PDA

View Full Version : Mợ tôi



AnBinh
05-29-2012, 14:16
MỢ TÔI


NGUYỄN KHẮP NƠI.



http://viet-luan.com/110512/NKN1.JPG

Mẹ là một danh từ chung, mà một số người Việt đã dùng để chỉ người đàn bà đã sinh ra mình. Ngoài tiếng kêu Mẹ, chúng ta còn nhiều danh từ khác để gọi mẹ: Má, Mợ, Mệ... Tựu chung, tiếng gọi mẹ của người Việt chúng ta hầu như đều bắt đầu bằng vần M.
Không riêng gì người Việt Nam, đa số dân chúng trên thế giới đều gọi mẹ bắt đầu bằng vần M. Tại sao lại có sự trùng hợp như vậy?
Theo sự suy đoán của tôi, đứa trẻ khi vừa mới sinh ra, chỉ biết há miệng bú sữa và ngậm miệng đi ngủ. Âm thanh phát ra từ vành môi khi đứa trẻ mở miệng, chúng ta nghe dường như là MMMMM... dịch ra tiếng Việt Nam, nghe như MẦMMẦM... Như vậy có nghĩa là, âm M là âm tự nhiên mà bất cứ đứa trẻ nào của bất cứ sắc dân nào, khi mới sinh ra cũng có thể phát âm được. Người Mẹ là người gần gũi đứa trẻ nhất khi nó vừa sinh ra đời, do đó, để có thể gọi người mẹ, chắc chắn đứa trẻ đều phát âm bắt đầu bằng âm M. Chính vì thế, mà:
Người Anh gọi mẹ là MUM - Người Pháp gọi mẹ là Maman - Người Mỹ gọi mẹ là Mom - Người Tây Ban Nha gọi mẹ là Mamá - Người Đức gọi mẹ là Mama - Người Na Uy gọi mẹ là Mamma...
Tôi là dân sinh đẻ ở miền Bắc, theo cung cách xa xưa, tôi được dạy gọi mẹ tôi là MỢ.
Mợ tôi cũng chỉ là một trong số hàng triệu người mẹ Việt Nam bình thường mà bất cứ gia đình Việt Nam nào cũng có: Rất mực thương con và có thể hy sinh tất cả những gì mình đang có cho những đứa con của mình.
Chuyện xưa kể rằng:
Có hai người đàn bà tranh giành một đứa trẻ sơ sinh. Người nào cũng nhận mình là mẹ của đứa trẻ. Không còn cách nào khác, hai bà phải đem nhau ra tòa để nhờ đèn trời soi sáng.
Ông Chánh án cho điều tra đủ mọi thứ, từ thói quen của đứa trẻ cho đến áo quần và cách thức ăn uống, cả hai bà đều nói đúng hết. Chánh án hết cách xử, ngồi trầm ngâm trên án suy nghĩ giờ lâu. Cuối cùng, ông gọi hai người đàn bà lại, nghe phán quyết:
“Cả hai bà đều dành quyền nuôi đứa trẻ. Thôi thì để cho công bằng, ta sẽ... cho mỗi bà một nửa thân hình của đứa trẻ. Lính hầu đâu, đem xẻ đứa nhỏ này ra làm hai phần, đưa cho mỗi bà mẹ một nửa. Ai cũng có phần, không cần phải cãi cọ chi nữa”.
Người đàn bà thứ nhất đứng lên tuyên bố chấp nhận phán quyết của tòa, và chỉ mặt người đàn bà kia mà nói:
“Đó, cho bà dành đó. Tôi mà không được nuôi đứa bé thì thà cho nó chết đi còn hơn là để cho bà nuôi nó”.
Người đàn bà thứ hai ngồi im, gương mặt âu sầu buồn thảm, cặp mắt xót thương nhìn đứa trẻ đang nằm trên bàn chánh án. Một lúc sau, bà mới vừa khóc vừa thưa với quan tòa:
"Thưa quan tòa, tôi không nỡ nhìn con tôi bị phanh thây. Thôi thì tôi nhường cho bà kia được quyền nuôi đứa con của tôi đó. Ít nhất, nó còn đuợc sống."
Nói xong, bà òa lên khóc chạy ra ngoài tòa.
Quan Chánh án đập bàn sai lính chặn bà lại, đem trở lại phòng xử, nạt lớn:
"Ta chưa xử xong, sao ngươi dám mạo phạm mà rởi khỏi phòng xử?
