PDA

View Full Version : Phạm Ngọc Thảo và biến cố 19-2-1965 .



Người Saigon
11-07-2012, 09:11
Trong những năm vừa qua có rất nhiều bài viết về Đại Tá Thảo kể cả ở Việt Nam lẫn bên này. Gần đây tôi có được đọc cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của ông Vĩnh Phúc, một quyển sách có giá trị. Tôi nghĩ cuốn sách này có những điều mà tác giả đã nghe được do bác sĩ Trần Kim Tuyến kể, vì tôi cũng từng nghe bác sĩ Tuyến kể ngày tôi còn ở Việt Nam. Có điều sách này nói về Đại Tá Thảo tôi thấy nhiều điều không đúng; vì Đại Tá Thảo và tôi từng làm việc nhiều lần với nhau, và cũng khá thân, nên hôm nay viết lại những gì tôi biết về ông.

Sách nói: Ông Thảo được đề cử làm tỉnh trưởng Kiến Hòa mà không dám đi vì sợ Thiếu Tướng Cao (ngày đó là đại tá), tư lệnh quân khu 4 trù, và muốn hại ông. Nhiều lần ông xin quân tiếp viện thì ông Cao không giúp v.v…

Sự thật, lúc ông Cao coi sư đoàn 7 còn đóng ở Biên Hòa, ông Thảo đã làm tỉnh trưởng Kiến Hòa rồi. Sau quân đội cải tổ, miền Tây chia làm hai khu chiến: l) Khu Tiền Giang do sư đoàn 7 coi, và 2) Khu Hậu Giang do sư đoàn 21 coi. (Đại Tá Cao làm tư lệnh sư đoàn 7).

Hồi ấy, khu Tiền Giang gồm 5 tỉnh, do các sĩ quan sau đây làm tỉnh trưởng: Long An, Thiếu Tá Mai Ngọc Dược; Định Tường, Thiếu Tá Lâm Quang Thơ; Kiến Hòa, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo; Kiến Phong. Trung Tá Phát; Kiến Tường, Thiếu Tá Nhật. Bộ Tư Lệnh sư đoàn đóng ở Mỹ Tho. Tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, đóng ở Gò Công. Như vậy, nói ông Thảo không dám đi nhận Tỉnh trưởng Kiến Hòa, là không đúng.

Ngoài ra, nói nhiều lần ông Thảo xin tiếp viện mà ông Cao không giúp, cũng sai. Vì những lần họp ở khu chiến, bao giờ đến lượt Kiến Hòa trình bày về an ninh lãnh thổ, Trung Tá Thảo đều thuyết trình là an ninh tỉnh ông đã tiến triển nhiều, ông có thể an toàn đi xe Jeep thăm các quận thuộc tỉnh. Như vậy, cần gì phải xin tiếp viện? (Ngày ấy chưa có quân khu 4).

Theo kế hoạch của khu chiến, các trung đoàn đều lưu động, nơi nào có địch thì đưa trung đoàn đến giúp đỡ các tỉnh trưởng. Vì vậy, trung đoàn tôi cứ di chuyển hoài, nay tỉnh này mai tỉnh khác. Đi đến đâu cũng được các tỉnh trưởng quí mến, vì giúp họ hành quân các vùng kém an ninh. Có lần, tôi được lệnh đem trung đoàn sang Kiến Hòa. Theo đúng qui tắc, tôi đến trình diện tỉnh trưởng để đặt kế hoạch hành quân, và nơi đóng quân (Thật ra, tôi không bị đặt dưới quyền của tỉnh, mà chỉ hành quân theo lệnh sư đoàn). Khi đến gặp ông Thảo, một sĩ quan ngồi ở ngoài phòng vào trình ông là có tôi đến. Sau anh ra mời vào, và cũng xin bỏ súng Colt mà tôi đang đeo, để ở ngoài. Tôi trừng mắt nhìn anh, nói hơi lớn:

- Sao anh bắt tôi bỏ súng? Là trung đoàn trưởng tác chiến, tôi đã từng về Bộ Tư Lệnh khu chiến, Bộ Tổng Tham Mưu, có khi vào cả phủ Tổng Thống, chưa có ai bắt tôi bỏ súng. Bộ anh sợ tôi ám sát ông tỉnh trưởng của anh sao?

Anh ta xanh mặt, run run trả lời:

- Thưa thiếu tá, em không dám thế, nhưng lệnh như vậy thì em phải thi hành thôi.

Thiếu Tá Lê Hoàng Thao, là phó Nội An, ngồi gần đó nghe ồn ào, liền chạy sang. Thấy tôi, ông niềm nở:

- Anh Duệ, tôi không biết anh đến. Xin lỗi, anh này mới đổi về nên không biết anh.

Vì trước đó, khi Thiếu Tá Thao làm trung đoàn trưởng trung đoàn 11, thì tôi làm trung đoàn phó, lúc nào tôi cũng kính trọng ông, nên không dám nói gì nữa, và ông dắt tôi vào phòng Trung Tá Thảo.

Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ. Ông Thảo cũng khoe với tôi là tỉnh của ông bây giờ yên lắm, đường sá đi lại rất an ninh và ông rủ tôi đi thăm các quận với ông. Ông còn mở ngăn kéo lấy ra hũ kẹo ngoại quốc mời tôi ăn.

Khi tôi chào ông ra về, ông cũng về, và cả hai cùng ra xe. Trên đường đi ông nói:

- Nếu tiện chiều mai tôi sang thăm Bộ Chỉ Huy trung đoàn anh.

Tôi nói:

- Xin vâng, và tiện thể mời trung tá ăn cơm tối với sĩ quan của tôi.

Ông nhận lời. Khi ông đến, tôi mời ông vào phòng hành quân nghe thuyết trình về quân số và phương tiện. Đặc biệt khi nghe phòng 2 thuyết trình về tình hình địch ở khu chiến, và nhất là thuộc tỉnh Kiến Hòa, ông ngạc nhiên hỏi:

- Sao trung đoàn anh mới sang mà biết được tình hình của tỉnh tôi rõ thế ? Làm gì mà có nhiều địch như vậy ?

Tôi trả lời cho xong:

- Thì đó là tin của tổng tham mưu và sư đoàn, cả của mật báo viên nữa. Tuy nhiên có điều đúng, điều sai. Phòng 2 phải rà lại, nhưng chắc có tin gì nên sư đoàn mới điều động tôi đến đây để làm trừ bị.

Rồi tôi nói lảng sang chuyện khác. Ông nghe thuyết trình và nói:

- Không ngờ trung đoàn nhiều quân số và phương tiện thế.

Ngoài ra ông cũng khen là mới sang mà tổ chức chu đáo quá ông không ngờ được. Sau đó tôi mời ông sang lều câu lạc bộ sĩ quan trung đoàn dùng cơm. Ông lại ngạc nhiên vì thấy câu lạc bộ trung đoàn có đủ bàn ghế ăn cùng chén bát kiểu, khăn ăn, khăn bàn đầy đủ. Các sĩ quan vui vẻ cười nói đủ thứ chuyện. Khi ăn, ông kể chuyện lúc ông coi tiểu đoàn ngoài khu cực khổ thế nào, được ăn một bữa thịt chó là ngon lắm rồi. Và ông kể những trận đánh của tiểu đoàn ông với quân Pháp, ở những đâu. Ông khoe tiểu đoàn của ông đã lội nhiều vùng ở miền Tây nên nói đến nơi nào là ông biết liền.

