PDA

View Full Version : Nha Trang ngày về....



felixn
08-21-2012, 15:05
Hoàng thấy Liễu lần đầu khi ngồi ăn cơm chiều với Sơn ở một quán cơm trước cổng Long Vân, Sư đoàn 2 Không quân tại Nha Trang.

Quán nằm gần góc đường Biệt Thự và Lê Văn Duyệt, ngay trước cổng ra vào; đây là nơi tụ họp vào buổi chiều của đám quân nhân độc thân, đa số là sĩ quan, binh sĩ xa nhà của sư đoàn, Trung tâm huấn luyện KQ, một ít bên trại của Sở Liên Lạc phòng 7 Tổng Tham Mưu nằm trên đường Lê Văn Duyệt.
Chiếc bàn Hoàng ngồi sát cửa ra vào, Sơn ngồi đối diện, quay mặt ra đường. Đang cắm cúi ăn nốt chén cơm cuối cùng thì Sơn đá nhẹ vao chân Hoàng, “Hoàng! Có em nào mướt quá đang đi bên kia đường kìa.”

Hoàng đặt chén cơm xuống bàn, quay đầu nhìn lại. Một cô gái dáng người thon, cao, mái tóc đen, dài quá vai được kẹp lại thả sau lưng, mặc áo dài xanh dương nhạt điểm những bông hoa tím, vàng thật mát mắt, ôm chiếc cặp đen trước ngực đang tha thướt trên đường.

Dọc theo đường Lê Văn Duyệt và Biệt Thự có đầy những quán cơm, quán cà phê, tiệm may, tiệm tạp hóa… nên sinh hoạt vào buổi chiều rất nhộn nhịp. Đám quân nhân trong căn cứ sư đoàn 2 KQ và TTHL không phải túc trực chiến đấu, thường về nhà hay ra phố vào buổi chiều những ngày không cắm trại 100%. Thị xã Nha Trang vào đầu năm 1972 còn yên lành, dù quân cộng sản đã bắt đầu vượt sông Bến Hải, tấn công vào Đồng Hới, Quảng Trị…

Nhiều tiếng huýt sáo nổi lên. Có lẽ biết mình đang là đích nhắm của nhiều người nên cô gái bước có vẻ nhanh hơn, mắt nhìn thẳng. Dù chỉ mới nhìn ngang cô gái, Hoàng vẫn kịp thấy gương mặt trắng trẻo, xinh xắn.

Anh quay lại nhìn Sơn, “Tao chưa thấy hết khuôn mặt nhưng chắc đẹp.”

Sơn cười, “Mày với Thủy sao rồi?”

Hoàng lắc đầu, “Tan rồi! Chẳng đi đến đâu. Gia đình em không thích cho em giao du với lính, dù là phi công, tỉ lệ đi đong thấp hơn dân bộ binh tác chiến nhiều.”

Sơn có vẻ ngạc nhiên, “Thật ư? Mày trình diện gia đình em rồi à?”

Hoàng gật đầu, “Ừ! Vào dịp tết vừa rồi, cách đây hơn hai tháng, tao về Sài Gòn hai tuần, Thủy dẫn tao đến nhà, giới thiệu với bố mẹ. Mẹ Thủy không nói gì nhưng qua thái độ tiếp khách của bố Thủy, tao nhận ra ngay họ không thích mình.”

Sơn nhìn Hoàng, ánh mắt dò hỏi, “ Kể thêm cho tao nghe được không?”

Sơn là bạn khá thân của Hoàng, hai người cùng tuổi, gia nhập không quân một ngày, đi học quân sự ở Quang Trung cùng trung đội, tiểu đội. Sau Sơn học Cessna tại Nha Trang, Hoàng qua Mỹ học trực thăng. Từ Mỹ về. anh được đưa ra phi đoàn Thần Tượng 215, gặp lại Sơn về phi đoàn 114, lái L-19 và U-17 từ hơn nửa năm trước. Hoàng nhìn quanh, ngần ngừ:
Tụi mình đi tìm quán cà phê, tao kể mày nghe.
OK!

