơ hay, mình cảm được, tôi thường sung sướng vô cùng. Sung sướng cả ngày, quên ăn quên ngủ như truyện Một Mối Tình của Nguyễn Ngọc Tư, hay Lạt Mềm Buộc Chặt của Phan Thị Như Ngọc, hay Xóm Tôi, 30 năm của Vương Văn Quan trong tạp chí Văn. Cái sướng làm tôi cứ lâng lâng như đang “si nhê” thuốc lắc hay ma tuý vậy


Đó là cái thâm thúy của văn học.


Nhưng đó là của các nhà văn trong nước.


Nhà văn ngoài nước tôi thích Lâm Chương và Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng...


Lâm Chương viết hay và bạo. Văn phong của anh mạnh và sắc.


Trần Doãn Nho viết hay, văn anh hiền.


Hồ Minh Dũng cũng vậy .



*


Đọc trong các tạp chí, tìm một truyện hay, bài thơ hay “đỏ con mắt”.


Nhà văn, nhà thơ tự phong thì nhiều, tác phẩm tự in thì nhiều mà chẳng thấy tác phẩm hay. Cái hội Văn Bút Việt Nam hải ngoại lại đánh nhau để tranh ngôi vị. Đánh nhau ra hồn, đánh nhau bằng những bài viết, đánh nhau bằng văn bản, đánh nhau rồi đảo chánh nhau tùm lum, tình hình căn thẳng ùn ùn sát khí như chính quyền miền Nam Việt Nam sau cách mạng 1.11.63, các tướng tá đảo chính, chỉnh lý ì xèo cả lên. Như vậy thì cái “miếng đỉnh chung”, dù là hư ảo, cũng có sức hấp dẫn vô cùng. Các nhà văn có các tác phẩm giá trị thì chỉ nhìn thế sự mà cười mĩm, coi như mình đứng ngoài những tranh chấp, nhưng trong lòng thì đau đớn vô cùng. Thật đáng buồn thay! Những nhà văn này, biết tình trạng văn bút bế tắc mà không muốn nhảy vô, không thể nhảy vô, không giám nhảy vô, vì nhảy vô, chắc chắn sẽ bị bao nhiêu mũi tên bắn tới tấp, sẽ gục chết, nên thôi đành ”kính nhi viễn chi”. Đó là tình trạng hổn mang, hồ lốn trong cái xã hội tự do vô chính phủ của cộng đồng người Việt hải ngoại.


Không ai chú ý đến tác phẩm hay. Các ông tranh chức vị Chủ Tịch Văn Bút tôi đọc tên nghe lạ hoắc, mà nếu có tác phẩm thì cũng chẳng có gì đặc sắc.


Một lần, nhà thơ Du Tử Lê nói với tôi và anh Đạm Thạch, khi ông được mời phát biểu về tập thơ của một tác giả nữ “xoàng xoàng”:


“Họ bỏ tiền ra in thơ là một điều tốt, dù là thơ dỡ,còn hơn là để tiền đó đi sòng bài.””


Còn với Huỳnh Hữu Ủy, một nhà phê bình, theo một người bạn văn kể lại, khi anh được một tác giả “xoàng xoàng” biếu một tập thơ, cuốn truyện gì đó, anh liền đem ra bỏ ngay vào thùng rác, trước mặt nhiều người.


Đó là một thái độ.


Tôi cũng được nhiều người biếu sách, những sách đọc không được tôi cũng bỏ thùng rác, nhưng bỏ lén khi có một mình tôi.


Đó cũng là một thái độ .


Tôi khâm phục nhóm chủ trương nhật báo Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông, ở Nam Cali, không bao giờ có chuyện đôi co cải vả, chửi nhau loạn như vậy, dù nhiều lúc cũng bị chụp nhiều cái mũ to tổ chảng.


Tôi chạnh nghĩ đến những hội đoàn ở hải ngoại. Các người xưng là chính trị gia, đời sống quá khứ chẳng tốt đẹp gì, đã từng lừa đảo, tham nhũng, đánh giặc chạy làng, bỏ quan, bỏ quân mà chạy, nay cũng lập chánh phủ, mặt trận, chính đảng, cũng nói chuyện nghĩa nhân, nói về một xã hội nhân bản, bình sản, cho Việt Nam trong tương lai, như họ đang làm một cuộc cách mạng thật vậy. Những “cái gọi là” Ban Đại diện Cộng đồng người Việt thì chia năm xẻ bảy, phe nào cũng xưng mình là chính danh. Hàng đêm những “cái gọi là” đó lên đài phát thanh chửi nhau như những tay mổ lợn. Lần đầu tiên qua Mỹ, mở đài phát thanh, tai tôi tự nhiên ù đặc, trí óc lùng bùng, tay chân bủn rủn. Tôi bị dị ứng vì những tiếng chửi nhau với những lời tục tằn, thô lổ nhất. Tôi chạnh nghĩ đến nếu những người này được về cầm quyền trong nước, sẽ đưa đất nước ta đi đến đâu? không biết có hơn được những người cộng sản đang cầm quyền hay không?