Tôi nghe nhưng không góp ý. Còn các sĩ quan của tôi thì vẫn xầm xì chuyện riêng nói cười vui vẻ. Nhiều anh trẻ tuổi còn nói là gái Kiến Hòa quá đẹp. Có anh còn tếu nói với tôi:

- Thiếu tá cố xin sư đoàn cho trung đoàn ta ở đây lâu lâu để tụi em có cơ hội lập gia đình.

Tôi cũng đùa trả lời: Thì để tôi vận động với trung tá tỉnh trưởng, và xin với Sư đoàn, nhưng tụi toa phải đánh mau đánh mạnh lên, sao trong ít tuần có một vài đám cưới ở Câu lạc bộ này. Trung đoàn sẽ đài thọ cho cả hai họ.

Tôi có cảm tưởng như ông Thảo vẫn còn mặc cảm là sĩ quan hồi chánh và đồng hóa, nên ông cố tỏ ra có kinh nghiệm nhiều về chiến trường. Lúc ông về, anh em còn bàn tán nhiều về ông.

Trung Úy Xuyên là Trưởng phòng 3 nói: Nghe ông nói chuyện sao thấy giống Việt Cộng quá !

Có anh nói đùa: Ông nhìn thiếu tá mà cứ nghĩ ông nhìn tôi ! (vì mắt ông bị lé). Trung Úy Giai nhắc tôi: Nghe nói ông được Đức Cha Thục ở Vĩnh Long quí mến lắm vì ông là người công giáo ở Vĩnh Long, gia đình quen vói Đức Cha từ thời Pháp nên mới lên nhanh như vậy. Ở với Việt Cộng chỉ là thiếu tá, về hồi chánh mà lên đến trung tá và làm tỉnh trưởng nữa chứ.

Thật ra ông người to lớn, nước da đen và mắt lác nên trông hơi dữ, nhưng nói chuyện lâu mới thấy, càng nói càng có cảm tình nhiều. Ngay hôm sau, ông gọi dây nói rủ tôi đi Bình Đại chơi, độ một giờ chiều ông đến đón. Khi đến, ông tự lái xe, và chỉ có 2 cận vệ ngồi sau, không có máy truyền tin. Còn tôi có cả một trung đội thám báo, xe truyền tin và hai cận vệ riêng nữa.

Ông kêu lên:

- Trời ơi! Đi chơi mà anh làm như đi hành quân vậy!

- Thì đó là thói quen mà, trung tá! Nhưng cũng chả có hại gì.

Ông mời tôi đi chung xe và hai cận vệ của tôi cũng lên ngồi cùng xe. Tôi nhớ trước khi sang Kiến Hòa, Đại Tá Cao căn dặn:

- Sang đó anh phải cẩn thận lắm, đừng có nghe ông Thảo thuyết trình là tỉnh có an ninh mà lơ là. Mỗi lần tỉnh nhờ hành quân ở vùng nào thì phải do mình chỉ huy, và làm kế hoạch trình về Sư đoàn cho tôi rõ. Anh nhớ câu Kiến Hòa là thành đồng vách sắt của Việt Cộng không?

Tôi cũng ngạc nhiên, qua bao nhiêu đời Tỉnh trưởng, tỉnh này là nơi sôi động nhất, nay sao yên quá ? Đặc biệt mình không bắt hay giết được tên địch nào? Vậy chúng rút đi đâu?

Đi dọc đường ông ngừng lại nhiều đồn và cùng tôi vào thăm, ông tỏ ra rất bình dân, chuyện trò vui vẻ với anh em trong đồn, ai cũng quý mến và thân mật với ông. Trên đường về, ông rủ tôi thứ Bảy này về Mỹ Tho thăm Sư đoàn, và tiện thể đưa tôi vào thăm Đức Cha địa phận (địa phận này mới thành lập và hình như là Đức Cha Thiện, tôi không nhớ rõ). Ông lại hỏi tôi có quen Đức Cha Thục không? Tôi trả lời:

- Tôi đâu có được quen với ngài, nhưng ngài biết tôi vì tôi cũng gặp ngài nhiều lần.

Rồi ông lân la hỏi:

- Ngày đảo chánh 1-11-60 anh đã đem trung đoàn về tái chiếm đài phát thanh và bảo vệ dinh Độc Lập, sau đó chắc anh được Tổng Thống tin cậy lắm?

Tôi chắc ông hỏi để biết rõ về tôi, nên cũng nói thêm:

- Tổng Thống biết tôi từ trước chứ, ông đã đặc cách cho tôi lên thiếu tá và coi trung đoàn này từ năm 1958, trong lúc tôi mới lên đại úy được hơn 2 năm, và chỉ có 27 tuổi.

Tôi cứ thắc mắc hoài, tại sao ông chú ý nhiều đến tôi như vậy? Chắc ông nghĩ tôi được Đại Tá Cao quí mến, và quen biết nhiều ở Trung Ương, nên muốn tỏ cho tôi biết, ông cũng quen biết nhiều. Tỉnh của ông có an ninh thật, nên có vẻ rảnh rỗi. Chỉ trong một tuần, ông gặp tôi đến ba lần. Lần đi thăm Bình Đại là để tôi rõ tỉnh ông có an ninh. Lần này để tôi rõ ông là người Công giáo ngoan đạo, quen với Đức Cha Thiện và Đức Cha Thục. Khi vào thăm Đức Cha Mỹ Tho, chúng tôi được tiếp đón niềm nở lắm. Sau sang sư đoàn, ông vào thăm Đại Tá Cao, còn tôi ở ngoài đi thăm anh em ở Bộ Tham Mưu. Đại Tá Cao mời ông và tôi đi ăn tiệm. Ăn xong, chúng tôi đi Vĩnh Long thăm Đức Cha Thục. Đức Cha và ông Thảo có vẻ thân nhau, ông mời Đức Cha đến thăm Kiến Hòa. Đức Cha nói:

- Tôi bận quá và Kiến Hòa bây giờ thuộc địa phận Mỹ Tho, tôi sang thăm không tiện.

Đức Cha hỏi tôi:

- Thế anh Duệ bây giờ cũng ở chỗ anh Thảo.

Tôi thưa: Vâng. Vậy thì anh em làm việc với nhau vui vẻ.

Rồi Đức Cha xin kiếu vì bận có hẹn khách.

Tôi gặp Thiếu Tá Thao, phó nội an, để ông rõ tôi sang đây có 2 tiểu đoàn, muốn Tỉnh chỉ định một vùng mất an ninh nhất, để anh em binh sĩ có dịp tập hành quân, và để cho tỉnh bớt lo. Nhưng ông Thảo không chịu, cho là chưa cần thiết. Có mấy lần Thiếu Tá Thao liên lạc với tôi để mượn, lúc một đại đội, lúc một tiểu đoàn để hành quân do tỉnh chỉ huy, tôi không chịu. Vì muốn quân của tôi, chỉ do tôi chỉ huy mà thôi. Thế là ông giận, và ít liên lạc với nhau.