Sơn nhanh nhẹn đứng lên, ra quầy trả tiền trong khi Hoàng lấy chiếc Honda SS 50 đen, nổ máy sẵn.
Sơn đi ra, nhẩy lên ngồi sau, chẳng hiểu sao vỗ vai Hoàng, “Mày chạy theo con bé hồi nãy cho tao xem mặt nó lần nữa, em có tướng đẹp quá.”


Định theo đường Lê Văn Duyệt chạy ra phố, Hoàng vòng xe lại theo ý Sơn. Hai đứa đuổi kịp cô gái lúc nàng sắp sửa quẹo vào con hẻm nhỏ nằm trên đường Biệt Thự.

Ngang qua nàng Hoàng bớt ga, chạy chậm lại và nhìn nàng. Cô gái đang ngó thẳng, thấy có người nhìn mình chăm chú nên quay lại. Cặp mắt nàng nhìn cả hai rồi quay đi, tất cả chỉ xẩy ra trong vài giây đồng hồ, nhưng Hoàng cũng kịp nhận thấy ánh mắt nàng nhìn mình lâu hơn là với Sơn và có một chút gì đó diễu cợt. Hoàng vặn tay ga chạy thẳng ra hướng bờ biển, đường Duy Tân.

Sơn hỏi lớn sau lưng anh, “Được quá chứ hả?”

Hoàng đồng ý ngay, “Ừ! Sài Gòn thì không dám nói nhưng ở Nha Trang có thể xem là hoa khôi rồi.”

Anh quẹo trái đường Duy Tân, chạy về hướng chợ Đầm. Gió biển thổi vào thật mát. Loanh quanh qua 2-3 con đường, Hoàng và Sơn đến quán cà phê Chiều Tím, nơi khung cảnh thật thơ mộng, ấm cúng, bàn ghế đặt dười những gốc cây.

Gọi mỗi người một ly cà phê sữa đá. Trong lúc ngồi chờ cà phê chẩy hết, Sơn rút một gói Pall Mall còn nguyên, bóc ra, đưa qua Hoàng, “Hút một điếu cho thơm râu! Mày đang cô đơn, không sợ kề miệng hôn em nào…bị đẩy ra.”

Chờ Hoàng rút một điếu, mồi xong, Sơn hất hàm, “Kể tao nghe tiếp chuyện ‘Tình chỉ đẹp khi còn dang dở’ của mày đi.”

Hoàng trầm ngâm một lúc, chậm rãi, “Ngày mồng hai Tết vừa rồi tao đến nhà Thủy chúc Tết bố mẹ nàng. Thủy mở cửa. Tụi tao ngồi nói chuyện chừng 5-7 phút thì bố Thủy ra. Ông mời tao một điếu thuốc ba số 5, hỏi thăm vài câu rồi đứng lên gọi nàng vào trong. Khoảng 10 phút sau thì Thủy trở ra, nét mặt buồn rầu nói tao nên đi về vì nàng phải đi thăm, chúc tết họ hàng. Nhìn ánh mắt đỏ hoe của Thủy, tao biết mình nên yên lặng rút lui.”

- Sau đó mày có gặp lại em nữa không?

Hoàng gật đầu, “Có! Hai ngày sau. Đi chơi với tao lần cuối, nàng cho hay sẽ lấy Thông, con trai một người bạn của bố nàng, sinh viên Luật năm thứ 3, gia đình rất giàu. Tất cả mọi chuyện, bố mẹ nàng đã quyết định, nàng không dám phản đối.”

Sơn nhìn Hoàng, không nói tiếng nào, lẳng lặng mồi thuốc. Một lúc sau chẳng biết nghĩ gì, chợt nói, “Đừng nghĩ đến Thủy nữa. Theo con bé lúc nãy đi mày. Tao thấy nó đẹp quá.”

Hoàng cười, “Sao mày không tán, lại xúi tao?”

Sơn cười theo, “Tại mày cao lớn, đẹp trai, dẻo miệng hơn tao. Hai nữa, tao có người yêu rồi. Mày cua được em, tao thua mày một chầu nhậu ở Bar số 5 đường Duy Tân. Còn không mày chỉ thua tao một chầu ăn sáng là xong.”

