PDA

View Full Version : Thất bại ngọt ngào



hoadiem
09-11-2007, 17:13
Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ. Nghe mẹ kể, hồi chị Hai tôi còn nhỏ mẹ thường ru chị ngủ bằng câu ca dao này. Nhất là khi ba tôi vắng nhà triền miên, mẹ ru nhiều đến nỗi hàng xóm phải than: cái bà này chỉ thuộc có một câu chắc, ru chi mà buồn nẫu ruột? Ai ngờ sau này lớn lên lấy chồng, lời ru ấy lại vận đúng vào người chị tôi.

Nhà tôi có hai chị em. Theo cách nghĩ trẻ con của tôi hồi đó thì mẹ thương chị Hai nhiều nhất, kế mới đến tôi. Mẹ bảo chị Hai giống mẹ, giống từ nụ cười cái nheo mắt, đến cách đi cách đứng. Tôi hỏi: “Còn con giống ai?”. Mẹ cười, giọng nhợt nhạt: “Con giống hệt cha!”. Mẹ đâu có ngờ sau khi lấy chồng chị Hai cũng giống luôn mẹ cái gánh đoạn trường.

Ngày gả chị Hai, ba tôi vắng nhà. Một mình mẹ cáng đáng mọi thứ mà đáng lẽ có một người đàn ông trong nhà thì mẹ đỡ vất vả biết bao. Ngày xưa nhà tôi cũng có một người đàn ông nhưng từ khi tôi biết nhìn biết nghĩ thì người đàn ông ấy chỉ là cái bóng ám ảnh thỉnh thoảng tạt về như khách vãng lai; vì thế mà tôi không thích mẹ bảo tôi giống ba. Gả chị Hai đi rồi chỉ còn lại mẹ và tôi trong ngôi nhà, mẹ tôi không khóc cũng không cười mà chỉ ngồi thừ một chỗ. Không rõ mẹ vui hay buồn?

Hai mươi tám tuổi chị Hai ngồi ru con một mình, lặp lại hình ảnh mẹ khi xưa cũng bằng câu ca dao ấy. Chị tôi không phải người sắc nước hương trời nhưng nào xấu xí gì cho cam, lấy chồng sinh con rồi mà mấy gã trai mới lớn hễ đi ngang nhà là nhìn vào xuýt xoa: Gái một con trông mòn con mắt! Mẹ bảo ngày xưa mẹ cũng thế. Tôi thở dài như ông cụ: “Chị Hai sao y bản chính từ mẹ mà!”. Chợt tôi thấy mắt mẹ đượm buồn. Lần đầu tiên.

Anh rể tôi là một doanh nhân thành đạt. Chị tôi tốt nghiệp đại học, sau khi lấy chồng ở nhà sinh con và làm bổn phận của một nội tướng. Hàng xóm ai cũng bảo chị Hai có phước, tu từ kiếp trước nên mới lấy được anh. Ban đầu tôi cũng tin như thế.

Trước kia, anh rể tôi đã để ý chị tôi vì hai nhà ở gần nhau. Khi lên đại học mặc dù học khác trường nhưng điều đó càng làm tăng sự mê đắm nơi anh. Có lần tôi chứng kiến anh ra về trước khi hết giờ để đến trường đón chị, dù chẳng bao giờ chị cho phép anh được cái vinh dự chở chị về cả. Anh còn bảo tôi: “Phải đến trước để giành chỗ, không thôi thằng khác nó rước mất!”.

Tôi biết rõ lúc ấy chị vẫn chưa chấm một anh chàng nào cả, kể cả anh. Vậy mà đùng một cái sau khi ra trường chị lại đồng ý lấy anh, nghe lời anh để ở nhà lo chăm sóc gia đình. Có lẽ đấy là gen di truyền từ mẹ chăng? Hỏi chị có yêu anh không thì chị cười, tôi lại gặng: “Chị lấy anh ấy vì lẽ gì?”. Lúc này chị tôi mới trả lời: “Vì anh ấy yêu chị!”. “Có thế thôi sao?”. “Ừ, thế thôi!”. Không biết ai đã dạy cho chị cái triết lý “lấy người mình yêu không bằng lấy người yêu mình”. Tôi đoan chắc rằng chị đã được mẹ “đầu độc” nên đem suy nghĩ ấy về kết tội mẹ. Kết quả là mẹ tôi bật khóc!