Ít lâu sau, Đại Tá Cao gọi tôi về và chỉ định tôi đi hành quân vùng Khu Trù Mật Hậu Mỹ. Đại Tá Cao cũng cho biết, tỉnh trưởng Kiến Hòa khiếu nại với thượng cấp là tôi không chịu giúp tỉnh hành quân. Tôi kể sự việc cho ông nghe.

Ông cười nói:

- Tôi có lạ gì đâu!

Trước khi rời Kiến Hòa, ông Thảo mời tôi và các sĩ quan ăn cơm ở tư dinh của ông. Ăn thịt dê. Đặc biệt, ông mặc quần Kaki và áo nâu cổ vuông (áo của cán bộ Việt Cộng mặc vào thời kháng chiến).

Cuộc hành quân ở ranh giới Kiến Tường và Kiến Phong, sư đoàn 7 thắng lợi lớn lắm, lấy được hơn 100 súng đủ loại, có cả súng cối 81 ly, súng đại liên. Địch chết và bị thượng cả mấy trăm, tù binh cũng bắt được khá nhiều, coi như xóa tên được một tiểu đoàn của địch. Tôi được thưởng đệ ngũ đẳng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu và Trung Tá Thảo cũng được đệ ngũ đẳng bảo quốc huân chương nhưng không có nhành dương liễu, vì không phải chiến công ở mặt trận. Huy chương được gắn ở Long An, do ông bộ trưởng phụ tá quốc phòng Nguyễn Đình Thuần.

Cũng trong cuốn sách nói trên, có kể ông Cao là người ít tài mà thích nổi tiếng. Tôi thấy cũng không đúng. Không phải tôi là trung đoàn trưởng của Sư đoàn 7 mà khen ông tư lệnh, nhưng năm 1961-1962 Sư đoàn 7 là sư đoàn nổi danh nhất. Được quốc hội về thăm nhiều lần và quan sát những chiến thắng, sau được quốc hội mời về Sài Gòn để ông chủ tịch quốc hội tặng bằng khen. Sư đoàn 7 là sư đoàn duy nhất của quân đội được vinh dự này và được đeo biểu chương đầu tiên.

Có lần sư đoàn hành quân ở Chợ Gạo, bắt được mấy tàu chở cả đoàn cán bộ ngoài Bắc xâm nhập vào, người nào cũng mang súng lục và đều là sĩ quan cấp thiếu úy trở lên đến đại tá. Ngoài võ khi, ta còn tịch thu cả vàng lá nữa. Đại Tá Cao sau đó được lên thiếu tướng, coi quân đoàn IV. Các binh sĩ, hạ sĩ quan được huy chương và thăng cấp rất nhiều.

Quân nhân sư đoàn 7 được dân chúng ở Tiền Giang quí mến lắm. Các trận đánh thắng lớn đều do dân chúng cho tin tức. Như vậy nói ông Cao là người ít tài là không đúng. Chúng tôi rất quí mến ông vì ông là người chung thủy, hiền lành, thương yêu thuộc cấp, nhất là rất trong sạch.

Theo tôi, ông Thảo tuy rất thông minh và khéo nói, dễ chinh phục người đối diện, nhưng học lực không cao lắm, vì ông ra khu khi còn ít tuổi. Tôi nhớ một lần Tổng Thống đi kinh lý ở Kiến Hòa, có ông đại sứ Pháp, đại sứ Úc tháp tùng. Ông được lệnh thuyết trình tình hình an ninh tỉnh bằng tiếng Pháp. Bài thuyết trình chỉ dài độ 20 phút, ông có đưa tôi xem, và khoe đã nhờ một bà dược sĩ trong tỉnh sửa hộ.

Tôi nhớ, lúc đón Tổng Thống ở sân bay, ngoài một số đông dân chúng, còn có cả ông Đạo Dừa. Lần đầu tiên tôi được gặp ông Đạo Dừa. Người nhỏ bé, gầy còm, có nhiều tóc quấn quanh đầu. Đặc biệt ông cười rất tươi, cặp mắt tinh anh. Gặp Tổng Thống, ông đưa ra một bản đề nghị mang lại hòa bình cho Việt Nam. Tổng Thống nhận, rồi trao lại cho sĩ quan tùy viên.

Tôi có đọc qua đề nghị này. Ông muốn cho mượn Cồn Phụng làm nơi hội họp của Ngô-Hồ-Bảo – tức là Tổng Thống Diệm, chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc Trưởng Bảo Đại – để ông đưa ra giải pháp, rồi cả 3 vị ký vào v.v….

Khi về tiểu khu, Trung Tá Thảo thuyết trình, ông ít nói về quân sự, chỉ nói nhiều đến giải pháp chính trị của ông với phía bên kia. Ông còn khoe đã dùng nhiều người hồi chánh, cho làm dân vệ giữ làng, và có một số người giữ việc xã ấp nữa. Sau các đại sứ và tùy viên quân sự hỏi nhiều câu bằng tiếng Pháp, ông có vẻ lúng túng. Có lẽ không hiểu rõ, nên phải có người giúp thông dịch. Vì vậy, tôi nghĩ ông chỉ học đến trung học là cùng.

Độ mấy tháng sau, ông bị đổi khỏi Kiến Hòa, để đi học trường tham mưu và chỉ huy Leavenworth ở Hoa Kỳ. Tôi cũng được lệnh làm tham mưu trưởng lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống. Đại Tá Cao kể: ông xin Tổng Thống cho tôi về Kiến Hòa thay ông Thảo, nhưng vừa trình xong thì Tổng Thống nói đã triệu tôi về lo an ninh cho ông, nên Đại Tá Cao không dám xin nữa.

Về Sài Gòn, tôi gặp lại ông Thảo. Ông không đi học Hoa Kỳ nữa, mà làm ở ban thường trực Ấp Chiến Lược, với Đại Tá Hoàng Văn Lạc. Gặp tôi ông mừng lắm, cho tôi số điện thoại và mời tôi về nhà chơi. Ông cũng hẹn đến thăm tôi. Trong cuộc đảo chánh l-ll-1963, ông theo Thiếu Tướng Khiêm, và là người điều khiển đài phát thanh chống Tổng Thống Diệm.

Vụ chỉnh lý 30 tháng 1 năm 1964, ông cũng ở trong cuộc. Tôi nhớ một lần gặp ông ở phủ Thủ Tướng, đường Thống Nhất, ông đeo lon đại tá, hình như làm phát ngôn viên và báo chí cho ông Khánh (lâu rồi tôi không nhớ). Ngày ấy, tôi làm ở Tổng vụ dân nguyện của Thiếu Tướng Cao. Rồi từ đó xảy ra nhiều biến chuyển, tôi không gặp lại ông nữa.