Hãy nghe ta phán đây:
"Phàm là bậc cha mẹ, từ cổ chí kim, từ con người cho đến loài cầm thú, ai cũng có lòng thương con, lo lắng, đùm bọc cho con cái của mình.
Ta nói đem đứa trẻ ra xẻ làm hai là cũng căn cứ vào lẽ thường tình của người mẹ thương con để phân xử mà thôi. Ngươi đã cho ta thấy lòng mẹ thương con, thà để cho người khác nuôi con mình còn hơn là để cho nó bị chết. Ngươi mới chính là người mẹ của đứa trẻ, ta xử giao lại đứa trẻ cho ngươi nuôi dưỡng, tặng thêm một ít dồ tiện dụng hàng ngày cho hai mẹ con sinh sống.
Còn tên đàn bà kia, nhà ngươi đã không có lòng thương, mà chỉ có lòng hận thù mà thôi. Ngươi thà để cho ta chặt đứa nhỏ ra làm hai, còn hơn là để nó được sống với người khác. Ngươi không có lòng thương yêu đứa trẻ thì làm sao có thể là mẹ đẻ ra nó được? Ngươi chỉ là phường lường gạt vô lương tâm mà thôi. Ta phạt ngươi ba mươi hèo, giam giữ ba năm cho ngươi biết luật trời công minh."
Mợ tôi thì không phải ra trước quan nha để nghe xử, vì hàng xóm chung quanh nhà tôi ai cũng có cả đống con, cho bớt đi cũng còn được, nói chi đến chuyện tranh giành nuôi con người khác. Hơn nữa, anh em chúng tôi trên dưới tám đứa, phá phách dữ lắm, có cho đi cũng chẳng ai dám nhận nuôi.
Tôi sinh ra ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Cậu tôi (ba tôi) làm thầy giáo làng, đi dạy học ở mãi Lạng Sơn, lâu lâu mới về thăm nhà, mẹ tôi một mình ôm năm đứa con nhỏ vừa phải buôn bán kiếm thêm, chứ trông vào tiền lương của cậu tôi thì làm sao mà đủ sống.
Mợ tôi kể lại, khi tôi được một tuổi, mợ tôi phải lo đi buôn gạo để sinh sống. Mỗi buổi sáng, mợ đong gạo đầy một bên thúng, bên kia quấn chăn để tôi nằm lọt thỏm trong đó mà gánh đi từ sáng tinh mơ để kịp giờ họp chợ xa. Hôm nào bán được gạo thì mợ tôi mua thêm ít vải vóc đem về bán chợ gần, và chỉ ngày hôm đó anh em chúng tôi mới có ít cơm ăn, không phải ăn cháo.
Đến khi tôi được ba tuổi, tôi nặng quá rồi, không thể ngồi trong thúng được nữa, mợ tôi phải để tôi ở nhà cho anh Hiệp trông nom tôi. Hơn nữa, bọn Việt minh (sau này mới đổi tên là Việt cộng) thường hay mang súng đến chợ bắc loa kêu gọi mọi người không được nhóm chợ nữa, mà phải theo chính sách "Vườn Không Nhà Trống" hoặc là "Tiêu Thổ Kháng Chiến". Nếu ai không nghe lệnh là chúng bắn bỏ ngay, vừa để đe dọa người dân, vừa tịch thu hàng hóa của họ. Điều kinh khủng cho người dân hơn nữa là, mỗi khi bọn Việt minh xuất hiện, là thế nào bọn mật thám của Pháp cũng biết tin mà báo cho bọn lính thuộc địa đem quân Lê Dương đi càn (đi hành quân). Hai bên đụng nhau súng bắn khắp nơi, ai chạy chậm ráng mà chịu chết, vì thế, mợ mới phải để tôi ở nhà.
Một hôm, tôi ở nhà với anh Hiệp, anh lại bị cảm lạnh, đắp chiếu nằm ngủ li bì. Trời sắp tối rồi mà các chị tôi đi mò cua bắt ốc đâu đó chưa về, mợ tôi chắc cũng còn đang gồng gánh đâu đó trên con đường đê chưa tới nhà. Trời bắt đầu đổ cơn mưa, lại gió lên nữa, mái nhà tranh cũ kỹ rách nát đâu còn đủ sức mà chịu đựng những cơn gió mạnh. Mỗi lần gió nổi lên ào ạt là mỗi lần mái tranh nhà tôi bay đi một ít, lần này cơn gió ác hại đã làm bay đi mảng tranh ngay trên đầu chỗ anh tôi đang nằm, nước mưa nhỏ xuống trúng nguời, làm anh lạnh quá, rên lên hừ hừ nghe thật là sợ. Tôi cũng cảm thấy lạnh, ngồi co ro ở cuối giường, mỗi lần cơn gió mạnh ào đến, lạnh thấu xương, tôi chỉ còn cách chắp tay lạy trời lạy đất:
"Lạy Trời đừng... Hừ... Hừ... đừng gió nữa... chỉ... Hừ... Hừ . . . mưa thôi."