Thôi bỏ qua những chuyện “chính chị chính em” đi cho đở suy nghĩ.


Nhưng mọi chuyện nó cứ chồng chéo nhau, như dây nhợ, đề cập đến chuyện này lại dính đến chuyện kia.


Theo tôi thì:


“Nhà văn là người viết truyện hay, nhà thơ là người làm thơ hay”. Tất cả đều có tác phẩm được nhiều người công nhận là có giá trị.


Tôi gọi những người sau đây là nhà văn (đúng nghĩa):



Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền (c), Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng, Thảo Trường (c), Lâm Chương, Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Trần Hoài Thư, Nguyễn Thị Trọng Tuyển, Thơ Thơ, Nhã Ca, Mai Thảo (c), Nguyễn Đình Toàn, Túy Hồng, Hồ Trường An, Trùng Dương, Thế Uyên, Nguyễn Mộng Giác...


Tôi gọi những người sau đây là nhà thơ (đúng nghĩa) :



Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên (c), Tô Thùy Yên, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Luân Hoán, Nguyễn Nam An, Phan Xuân Sinh, Đạm Thạch, Hà Nguyên Du, Hà Quốc Huy, Trần Hoài Thư, Trần Mộng Tú, Chu Vương Miện, Hoàng Xuân Sơn, Trần Vấn Lệ, Trần Dzạ Từ, Nguyễn Lương Vỵ...



TÔI VIẾT VĂN .


Viết văn như là một cái nghiệp. Nhiều người nói thế và tôi cũng nói thế.


Trong tập truyện Những Chuyến Mưa Qua, tôi có viết về nỗi đam mê viết lách của tôi. Suốt trong những chặng đường của cuộc sống tôi đều nghĩ đến chuyện viết: làm thơ và viết văn. Điều này tôi đã chỉ thực hiện được khi qua Mỹ, sống ở Mỹ.


Những truyện tôi viết thường là những chuyện tôi đã trải qua, trong những chặng đường đã sống. Có những truyện tôi phịa ra, nghe ngóng ở đâu đó, thấy cốt truyện bi thương, sống động tôi liền viết lại theo ý tôi.


Nhưng nghề viết cũng nhiều lúc gặp rủi ro.


Là một vài người bạn thân, hay người quen, thấy cốt truyện tựa tựa giống mình, liền nghĩ tôi viết về họ. Có nhiều người thích vì tôi viết nhân vật họ là chính diện. Có người không thích vì tôi viết nhân vât họ là phản diện.


Truyện là hư cấu, chứ đâu phải viết phiếm mà chửi ai, bôi xấu ai.


Truyện là cuộc sống đang chảy.


Ai đẹp, ai xấu. Đó cũng chỉ là nhân vật. Sao lại liên tưởng đến mình.


Là giòng chảy của xã hội.


Có một chuyện làm tôi ghi nhớ đời: Tôi viết về một người đàn bà mánh mung, áp phe đủ mọi chuyện, áp phe từ chuyện con lai đến chuyện HO. Đó cũng chỉ là nhân vật. Chuyện giống một cuộc sống ngoài đời, lãng đãng đâu đó, là anh, là tôi, là chị, là em, là gã, là hắn. Thế mà có người gọi điện thoại, nói với tôi bằng giọng rất ư hung hãn.


Tôi nghĩ, đó là tai nạn nghề nghiệp, cũng như người đóng phim vai phản diện, vai xấu, vai ác, ra đường gặp ai cũng bị chửi.


Nhiều người quên đó là nhân vật.


Cả truyện dài Mẫu Hệ của tôi cũng vậy.



TỪ MẪU HỆ ĐẾN... NGHỊ QUYẾT 36.


Tôi viết truyện dài Mẫu Hệ để tả lại một quảng đời đã sống, đã nhìn thấy qua biến cố 30/4/75. Biến cố đó có tôi là nạn nhân. Tôi là sĩ quan chế độ cũ nên bị tập trung cải tạo gần sáu năm. Trong thời gian đó và sau đó, những ngày trở về từ trại tập trung, sống ở Sài Gòn, tôi đã nhìn được từ hai phía. Tôi nhìn như một nhà nhiếp ảnh ghi lại sự việc, có khi hư cấu chút đỉnh, thêm mắm dặm muối cho hấp dẫn, còn cái sườn thì hoàn toàn y chang.