- Mày cho tao thời gian bao lâu và điều kiện như thế nào thì gọi là cua được em?

- Hễ trong vòng một tháng, tao thấy mày chở được em đi chơi, uống cà phê hay vào xi-nê là mày thắng.
Hoàng suy nghĩ một lúc, anh gật đầu:

Được rồi! Tao bắt cá với mày.
Ngồi đồng ở quán tới hơn 8 giờ, Sơn và Hoàng hút hết bao thuốc Pallmall rồi mới về lại phi trường.

Chia tay ở cư xá sĩ quan độc thân, Sơn còn nhắc, “Về ngủ, nghĩ cách cua em đi nghe!”
Hoàng cười, “Mày lo để dành tiền trả cho bữa nhậu đi là vừa!”

Chiều ngày hôm sau, nhìn bảng công tác không thấy tên mình trực đêm, Hoàng thay quần áo dân sự, ra quán cơm ngày hôm trước ăn sớm rồi ngồi chờ. Khoảng gần 6 giờ thì cô gái đi qua, vẫn chiếc áo dài xanh dương điểm hoa tím. Chờ cô gái đi qua, Hoàng đứng lên băng qua đường bước song song với cô. Cô gái chân vẫn bước đều, chỉ quay sang nhìn anh thật nhanh, không nói tiếng nào, tiếp tục đi và nhìn thẳng.

Hoàng gợi chuyện, “Chào cô! Xin lỗi cho tôi hỏi thăm chút được không cô?”

Bên kia đường có nhiều tiếng huýt sáo vang lên. Dường như biết nhiều cặp mắt đang chăm chú nhìn mình, cô gái nghiêm mặt không trả lời. Hoàng thản nhiên trước sự lãnh đạm của cô gái, vẫn bược đi bên cạnh, anh suy nghĩ tìm cách gợi chuyện nhưng nhất thời không nghĩ ra.

Qua khỏi quán Mộng, cô gái rẽ vào con đường đất đi vô cái xóm nhỏ, Hoàng thấy không tiện theo nữa, anh quay lại quán cơm, lấy xe.

Ngày hôm sau Hoàng thay đổi chiến thuật, anh ra trước cổng Long Vân chờ. Khi thấy cô gái, anh chỉ lẳng lặng đi theo sau lưng mà không nói gì. Liên tiếp 2 tuần lễ như vậy, Hoàng đã tạo cho cô gái thói quen biết rằng cô đã có một cây si, chiều nào cũng lẽo đẽo theo sau.

Lần cuối đi theo cô gái, lúc quay lại quán cơm, anh gặp Sơn. Sơn cười, “Hai tuần rồi nghe em trai. Coi bộ khó nuốt hả?”

Hoàng nhún vai, “Còn nước còn tát.”

Tuần lễ sau đó, Hoàng tránh không đón cô gái nữa. Tuần thứ tư, chiều thứ hai, Sơn rủ Hoàng ăn cơm chiều ở quán Thanh Đạm, gần chơ Đầm dưới phố, nơi có cá kho tộ, tôm ram mặn và canh chua tuyệt vời. Anh vừa đi bay về, vẫn mặc combinaison, cất nón helmet, khẩu P-38, với Flare xanh đỏ vào tủ, leo lên ngồi sau lưng Sơn ra phố.

Lúc vừa rẽ trái ở cổng Long Vân ra đường Lê Văn Duyệt thì cả hai cùng thấy cô gái. Cô cũng thấy anh khi vừa định băng qua đường, chỉ vài giây nhìn nhau cũng đủ để cho Hoàng lâng lâng thích thú vì anh nhận ra cô đã quay đầu nhìn theo anh.

Chiều ngày hôm sau Hoàng ra khỏi căn cứ sớm. Đoán rằng cô gái làm việc trong trại lính của phòng 7 Tổng Tham Mưu, anh đi dọc theo đường Lê Văn Duyệt và đứng chờ trên con đường đất dẫn vào trại.
Sự dự đoán của Hoàng không sai. Gần 6 giờ, anh thấy tà áo dài và dáng đi yểu điệu của cô thấp thoáng sau những chiếc xe gắn máy Honda, Suzuki từ trong trại chạy ra.