Tới lúc trời tối đen như mực, mợ tôi mới gồng gánh về tới nhà, hàng của mợ coi như bị mất sạch vì Việt minh tịch thu không cho nhóm chợ. Mẹ ôm tôi vào lòng, hai mẹ con khóc như mưa. May mà lúc đó các chị tôi cũng về, đem theo được ít khoai mót ở ngoài ruộng. Mợ vội vàng nhúm lửa luộc khoai bóc cho anh tôi ăn rồi chia đều cho tất cả chúng tôi.
Mãi tới khi cậu tôi bỏ dạy học trốn về nhà (chính phủ bắt phải dạy học, Việt minh thì rình mò bắt tù, vì chúng nghi cậu tôi theo Việt Nam Quốc Dân Đảng), gia đình chúng tôi mới liên lạc được với bác Quế, Cô Tích ở Hà Nội để từ đó tìm đường... "Về Tề" tức là về vùng Quốc Gia kiểm soát.
Tối hôm đó, cậu tôi được đám học trò lội ruộng đưa xuống thuyền trốn đám ám sát của Việt minh, mợ tôi dắt các chị gái của tôi, còn anh Hiệp cõng tôi chạy thục mạng ra bờ sông. Phần thì trời tối đen như mực, phần vì sợ hãi, ai cũng cắm đầu chạy thục mạng, anh Hiệp cõng tôi một lúc thì thở không ra hơi, anh bỏ tôi xuống dắt tôi chạy. Tôi chạy bước thấp bước cao ngã lia lịa. Anh Hiệp đỡ tôi đứng dậy, nhìn lên chẳng còn thấy ai nữa, anh hoảng hồn kêu lên:
"Mợ ơi... chờ con với... "
Một người học trò của cậu tôi nghe được tiếng kêu cứu của anh Hiệp, chạy trở lại cõng tôi và dắt anh chạy nước rút. Khi tới bờ sông, cả nhà lên thuyền thì bọn du kích đã biết tin, chúng chạy tới lùng kiếm dọc bờ sông, tay chém dao xuống nước, chân thọc vào từng bụi cỏ, làm những người học trò không dám chèo thuyền nữa, mà phải nhẩy xuống nước kéo thuyền đi, còn anh em chúng tôi sợ tới không còn hồn vía nào nữa. Qua đến giữa sông, các anh học trò mới dám nhẩy lên thuyền, ra sức chèo thật nhanh cho tới bờ bên kia, tức là vùng an toàn của Quốc Gia.
Về đến Hà Nội, gia đình tôi tá túc tại nhà của bác Quế, ở Phố Huế, ngay trước cửa Chợ Hôm. Cậu tôi lo đi trình diện Nha Học Chính để xin tái bổ dụng, còn mợ tôi được bác Quế cho mượn cái tủ thuốc ngồi bán thuốc lá lẻ ngay trước cửa hàng bán cam táo của bác.
Hàng ngày, các anh chị tôi đi học, một mình tôi đứng sớ rớ bên cạnh mợ mở to cặp mắt ra mà nhìn người đi qua đi lại. Trời đã vào cuối thu, lạnh lắm, tôi được con của bác Quế cho cái áo ba đờ suy (coat) cũ, thỉnh thoảng lại cúi xuống tự ngắm mình, vì từ thủa mới sinh ra, tôi đâu có bao giờ được mặc cái áo đẹp như thế này đâu! Ngắm người đi bộ chán rồi, tôi quay ra ngắm xe điện (xe tram) chạy lên chạy xuống, rồi cũng bắt chước mọi người đi ra xem chợ bán hoa (cũng ngay trước cửa nhà). Mưa phùn lất phất, tôi thọc tay vào túi đi xem hoa cứ y như là người lớn. Tôi lang thang tới mãi tận rạp cinê Thăng Long (rạp chiếu bóng, bên đây gọi là movie) thì mợ tôi hoảng hốt đi tìm tôi dắt về.
Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954, những ngày đầu tiên, chúng tôi sống trong trại tỵ nạn ở Trường Nữ Trung Học Gia Long. Sau khi đã an vị tại gầm cầu thang của truờng, sáng sớm ngày hôm sau, mợ tôi dắt anh chị em chúng tôi đi vòng vòng khu trường học để... xem cho biết. Trường Gia Long thật là to lớn và đẹp đẽ với những hàng cây dọc lối đi và những căn nhà hai tầng dùng làm lớp học. Hồi ở Hà Nội và Sơn Tây, tôi đã có tới trường đi học rồi, nhưng những ngôi trường đó chỉ là truờng Tiểu học mà thôi, đôi khi nằm trong chùa, hoặc ở một khu vực hẻo lánh nào đó, chứ chưa bao giờ tôi được học hoặc là vào thăm một ngôi trường nào lớn như trường Gia Long này. Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay là, khi chúng tôi đứng ở giữa sân, nhìn lên bầu trời trong xanh với những tia nắng vàng rực rỡ, mợ tôi đã buột miệng nói:
“Nắng Miền Nam... đẹp quá!”

http://viet-luan.com/110512/NKN2.JPG

Cũng nhờ những tia nắng đẹp của Miền Nam này mà gia đình chúng tôi và tất cả dân chúng ở Miền Nam đã đuợc sống những chuỗi ngày hạnh phúc thanh bình. Sau khi trung tâm Tỵ Nạn tại trường Thạnh Mỹ Tây đóng cửa, chính phủ mở ra các trường học di chuyển và cậu tôi lại được tuyển dụng dạy học ngay tại Trường Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây Thị Nghè. Mợ tôi chạy đôn chạy đáo mướn được căn nhà lá ở khu Sở Bông, gần Thảo Cầm Viên Sàigòn. Lạ nước lạ cái, lạ phong thổ và lạ cả tiếng nói, mợ tôi chưa thể buôn bán gì thêm được, cả gia đình sống nhờ vào đồng lương giáo viên của cậu tôi. Cũng như đa số những người đàn ông khác, cậu tôi chỉ biết đi làm kiếm tiền thôi, chứ làm sao có thể chăm lo cái ăn cái uống cho anh chị em chúng tôi. Kỳ lãnh lương đầu tiên, cũng là kỳ lãnh lương mà cậu tôi được sống ở nhà chung với cả gia đình (từ xưa tới giờ, cậu tôi luôn luôn phải đi dạy học xa nhà), khi cả nhà quây quần sau bữa ăn tối, cậu tôi móc túi đưa một xấp tiền (đối với đứa con nít 8 tuổi như tôi là nhiều lắm rồi) ra và hỏi mợ tôi:
“Bà... cần bao nhiêu?”
Mợ tôi đã nói một câu thật là chắc nịch:
“Ông cứ... đưa hết cho tôi là... được rồi.”
(câu nói lịch sử này, những bạn bè của tôi đã lấy vợ, đã có gia đình, chắc chắn ít ra cũng đã hơn một lần được nghe vợ mình nói một câu như vậy, phải không bạn?)
Nhờ tài xoay sở chắt bót của mợ tôi mà cả gia đình tôi gồm cha mẹ và bảy anh chị em (sau này em út tôi được sinh ra mới đủ con số 8) đã có một cuộc sống tạm gọi là no đủ. Mỗi đứa trong chúng tôi được mợ tôi đo cắt và khâu tay cho hai bộ quần áo mặc lúc đi học cũng như ở nhà, loại vải thật dầy, để khi đứa lớn mặc chật thì truyền lại cho đứa sau. Suốt cả thời kỳ tôi học tiểu học, chỉ có một lần duy nhất gia đình chúng tôi được đi chơi chung với nhau là kỳ nghỉ “Lễ Quốc Khánh 26 tháng 10”, cậu tôi đã dắt cả nhà đi thăm Thảo Cầm Viên Sàigòn (gọi tắt là Sở Thú). Sở Thú này, thật sự chỉ có cách nhà tôi khoảng mười phút đi bộ qua cầu (cũng được gọi là cầu sở thú, bắc ngang sông Thị Nghè) là tới nơi. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời thơ ấu, tôi được nhìn thấy tận mắt những con khỉ, voi, cọp... mỗi đứa chúng tôi được mợ mua cho một cây kem, tiếng Miền Nam gọi là Cà Rem Cây.