Ngay đề tài Mậu Hệ cũng có nhiều người đặt vấn đề với tôi, Mẫu Hệ nghĩa là gì? Tôi nghĩ cái nghĩa thật bình thường. Mẫu Hệ là chế độ xã hội lấy người mẹ, người vợ làm chủ gia đình, đặt tên con theo họ mẹ, như một số bộ lạc người Thượng nay vẫn giữ, hay xã hội Việt Nam ta từ hồi thượng cổ. Sau 30/4/75, trong nhiều gia đình, người chồng thất thế, (hay bị tập trung cải tạo) người vợ làm chủ gia đình, tạo nên chế độ mẫu hệ từ phía bên trong như gia đình nhân vật nữ có tên Nại Hiên.…


Nhiều người đọc hết truyện mới hiểu.


Hiểu được. Nhưng hiễu thế nào mới được chứ?


Cho tôi giải thích chút đỉnh:


Chỉ mỗi từ Mẫu Hệ thôi, cũng nói lên được một phần câu chuyện, là xã hội cộng sản sau năm bảy lăm ở Việt Nam, đã đẩy đưa nhiều gia đình sống như sống trong những bộ tộc của người Thượng. Cộng Sản VN đã từng rêu rao: Mỹ ném bom miền bắc là muốn biến Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Tôi nói: Sau ba mươi tháng tư bảy lăm, cộng sản VN muốn biến VN thành những bộ lạc theo chế độ Mẫu Hệ.


Thời tiền chiến, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã viết nhiều truyện rất hay, phê phán xã hội một cách sâu sắc, những hủ tục, những mê tín dị đoan, những cảnh cường hào ác bá ở nông thôn. Vũ Trong Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố đã viết về những bất công của xã hội, những cảnh phu phen, xâu thuế, lục xì, làm đĩ, lấy Tây. Đó là những truyện thể hiện xã hội dưới chế độ phong kiến, thực dân, những truyện ấy sẽ tồn tại mãi mãi trong nền văn học Việt Nam.


Tôi đã thấy, đã biết nên đã viết (một phần) về xã hội miền Nam trước bảy lăm, về tên tướng tham nhũng hãm hiếp gái tơ, tay dân biểu áp phe, bà vợ ông dân biểu mở khách sạn cho đĩ thuê để thu lợi. Những tay đảng phái oang oang cái lỗ miệng lúc nào cũng nói đến bài kinh “Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc”, đến khi đã được ăn trên ngồi trốc rồi thì chỉ lo đi kiếm chát, bỏ dân ngu khu đen sống chết mặc bay. Tôi viết về những sĩ quan ăn lương lính đào ngũ, lính tử trận, ăn ration C, ăn lương thực của lính đang chiến đấu ngoài mặt trận. Lính đói khổ bao nhiêu cũng kệ. Tất cả những cái đó và nhiều nhiều cái khác nữa đã là nguyên nhân dẫn đến ngày 30/4/75. Để rồi tất cả phải tháo chạy. Những tay đó lại dành nhau xuống tàu trước, hay bay ra biển trước vì sẳn có phương tiện trong tay, bỏ đất, bỏ quân, bỏ dân, chạy qua Mỹ sớm, lại vỗ ngực xưng hùng xưng bá. Còn nếu có vào tù thì tranh làm “ăn teng, làm thi đua, trật tự”, tránh né lao động, hãm hại bạn tù.


Khi Mẫu Hệ phát hành khắp nơi, có dư luận xôn xao trong đồng hương, do tin những “nhà đảng phái” tung ra:


“Mẫu Hệ viết theo nghị quyết 36.”


Tôi biết nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam kêu gọi các giới văn nghệ sĩ, giới truyền thông hải ngoại cùng góp sức xây dựng quê hương.


Tung tin như vậy, có nghĩa nói tôi là cộng sản nằm vùng, là đón gió trở cờ.


Chứ còn gì nữa.


Nhà phê bình Huỳnh Hữu Uỷ, đọc Mẫu Hệ có nói với tôi:


“Mẫu Hệ là truyện chống cộng.”


Trong thâm tâm, tôi muốn viết những điều tôi đã trải, đã nếm, không viết kiểu hô hào như một văn công, kiểu văn chương minh họa của miền Bắc Việt Nam trước năm bảy lăm. Thời còn chiến tranh, khi viết về người lính miền Nam, các nhà văn (văn công cộng sản) thường tả đó là những người mặc áo quần rằn ri, vằn vện, đầu tóc bù xù, súng đạn lè kè bên mình, vũ khí được trang bị đến tận răng, nhiều người còn đeo tòng teng trên ngực một xâu lỗ tai phơi khô, như kể lên chiến công đã giết nhiều Việt cộng. Còn bộ máy chính quyền miền Nam cũ, cũng có một số nhà văn viết theo đơn đặt hàng của chính quyền để tuyên truyền, cũng thường mô tả Việt cộng là những tay răng đen mã tấu, răng vẩu, nước da vàng ệch, nón cối, mang dép râu, nói năng bặm trợn, giết người như ngoé.