Ngang qua Hoàng, cô nhìn anh rồi quay mặt đi ngay, miệng hơi mỉm cười nhưng lẳng lặng bước đi không nói gì. Hoàng mừng quá, anh bước theo cô nói nhỏ:

- Chào cô! Cô cho tôi hỏi thăm chút được không?

Cô gái không trả lời ngay, tiếp tục đi, chừng hơn chục bước mới quay sang nhìn Hoàng, nhỏ nhẹ, “Anh định hỏi gì?”

Hoàng cười nhẹ, “Tôi tên Hoàng, thấy cô dễ thương quá, muốn làm quen nhưng không biết làm sao? Cô có cách nào giúp tôi được không?”

Dưới ánh nắng chiều, khuôn mặt trái soan trắng trẻo của cô gái hồng lên e thẹn, nhưng cô chỉ mỉm cười.

Hai người tiếp tục bước đi. Đến trước cổng Long Vân, Hoàng và cô bước sang đường. Hoàng lên tiếng:

- Cô khó tính ghê! Cô không có lòng thương người. Tôi nhờ cô giúp mà cô không giúp.

Cô gái lại cười, nhưng vẫn im lặng. Hoàng hơi nản, không biết tính sao, đành bước song song với cô.
Đến chỗ rẽ vào con đường đất, Hoàng thất vọng vì sự im lặng của cô gái, anh định quay về thì bất chợt cô lên tiếng:

- Anh về đi! Tôi tên Thúy Liễu! Nhà tôi số…, anh cứ đi thẳng đến cuối xóm quẹo phải, hỏi tên tôi ai cũng biết. Nếu anh muốn làm bạn với tôi, chiều thứ bẩy tuần này, mời anh đến nhà tôi chơi, có anh tôi ở nhà. Anh đi với tôi như thế này không tiện cho tôi.

Hoàng vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, anh không ngờ Liễu lại thẳng thắn nhận lời làm quen của anh và mời đến nhà chơi. Anh cười tươi, “Cám ơn Liễu! Tôi sẽ đến khoảng 4 giờ ngày thứ bẩy.”

Liễu nhìn Hoàng một lần nữa rồi mới quay đi, cặp mắt to màu hạt dẻ của cô như muốn ghi nhận tất cả những nét đặc biệt về nhân dáng anh. Hoàng cảm thấy lòng vui như mở hội.

Sáng thứ bẩy, yên tâm khi thấy tên mình không nằm trên bảng trực, anh chạy ra phố mua chục cái bánh kem và một bó hoa nhỏ.

Đúng 4 giờ, anh chạy xe Honda chầm chậm vào con đường đất theo sự chỉ dẫn của Liễu. Xóm nghèo, khu dân cư phần lớn là gia đình binh sĩ và dân lao động. Không tìm thấy số nhà Liễu cho, Hoàng ngừng xe, định hỏi thăm mấy đứa bé đang chơi bông vụ gần đó thì đã nghe tiếng gọi:

- Anh Hoàng! Nhà Liễu bên này.

Hoàng quay lại. Liễu tươi mát trong một bộ quần áo bà ba ngắn tay màu hoàng yến, đứng trước cửa nhà tươi cười chờ anh. Hoàng thấy xao xuyến vì nét đẹp tự nhiên của Liễu, khuôn mặt trái soan trắng hồng, mắt to màu hạt dẻ, sống mũi thẳng, nụ cười với hàm răng nhỏ đều như hạt bắp, đôi môi đỏ hồng. mái tóc đen dài quá vai được kẹp lại thả sau lưng. Chờ Hoàng dựng, khóa xe xong, Liễu mới nói:

- Mời anh vào! Nhà Liễu nghèo lắm, anh Hoàng đừng chê nghe.

Nàng đứng tránh sang một bên, Hoàng bước vào trong, trao hộp bánh kem mua ở tiệm Ngọc Lan và bó hoa cho Liễu, “Lính cũng nghèo lắm! Đến chơi với Liễu không có gì đáng giá làm quà, chỉ mua được cho Liễu mấy cái bánh ngọt và bó hoa. Cũng đừng chê anh nhé.”