http://viet-luan.com/110512/NKN3.JPG

Ngoài cây cà rem đó ra, chúng tôi chưa bao giờ bước chân đến bất cứ tiệm ăn nào, dù chỉ là một cái quán ăn bình dân, nơi tôi và đám thằng Tự, thằng Nam... đã tới đó để nhặt nút chai, lon sữa bò làm đồ chơi. (Bạn bè thủa xưa của tôi vào những năm 1956 còn nhiều lắm, nào là thằng Tự (niểng) (vì xương cổ của nó bị cong, làm cái đầu nghiêng sang một bên. Tự sau này giữ chức Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, tử trận vào lúc 4 giờ chiều ngày 30 04 1975), thằng Giao (dao cùn), thằng Giáo (dao sắc), thằng Nam (Lùn, vì nó không được cao cho lắm), thằng Tâm (cháu của Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam), thằng Hà (họa sĩ). Bên con gái có chị Hạnh, chị Trần Mộng Tú (làm thơ), chị Én... đến bây giờ chúng tôi vẫn còn liên lạc emails với nhau, vui lắm).
Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu làm sao mà chỉ với số lương giáo viên ít ỏi của cậu tôi mà mợ tôi có thể nuôi nổi cả gia đình với một bầy con tám đứa ăn như quỷ phá như giặc như chúng tôi?
Chắc là tại vì cậu tôi chịu nghe lời... “Ông cứ đưa hết cho tôi là được rồi.” và chắc cũng vì cái... Nắng Đẹp Miền Nam mà đời sống dân chúng không quá khó khăn đến nỗi phải bon chen chụp giựt vào thời gian đó. Cũng theo cái lý thuyết “Đưa hết cho tôi” mà khi chị Oanh, anh Hiệp đi làm, cũng đều đưa tiền cho mợ tôi lo phần chi thu trong gia đình, chỉ có mỗi mình tôi đi lính xa nhà, nên tôi giữ luơng lại mà sinh sống. Hơn nữa, tôi đóng quân ở mãi Pleiku, đâu có đuợc về nhà đâu mà đưa tiền cho mợ tôi giữ.
Đến khi tôi lấy vợ, câu đầu tiên mà mợ tôi dậy dỗ cô con dâu là:
“Con phải bảo thằng An nó... đưa hết tiền cho con giữ mới được đấy.” Nhưng mà khó cho vợ tôi là vào thời gian năm 1977, vợ chồng tôi lo bán đồ trong nhà đi mà tiêu xài, chứ tôi đâu có đi làm ở đâu đâu để mà đưa hết tiền cho vợ. Khi tìm được đường để lo vượt biên, chủ tầu chỉ cần tôi góp vốn một “Cây” thôi, vợ chồng tôi cũng không có cách nào mà kiếm ra. Vậy mà mợ tôi có đấy! Mợ nói với tôi:
“Để mợ... cho con mượn”
Thế là ngày hôm sau, khi tôi đến nhà mợ (lúc đó chúng tôi ở riêng), mợ đã đưa cho tôi một gói giấy, trong đó có đúng một lát vàng hình ba trái núi. Mợ tôi tài thật.
May mắn cho tôi, chuyến vượt biên được trót lọt (những lần vượt biên trước, vợ chồng con cái chúng tôi đi đều bị đình hoãn hoặc bị bể). Lênh đênh trên biển đúng bốn ngày bốn đêm, tầu vượt biên của chúng tôi đã cặp bến đảo Pulau Tanga của Mã Lai, đúng một tháng sau là tôi đã có mặt ở Melbourne, mượn tiền của Hostel đánh điện tín về nhà báo tin đã tới nơi an toàn. Số tiền trợ cấp một tuần lễ đầu tiên (và là số tiền trợ cấp duy nhất tôi lãnh ở Úc cho đến ngày hôm nay) tôi được lãnh tại xứ Úc, tôi đã mua vải vóc thuốc tây gởi hết về cho mợ. Nhận được quà, mợ gọi vợ con tôi đến, giao cho vợ tôi việc đi bán lấy tiền. Ba tháng sau, đơn bảo lãnh vợ tôi vừa mới gởi đi thì đã được tin vợ con tôi đã vượt biên an toàn đến đảo Pulau Bidong.
Tôi có được đến ngày hôm nay cũng là nhờ cây vàng mà mợ tôi đã cho (đứa con gái út của tôi cũng đã được tôi kể cho nghe câu chuyện này hơn một ngàn lần. Khi gặp bà nội ở Canada, nó cũng bá cổ bà nội mà đòi... mượn một lạng).