Cho đến khi Thiếu Tướng Nguyễn văn Quan mời tôi ăn cơm ở Cercle Tím của Tầu trong Chợ Lớn…. Cercle Tím là câu lạc bộ của mấy người tài phiệt Tầu, dùng làm chỗ hội họp để chiêu đãi mấy ông lớn ăn uống, chơi bời, cờ bạc. Cercle có phòng ăn, phòng khách, sàn nhẩy, phòng đánh bài và nhiều phòng ngủ sang trọng, đèn đều mầu tím. Trong bữa ăn, tôi gặp lại Đại Tá Thảo, có Thiếu Tá Lê Hoàng Thao là phó nội an cũ của ông Thảo, Thiếu Tá Hồ văn Phàn, một thiếu tá thiết giáp và một thiếu tá địa phương quân (tôi không nhớ tên).

Ăn xong, Thiếu Tướng Quan chủ tọa một phiên họp. Mở đầu, ông nói:

- Hôm nay mời anh em đến đây để bàn việc làm sao đẩy được ông Khánh đi. Tôi và anh Thảo đã gặp nhiều anh em và ai cũng đồng ý hợp tác. Cuộc gặp mặt này, tôi không mời nhiều, chỉ mời mấy anh em chủ chốt để bàn kỹ lại.

(Thật ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên tôi biết chuyện, vậy mà thiếu tướng cũng cho tôi là chủ chốt mới mệt cho tôi !)

Rồi thiếu tướng nhường lời cho Đại Tá Thảo để nói rõ hơn. Ông Thảo nói rất sơ lược, khoe ông đang làm việc với đại tướng Khiêm, lúc ấy làm đại sứ ở Hoa Kỳ. Sau khi tiếp xúc với người Mỹ ở bên đó (ý nói C.I.A.) người Mỹ cũng đồng ý phải đẩy ông Khánh đi, tình hình Việt Nam mới ổn định được. Chỉ cần tạo ra một biến động, người Mỹ sẽ có cớ đẩy ông Khánh đi ngay. Ông Khánh và người Mỹ bây giờ không thể hợp tác với nhau được nữa. Kế hoạch là, nếu đảo chánh thành công, bên này đại tướng Minh đang làm Quốc Trưởng sẽ lên tiếng ủng hộ, bên Mỹ đại tướng Khiêm sẽ họp báo, rồi lên đường về nước ngay, để lập chính phủ mới. Ông Thảo cũng kể thêm đã kết nạp được nhiều anh em ở thiết giáp, bộ binh, lực lượng đặc biệt và địa phương quân, kỳ này toàn là anh em trẻ có nhiều nhiệt huyết và cùng có quân cả. Mục tiêu chính là Bộ Tổng Tham Mưu, đài phát thanh, tư dinh đại tướng Khánh ở bến Bạch Đằng, Bộ Tư Lệnh không quân v.v … Mục đích chính là làm sao bắt được tướng Khánh, buộc ông lên đài phát thanh tuyên bố từ chức, là thành công. Nếu không bắt được ông Khánh, cũng tạo ra biến động, để người Mỹ có cớ đẩy ông Khánh đi. Các tướng lãnh bấy giờ sẽ hết tin ở ông Khánh, vì không còn được người Mỹ ủng hộ.

Ông đoan chắc đã được bên thiết giáp úng hộ 100%, và kỳ này trung đoàn 49 thuộc sư đoàn 25 là lực lượng chính mà tôi là tham mưu phó, kiêm trưởng phòng 3 của sư đoàn.

Tôi hỏi ông Thảo:

- Ngoài tướng Quan, có tướng lãnh nào đứng ra nữa không?

- Tôi đã gặp nhiều vị, ai cũng đồng ý nhưng không ra mặt, chỉ ủng hộ ngầm. Thật ra cũng chả cần, vì mục đích là tạo ra một biến động mà thôi.

- Thế anh về được bao lâu rồi?

- Hơn một tháng rồi, gần 2 tháng.

- Có ai theo dõi anh không?

- Chả thấy ai, và cũng chả ai để ý đến tôi. Vả lại tôi cũng ít khi ở nhà, chỉ đi gặp anh em, nhất là anh em cũ của đại tướng Khiêm, vì ai cũng mong ông về.

- Thế tòa đại sứ Mỹ ở đây, nhất là tụi C.I.A., có biết anh về không?

- Sao không biết, tôi liên lạc với tụi họ hoài mà. Kỳ này họ không muốn làm lớn chuyện, không muốn thay đổi và chỉ muốn đẩy được ông Khánh đi mà thôi.

Tôi nghĩ bụng: Thật ra anh là người đáng sợ! Có thể nói anh là chuyên viên đảo chính. Bất cứ biến động nào cũng có mặt anh: ngày 11-11-60, ngày 1-11-63, ngày chỉnh lý của ông Khánh và việc sắp xảy ra đây nữa! Thật đúng là Mỹ dùng anh để thao túng, và nhất là cả đại tướng Khiêm cùng bác sĩ Tuyến cũng dùng anh.

Lạ một điều là anh gặp ai thì người đó cũng tin và theo anh, vì anh làm như là cánh tay mặt của Đại Tướng Khiêm, và đang cộng tác với C.I.A. Anh còn nói thêm với tôi:

- Trong số người ông Khiêm dặn liên lạc có cả anh để nhờ anh giúp một tay (tôi chắc câu này do anh phịa ra). Thật may quá, trung đoàn 49 của anh Thao lại thuộc sư đoàn 25 của anh, nên nếu được anh giúp, Trung đoàn này về Sài Gòn không có trở ngại gì. (Trung đoàn này hiện đang ở Cần Giuộc thuộc Long An)

- Thì từ Cần Giuộc về Sài Gòn có mấy chục cây số, anh Thao cứ việc về, cần gì tôi giúp, vả lại tôi ở tận Đức Hòa.

Anh Thao cướp lời:

- Cần lắm chứ, phương tiện di chuyển cả một trung đoàn làm sao có ? Vả lại, phải qua bao nhiêu trạm gác của quân cảnh, nếu về không hợp pháp sẽ lộ ngay, vậy chỉ có anh Duệ là giúp tôi được thôi. Tôi biết sư đoàn bây giờ việc hành quân là do anh lo hết.

Tôi ngồi im không trả lời. Thật lòng, tôi không muốn dính vào vụ này, nhưng nể Thiếu Tướng Quan là ân nhân của tôi. Ngày trung đoàn 12 của tôi đóng ở Bà Rịa thì ông là tỉnh trưởng, tôi coi ông như đàn anh.

Sau ngày đảo chánh l-11-63, ông là phụ tá của tướng Minh, còn tôi bị giam ở an ninh quân đội của ông Đỗ Mậu. Tôi đã viết thư cho Trung Tướng Minh, và nhờ em gái tôi đem thư này đến nhà, nhờ ông chuyển. Ông hứa với em tôi, chỉ một tuần là tôi về. Ông sẽ trình với ông Minh và ông Đôn vì tôi chả có tội gì. Quả nhiên độ 5 ngày sau tôi được thả về. Ông nói khi tôi đến cám ơn ông:

- Mậu nó trù toa nên bắt chứ ông Minh, ông Đôn có ai biết gì đâu, họ còn nói toa chả có tội gì. Mậu nó hiểm lắm.

