PDA

View Full Version : Mùa Xuân năm đó ở Suối máu .



Người Saigon
11-26-2012, 11:32
http://imagecollectionforu.com/img.php?image=6882_im12660211261_7x1c.jpg (http://imagecollectionforu.com/)


Một hôm, Tuấn, thiếu úy pilot ở nhà 2 qua nhà 4, đưa cho tôi một mảnh nhôm cánh máy bay, nói:



“Anh nhờ anh Lộc vẽ cho em một cái lược, phần còn lại em cho anh và anh Lộc.” ....



Do đó, tôi quyết định làm một cái lược nhôm tặng T. trong kỳ thăm nuôi vào dịp Tết sắp tới.



Chỉ trừ những ngày phải đi lao động, suốt ngày tôi kỳ cục mài miếng nhôm trên nền xi măng. Chẳng mấy lúc rồi cũng nên hình chiếc lược. Anh Lộc vẽ chiếc lược theo kiểu lược đàn bà có chuôi cong ở phía tay cầm, mà anh cho biết là sẽ trình bày thành hình con chim phượng. Tôi cũng chưa hình dung được những lời anh Lộc nói, nhưng khi anh dùng bút chì vẽ lên chiếc lược của Tuấn thì tôi hoàn toàn tin tưởng ở những lời nói của anh. Nhìn chiếc lược của Tuấn, tôi “hạ quyết tâm” sẽ làm một chiếc lược như thế. Lúc đưa cái sủi “sủi” thành hình cây tùng có khắc hai chữ N và T là tên tắt của tôi và vợ tôi, Tuấn trầm trồ:



“Nhứt anh rồi, cái lược của anh còn đẹp hơn cái của em.”



Tới lúc tôi nhờ anh ta khắc vào mặt bên kia của cái lược câu lục bát:



“Như là đang vẫn có anh



Tay lùa mái tóc trăm năm tình nồng!”



thì Tuấn năn nỉ bắt tôi phải “sáng tác” cho anh ta một câu thơ lục bát, làm tôi bối rối quá sức. Cái khó ở đây là cái lược của Tuấn làm cho bà mẹ. Tôi cố suy nghĩ rồi cũng làm được cho Tuấn câu lục bát đề trên chiếc lược:



“Lược này con gửi mẹ hiền



Là trăm nhung nhớ, là nghìn mến thương!”



Tuấn khoái chí lắm, vừa lấy lá mít chà bóng chiếc lược vừa ngâm nga câu thơ. Ông Long, người được thăm nuôi có quà nhiều nhất từ trước đến giờ, là người ăn cơm chung với Tuấn, thấy anh ta cứ ư ử “… là trăm nhung nhớ, là nghìn mến thương” bèn gắt anh ta:



“Chú cũng vừa thôi. Hồi đó ở ngoài… đời lo bay bướm, hổng nghe lời bà già đi cưới vợ theo ý của bả. Giờ vô đây dài cổ chờ thăm nuôi, bày đặt trăm nhớ, nghìn thương.”



Tuấn cười ằng ặc, ôm vật ông già:



“Thôi mà bố già, bố già để cho con cái lấy điểm với bà già chút đỉnh chớ bố già. Bố già mà đồng ý thì con xung phong làm rể bố già ngay.”



Ông Long vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa đưa tay phân bua:



“Anh em coi có thằng rể nào mất dạy như thằng rể này không?”



Giọng nói của ông hàm chứa sự yêu thương.



Trước đó, các tù binh được hướng dẫn cách thức gửi thư về gia đình với phiếu thăm nuôi. Những người đã nhận được thư, được quà của gia đình trong thời gian qua vui vẻ bàn tán. Một số người khác không thư, không quà thì âu lo vì không biết giờ gia đình ra sao.