Tôi không thích cả hai loại văn đó.



*



Chuyện văn chương chữ nghĩa rất có nhiều điều đáng tội. Một bài thơ của tác giả viết lên theo một cảm hứng nào đó, khi được đưa lên bàn mổ, các nhà phê bình thường ghép thêm vào đó những ý tưởng mà mình nghĩ ra, rồi tô son trét phấn cho tác phẩm. Nhiều khi tác giả bài thơ phải ngẩn ngơ khi đọc lời bình về bài thơ của mình.


Thơ của Hồ Chí Minh, toàn suốt những bài thơ của ông là những bài thơ dở, theo cái nhìn văn học của tôi, thế mà biết bao nhiêu cây bút, những nhà phê bình có “học vị” đàng hoàng, đã chẻ những bài thơ đó ra làm tư, làm tám, khen từng chữ, từng câu, từng dấu chấm, dấu phết.


Rồi lại đem in vào sách giáo khoa dạy cho học sinh nữa chứ.


Thật là một thảm hại và nhục nhã cho nền văn chương minh họa.


Cả truyện cũng vậy.


Người đọc nhiều khi đi xa ngoài ý tác giả.



ÔNG QUẢNG NAM .



Tôi gặp sử gia Trần Gia Phụng ở nhà một thân hữu trong Liên trường trung học Quảng Nam-Đà Nẵng. Trần Gia Phụng mô phạm ở đâu tôi không biết, nhưng ở đây, Trần Gia Phụng vui vẻ, hòa đồng rất mực, anh kể chuyện tiếu lâm, tục, thanh có cả, rồi cười hề hề, giọng Quảng Nam còn đặc sệt.


Trần Gia Phụng viết sử, nghiên cứu thâm sâu, sách vở chọn lọc. Tôi đọc anh nhiều bài ở Thế Kỷ 21, Người Việt.…


Anh là người Quảng Nam, về phương diện nghiên cứu lịch sử tôi rất khâm phục.


Những năm 2001, 2002…tôi làm chủ biên tờ Đặc San Quảng Nam của Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, nam Cali. Tôi viết thư xin anh bài. Anh gởi cho tôi bài “Đi Tìm Ngũ Phụng”. Bài viết rất hay, có nhiều vấn đề mới, có cái nhìn khoa học về một việc đã cũ, Ngũ Phụng Tề Phi? 5 con chim Phụng cùng bay, đại ý ám chỉ có 5 sĩ tử gốc Quảng Nam đi thi đều đậu đến Tiến Sĩ, Phó Bảng. Nghĩa là đất Quảng Nam là đất có học sinh học giỏi, đỗ đạt, nên ai là người Quảng Nam đều hãnh diện. Trần Gia Phụng với cái nhìn của người viết sử, cái nhìn đào sâu, lý luận chặt chẽ, để xem “Ngũ phụng tề phi”, chữ này xuất phát từ đâu, do ai đặt nên, được ghép cho xứ Quảng Nam (có phải không? là do ai, vua? quan? hay người dân tự chế). Tôi đọc rất thích và muốn đăng ngay, nhưng Đặc San Quảng Nam là tiếng nói nói của Hội Đồng Hương Quảng Nam nên tôi phải hỏi một số anh em trong Ban Biên Tập. Ngặt nỗi, số anh em lại bảo thủ, muốn “ngũ phụng tề phi” đã gắn liền với Quảng Nam phải là của dân Quang Nam, không muốn ai đánh đổ, phân tích làm gì. Đó là thái độ xưa, lỗi thời, cổ lỗ. Thế mà ý kiến đó tôi không vượt qua được, nên không đăng bài đó. Tôi tiếc hùi hụi, và nghĩ mình bất lực, không vượt qua được những chuyện đáng lẽ phải vượt qua.


Tôi viết thư xin lỗi giáo sư Trần gia Phụng, viện một lý do bài đó đã đăng ở một nơi khác nên không đăng và xin bài khác. Có lẽ anh biết chuyện tôi nói chỉ là nói cho anh vui, chứ bài này có “gai gốc”. Anh Phan Xuân Sinh đã đăng bài này trên tập san Sông Thu ở Georgia, bị nhiều phản đối, tôi cũng nhận được một bài nhan đề là “Nỗi Buồn Ngũ Phụng” của một ông nào đó mà nay tôi không nhớ tên, viết không phân tích, lý giải chuyện đúng sai, mà chỉ một mực phiền trách Trần Gia Phụng.


Trong thời gian này tôi nhận được nhiều lời than phiền với giáo sư Trần Gia Phụng, nói rằng Trần Gia Phụng muốn “làm nhục” dân Quảng Nam, muốn “ngũ phụng tề phi” không còn là của dân Quảng Nam nữa.