Thêm nữa, với ông Khánh, tôi chẳng ưa chút nào. Ông lãnh đạo quốc gia, mà hành động như một thằng hề, trái hẳn với Tổng Thống Diệm, một lời nói là mọi người nể sợ. Ông Khánh rất sợ báo chí, sinh viên, nhất là các thượng tọa, như sợ cha vậy. Tôi bất bình nhất là ngày ông chỉnh lý, ông chê ông Minh đã giết anh em Ông Diệm một cách dã man. Rồi ông kể lể làm như thương và phục Ông Diệm lắm, để lấy lòng anh em chế độ cũ. Nhưng khi ra Huế gặp thượng tọa Trí Quang là sợ ngay, và ký giấy hành quyết ông Cẩn là người độc nhất của họ Ngô còn ở Việt Nam. Vả lại ông Cẩn bệnh tật nặng ở khám Chí Hòa, và chả có tội gì rõ ràng để bị bắn.

Sau này anh Tuyên là em của Đức Cha Thuận, là cháu của Tổng Thống Diệm kể với tôi rằng ông cho người liên lạc với gia đình đòi một số tiền để giữ mạng sống cho ông Cẩn, số tiền là 80 triệu (?) Nếu đủ sức thì cả dòng họ đóng góp để lo, nhưng nhiều quá thì chạy đâu ra? Anh Tuyên hiện ở Hoa Kỳ. Tôi thấy tiếng gian hùng như Tào Tháo mà mọi người vẫn gán cho ông là quá đúng…. ! Vì vậy tôi đồng ý giúp ông Thảo, nhưng không nhận thêm một nhiệm vụ gì khác, và cũng không tham gia đảo chánh.

Ông Thảo nói:

- Anh giúp như vậy là quá đủ, thành công hay không là ở anh, vì trung đoàn 49 là chủ lực trong vụ này.

Sau đó, Thiếu Tướng Quan lại mời tôi về họp một lần chót ở nhà thờ Tân Sa Châu, tôi hỏi:

- Thiếu tướng có dự không? Ông trả lời là Có dự.

Khi tôi đến, buổi họp chưa bắt đầu và có một ghế dành cho tôi sát tay mặt ông Thảo. Trái với cuộc họp lần trước, lần này quá đông. Có đến hơn 30 người và không có một vị tướng nào. Đại Tá Bùi Dzinh, cựu tư lệnh Sư đoàn 9 là người cao cấp nhất. Tôi thấy có nhiều anh em cấp thiếu tá và đại úy, như vậy tuy tôi chỉ là thiếu tá nhưng cũng là người khá cao cấp ở đây và hầu hết anh em họp tôi đều quen cả, có nhiều người đã làm việc dưới quyền tôi trước đây.

Thấy quá đông, tôi đâm sợ. Thế này làm sao mà không lộ bí mật cho được? Thế mà không lộ mới lạ chứ! Tôi nói với ông Thảo:

- Tôi vội về Đức Hòa vì ngày mai ở sư đoàn có hành quân, tôi chỉ có một nhiệm vụ và tôi chắc chắn sẽ hoàn thành được, xin anh cho tôi về, tôi sẽ gặp anh Thao để bàn chi tiết.

Tôi rút lui lúc buổi họp chưa bắt đầu. Nhiều anh em làm việc dưới quyền tôi trước đây lại chào, ai cũng nói:

- Nghe có ông thầy cũng ở trong cuộc nên tụi em cứ nhắm mắt theo.

Tôi làm tham mưu phó hành quân kiêm trưởng phòng 3. Tư lệnh là chuẩn tướng Nguyễn Thanh Sằng. Ông cùng làm trung đoàn trưởng với tôi từ thời Tổng Thống Diệm. Ông quen ông Khánh nhiều. Tham mưu trưởng là Trung Tá Đỗ Kế Giai, là bạn của tôi. Khi tôi ở Bà Rịa, ông coi tiểu đoàn Dù ở Vũng Tàu, sau ông lên thiếu tướng coi Biệt động quân. Hiện ông cũng ở Hoa Kỳ. Hai ông Xếp của tôi đều tin cậy, và giao tất cả việc hành quân ở sư đoàn cho tôi.

Tôi chưa làm việc với một tư lệnh sư đoàn nào dễ dãi như ông Sằng. Sáng 9-10 giờ ông mới đến văn phòng, chiều 3-4 giờ ông đã về tư thất ở hậu cứ Quang Trung. Thứ bảy và Chúa nhật ít khi thấy ông đến sư đoàn, trừ khi có hành quân quan trọng. Trung Tá Giai và tôi ở ngay văn phòng tại Đức Hòa, ăn cơm câu lạc bộ, và làm việc 24/24 ở Bộ Tư Lệnh. Khi ông đến, tôi đem bản đồ lên thuyết trình tình hình và các cuộc hành quân do tôi vạch ra, ông đều đồng ý.

Vì vậy khi anh Thao đến gặp, tôi cho biết là sẽ mở một cuộc hành quân ở Long An, do trung đoàn 49 chỉ huy. Vùng hành quân gần Cần Giuộc, được tăng cường 2 đại đội địa phương quân của Long An và đại đội thám báo của sư đoàn. Nhưng để tạo bất ngờ, trung đoàn cho một tiểu đoàn án ngữ gần Cần Giuộc, còn hai tiểu đoàn sẽ đi xe qua Sài Gòn xuống Long An để vào chiếm các mục tiêu, như vậy trung đoàn anh về Sài Gòn dễ dàng. Tôi sẽ xin tổng tham mưu tăng cường thêm xe cho đại đội vận tải sư đoàn để anh có đủ 40 xe GMC. Khi đoàn xe về gần Sài Gòn, sẽ có quân cảnh hướng dẫn.

Anh hỏi lại:

- Thế có hai tiểu đoàn về thôi à?

Tôi phì cười:

- Anh sao lẩn thẩn quá! Đây có phải là hành quân thật đâu! Anh cứ mang cả trung đoàn về, ai đến mà kiểm soát? Sư đoàn chỉ theo dõi, còn anh là người chỉ huy mà!

Anh nói:

- Như vậy là hoàn toàn.

Trước ngày đảo chánh, tôi điện thoại mời anh Thao về sư đoàn, cùng tôi lên trình chuẩn tướng Sằng vùng hành quân, còn lệnh hành quân tôi đã làm sẵn, chuẩn tướng chỉ có việc ký. Ngoài ra mọi việc như xin xe tăng cường, xe quân cảnh hướng dẫn v.v… tôi ký hết.

Sáng hôm sau, 19-2-65, qua đài phát thanh, người ta biết có đảo chánh. Lúc ấy chuẩn tướng Sằng còn ở Quang Trung. Một sĩ quan truyền tin báo cho tôi là trung đoàn 49 theo đảo chính, và đang chiếm Tổng Tham Mưu. Tôi trình tin này cho Trung Tá Giai rõ, và cũng gọi dây nói báo Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn. Ông nói ở trên đó ông cũng biết rồi, và đang cố gắng liên lạc với Thiếu Tá Thao. Mãi 5-6 giờ chiều, ông mới có trực thăng đưa lên Đức Hòa.

Sau khi bàn định, ông có vẻ lo lắng, vì sư đoàn 25 tham gia đảo chánh chắc ông sẽ có trách nhiệm. Ông hỏi tôi bây giờ mình phải xử trí thế nào?