Nguyễn Tuyên, người bị thất lạc vợ con trong những lần di tản, nói giọng buồn bã:



“Gởi thì gởi chớ cũng hổng hy vọng gì. Cha tôi thì già quá rồi, lại ở tuốt ngoài miền Trung. Còn vợ con tôi hổng biết bây giờ nó phiêu bạt nơi đâu.”



Anh ta châm đóm hút điếu thuốc lào:



“Cả đời lo đánh nhau, chẳng có lo được gì cho vợ con, lâu lâu gởi về cho mẹ con nó tháng tiền lương chết đói. Cũng may là bên ông già, bà già vợ tôi khá giả. Giờ hổng biết ra sao. Vợ tôi nhỏ đi học, lớn lên là đụng tôi, nó có biết làm cái gì đâu.”



Ai nấy nghe anh ta nói đều nín thinh. Trần Văn Long, cựu Trung úy Hải quân là người có hoàn cảnh đáng thương nhất, theo lời kể của anh ta. Khi anh ta đi cải tạo thì vợ anh ta đang mang thai 4 tháng, và trong suốt thời gian qua anh ta chẳng nhận được thư từ tin tức gì cả. Anh ta cũng cho biết là gia đình vợ anh ta rất nghèo.



Bên cạnh người buồn thì lại có những kẻ vui. Vũ Ngọc Yểm, cựu đại đội trưởng điạ phương quân, cứ tối ngày lải nhải:



“Kỳ này tớ nhắn vợ tớ mang ‘cái ý’ lên cho tớ. Kỳ này phải hôn hít trừ hao mới được.”



Tường, cựu đại úy lái F5, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội “kê” Yểm:



“Mẹ, nói cho dữ, tới bữa đó mụ vợ mang lên cho chú Yểm cái… nón cối, chừng đó tha hồ mà… suyển.”



“Làm gì có, chú Tường. Vợ Yểm mà chú Tường. yểm có cho mang sì-líp sắt rồi mà chú Tường.”



Nói xong anh ta cười hềnh hệch.



Cùng với việc viết thư gửi phiếu thăm nuôi, dặn dò các thứ quà đem theo, Ban Chỉ huy Trại ra lệnh làm báo tường.



Đoàn Hân, Võ Văn Lộc và tôi được giao việc thự hiện tờ báo tường nhà 4. Các bài vở trước khi viết vào báo phải nộp cho cán bộ quản giáo.



Một hôm tôi rất ngạc nhiên khi tên cán bộ tên Mô vào nhà 4 gọi tên tôi. Tên cán bộ này mặt rổ hoa. Điểm đặc biệt là bao giờ y cũng mặc một bộ quân phục không đồng màu” nếu chiếc áo màu nhạt thì cái quần màu sậm, và trái lại. Tôi vẫn coi thường sự hiểu biết của y trong những lần y tập họp toàn trại và ê a đọc những bản “lý lịch trích ngang” của các tù binh. Chúng tôi không sao nín cười được khi y ê a đọc: “trường Ma ri e Cu ri e…” Thế nên, hôm đó, tôi rất đổi ngạc nhiên khi y lấy ra hai bài thơ đưa cho tôi. Một bài có làm dấu mực đỏ ở mấy câu thơ:



“… Cây độc lập, quả tự do



Bác trồng quả mộng chĩu cành ước mơ



Bác ra đi thật bất ngờ



Để thương, để nhớ đỏ bờ yêu thương



Đời còn ánh sáng vầng dương



Vẫn như có Bác soi đường ta đi!”



Tôi chợt giật mình khi tên quản giáo Mô nói:



“Học tập cải tạo lâu rồi mà vẫn còn tư tưởng phản động. Sao cây độc lập mấy quả tự do của bác trồng mà lại là mộng mơ. Loại bài này ra khỏi tờ báo ngay.”



Tôi đứng nín thinh, nghe rõ cả hơi thở của mình. Tôi không ngờ cái tên quản giáo cứ ê a “ma ri e, cu ri e”, cứ Iran, Iraq thì đọc thành “Một răng, Một rắc” lại có suy nghĩ chết người như vậy.