Hoàng bạo dạn xưng anh với Liễu, hai người cùng cười nhìn nhau. Ánh mắt họ đã trao đổi nhiều lời.
Liễu mời Hoàng ngồi xuống cái ghế sa lông bằng simili màu nâu khá cũ, cầm hộp bánh và bó hoa đi vào trong. Chắc nàng đã chuẩn bị trước, trên chiếc bàn bằng kính bị nứt, có sẵn bình trà, mấy cái tách. Hoàng nhìn quanh quan sát. Căn nhà dài độ 15m, ngang hơn 3m, được ngăn ra làm 4 bằng những vách ván, bình phong, đồ đạc cũ kỹ trong phòng khách nói lên sự đạm bạc của chủ nhân.

Khoảng 5-7 phút sau, Liễu bước ra, tay cầm bình hoa, tay đĩa bánh Hoàng đem tới. Nàng đặt đĩa bánh xuống, vừa ngồi xuống đối diện với Hoàng, rót nước trà ra tách thì một người đàn ông trạc 30 mặc quần áo lính bước ra, Hoàng nhận ra những cái huy hiệu của địa phương quân. Liễu giới thiệu:

- Anh Hoàng bạn em! Anh Tường, anh hai của Liễu.

Tường không cao lắm nhưng vạm vỡ, da ngăm đen, có khuôn mặt khắc khổ, ngược hẳn với nét đẹp của Liễu. Tường ngồi xuống bên cạnh Hoàng hỏi thăm, nói chuyện vài phút rồi tế nhị đứng lên đi vào trong. Còn lại hai người, Liễu liến thoắng, cầm một cái bánh trao cho Hoàng:

- Anh ăn bánh đi! Sao anh mua nhiều vậy? Hoa anh mua đẹp quá! Thấy Liễu cắm hoa được không?

Khuôn mặt xinh đẹp, rạng rỡ cùng giọng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào của Liễu khiến Hoàng say đắm. Hai người trao đổi với nhau mê mãi đủ thứ chuyện. Bên ngoài trời đổ mưa tầm tã mà Hoàng cũng không hay, anh chỉ nhận ra điều đó khi Liễu chợt đứng lên, chạy đi lấy cái chậu hứng những giọt nước nhỏ xuống gần chỗ anh ngồi. Dường như hơi ngượng ngùng vì nhà dột, Liễu nhìn Hoàng ngập ngừng:

- Liễu xin lỗi anh! Nhà dột mà anh Tường chưa sửa kịp.

Hoàng tế nhị lắc đầu, “Có sao đâu? Nhà anh ở Sài Gòn, mưa lớn cũng dột là thường.”

Gần 6 giờ trận mưa mới ngưng, Hoàng đứng lên ra về sau khi Liễu nhận lời đi chơi với anh ngày hôm sau. Gần đúng một tháng từ ngày anh cá với Sơn, anh chạy ngay vào cư xá độc thân tìm Sơn kể chuyện.

Sơn đang chuẩn bị nấu mì gói cho buổi chiều vì trời mưa, nghe Hoàng kể, Sơn chỉ hỏi thêm, “Em làm gì trong trại của phòng 7 vậy?”

- Liễu đậu tú tài năm ngoái, không đi học thêm vì nhà nghèo, nhận làm cô giáo tiểu học cho đám trẻ trong trại gia binh, lương đâu chỉ có 12.000/tháng, nhưng được cái gần nhà, gia đình có ruộng vườn gì đó ở Thành (một quận lỵ thuộc tiểu khu Khánh Hòa, nằm trên quốc lộ 1, cách Nha Trang khoảng 15Km). Liễu chỉ có bố và 4 người anh, mẹ chết rồi. Ngày mai em đi chơi với tao, mày có tiền trả tiền nhậu chưa?