- Theo chuẩn tướng thì đảo chánh có thể thành công không?

- Moa cũng chưa rõ lắm.

- Như vậy, nếu thành công, chẳng có gì đáng ngại. Dù thất bại, cũng chả có gì phải lo. Chuẩn tướng ở đây và trung đoàn trưởng 49 do tổng tham mưu bổ nhậm, có phải chuẩn tướng xin đâu. (Chỉ ít lâu sau đảo chánh, ông phải đổi khỏi sư đoàn, Đại Tá Phan Trọng Chinh thay thế)

Tôi về văn phòng, độ nửa giờ sau ông gọi lên, muốn tôi về Sài Gòn vào tổng tham mưu gặp ông Thao.

Tôi thưa:

- Tôi thấy về chả có lợi gì. Sau này đảo chánh không thành công, lại đổ cho tôi về liên lạc với quân đảo chánh.

- Thì moa bảo đảm là toa về theo lệnh của moa, chỉ có toa về được vì toa quen cả Thảo và Thao.

Tôi đồng ý, và về tới tổng tham mưu khoảng tám giờ tối, sự vụ lệnh do chuẩn tướng ký. Lạ một điều là ông Thảo ngồi ngay điếm canh ở tổng tham mưu, cạnh có chai nước cam đang uống dở, không có ly và cũng chả có sĩ quan tham mưu nào làm việc với ông. Chỉ có mấy binh sĩ giữ an ninh và có máy truyền tin nhỏ ở cạnh. Còn ông Thao ngồi ở trung tâm hành quân, có Thiếu Tá Trần Thiện Thành ở cục quân vận là em của đại tướng Khiêm chạy đi chạy lại.

Gặp tôi ông mừng lắm và hỏi ngay:

- Anh ở Đức Hòa về hả? Có tin gì lạ không?

- Tôi đang định hỏi anh, chứ tôi ở Đức Hòa có biết gì đâu. Tình hình bây giờ như thế nào?

- Bắt hụt ông Khánh trong đường tơ kẽ tóc, không biết bây giờ ổng ở đâu. Ông Kỳ đi cùng ông Khánh bằng máy bay. Tôi liên lạc với không quân thì không ai rõ và có thẩm quyền trả lời. Liên lạc với ông Viên ở Quân đoàn 3 thì ông né.

Mặt ông có vẻ lo lắng và mệt mỏi, không biết phải làm gì và cũng không biết phải bàn với ai. Tôi thấy một trung úy, hình như thuộc đại đội bảo vệ cho ông, vào trình tối nay anh em chưa có gì ăn. Ông chỉ góc nhà có mấy chục két nước ngọt, và nói cho anh em dùng tạm.

Tôi vào trung tâm hành quân gặp ông Thao, thấy anh đang liên lạc với Không quân và Quân đoàn 3. Anh có vẻ nóng nảy, dọa sẽ giữ Tổng Tham mưu đến cùng, và nếu cần, sẽ dùng mìn giật sập Trung tâm Hành quân và tòa nhà chính. Rồi ông cùng tôi ra gặp ông Thảo. Anh đề nghị nhờ tôi đi quân đoàn 3 gặp Trung Tướng Viên. Ông Thảo đồng ý liền và nhờ tôi đi hộ. Tôi hỏi lại:

- Trên đường đi từ đây về Biên Hòa, có đơn vị nào theo mình không?

- Có đơn vị của trường Thủ Đức và địa phương quân đóng ở xa lộ.

- Như vậy phải cho tôi một sự vụ lệnh để khi đi đường lỡ bị chặn lại tôi không bị họ làm khó dễ.

Thiếu Tá Trần Thiện Thành đi làm sự vụ lệnh cho tôi. Buồn cười nhất là sự vụ lệnh cấp cho Thiếu Tá Duệ đi liên lạc, do Đại Tá Thảo ký, đặc biệt là trên chỗ ký để là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, tư lệnh! Không biết là tư lệnh đơn vị nào, chỉ để trống không là tư lệnh mà thôi! Lại đóng dấu của Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi chắc đây là sự vụ lệnh và chữ ký cuối cùng của Đại Tá Thảo.

Trên đường đi, tôi gặp Thiếu Tá Vũ Lộ ở xa lộ, là liên đoàn trưởng sinh viên sĩ quan. Anh là trung đoàn phó cũ của tôi, và thay tôi coi trung đoàn khi tôi đổi đi. Tôi chắc anh cũng không biết làm gì và anh hỏi tôi tình hình như thế nào? Tôi được ông Thảo nhờ đi liên lạc với Quân đoàn III. (Anh Lộ hiện đang ở Orange County.).

Đi độ mấy cây số nữa, tôi gặp một đơn vị địa phương quân. Một trung úy, chắc là đại đội trưởng, ra chào và hỏi tôi đi đâu?

- Tôi đi Quân đoàn III.

Thế là anh chào, và để tôi đi. Không rõ anh ở bên nào. Đến Quân đoàn III, bộ Tham mưu vẫn làm việc, đèn đóm sáng trưng. Lúc ấy độ l giờ sáng. Tôi gặp Đại Tá Đỗ Ngọc Nhận (hay Nguyễn), tham mưu trưởng Quân đoàn, và kể ông nghe sự việc ông Thảo nhờ tôi (Đại Tá Nhận cũng quen tôi nhiều). Ông đưa vào gặp Trung Tướng Viên. Trung tướng hỏi tôi về tình hình và sự việc (như vậy là chả có ai hiểu rõ tình lình), tôi trình tất cả những gì tôi thấy và nghe. Trung tướng hỏi lại:

- Thế ý kiến anh thế nào?

Đối với Trung Tướng Viên tôi rất kính trọng. Trước đây ông làm Tham mưu trưởng biệt bộ của Tổng Thống Diệm, sau làm tư lệnh Nhẩy dù, ông biết tôi nhiều, nên tôi thành thật thưa:

- Chắc bên đảo chánh chỉ có mục đích bắt đại tướng Khánh, nhưng không bắt được, bây giờ chưa biết làm gì. Ngoài ra tôi không thấy một người Mỹ hay một tướng lãnh nào ở tổng tham mưu cả.

- Vậy anh thấy có những tướng lãnh nào ở cạnh ông Thảo?

- Dạ, chỉ có Thiếu Tá Thao và Thiếu Tá Trần Thiện Thành là hai sĩ quan cao cấp tôi gặp ở cạnh ông Thảo.

- Vậy ông Thảo nhờ anh gặp tôi để làm gì?

- Thì nhờ tôi gặp trung tướng để xin ủng hộ và dàn xếp để khỏi đánh nhau.

- Trên đường từ Sài Gòn về đây anh có gặp đơn vị nào không?

- Có liên đoàn sinh viên trường Thủ Đức do Thiếu Tá Vũ Lộ coi và một đại đội Địa phương quân.

- Theo ý kiến anh thì sao?