Chưa hết, anh ta chỉ vào bài thơ “Gặp lại em giữa mùa Xuân mới” của tôi và hỏi:



“Tại sao ‘Ta khóc mà em đâu có hay?’ Gặp lại vợ thì phải vui vẻ chứ, tại sao lại khóc là thế nào?”



Tôi đọc lại mấy câu thơ:



“Gặp lại em giữa mùa Xuân mới



Lòng tràn thương nhớ, tay cầm tay



Nhìn nhau lòng bỗng dưng bối rối



Ta khóc mà em đâu có hay!...”



và cảm thấy mình chới với thực sự.



Sau lần gặp tên quản giáo Mô, tôi càng e dè hơn khi có hứng khởi định làm một bài thơ.



Ngày thăm nuôi rồi cũng tới. Ngay từ sáng, Ban Chỉ huy Trại đã thông báo danh sách thăm nuôi trên loa phóng thanh. Ở nhà 4, anh Lộc, Tường, Vũ Ngọc Yểm và tôi có tên trong danh sách thăm nuôi đợt đầu tiên. Không ai bảo ai cùng nhau ra giếng tắm. Tường true yểm:



“Ráng mà kỳ cọ cho sạch mùi cải tạo, chú Yểm nhé. Kẻo thiếm Yểm chịu mùi không thấu, lần sau thiếm đíu có đi thăm nữa đấy.”



Yểm cười hề hề:



“Đêm qua suốt đêm tớ cả ngủ được, gần sáng lại lên cơn, chả còn viên thuốc nào. Bữa nay mà mẹ đĩ không mang thuốc suyển lên, chỉ có nước chết!”



Tôi cảm thấy ái ngại khi nghe Yểm nói. Nhiều đêm chợt thức giấc, thấy anh ta trùm chiếc tấm đấp bằng vải ka-ki, ngồi khò khè vì đang lên cơn suyển trông rất là tội nghiệp. Thường anh ta dùng thuốc rất tiết kiệm, theo anh ta nói thì sợ dùng hoài quen thuốc phải tăng “đô”. Ở nhà 4 còn có anh Lương, cựu đại úy tòng sự ở Nha Quân pháp cũng bị suyển. Anh này thì ít lên cơn hơn Vũ Ngọc Yểm, nhưng hôm nào anh ta lên cơn thì cả nhà 4 chẳng ai ngủ được. Trong tổ, mọi người đều đồng ý miễn công tác lao động nặng cho các người bệnh. Ở nhà 4 còn có một bệnh nhân đặc biệt khác là anh Tân, cựu Thiếu úy Chiến tranh Chính trị. Đối với những người bệnh khác thì mọi người đều thương hại, ái ngại. Riêng với anh Tân, có người lại đâm ra ghét anh ta và đề nghị không cho miễn công tác nặng trong các phiên trực của anh ta. Mặc cho mọi người thương, ghét, anh ta chẳng muốn đi lao động rồi thì chẳng có ai mà bắt buộc được anh ta, ngay cả cán bộ quản giáo. Anh ta là một bệnh nhân đặc biệt: anh ta bị bệnh trĩ. Người-đau-khổ-vì-bệnh-trĩ này chỉ cần bước ra khỏi hàng, nhăn mặt nhíu mày, vạch cái đít quần máu me tùm lum là chẳng ai còn lòng dạ nào kẻ vạch với anh ta. Nguyên do anh ta bị kẻ vạch là vì có người nào đó bảo là anh ta tuyên bố: “Muốn làm chảy máu lúc nào cũng được.” Tôi không tin chuyện này, bởi đâu có ai dại gì đi làm chảy máu để khỏi đi lao động. Trong tù ăn uống thiếu dinh dưỡng, ai dại gì tự làm đổ máu mình, dù là đổ máu vì… bệnh trĩ.