Sơn nghe Hoàng kể, cười khanh khách, “OK! Mai tao sẽ đứng chờ mày ngoài cổng Long Vân để xem mày nói thật không. Nếu thật, tuần tới tao mời mày và em đi nhậu ở bar số 5. Nhưng coi chừng, ở Thành Việt Cộng cũng nhiều lằm đấy! Liễu có rủ mày đi về nhà nó ở Thành thì nên cẩn thận. Có ăn mì gói thì tao nấu luôn cho. Bây giờ thì mày ăn gì mà chẳng ngon.”

Cuộc tình của Hoàng với Liễu kéo dài được hơn 8 tháng êm đềm, hạnh phúc, những tưởng rằng sẽ có một kết thúc tốt đẹp thì bất ngờ tan vỡ, khi Liễu dẫn anh về nhà giới thiệu với bố nàng ở Thành để nói chuyện hôn nhân.

Nét trắng trẻo, đẹp trai, cao lớn, hào hoa, lịch sự của anh là nguyên nhân chính khiến ông bố của Liễu, một nông dân suốt đời quanh quẩn ở ruộng vườn, không hài lòng. Mọi dự tính của Hoàng và Liễu về đám cưới cũng hủy bỏ khiến mẹ Hoàng ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm. Nghe Hoàng kể về Liễu, mẹ anh cũng đã chuẩn bị theo con ra Nha Trang xem mặt, tìm hiểu nàng.

Sau lần về Thành với Liễu, Hoàng không gặp lại nàng nữa. Tìm đến nhà nàng mấy lần, không gặp, hỏi thăm Tường, Tường chỉ cho biết vắn tắt là không nên liên lạc với nàng nữa thì tốt hơn. Gặn hỏi mãi, Tường mới cho anh biết bố Liễu sợ nàng khổ vì nét đẹp trai, phong nhã, đa tình của anh nên không bằng lòng cho con mình lấy Hoàng hay giao thiệp với anh nữa.

Những ngày ra đứng trên đường Lê Văn Duyệt chờ Liễu cũng trở thành vô vọng, Hoàng không thấy nàng vào giờ tan sở như trước. Đau buồn chen lẫn bực tức, Hoàng vào tận trong trại, nơi Liễu làm việc hỏi, mới hay nàng đã xin nghỉ việc.

Một hôm quá nhớ nàng, Hoàng tìm đến nhà Liễu lần nữa, quyết hỏi cho ra mọi chuyện vì không tin vào lý do Tường giải thích. Không gặp Tường, chỉ có Phong anh kế của Liễu. Phong mời Hoàng vào nhà, lấy ra một lá thư trao cho anh:

Tôi biết thế nào anh cũng đến đây lần nữa. Đây là thư của Liễu viết cho anh từ mấy ngày trước. Nó không dám nhờ ai trong nhà làm chuyện này ngoài tôi, vì nó biết tôi thương yêu và che chở cho nó nhất. Tôi biết tình yêu chân thành của anh và em gái tôi, nhưng gia đình tôi quả thật không hợp với con người anh. Gia đình tôi bao đời làm ruộng, vườn, chưa hề có dâu, rể thành phố, nhất là những người ở xa như Sài Gòn. Liễu đã được đính hôn với một người khác trước khi gặp anh mà nó không biết. Đó là lý do chính, những chuyện khác chỉ là phụ.

Hoàng biết không còn gì để hỏi thêm, anh chào Phong rồi cầm thư về cư xá, đóng cửa phòng lên giường nằm đọc.

Nước mắt anh tuôn chẩy theo những giòng chữ nhòe nhoẹt của lá thư.

Anh yêu!

Em viết thư này cho anh trong lúc lòng em tan nát và tràn đầy nước mắt. Em không biết nói gì hơn là anh hãy quên em đi. Em không ngờ cuộc đời mình lại có những giây phút đau khổ tột cùng như thế này.

Em không ngờ rằng đã bị ba má đính hôn với một người mà em không hề quen biết, đến năm em 21 tuổi sẽ làm đám cưới. Anh ấy tên Trung, hơn em 2 tuổi. Không ai nói với em chuyện này cho tới ngày dẫn anh về Thành gặp ba em. Ai cũng nghĩ em còn nhỏ.