Những lời trách cứ đó vô căn cứ.


Trần Gia Phụng im lặng, im lặng là thái độ của kẻ Sĩ.


Riêng tôi, tôi rất “bức xúc”.


Quảng Nam, quê hương thương mến của tôi, vẫn còn nhiều chuyện như vậy.


Đó là vật cản sự tiến bộ, cản trào lưu đang lên của thế giới, tiếp cận với cái mới, cản trở lớp trẻ vương lên đi tìm sự thật. Những đứa con của người dân Quảng Nam ở đâu, trong nước hay ngoài nước, vẫn học hành giỏi dang, đỗ đạt, nào phải vịn vào bốn chữ “ngũ phụng tề phi”?


BÊN KIA .



Bên Kia là Những người cầm quyền tại Việt Nam. Là cái danh xưng Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Là Việt Nam Cộng Sản hay Việt Cộng. Tôi thấy từ này không xấu. Thế mà phía Bên Kia ai gọi họ là Việt Cộng là họ không chịu, có khi còn bắt người ta ngồi tù. Chuyện đó mới là lãng nhách.


Và cả khối dân tộc rộng lớn tới hơn 80 triệu dân đang ở trong nước.


Cuộc chiến tranh đã qua hơn ba mươi lăm năm. Đó là một thời gian dài. Những đứa trẻ sinh năm 1975 bây giờ đã thành niên, có đứa đã thành đạt trên đường công danh, hoạn lộ. Chúng không biết gì về thời chiến tranh. Về nỗi đau của cuộc chiến tranh đã để lại cho cha mẹ chúng, cho bà con hay cho cả dân tộc, cả kẻ thua lẫn người thắng.


Tôi về thăm Việt Nam. Đúng là tôi Về. Vì Việt Nam là quê hương tôi, của tôi, nên tôi phải Về chứ. Dù tôi có Quốc tịch Mỹ đã hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn là người Việt từ đầu đến chân, không suy suyển.


Lý luận về ngôn ngữ thật dài dòng và bất tận. Như quyển sách “Nếu Đi Hết Biển” của Trần Văn Thủy, đã gây biết bao nhiêu tranh luận về hai chữ Đi, Về. Chuyện rối tung cả lên. Ai cũng nêu ra cái ý của mình, ai cũng cho mình là đúng.


Các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Nhật Tiến cũng đau đầu vì quyển sách này. Vì các ông đã trả lời bài phỏng vấn của ông Trần Văn Thủy trong quyển sách nói trên. Các ông bị chụp nón cối, hàng đêm ra rả trên các đài phát thanh những giọng điệu kết án các anh là thân Cộng, là tay sai Việt cộng hay là Việt cộng nằm vùng.


Tôi thì thích ngôn ngữ ba phải của Du Tử Lê:


“Đi hay Về cùng một nghĩa như nhau”


Tôi Về. Lòng tôi thanh thản. Tôi suy nghĩ và quyết định, Về, sẽ sống âm thầm trong căn nhà, tránh cái nắng, cái nóng, cái mưa gió. Về, tránh gặp những chuyện bất bình, nhất là về chính trị, như không đến những nơi có sinh hoạt công cộng. Về, với một mục đích duy nhất là làm sao cho lòng mình thanh thản, vô tư, để cảm nhận được cái chung. Và Viết.


Thế mà đâu có được. Buổi sáng thức dậy mở truyền hình xem tin tức, ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán phải mở tờ báo ra đọc. Truyền hình và báo chí có biết bao chuyện đáng nói. Rồi phải đi đây, đi đó. Thành ra, đã sống là va chạm, là cọ sát với cuộc sống.


Khi tôi đi, khí hậu Việt Nam đã nóng. Việt Nam được xếp vào vùng nhiệt đới, nên từ thuở ấu thơ, tôi đã sống trong cái nắng, nóng chói chan, hầm hập như vậy. Quảng thời ấu thơ cơ khổ. Quảng đời lính tráng nhọc nhằn hiểm nguy. Quảng đời tù tội đói rách. Quảng đời làm thuê nắng cháy da. Lúc đó, nếu có than thân thì chỉ than về nổi cực khổ của cuộc sống, chứ không than thở về khí hậu nóng bức.


Bây giờ ở Mỹ về, điều ai cũng than truớc tiên là cái nóng, Việt Nam nóng quá, nóng nung người, về làm sao sống nỗi. Mới bước chân xuống máy bay là cái nóng hầm hập ụp xuống. Mồ hôi bắt đầu rịn ra ở cổ, ở mặt, ở sống lưng, rồi dồn lên trí não đến nỗi phải than lên: Nóng quá, nóng chịu không nỗi. Có người an ủi: Bây giờ là tháng chín cũng đở nóng rồi, về hồi hè, hồi tháng năm, tháng sáu, nóng đổ lửa, nóng nổ đom đóm.