Những người tù được thăm nuôi đợt đầu tiên được lệnh tập họp ở gần nhà 1. Mười lăm người tù đều lạ hẳn ra trongnhững bộ quần áo “vía” đã lâu được xếp cẩn thẩn cất trong đáy túi cá nhân: những bộ quần áo ngoài đời. Trên mặt mỗi người đều lộ nét vui vẻ.



Qua khỏi mô đất cao ngăn cách bên ngoài với trại giam đã thấy hiện ra khu nhà thăm viếng. Những người thăm nuôi đang trình giấy tờ cho những cán bộ trại giam ở một căn nhà tôn kế hàng rào. Theo lệnh tên vệ binh, mười lăm người tù thăm nuôi đợt đầu của phân trại K.4 tập họp lại. Kế đó, tên cán bộ phụ trách việc thăm nuôi đến sinh hoạt nội qui, qui định về việc thăm viếng. Mười lăm người tù vừa nghe tên cán bộ đọc nội qui, qui định vừa đưa mắt nhìn về phía những người đi thăm nuôi để tìm người thân. Mười lăm người tù đồng thanh đáp “rõ” khá to, khi tên cán bộ hỏi: “Các anh đã rõ chưa?” Và sau đó, chúng tôi được phép vào nhà thăm viếng.



Tôi không phải tìm kiếm lâu. T. đứng ngay cửa ra vào, phía bên trái. Tôi nhìn sửng T trong chiếc áo bà ba vải phin trắng, quần lụa đen, một bên tay chiếc nón lá. Thực mà – đâu phải là mơ. Cầm tay em vẫn còn ngờ chiêm bao! Mới có hơn một năm trời xa cách mà tôi tưởng chừng như đã xa nhau hàng bao nhiêu niên kỷ. Vẫn chiếc trán cao bướng bỉnh, đôi mắt long lanh nụ cười bây giờ đã có nét u buồn. Điều khác biệt là chiếc băng-đô màu tím không còn nằm ngang mái tóc đã bắt đầu ngay ra vì lâu ngày chưa được uốn lại. Bao nhiêu điều định nói tới lúc đó quên mất tiêu. T cũng yên lặng nhìn tôi. Chúng tôi yên lặng có đến vài phút. Sau đó, tôi hỏi thăm về tin tức gia đình, người thân: gia đình T ở Vĩnh Long, gia đình tôi ở Biên Hoà. Chợt T kêu lên:



“Em quên mất là có thiếm ba với gái Hai cũng đi thăm anh, mà không được phép vô vì giấy phép chỉ có tên em.”



Tôi và T đi ra chỗ phòng nhận giấy thăm nuôi. Tôi trình bày hoàn cảnh của mình với tên cán bộ. Y suy nghĩ một lúc, rồi nói:



“Tôi đồng ý cho phép anh gặp một trong hai người, ở ngay hàng rào này.”



Tôi cám ơn anh ta lia lịa và xin được gặp người thiếm. tên cán bộ hỏi tên và y đi ra phía hàng rào gọi tên người thiếm của tôi. Bà hấp tấp đi vào. Bà khóc khi nhìn thấy tôi. Tôi cố nén khóc, hỏi thăm tin tức về ông nội tôi và người chú. Được biết ông nội tôi và người chú đã về quê. Tên cán bộ nhìn đồng hồ:



“Hai phút nữa thôi đấy, nói gì thì nói cho xong.”



Bà thiếm tôi nghe nói, lật đật móc túi lấy một cuộn tiền, vói tay qua hàng rào, nhét vào túi áo của tôi:



“Chú thiếm cho cháu, để dành mà tiêu xài. Cháu cứ yên tâm học tập. Ông nội và chú vẫn khoẻ. Ông nội nói muốn đi thăm cháu mà vì được tin vợ cháu cho hay trễ quá. Ông nội nói kỳ tới sẽ đi thăm cháu.”