Lúc quen với anh, em đã hơn 18, 8 tháng trời hạnh phúc bên anh, em đã mơ sau khi lấy nhau, mình sẽ có 4 đứa con, hai trai hai gái, trai thì cao lớn giống anh, hùng dũng, hào hoa, gái giống em. Em sẽ đón anh những buổi chiều đi bay về, nấu cho anh những món ăn mà anh thích như thịt kho hột vịt, canh chua cá bông lau, sườn ram, chả trứng…Những giác mơ tầm thường quá phải không anh?

Anh ơi!

Em tiếc nhớ vô cùng những tháng ngày cùng anh đi chơi Hòn Chồng, tắm biển ở bãi Dương, uống cà phê, nghe nhạc ở Chiều Tím hay chui vào rạp Tân Quang tìm những nụ hôn, vòng tay vội vã, thèm khát. Nhớ cái party anh dẫn em vào căn cứ tham dự, em không biết nhẩy mà anh cứ kéo em ra sàn, bắt em nhẩy slow để lấy cớ ôm em. Em nhớ lần anh Sơn phải trả tiền bữa ăn ở nhà hàng bar số 5 trên bãi biển nữa. Không có anh Sơn khích bác, chắc em cũng chẳng quen anh và yêu anh. Đúng không?
Tất cả giờ đây đã trở thành dĩ vãng, em buồn quá anh ơi!

Anh có nhớ bữa chiều mưa…

Liễu còn viết nhiều nữa, nhưng Hoàng không đọc tiếp nổi, anh buông rơi lá thư, ngồi dậy lấy chai rượu Hennessy mua sau ngày không gặp lại Liễu, còn khoảng 1/4 rót ra ly, uống cho đến lúc hết rồi thẫn thờ nằm xuống giường. Không biết bao lâu sau đầu óc bồng bềnh vì men rượu, anh ngủ thiếp đi với hình ảnh Liễu chập chờn.

Đau buồn hành hạ Hoàng cả mấy tháng liền khiến anh gầy hẳn đi làm cho Sơn cũng thấy ái ngại. Sơn tìm mọi cách an ủi bạn nhưng Hoàng vẫn không nguôi.

Khi nghe tin thành lập phi đội Rescue 259D ở Phan Rang, Hoàng ghi tên tình nguyện. Anh muốn rời xa thành phố Nha Trang thơ mộng, êm đềm, nơi đã cho anh những tháng ngày hạnh phúc tuyệt vời với Liễu nhưng cũng để lại cho anh một vết thương lòng sâu thăm thẳm.

Tháng 4 năm 1975, miền Nam thất thủ, Hoàng dù là Pilot cũng bị kẹt lại, đi tù hơn 4 năm. Ra tù cộng sản, lang thang ở Sài Gòn một thời gian, anh vượt biên và đến Mỹ năm 1983.

Đời sống bận rộn, bon chen ở Mỹ khiến Hoàng bị cuốn hút vào học hành, sinh kế… chẳng còn nghĩ, nhớ gì đến Việt Nam.

Năm 2002, mẹ Hoàng sắp chết, muốn gặp anh một lần trước khi nhắm mắt. Chiều theo ý mẹ, Hoàng trở về nhưng không kịp. Mẹ anh ra đi trước giờ phi cơ đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất.

Đám tang mẹ xong, còn nghỉ hơn một tuần, anh đi xe lửa ra Nha Trang chơi theo lời khuyên của đứa cháu gái. Trên xe lửa, Hoàng tình cờ gặp lại một nhân viên xạ thủ phi hành ở phi đoàn 215 ngày trước, đang đi buôn chuyến. Nói chuyện qua lại, người xạ thủ vô tình nhắc lại có lần thấy anh và Liễu đi chơi với nhau.

Lời nói của người xạ thủ phi hành như một tia sét khơi dậy dĩ vãng. Sau khi đi lòng vòng thành phố ít ngày, Hoàng bâng khuâng tìm đến khu nhà cũ của Liễu với hi vọng mong manh gặp lại một vài hình bóng xa xưa. Tất cả đều thay đổi, người xưa, cảnh cũ chẳng còn.