- Dạ, tôi cũng không biết nữa. Duy có ông Thảo nhờ tôi về gặp trung tướng, thì tôi về. Chuẩn Tướng Sằng sai tôi về gặp ông Thao, thì tôi về. Tôi thấy Thiếu Tá Thao còn hăng hái lắm. Theo tôi, Trung tướng để Đại Tá Nhận về Sài Gòn với tôi gặp ông Thảo và nhận định tình hình. Còn tôi mới ở Đức Hòa về nên không có ý kiến.

Ông quay sang hỏi đai tá Nhận ý kiến thế nào? Đại Tá Nhận thưa:

- Tùy lệnh trung tướng. Tôi về Sài Gòn cũng được. Và anh Duệ có chắc tôi về không có gì trở ngại ở trên đường không?

- Chắc không, vì tôi mới ở Sài Gòn lên mà. Lực lượng chính giữ đường là liên đoàn sinh viên, và Thiếu Tá Lộ vốn là trung đoàn phó của tôi.

Trung Tướng Viên quyết định cho Đại Tá Nhận về Sài Gòn với tôi. Ông cảm ơn tôi đã cho tin tức, và có vẻ vui, vì Đại Tá Nhận về là có đủ yếu tố cho ông quyết định.

Trung Tướng Viên sau lên đại tướng, và làm tổng tham mưu trưởng. Ông là người chung thủy, khi đảo chánh l-l1-63, ông là tư lệnh Nhẩy dù, đã nhất định không theo đảo chánh, và suýt bị đại úy Nhung là tùy viên của Trung Tướng Minh thủ tiêu. May được Thiếu Tướng Khiêm và chánh văn phòng của ông đưa vào phòng Thiếu Tướng Khiêm ngồi. Ông rất hận tướng Minh đã giết Tổng Thống Diệm. Mấy người bạn của tôi nói số tử vi của ông là vô chính diệu, kình dương độc thủ. Vì vậy, tính ông ân oán phân minh: thương ai thì bênh và nâng đỡ đến cùng, ghét ai thì trái lại. Cuối tháng 4-75, khi biết Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ nhường chức cho tướng Minh, ông xin từ chức, và được Tổng Thống Hương chấp nhận. Người ta nói ông Viên tham nhũng, và giàu có lắm. Nhưng sang đây, tôi thấy ông bà chả có gì. Bây giờ có mình ông sống trong cái apartment nhỏ gần New York của người con gái. Không người giúp đỡ và cũng nghèo lắm (do Đại Tá Bầu, chánh văn phòng cũ của ông, kể với tôi).

Tôi từng bị ông giận, vì ông bổ nhậm tôi làm tham mưu trưởng sư đoàn 18 (trước là Sư đoàn 10) do Đại Tá Giai làm tư lệnh lúc mới thành lập, nhưng tôi đã được đổi về tổng cục Chiến tranh chính trị mà ông không biết. Một hôm gặp tôi ở tổng tham mưu, ông hỏi anh làm gì ở đây? Tôi thưa:

- Tôi được đổi về tổng cục chiến tranh chính trị, làm việc với Thiếu Tướng Cao.

Ông sầm mặt và trách:

- Thế mà tôi không biết gì, lại đưa anh về làm tham mưu trưởng cho ông Giai ở sư đoàn 10.

Tôi đưa Đại Tá Nhận về gặp ông Thảo khoảng 3 giờ sáng. Thấy Đại Tá Thảo chả biết làm gì nữa, tôi thì quá mệt, nên xin Đại Tá Nhận về nghỉ, và nói với ông Thảo:

- Việc anh nhờ, tôi đã làm xong, xin cho tôi về ăn cơm vì chưa được ăn uống gì!

Anh cảm ơn và bắt tay từ biệt. Cái bắt tay thật chặt, có vẻ cảm động. Từ đấy về sau, hai chúng tôi không gặp lại nhau nữa.

Tôi cũng báo cáo sự việc cho chuẩn tướng Sằng rõ, rồi về nhà ở Sài Gòn nghỉ.

Thiếu Tá Nguyễn Dương Huy là trung đoàn trưởng, tăng phái cho sư đoàn 25 cũng về, có cả thiết giáp của sư đoàn và đóng ở rừng cao su Phú Thọ. Tôi đến gặp sư đoàn ở đó, thấy chuẩn tướng Sằng có vẻ buồn lắm.

Rồi tôi nghe Đại Tá Thảo và Thiếu Tá Thao đã trốn đi đâu mất tăm. Chuẩn tướng Sằng bị đổi khỏi Sư đoàn 25, Đại Tá Phan Trọng Chinh thay thế. Tôi về tổng cục Chiến tranh chính trị.

Các sĩ quan tham gia đảo chánh bị bắt đông lắm, giam đầy ở an ninh quân đội. Tôi đến thăm những anh em quen biết, thấy ai cũng vui, ăn uống đầy đủ vì được gia đình tiếp tế tự do. Chả bù ngày tôi bị giam, chỉ được ăn cơm hẩm và cá khô của ông Đỗ Mậu. Anh Vũ Lộ còn nhờ tôi gửi cho cỗ mà chược. Sau đó được tha hết. Riêng Đại Tá Thảo và Thiếu Tá Thao vẫn còn trốn.

Rồi đại tướng Khánh cũng lên đường lưu vong, đúng như anh Thảo nói với tôi: Chỉ cần một biến động là người Mỹ có cớ và có cách để ông Khánh đi.

Thế rồi một chiều, khoảng 4 giờ, tôi đang ngồi ở văn phòng đường Hồng Thập Tự, cạnh cục an ninh quân đội, thì nghe tiếng trực thăng đậu xuống cục an ninh. Một thượng sĩ thuộc cấp của tôi ở an ninh cho biết là đã bắt được Đại Tá Thảo. Ông bị thương ở mặt, được băng bó nhưng còn khỏe lắm, xuống trực thăng không cần người đỡ. Mấy hôm sau cũng thượng sĩ này cho biết là ông đã chết, và nói thêm: đêm ông chết, ông kêu la dữ lắm, và Đại Úy Hùng Sùi bóp dái chết (Tôi chỉ ghi lại những gì thượng sĩ này kể cho tôi, chứ không chắc chắn, vì tôi không được chứng kiến.)

Tôi có hai người thân, là bác sĩ Tuyến và Thiếu Tướng Cao. Hai người có ý kiến ngược nhau. Thiếu Tướng Cao cả quyết ông Thảo là Việt Cộng, và là gián điệp để làm xáo trộn Miền Nam. Ông nêu lý do: Đất Kiến Hòa thành đồng vách sắt của Việt Cộng, ông Thảo về ít lâu mà bình định được như vậy, chỉ có là thần, hoặc được Việt Cộng giúp. Không có cuộc hành quân nào ở Kiến Hòa bắt được cán bộ cao cấp, vậy tụi nó chui đi đâu? Ngoài ra, sư đoàn thắng được nhiều trận lớn, là do ông tiết lộ cho ông Thảo biết vùng sắp hành quân, rồi bất thần cho trực thăng xuống vùng khác. Tôi có lần hỏi ông:

- Thế Tổng Thống và ông cố vấn có biết không?

- Làm sao mà không biết, tôi có trình nhiều lần. Ngoài ra, còn nhiều nguồn tin khác, nhưng tôi chắc ông cố vấn dùng hắn để lợi dụng việc khác.