Tên cán bộ nói lớn:



“Thôi, thế là đủ rồi. Anh chi hãy trở vào.”



Bà thiếm vừa quay đi vừa khóc. Gái Hai, đứa con gái lớn của bà đứng ở phía hàng rào ngoài xa, đưa tay vẫy vẫy. Tôi và T trở vào nhà thăm nuôi. Chỗ khi nảy đã có người ngồi. Chúng tôi đứng ở kế bức vách lá dừa. T hỏi nhỏ:



“Em nghe nói trại Suối Máu này là trại chuyển tiếp. Anh có biết anh sẽ bị đưa đi đâu nữa không?”



Tôi lắc đầu. T nói:



“Em có đem theo mấy bộ quần áo lạnh cho anh. Nghe nói sắp tới người ta sẽ đưa ra Bắc nhiều lắm. Anh hãy an tâm. Đừng lo gì cho em.”



Tôi siết chặt tay T. Vừa lúc đó tiếng loa phóng thanh thông báo hết giờ thăm viếng. T kéo ở dưới băng hế ngồi hai chiếc giỏ đệm đưa cho tôi. Tôi đưa cho T cây tram cài và chiếc lược bằng nhôm cánh máy bay mà tôi đã cố công làm trong mấy tháng qua. Tôi bỏ trong túi áo T bài thơ “Tình Ca” mà tôi đã cặm cụi chép bằng những hàng chữ thật nhỏ. Tôi siết chặt tay T, nói:



“Thôi em về, cho anh gửi lời thăm ba má, mấy em và gia đình mạnh giỏi.”



T lấy từ túi áo một xấp tiền, nhét vào túi áo tôi. Tôi nói:



“Anh cũng còn tiền, lại mới có tiền của chú thiếm cho, em cất lại đi.”



T nói:



“Anh cứ giữ lấy, ở trong trại ăn uống cực khổ thì đi ăn câu lạc bộ. Em thấy anh ốm lắm đó. Anh đừng hà tiện. Ở ngoài em còn xoay sở được. Anh yên tâm, đừng lo gì cho em.”



Trời đất! T. cứ tưởng như hồi tôi còn đang thụ huấn ở quân trường Thủ Đức không bằng. Tôi im lặng, một phần thực hiện đúng nội qui; phần khác, tôi cũng không muốn T. âu lo về tôi. T. che chiếc nón lá lúc chúng tôi hôn nhau từ giã. T. nói, thôi anh vô. Nàng cứng rắn như vậy, nhưng tôi biết trên đường về nàng sẽ khóc.



Những tên cán bộ và vệ binh đang lớn tiếng với những tù binh và thân nhân đang bịn rịn kéo dài giờ thăm nuôi. Tôi thấy Yểm ôm sát người vợ không rời, mặc dù tên cán bộ lớn tiếng:



“Anh kia, chả biết nếp sống văn hóa mới gì cả.”



Anh Lộc đang bỏ mấy món đồ gì đó vào chiếc túi và đưa lại cho chị Huệ. Tường xách hai giỏ đệm thật to đứng kế bên tôi hồi nào. Anh ta chưa có vợ con gì. Ba má anh ta từ Sàigòn lên thăm. Anh ta cười, hỏi:



“Gặp vợ vui vẻ, hả?”



Tôi ngoái lại, thấy T. đang đưa tay vẫy vẫy. Đoàn tù thăm nuôi bước qua mô đất cao là khuất hẳn với bên ngoài. Chúng tôi được lệnh bày các thứ được thăm nuôi ra để kiểm soát. Tôi vừa giấu bớt số tiền vào chiếc túi đựng hộp quẹt của chiếc quần jean, thì nghe tên cán bộ quát tháo:



“Đem tiền vào làm gì mà lắm thế. Định vượt trại đấy à?”