Tôi lại làm một cuộc nói chuyện “sòng phẳng” với anh rể. Rằng: “Bây giờ anh có còn yêu chị tôi nữa hay không?”. Rằng: “Anh lấy chị vì thứ gì ngoài tình yêu (nếu có)?”. Anh rể thật sự bối rối trước câu hỏi của tôi, phải mất một lúc lâu sau anh mới trả lời từng câu từng chữ rành rọt còn hơn những gì tôi chờ đợi: “Thế này em vợ ạ! - anh vẫn thường gọi tôi như thế - Bây giờ anh không định nghĩa được yêu hay là không yêu chị cậu. Nếu bảo là không thì chắc vô lý, vì nếu không yêu thì sao anh lại lấy chị rồi lại có con? Bảo rằng yêu thì sao lại đến nông nỗi như thế này? Nhưng anh cam đoan với cậu là trước đây anh có một thời yêu chị cậu đến độ điên cuồng. Chắc cậu không hiểu vì có nhiều mâu thuẫn? Không sao, đến một lúc nào đó cậu sẽ hiểu. Yêu trước và yêu sau (hôn nhân) là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”.

Ngay lúc này đây, tôi thực sự muốn bật dậy tống cho anh một cú vào giữa mặt và thét lên rằng: “Ngụy biện, anh ngụy biện! Trước đây và ngay cả bây giờ anh chưa từng yêu chị tôi. Anh lấy chị tôi chỉ vì anh muốn chinh phục và sở hữu. Anh là một thằng đàn ông ích kỷ!”. Nhưng không hiểu sao tôi lại ngồi im và nhếch miệng cười như thể tôi đã hiểu và thông cảm vì tôi với anh đều là đàn- ông-với-nhau. Bỗng dưng tôi nghĩ đến ba tôi.

Tôi có những giấc mơ về ba, lâu lắm rồi. Khi ấy tôi còn là một cậu bé nghịch ngợm, thích được ba cho đứng lên hai vai để nhìn xung quanh và gào lên: “Chị Hai, trông em này: em cao hơn cả ba nữa”. Chị tôi cười: “Vì em đứng trên vai ba mà!”. “Không, không phải! Sự thực là em cao hơn ba”. Chị tôi cuối cùng phải nhượng bộ: “Ừ, em sẽ cao hơn ba”, và cười tinh nghịch. Ba tôi cười. Mẹ tôi cũng vui lây. Còn tôi dĩ nhiên là cười vang nhất nhà vì tôi là người chiến thắng mà.

Tôi nhớ có lần mơ thấy ba đi với người đàn bà khác mà không phải là mẹ. Hai người day lưng về phía tôi. Tôi kêu to nhưng ba không nghe. Tôi đuổi theo, nhưng càng chạy thì ba càng xa, cuối cùng thì mất hút. Thế là tôi gào lên khóc dữ, cả nhà giật mình thức giấc. Nhìn sang, thấy ba vẫn ở cạnh mình, tôi biết mình vừa nằm mơ và giấu bặt giấc mơ ấy luôn đến tận giờ.

Tôi chưa từng hỏi mẹ có yêu ba hay không như đã hỏi chị và anh rể. Tôi nghĩ, yêu hay không yêu thì giờ này đối với mẹ chắc nó đã trở thành vô nghĩa. Còn giấc mơ xưa kia đã thành sự thật và tôi cũng chẳng buồn đuổi theo ba làm gì. Tôi muốn chứng minh cho ba thấy không có ba thì tôi vẫn đứng vững bằng hai chân của mình và sẽ-cao-hơn-ba. Mẹ và cả chị tôi nữa, họ cũng phải tập làm quen giống như tôi, nghĩa là phải “vứt bỏ” người đàn ông của mình.

Rồi ba tôi về, lần này mang theo một đứa bé độ chừng bảy tuổi. Ba bảo từ nay nó sẽ sống với chúng tôi. Mẹ tôi không nói gì, chỉ lẳng lặng dắt nó ra sau nhà tắm rửa thay đồ cho nó và thu xếp chỗ nghỉ ngay trên giường của mẹ. Hình như mẹ chỉ còn là một chiếc bóng biết đi biết đứng và làm theo lời ba tôi. Tự dưng tôi ghét nó kinh khủng vì nó có cái cằm giống ba, cả đôi mắt nữa và qua nó tôi thấy có sự hiện diện của một người đàn bà khác trong nhà.

Hay tin ba về, chị Hai ẵm con đến. Câu đầu tiên chị nói là khen đứa bé ấy ngoan và dễ thương. Tôi thật sự không hiểu mẹ và chị tôi trong lòng họ nghĩ như thế nào, có lẽ họ đã độ lượng đến mức yếu đuối rồi chăng?

Đêm đó, khi chị Hai về và mẹ đã vào phòng với con-bé-xa-lạ, chỉ còn tôi với ba ngoài phòng khách. Ông ngồi trầm ngâm bên cái gạt tàn mà lâu lắm rồi tôi mới thấy nó được đem ra dùng. Không biết thời gian trôi qua bao lâu tôi mới nghe tiếng của ông:

- Con trai, hãy tha thứ cho ba!