Hỏi thăm 4-5 người dân trong xóm, mới có một người biết Liễu. Họ cho hay Liễu đã dọn đi cách đây 6-7 năm, nhưng nghe nói có sạp bán thịt gà, cá, ngoài chợ Đầm. Hoàng theo lời chỉ dẫn tìm đến sạp của Liễu. Không có Liễu ở đó, chỉ có một cô gái độ 21-22 tuổi, Hoàng đoán là con gái Liễu vì nét mặt khá giống nàng ngày trước. Hoàng vờ đến mua gà rồi hỏi thăm để tránh lầm lẫn. Qua vài câu, biết đúng là sạp thịt của Liễu, Hoàng yên tâm.

Đang hỏi chuyện vu vơ thì Liễu về. Hoàng sững sờ khi không còn nhận ra nàng. Anh bàng hoàng nhìn người đàn bà mập, mặc bộ bà ba đen lam lũ, mái tóc muối tiêu cột lại sau gáy, mặt nâu sạm vì nắng, lấm chấm tàn nhang hai bên thái dương, duy chỉ có cặp mắt to hạt dẻ vẫn tinh anh Hoàng còn nhận ra.

Anh ngơ ngẩn gọi nhỏ, “Liễu! Phải… Liễu không?”

Liễu gật đầu nhìn Hoàng, giọng có vẻ xúc động:

- Anh Hoàng! Em nhận ra anh từ xa. Đây là Hương, con gái em. Chú Hoàng bạn cũ của mẹ. Anh đi tìm em hả? Gặp chỗ khác chắc anh không nhận ra em đâu. Nhưng em nhận ra anh, anh không thay đổi nhiều, nét mặt vẫn vậy, chỉ già đi.

Hoàng gật đầu, “Em thay đổi nhiều quá!Anh không ngờ.”

Liễu cười buồn:

- Mỗi người một số mệnh. 30 năm rồi phải không anh? Hương không phải là con gái em với Trung, người đã đính hôn với em. Trung chết vì tai nạn xe hơi năm 1974 trước ngày tụi em làm đám cưới hai tuần. Đến năm 1979 em mới lấy chồng, anh ấy người Bắc, nhưng không phải là cán bộ, đảng viên, chỉ là dân buôn bán. Anh còn ở đây không? Mai có rảnh đến nhà em chơi, ăn cơm với gia đình em.

Hoàng im lặng suy nghĩ rồi mới trả lời:

- Cám ơn em! Nhưng thôi em à! Ngày mai anh về lại Sài Gòn rồi, ba ngày nữa anh phải về lại Mỹ. Anh còn giữ một tấm hình chụp chung với em ở Hòn Chồng. Nếu em thích, cho anh địa chỉ anh sẽ gửi cho.

Liễu gật đầu chạy đi kiếm cây bút, gần 10 phút sau mới quay lại trao cho Hoàng tờ giấy gấp tư, “Anh chờ chắc lâu hả? Khu này chợ thịt, chẳng ai có giấy bút.”

Hoàng cầm tờ giấy nhét vào túi áo, thăm hỏi nàng thêm vài phút rồi từ giã ra về, lòng buồn man mác.

Về đến khách sạn, lúc thay quần áo, nhớ đến tờ giấy Liễu đưa, Hoàng mới mở ra xem. Không có địa chỉ của Liễu, chỉ có mấy câu thơ:

Thôi anh ạ tình ta đã lỡ,
Giữ làm gì những hình ảnh bên nhau.
Kỷ niệm nào chẳng khơi lại thương đau,
Khi hạnh phúc đã trở thành dĩ vãng.

tieuthu_soma
08-21-2012, 16:24
hình như ai yêu nhau mà chụp hình ở Hòn Chồng điều bị dang dờ hay sao đó , lần sau nhất định có yêu người Nha Trang củng không thèm chụp hình ở Hòn Chồng nữa , phong thủy quá hihihi

felixn
08-21-2012, 17:12
hình như ai yêu nhau mà chụp hình ở Hòn Chồng điều bị dang dờ hay sao đó , lần sau nhất định có yêu người Nha Trang củng không thèm chụp hình ở Hòn Chồng nữa , phong thủy quá hihihi

2 người có thể tự chồng được rồi, cần gì hòn Chồng nữa!