Tôi không nghe rõ tiếng trả lời của người tù bị hạch sách. Tiếp theo, tên cán bộ lại kêu lên;



“Còn thư nữa, chúng tôi giữ lại. Đã sinh hoạt rồi mà chẳng chịu chấp hành gì cả”



Một lúc sau, tiếng hạch sách lại vang lên:



“Mang thuốc vào trại làm gì mà lắm thế?”



Giọng Tường nói nhỏ bên tai tôi:



“Chú Yểm bị đì quá.”



Thì ra người bị hạch sách là Vũ Ngọc Yểm. Tôi nhìn về phía Yểm thì thấy anh ta đang phân trần gì đó. Tên cán bộ kêu lên:



“Thế anh bảo trong trại không có thuốc để chữa trị cho trại viên à?”



Yểm lại phân trần nho nhỏ. Một lúc sau, tên cán bộ gật gù.



Việc khám xét rồi cũng xong. Yểm và một vài người bị giữ lại thư. Chúng tôi nhanh chóng thu xếp đồ đạc để vào trại. Việc mấy bức thu bị giữ lại làm tôi âu lo. Biết đâu người nhà chúng tôi cũng bị khám xét. Bài thơ chẳng có gì là phản động nhưng biết đâu lại trở thành quan trọng khi bọn cai tù muốn đặt thành vấn đề. Tôi bị mất ăn, mất ngủ cả tuần về việc này. Mọi việc rồi cũng qua đi. Cũng mừng.



Qua đợt thăm nuôi, chúng tôi lên tinh thần thấy rõ. Ở bệnh xá bớt người bệnh vì người nhà đem thuốc vào.



Qua đợt thăm nuôi có không biết bao nhiêu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra. Nghe tôi kể chuyện vợ tôi khuyên “ở trại ăn uống cực khổ thì đi câu lạc bộ,” Tường ôm bụng mà cười, lúc sau nói:



“Bà già tôi bả cũng nói vậy. Ở nhà cứ tưởng như là tôi đang đi tu nghiệp ở nước ngoài. Ông già tôi còn… đã nữa. Ổng mang theo cái áo ba-đờ-suy bằng nỉ tôi mua ở Mỹ hồi đi “học lái máy bay Con Ma”, đưa cho tôi, nói: “Con đem vô có lạnh thì mặc.” Phải nói mãi là không có chỗ cất, ông mới chịu mang về.”



Nói chung, chúng tôi không ai muốn nói thực cái cảnh khổ mà mình phải chịu đựng trong những năm tháng vừa qua cũng như những ngày sắp tới. và gia đình cũng biết là chúng tôi cực khổ nhưng không ai hình dung được những điều khổ cực mà chúng tôi phải trải qua trong những trại tù tập trung.



Trong đợt thăm nuôi vừa qua đã có một chuyện cảm động xảy ra. Đó là chuyện anh Lê Quang Hiển, cựu Đại úy Quân Cảnh thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bà mẹ anh ta đưa cô gái mà trước cuộc đổi đời hai người đã hứa hôn. Trong lần thăm nuôi này, cô gái theo người mẹ anh ta vào thăm viếng, tuyên bố “hôm nay ngày của hai người” mặc dù chẳng “có khung cửa hẹp khép đời chung quanh” (thơ Viên Linh) mà chỉ có bốn bức vách lá dừa khô của nhà thăm viếng của trại giam. Anh Hiển ở nhà 1. Sau này, trong những lần lao động chung, tôi có hỏi anh ta về việc này. Anh cười, xác nhận là có chuyện này. Anh ta nói: “Tôi cũng không hiểu tại sao cô ta làm vậy. Mình ở trong này biết chừng nào mới về. Cô ta nói chuyện đó không cần thiết. Chỉ cần biết tôi đồng ý cưới cô ta làm vợ là được rồi. Bà già cũng nói vô, thành thử rốt cuộc tôi phải chịu.” Anh ta chắt chắt lưỡi: “Đúng là đàn bà muốn là trời muốn. Tôi vừa gật đầu là cô ta lôi ra hai chiếc nhẫn. Và chúng tôi đeo cho nhau. Hổng biết sao mà chiếc của tôi cũng đeo vừa khít. Cô ta nói với tôi là sẽ về ở nhà mẹ tôi, săn sóc mẹ tôi và chờ tôi về.”