Bác sĩ Tuyến thì trái lại:

- Anh Cao là người đa nghi, chứ Thảo theo mình là thật tình. Hắn cho mình (ông Tuyến khi nói chuyện với tôi thường gọi là Duệ và xưng mình) nhiều tin tức đúng lắm. Ta có chính sách chiêu hồi mà người ta về với mình lại nghi ngờ thì ai dám về? Từ ngày Thảo về chiêu hồi, cán bộ theo mình nhiều hơn trước.

- Thế có đúng là Đức Cha Thục đã nâng đỡ ông Thảo nhiều không?

- Đúng, Đức Cha biết gia đình này từ hồi Pháp, vì gia đình này giàu có, là Công giáo và lớn vào bậc nhất ở Vĩnh Long. Thảo là người học thức và đánh nhau cũng giỏi. Hắn đã là tiểu đoàn trưởng bên kia.

Sau khi mất Miền Nam, Việt Cộng vào Sài Gòn có làm lễ truy điệu rất long trọng cho ông Thảo, và phong ông là liệt sĩ. Có một cuốn sách in ở Sài Gòn ca tụng ông, trong đó có đoạn nói ông Ngô Đình Nhu cảm phục ông Thảo lắm, và về tận Vĩnh Long tranh luận với ông v.v… Tôi đã đọc cuốn sách này và cho là giả tưởng. Tôi không tin, chỉ buồn cười. Ông Thảo đâu có phải là người để ông Nhu tranh luận với. Bác sĩ Tuyến, tôi quen nhiều. Ngày ông cưới vợ, có mời Đại Tá Xứng, nhưng ông bận không đi được, nên nhờ tôi, nhân một chuyến về phép ở Sài Gòn, mang tấm tranh sơn mài để mừng. Sau ngày đảo chánh ll-ll-60, ông lại càng thân với tôi hơn, và nhờ tôi nhiều việc, như đi kết hợp anh em đơn vị trưởng v.v… Theo tôi, ông chú trọng đến anh em có quân. Những người này hay được mời về Sài Gòn chơi, để bảo vệ cho chế độ. Trong cuốn sách Những Huyền thoại và Sự thật về Chế độ Ngô Đình Diệm cũng nói đến cuốn sách Làm thế nào để giết một Tổng Thống do nhà văn Cao Thế Dung viết, nói là ông Dung lợi dụng tên của Bác sĩ Tuyến để cùng tác giả, và thực ra, bác sĩ Tuyến không biết việc này. Tôi vốn không quen anh Dung, nhưng bác sĩ Tuyến viết thư giới thiệu để Dung gặp tôi, và nhờ tôi giới thiệu với anh em quen biết, vì vậy tôi mới quen anh Dung từ ngày đó. Theo chỗ tôi được biết, bác sĩ Tuyến chỉ giúp anh Dung, giới thiệu anh đi phỏng vấn những người có liên hệ tới Đệ I Cộng Hoà, để có tài liệu viết sách. Bác sĩ Tuyến không viết chung với anh Dung.

Riêng tôi nghĩ Thiếu Tướng Cao là đúng, và tôi cũng biết là CIA dùng ông Thảo chỉ để lợi dụng, như ông Nhu đã làm. Nếu người Mỹ muốn giúp ông Thảo thì khi ông bị bắt, họ can thiệp liền, sức mấy mà ông bị giết một cách ám muội như vậy. Ông Thảo đã từng thổ lộ với tôi là CIA sẽ đưa ông đi khỏi Việt Nam nếu bị thất bại, thế mà khi thất bại ông phải trốn tránh hết khu nọ đến khu kia ở Hố Nai. Tuy nhiên, tôi không đoan chắc là đúng những gì tôi không rõ tường tận.

Vì quen biết ông Thảo nhiều, tôi có mấy nhận xét về cá tính của ông.

Ai gặp ông lần đầu là e dè, và ngờ ông ngay, vì tướng mạo của ông: mắt lác nhiều, da đen, mặt không cân đối. Nhưng càng nói chuyện lâu, càng có cảm tình. Ông có những cử chỉ rất thân mật, như tự nhiên móc túi lấy kẹo mời mình ăn cùng; hoặc vỗ vào lưng mình làm như chân tình lắm. Biết mình thích ai và thích cái gì là nói theo ý mình ngay, để mình có cảm tưởng là ông giống mình. Ông luôn tỏ ra thật thà và cởi mở, nửa kín nửa hở, làm như Tổng Thống, ông Cố Vấn và nhất là Bác sĩ Tuyến luôn gặp ông hỏi ý kiến. Về quốc sách Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật, ông cũng góp một phần. Ông luôn nhìn nhận là người của Mỹ (CIA) để anh em tin tưởng ông và theo ông tạo biến cố. Tiếc thay khi ông bị bắt và chết tức tưởi, chả thấy Mỹ nào giúp. Ông không sợ người ta biết mình là Việt Cộng hồi chánh. Ông hay kể cho tôi nghe những kỷ niệm ngày còn ở với kháng chiến, như cãi lệnh cấp trên như thế nào, hoặc được anh em binh sĩ thương mến đến mực nào v.v… Ông kể với tôi là ông thích Mỹ hơn Tàu và Nga, vì vậy ông tin là với sự giúp đỡ của Mỹ, Miền Nam sẽ phồn thịnh.

Tóm lại, tôi thấy ông là người có thủ đoạn và mưu kế, giỏi tổ chức, can đảm và hơi gian hùng. Tôi không thể ngờ rằng chỉ có một Trung đoàn 49, vài đơn vị cấp đại đội của bảo an, mấy chiếc thiết giáp mà ông dám làm một cuộc binh biến để tướng Khánh chạy có cờ, suýt bị ông bắt sống. Trong khi ông đại tướng tổng tư lệnh có cả một lữ đoàn phòng vệ, và cả một quân đội trong tay, khi bị tấn công không dám ra lệnh chống cự mà chỉ biết chạy….. Cận vệ binh gác có cả thiết giáp mà không dám bắn lại, nếu là Việt Cộng tấn công, không biết đối xử thế nào?

Nếu ông Thảo là hồi chánh viên thật sự, thì ông là người phản phúc, không chung thủy, vì Tổng Thống Diệm, ông Nhu và Đức Cha Thục quí mến, đối với ông quá tốt. Là Thiếu Tá Việt Cộng hồi chánh, được lên Trung Tá làm tỉnh trưởng một tỉnh lớn ở Việt Nam mà ông nỡ tâm phản bội, theo đảo chánh điều khiển đài phát thanh để Tổng Thống và ông Nhu bị ám sát. Nếu là người chung thủy, thì phải báo cho Tổng Thống rõ trước, biết đâu Việt Nam chưa mất vào tay Cộng Sản. Nhưng nếu ông là gián điệp của Cộng Sản, phải theo lệnh mà hành động, thì chả trách ông được. Tuy nhiên, cái chết mờ ám của ông cũng chứng tỏ ông Thiệu, ông Kỳ cũng phải sợ ông!



Nguyễn Hữu Duệ .


( trích : NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY Ở CẠNH T.T NGÔ ĐÌNH DIỆM )