Chỉ chờ có thế, tôi quay sang:

- Tha thứ? Vì lẽ gì? Chẳng lẽ đến bây giờ ba mới nhận ra mình sai? Ngôi nhà này đâu phải chỉ là nơi để ba trở về sau những lần nếm trải cay đắng của sự thất bại. Thôi đi ba, mẹ và chị Hai thì có thể nhưng con thì không.

Tôi nói trong sự hả hê pha lẫn chua chát đay nghiến. Tôi thấy mình bây giờ là một kẻ chiến thắng thật sự, mặc dù ngay sau đó tôi cảm thấy có chút hối hận nhưng chỉ thoáng qua rồi thôi. Ba tôi im lặng. Ông gục đầu xuống bàn và tôi thấy rõ tóc của ba đã bạc nhiều.

Buổi sáng, mẹ pha một ly sữa và bảo con bé mang đến cho tôi. Trông nó khép nép đến tức cười, tự dưng tôi thấy mình cần phải ra oai. “Để lên bàn và ra ngoài” là câu đầu tiên tôi nói với nó. Con bé riu ríu nghe lời tôi; hình như nó khóc thì phải vì tôi thấy nó kéo vạt áo lén chùi nước mắt. Có thế chứ! Tôi mỉm cười đắc thắng.

Ngày thứ ba, nó đã có đồng minh là mẹ tôi. Mẹ lấy trong tủ ra cái áo của chị Hai đem sửa đôi chút rồi ướm vào cho nó. Nó có vẻ thích lắm và nhoẻn miệng cười với mẹ tôi: con bé có một chiếc răng khểnh và hai lúm đồng xu.

Ngày thứ tư, chị Hai tôi lại về. Lần này thì chưa chắc đã trở về ngay bên ấy vì nghe chị Hai thút thít kể lể với mẹ điều gì đó mà tôi nghe không rõ lắm. Ba người cùng ngủ chung một giường: mẹ, chị Hai và con-bé- xa-lạ. Chị Hai còn bày trò dạy cho con bé học thêu. Mẹ bảo con bé khéo tay, mai mốt thêu không thua gì chị Hai. Trong ánh mắt và lời nói của mẹ, tôi rõ ràng nhìn thấy sự trìu mến dành cho con bé - thứ ấy đáng lẽ chỉ dành cho chị em tôi.

Anh rể lái xe qua năn nỉ chị Hai tôi về vì đứa con bên nhà khát sữa mẹ nên cứ khóc suốt đêm. Mẹ khuyên chị Hai nên về bên ấy để chăm sóc con, còn chuyện vợ chồng thì hãy cố gắng thu xếp với nhau cho thật ổn thỏa. Có con cái rồi nên mọi việc phải cân nhắc cho thật kỹ lưỡng, đừng đào thêm hố sâu ngăn cách nữa. Chị Hai tôi nín thinh. Anh rể thì một vâng hai dạ như có vẻ biết hối lắm. Đợi họ về tôi bèn nói với mẹ: - Còn cân nhắc làm gì nữa hở mẹ? Bảo chị Hai viết đơn ly dị, ra tòa. Sau đó bồng con về ở với mình. Thế là xong cái gánh nợ đời!

Mẹ lắc đầu:

- Mọi việc đâu có như con nghĩ. Hạnh phúc cả đời người đâu giống như bẻ một cành cây khô. Quyết định rồi đến lúc hối lại thì đã không kịp. Con chưa có vợ thì chưa hiểu được cuộc sống gia đình là như thế nào, nhất là tính nông nổi bồng bột của con, mẹ không sao yên tâm cho được.

Đến bây giờ mẹ vẫn xem tôi như đứa con nít lên ba, mỗi bước đi đều phải có người dìu dắt. “Có quá nhiều thứ để con học hỏi rồi mẹ à. Mẹ không biết sao? Ngay từ chính gia đình mình đây!”. Mẹ tôi quay lưng đi - đấy là cách mà mẹ tôi thường dùng để chấm dứt cuộc tranh cãi bắt đầu nhem nhúm từ phía tôi. Mẹ ra sau với ba tôi và con bé đang đào đất trồng một cái cây ngay trong vườn.