Biết như vậy, nhưng so với Mỹ, với khí hậu California, khí hậu này là quá nóng.


Sự thay đổi về khí hậu đã làm thay đổi cả cuộc sống. Ở Mỹ, mặc áo quần đi chơi, đi làm ở văn phòng, đi làm ở hãng, cũng khó tìm ra chút mồ hôi, nên mồ hôi rất quí. Người ta đổ xô nhau đi tập thể dục ở các trung tâm như Fitness 24 hay Ba-lỳ. Mồ hôi quý giá cho sức khoẻ nên người ta chen nhau đi tìm mồ hôi. Chạy bộ, đạp xe đạp, xông hơi, làm sao cho chảy mồ hôi càng nhiều càng tốt. Còn ở Việt Nam hằng ngày đối diện với cái nóng, cái bụi bặm, nên con người thấy mình như bị lấm láp, dơ dáy khi mới bước lên xe gắn máy hay từ xe gắn máy vào nhà, bởi mồ hôi đã túa ra.


Cái bụi bặm. Thử tưởng tượng buổi trưa nắng chói chan như vậy, mà luồng xe chạy hòa nhập vào các đường ở ngã tư Bảy Hiền chẳng hạn. Cũng mấy chục ngàn chiếc, xe gắn máy đủ loại (mới, cũ) xe hơi nhà, xe tải, xe taxi, xe buýt, xe ba gát máy, xích lô máy, ba gát đạp, xích lô đạp, xe đạp...chạy lung tung, không luật lệ, quẹo ngang, quẹo ngữa. Giữa cái nóng đổ lửa đó, ai cũng che mặt, che tay, che chân, nhất là các bà, các cô. Xe chạy cả chục ngàn chiếc, tiếng động cơ ầm ầm điếc tai, khói từ các ông bô bay mù mịt, bụi bặm như một màn sương. Xe cộ đang ùn ùn như vậy mà gặp một chiếc xe tải, xe buýt hay taxi muốn quẹo ngang xương, thì đoàn xe dồn đống lại, nhưng ai cũng muốn chen lên, không ai nhường ai, nên đường đã tắt nghẽn càng tắt nghẽn thêm. Giữa cái nóng buổi trưa chói gắt, ngồi trên xe gắn máy nhích từng chút, từng chút, ai ở Mỹ về, nhất là đàn ông, chắc cũng nóng máu lên mà chửi thề, “Đụ mẹ nó, đường sá vậy, kẹt xe vậy, bụi bặm vậy, nóng vậy, lần sau đéo thèm về”.


Mà không phải chỉ ở quảng đường ngã tư bảy Hiền, mà hầu như tất cả các ngã đường, của mười hai quận nội thành Sài Gòn, rồi các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hốc Môn, chỗ nào cũng kẹt xe, đường sá có mở thêm nhưng vẫn không đủ cho xe cộ lưu thông.


Cái nóng, cái kẹt xe, cái bụi bặm, cái vô trật tự, khiến nhiều lúc tôi tự nhũ: Mình may mắn thoát khỏi nơi đây, khoan nói đến “chính chị chính em”, chỉ cái nóng (hay cái mưa kẹt cống, kẹt đường) này, cũng đủ khổ một đời.


Có nhiều người sống trong nước chửi những người ra đi, trở về thăm gia đình mà không giám uống nước, không giám ăn đồ ăn, ngủ không được vì không có máy lạnh và chiếu giường làm xót, ngứa ngáy chịu không nổi, “Đụ mẹ nó chớ! Cái thứ đồ ngoại lai, đồ vong bản, ỷ ở Mỹ về là ngon há, ngày trước cơm bụi không có mà ăn, quạt tay không có mà quạt, uống nước phông tên. Bây giờ làm phách, làm lối, cái thứ “cái đồ” liếm gót giày đế quốc.””


Tôi không giám binh người về từ Mỹ và cũng không giám nói gì đến người đã chửi, nhưng thật ra, tôi cũng ở trong số những người ở Mỹ về, muốn giải thích tí đỉnh, đó chỉ là thói quen của sự thụ hưởng, cơ thể và thân nhiệt đã quen với khí hậu miền ôn đới. Về đây, miền nhiệt đới khí hậu làm mồ hôi toát ra chịu không thấu nên than, nên tìm khách sạn có máy lạnh để ngủ cho an giấc là chuyện thường tình. Họ đã ăn uống trong không khí thanh sạch đã quen, nên nhìn thức ăn bên lề đường bụi mù cả lên là họ ăn không vô, đó cũng là vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ, sao lại chửi họ.


Về Việt Nam là tìm về nguồn trong tâm thức. Tìm về những giấc mơ, kỷ niệm ngày cũ - ngày thơ ấu, ngày thiếu niên, ngày tuổi trẻ. Tâm hồn con người có muôn vàn ngõ ngách.