Cũng trong đợt thăm nuôi, người ta kể cho nhau nghe chuyện một anh cựu đại úy có tới bốn bà vợ tới thăm nuôi. Chuyện buồn cười nhất là chuyện một cựu đại đức tuyên úy Phật giáo có tới hai bà vợ tới thăm. Tôi có nhận xét là trong các trại tù tập trung đa số các linh mục tuyên úy thuờng giữ được “tư cách”hơn mấy ông sư tuyên úy.



*



Mùa Xuân năm đó, ở trại cải tại Suối Máu, có một tù nhân bị thiệt mạng vì thăm nuôi. Người bị thiệt mạng là anh Nguyễn Đình Xuân, cựu đại úy Chiến tranh Chính trị ở nhà 2 phân trại K.4. Trước, ở thành Ông Năm ở Hốc Môn anh ở đội 14. Nghe anh ta hút thuốc lào, kể chuyện ăn thịt chó ai cũng phát thèm.



Sau này, nghe anh Vy, bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến, lúc đó phụ tá cho các bác sĩ “cách mạng” ở bệnh xá kể lại thì anh Xuân bị thiệt mạng vì bị bệnh đau bao tử. Những người nằm gần anh Xuân ở nhà 2 thì bảo là anh Xuân chết vì… thịt chó. Những người nằm gần anh Xuân kể lại vì tối hôm đó anh ăn nhiều thịt chó mà người nhà mang vào như anh đã viết thư căn dặn, và vì anh lại có bệnh đau bao tử nên bệnh tái phát. Chuyện chẳng rõ thực hư.



Chỉ biết mấy ngày sau, chúng tôi vừa ra khỏi cổng trại để đi “tháo gỡ mìn bẫy” thì gặp một người đàn bà hỏi tin tức về anh Xuân.



Trong toán lao động hôm đó có anh Huỳnh Hanh Kim Hồng (hiện định cư tại Úc) là cựu đại úy pilot là một trong 6 người đi đào huyệt để chôn anh Xuân. Anh Hồng chỉ người đàn bà khu đất gần đó



Có nấm mộ mới đấp, trên có cắm tấm bảng với tên họ ngày tháng năm sinh của người chết kẻ bằng sơn đen.



Người đàn bà mà chúng tôi đoán là vợ của anh Xuân đi về phía mộ chồng, vừa đi, vừa khóc.



Có điều mà đến bây giờ tôi không hiểu là tại sao anh Xuân vừa mới mất mấy ngày mà người vợ đã biết tin để tìm lên. Dù sao thì anh Xuân cũng còn may mắn là ngay sau khi chết có người vợ đến nhỏ giọt nước mắt tiếc thương lên nấm mộ vùi nông.



Sau này, qua những trại biến hình ở miền Bắc, biết bao người đã vùi thây ở những xó rừng, trên những ngọn đồi vô danh, chẳng bà con thân nhân biết đến. Có người đã rũ nắm xương tàn ở cánh rừng biên giới trên bước đường vượt thoát.



NGUYỄN THIẾU NHẪN .



(Trích trong NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP, quyển sách dày trên 1.000 trang để kỷ niệm 20 năm viết văn, làm báo, hoạt động cộng đồng của một-người-lính-cầm-bút để tiếp tục cuộc chiến chống lại hiểm họa cộng sản. Sách sẽ do Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại & tuần báo Tiếng Dân xuất bản và phát hành trong năm 2010. Tập I dày trên 600 trang đã phát hành trong tháng 1 năm 2010.)