Quan hệ giữa tôi và con bé chẳng tiến triển được gì ngoài những lần tôi sai nó làm một số việc vặt vãnh và cả không vặt vãnh chút nào như chẻ củi chẳng hạn, cốt mong được một lần nhìn thấy phản ứng của nó (đương nhiên chỉ vào lúc mẹ tôi vắng mặt). Con bé như thể đoán ra ý đồ của tôi nên nó răm rắp làm theo khiến tôi luôn thất vọng. Riêng với ba, dường như khoảng cách giữa tôi và ba ngày càng giãn ra xa, lúc nào tôi cũng cảm thấy sờ sợ cái không khí trong ngôi nhà của mình. Anh rể và chị Hai tôi chắc đã có một thỏa hiệp nào đấy vì hơi lâu không thấy chị sang chơi. Thỉnh thoảng tôi còn thấy gia đình họ ngồi ở quán kem trông chẳng có gì là đang chiến tranh lạnh cả.

Tôi không chắc mình sẽ chịu đựng được bao lâu nhưng trong hiện tại tôi đang cố gắng tạo cho mẹ thấy tôi đang dung hòa tất cả. Hay nói đúng hơn là sự im lặng vừa đủ để duy trì cảm giác yên ổn giả tạo của gia đình mình. Đôi khi tôi thoáng nghĩ: chính tôi đã đưa mọi sự vào bế tắc, tại sao tôi không thể giống như mẹ, giống như chị Hai mà lúc nào cũng muốn lật tung mọi thứ và làm đổ bể tất cả?

Nhưng tôi không thể nào thay đổi thái độ của mình đối với con bé xa lạ ấy cho được, nó giống như một cái gai nhọn ngạo nghễ chọc thẳng vào mắt tôi. Một cái gai mọc từ thân cây khác âm thầm chọc vào mẹ tôi mà tôi có nhiệm vụ phải nhắc cho mẹ sự nhức nhối ấy; tôi muốn bứng... à không, giẫm nát nó mới đúng cho dù có cày xới hết cả khu vườn. Một mặt tôi thấy mình quá độc ác và ích kỷ, khi ấy tôi bào chữa cho mình rằng: thái độ của tôi cũng dễ hiểu như phản ứng đào thải của cơ thể - phản ứng cần thiết để bảo vệ mình (?).

Tôi không muốn mình đặt sự quan tâm thái quá về con bé kia, tôi muốn nhìn nó một cách dửng dưng như nó chưa từng hiện diện trong ngôi nhà này nhưng không hiểu sao mỗi cử chỉ của nó cứ như là diễn ra trong phạm vi thị trường đôi mắt của tôi.

Ngay lúc này đây, con bé ngồi cặm cụi trước nhà thêu một chiếc khăn tay theo mẫu do nó tự vẽ ra: một gia đình đang quây quần bên nhau trong bữa cơm. Mẹ khẽ nói với tôi:

- Con xem, con bé khéo tay quá đấy chứ! Mới mấy tuổi đầu đã biết việc. Chỉ tội một nỗi không thể nói chuyện được. Số nó rồi cũng sẽ khổ?

Không hiểu mẹ nói với tôi những điều ấy để làm gì, “lung lạc” tôi chăng? Nhưng thật lạ, hình như những điều mẹ nói lại có tác động đáng kể: chẳng biết từ khi nào tôi lại thấy sợ những lời nói như tiên tri của mẹ. “Con xin mẹ, mẹ đừng nói về những điều gở. Nó chỉ là một đứa bé thôi!”. Mẹ tôi thở dài: “Ừ, một đứa bé thiếu may mắn!”. Qua giọng mẹ tôi nhận thấy có một sợi dây ràng buộc lạ lùng - thứ tình cảm nguyên sơ tưởng chỉ thuộc về hai chị em chúng tôi nay lại chia phần cho con bé có tên Duyên.

Con bé ngừng thêu ngước lên nhìn mẹ và tôi, chắc nó đoán được chúng tôi đang nói chuyện về nó. Như có điều gì thôi thúc, tôi đưa tay về phía con bé:

- Duyên! Lại đây anh bảo.

Con bé tròn mắt ngạc nhiên. Tôi phải nhắc lại lần thứ hai. Nó vội vàng đặt khung thêu xuống nhanh nhảu đi vào, vai nó run lên và mắt thì long lanh chực khóc. Tôi mỉm cười trấn an:

- Ngày mai anh dạy cho em tập viết nhé!

Con bé quay sang mẹ tôi dọ ý rồi gật đầu, những giọt nước mắt long lanh lăn dài trên gò má bầu bĩnh của nó. Mẹ tôi cũng khóc. Ba tôi ở sau nhà đang vót mấy sợi nan cũng ngưng tay và ông mỉm cười. Lần đầu tiên tôi công nhận mình thất bại, thì ra nó không đến mức kinh khủng như tôi nghĩ; trái lại còn có mùi vị rất ngọt ngào là đằng khác.

Tác Giả: Lê Nhựt Minh