Có người ở hải ngoại thề “một chết không trở về Việt Nam khi còn chế độ cộng sản.”


Có người nhẹ nhàng hơn “về chỉ là thăm viếng thân nhân, quê kiểng hay du lịch.“


Có người về “cộng tác với chính quyền, đứng ra làm con mồi cho chính quyền tuyên truyền đường lối của mình.”


Tôi đứng vào hàng thứ hai.


Nỗi nhớ quê là cội rễ để tôi tìm về.


Nhưng có một điều tôi nói thật lòng tôi. Ở Mỹ nhìn về Việt Nam tôi thương nhớ bao nhiêu thì về Việt Nam tôi thấy càng bực mình vì luôn luôn chạm mặt với những chuyện bất toại.


Bực mình thứ nhất là đi đâu cũng nhìn hình ông HCM.


Hình ông Hồ Chí Minh ngồi râu tóc bạc phơ, gương mặt phốt pháp, vui tươi hiền hậu như một tiên ông. Hình ông Hồ Chí Minh ôm các cháu thiếu niên, nhi đồng cười tươi âu yếm. Hình ông Hồ Chí Minh vẫy tay, vỗ tay. Coi truyền hình thấy trong các hội trường, hội nghị, đều bày tượng bán thân Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng.


Điều này làm tôi dị ứng.


Thực sự, có thể đầu óc tôi hai mươi mấy năm ở chế độ miền Nam, tôi bị tiêm nhiễm “tính cách phản động” chăng? Tôi nghĩ là không phải. Có lẽ, ở Hoa Kỳ, tôi đã từng đọc nhiều quyển sách viết về ông Hồ Chí Minh, như ông đã bán nhà cách mạng Phan Bội Châu, như đã từng đầu hàng Pháp để tiêu diệt những người yêu nước không cộng sản. Nhưng chuyện đó là chuyện chính trị to lớn quá. Chỉ biết khi đọc Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, rồi một số (nhiều) tác phẩm khác viết về cuộc đời thật của Hồ Chí Minh, với những tài liệu trích từ các hồ sơ ở các thư viện lớn của các nước đáng tin tưởng như Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, tôi mới thấy sự thật của đời sống ông, con người của ông. Dù chúng ta có trừ đi 50%, tôi vẫn ghê sợ ông.


Chỉ một điều nhỏ, ông chơi gái (nói theo danh từ của đảng là phục vụ Bác) Nông Thị Xuân có con, rồi cho công an mật vụ giết Nông Thị Xuân (trong Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên). Điều đó là không được, dù biện bạch bao nhiêu cũng là bao che lấp liếm. Đó là một thằng đàn ông tồi, hèn, đễu giả, sở khanh. Thà như các vua chúa thời xưa, có tam cung lục viện, cung nữ, cung phi, thứ phi, hoàng hậu. Chuyện đó là chuyện bình thường. Hay những người lãnh đạo các quốc gia khác, có vợ, có con, ly dị, tái hôn. Kể cả chuyện Tổng thống Bill Clinton của Mỹ cho cô Monica vào phòng bầu dục để cô “thổi kèn”, dù có bị toà lôi cổ ra xử, nhưng sau được trắng án, cũng là chuyện bình thường của một con người. Với ông Hồ Chí Minh, chế độ đã quá thần tượng ông, ca tụng ông, bây giờ mặt nạ kia rơi xuống. Tôi như người học trò kính phục ông thầy đứng trên bảng đen dạy bài học đạo đức về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nhưng khi vào động đĩ, bỗng gặp ông thày đáng kính của mình đang chơi đĩ, rồi dỡ trò chơi lường, quịt tiền gái làng chơi.


Cho nên bây giờ đi trên đường, tôi bắt gặp hình ảnh ông già ẳm con nít này khiến tôi ghê sợ. Cảm giác bị lạnh xương sống. Bên Mỹ hình ảnh như vầy người ta nghĩ ngay đến chuyện xâm phạm tình dục trẻ em mà một số linh mục Thiên Chúa Giáo đã mắc phải, có thể bị ra tòa ở tù dài dài.


Ở Nam Cali, tôi biết vụ tranh đấu chống Trần Trường vì đã treo hình Hồ tặc (chữ của những người tranh đấu). Tôi đã đến đó mấy lần vì sự tò mò. Tôi đã thấy hình ông Hồ được làm thành hình nộm và bị treo cổ, hình nộm đầu ngoẽo sang một bên, trông rất thê thảm.


Bên Việt Nam ông trở thành vị cha già dân tộc.



CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG .


Tôi đi xe gắn máy tìm nhà Trần Thanh Ngọc, bạn tôi, nhà Ngọc ở đường Bình Giả, quận Tân Bình. Bình Giả thì tôi biết địa danh hồi trước năm bảy lăm, ở đó xảy ra một trận đánh ác liệt của hai bên cộng sản và quốc gia. Trận chiến thế nào không biết, nhưng khi kết thúc, bên nào cũng nói mình thắng trận, thắng vẻ vang, thắng anh hùng. Con số chết cũng nhiều nhưng hai bên đều cố dấu bớt đi, nhất là phía bên kia, không có sự thiệt hại nào đáng kể, đó là câu ta thường nghe trên các bản tin tức thời sự.


Bình Giả là tên một địa danh, một quận hay một xã, bây giờ đặt tên đường. Rồi Núi Thành, rồi Ba Gia. Nhưng thôi, địa danh không biết thì lần mò trong sách địa lý, cũng gọi là tạm ổn.


Còn tên người. Thật tình đi trên quận Tân Phú, nhiều tên đường lạ hoắc lạ huơ. Tôi lục trong trí nhớ tôi qua mười mấy năm học trung học, về lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của cha ông ta, tôi cũng có trí nhớ đáng kể về sử ký, thế mà tôi lục tìm không ra. Đây chắc là các liệt sĩ của quân đội cộng sản hay cán bộ của họ đã chết trong các trận đánh.


Chuyện này tôi đã từng đọc một số bài ở các báo hải ngoại viết về sự hồ lốn này. Mấy ông này đã chết đâu đó, trong một trận nào đó mà mấy ông còn lại hiện ngồi ghế cao, cảm thấy mình phải làm một nghĩa cử nào đó để tôn vinh những người đã chết, liền đặt tên cho một con đường.


Tên đường, cũng quan trọng lắm chứ sao không? đó phải là tên một danh nhân từng đóng góp máu xương, công sức, trí tuệ cho đất nước. Sự đóng góp phải có tầm cở chứ không phải chỉ những sự đóng góp vụn vặt. Chuyện “ra ngõ gặp anh hùng” là một điều rất ư phù phiếm. Cộng Sản đã lấy chữ anh hùng để khiến những tay bộ đội, du kích chiến đấu, làm bia đở đạn cho bọn “ăn trên ngồi trốc”. Nay họ lấy mấy người chết đặt tên con đường, hô hoán lên ầm ỉ.


Như vậy thì bất công với tiền nhân quá. Nếu luận anh hùng như thế này thì lịch sử ta đã có hàng triệu anh hùng, từ thời Ngô Quyền đóng cọc trên sông Bạch Đằng đuổi giặc Tàu, đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Rồi Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng. Các trận đánh xảy ra biết bao người chết, biết bao gương hy sinh, nếu ghi hết những người đó (như cộng sản bây giờ) thì có lẽ cũng cả trăm ngàn anh hùng.


Lịch sử chỉ ghi tên những người chỉ huy là đúng.


Tôi ghi ra đây một số tên đường mà tôi đã đi qua, không biết họ là ai, đã lập thành tích gì? Tôi “đố” những người dân bình thường ở Việt Nam mà biết mấy ông này, khoảng 25% dân biết thôi, cũng mừng lắm rồi.


“Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Thị Riêng, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Sỹ, Bành Văn Trân, Huỳnh Văn Bánh, Lã Xuân Oai, Lương Đắc Bằng, Ung Văn Khiêm, Đoàn Văn Bơ, Bùi Minh Trực, Luỹ Bán Bích, Nguyễn Văn Mai, Lương Định Của, Phan Huy Thực, Nguyễn Văn Luông, Bùi Đình Túy, Ng Cửu Đàm, Phạm Văn Chi, Lê Tuấn Mậu, Nguyễn Hồng Đào, Trần Văn Đang, Lê Văn Thọ, Nguyễn Thái Sơn, Trịnh Đình Trọng, Trần Não, Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Sỹ Sách, Bùi Đình Túy, Quách Đình Bảo, Lê Liễu, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Kha Vạn Cân, Nam Quốc Cang, Hồ Ngọc Lâm, Tống Hữu Định, Nguyễn Xuân Phụng, Trần Văn Kiểu, Phạm Văn Chi, Lâm Văn Bền, Phan Huy Thục, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Hồ Thị Kỷ, Lê Bạch Cát, Ng. Ngọc Lộc, Nguyễn Văn Quá, Lê Văn Khương, Phan Văn Hớn, Hồ Văn Huê, Vũ Tùng, Phan Văn Hân, Nguyễn Văn Đậu, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Quang, Phan Văn Sửu, Nguyễn Minh Hoàng, Lê Ngà, Mai Lão Bạng, Nguyễn Nhữ Lâm, Lê Văn Huân, Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Phan, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Ngọc Nhựt, Lê Thúc Hoạch, Phạm Vấn…


Và còn dài dài nữa...







Trần Yên Hòa .