Câu đầu tiên mợ tôi nói với vợ tôi khi hai vợ chồng tôi sang thăm mợ lần đầu tiên ở Montreal là:
“Thằng An nó có... đưa hết tiền cho con giữ hay không đấy?”
Vợ tôi trả lời mợ, chắc như bắp:
“Mợ yên trí, con nhớ lời mợ dặn mà. Tiền khách hàng trả là con thâu chứ ảnh đâu có được rớ tới đâu, con thâu tiền hổng thiếu một cắc, mợ... đừng có lo”
Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao tôi chỉ có mỗi... hai chục đồng ở trong bóp (mỗi tuần, vợ tôi đưa cho tôi hai chục đồng để tiêu vặt. Đến cuối tháng, bả coi lại, nếu tôi chưa xài gì nhiều, số tiền còn dư, bả... lấy lại, chỉ để đúng hai chục đồng trong bóp tôi mà thôi. Cũng may là ở xứ Úc này không có bán bánh tráng nướng, chứ không thì lỡ tôi đi đường, đụng bể mấy cái bánh tráng, chắc không có đủ tiền đền).
Anh Hiệp tôi bảo lãnh cậu mợ và các chị em tôi qua Canada (tám anh chị em tôi sống tản mát khắp mọi nơi: Cậu mợ và một chị gái, một em trai tôi sống ở Canada với gia đình anh Hiệp (anh lớn), chỉ Oanh là chị cả của tôi và hai đứa em trai sống ở Mỹ, gia đình tôi ở Úc, và gia đình chị Bảo tôi còn ở lại ở Việt Nam). Mặc dù không phải chi tiêu gì cho gia đình nữa, nhưng mợ tôi vẫn cứ xách lược cũ mà áp dụng: “Ông cứ đưa hết tiền đây cho tôi”, làm cho cậu tôi đôi khi bị xính vính mỗi lần muốn đi chơi ngoài phố, tôi biết vậy, nên đã lén mợ tặng riêng cho cậu tôi một số tiền để ông tiêu vặt.
Khi trở về Úc, khoảng vài tháng sau, tôi nhận được thư của cậu gởi cho tôi (lâu lắm rồi, khoảng năm 1991 gì đó. Cậu tôi qua đời năm 1998, thọ 86 tuổi). Cậu khoe tôi:
“Có tiền của con đưa, cậu đi chơi vòng khắp thành phố Montreal, thấy người ta bán bánh Pizza, cậu mua ăn thử... ngon lắm con ạ. Chiều về nhà, mợ dọn cơm ra, cậu nói dối mợ là... bị đau bụng nên không ăn cơm (cậu tôi nói tiếng Pháp rành lắm, dân Montreal nghe ông nói đúng giọng, không vấp váp, cứ tưởng là cậu tôi sinh đẻ ở Pháp). Thật ra là cậu ăn bánh còn no lắm, và cũng có đi cầu thật, vì bánh có nhiều bơ quá. Nhưng chỉ một tuần sau, mợ lục túi cậu, thấy có tiền, mợ lại... lấy hết rồi. Mợ nói:
“Khi nào ông cần thì tôi sẽ đưa. Ông ăn cơm ở nhà, đi đâu có thằng Hiệp lái xe đưa đi, cần gì đến tiền mà phải giữ.”
Thế là cậu lại không có tiền dằn túi. Nếu con có gửi tiền cho cậu, con cứ gởi qua nhà bác Phan (Bác Phan là bạn của cậu tôi từ thời hai người còn học tiểu học chung với nhau. Bác cũng được con trai bảo lãnh qua Montreal và ở gần nhà cậu mợ tôi), khi nào cậu đi chơi, cậu sẽ ghé bác lấy xài dần.”
Mợ tôi bây giờ đã 95 tuổi rồi, bà sống trong Viện Dưỡng Lão ở Montreal. Viện này dành cho tất cả dân chúng trong vùng. Mợ tôi sống vui vẻ lắm, vì bà nói được tiếng Pháp và lại ăn được đồ ăn nấu theo kiểu Pháp nữa. Ngày ba buổi có người bưng đồ ăn nóng lại cho bà, bà ăn ngon miệng lắm. Năm 2010 vừa qua, vợ chồng con cái chúng tôi lại dắt díu nhau qua Montreal thăm bà nội. Hai đứa con của tôi học mãi cũng chỉ nói được với bà nội một câu:
“Bà Nọi... Bà Nọi khòe hong?”
Bà nội cũng chỉ nhìn cháu mà cười:
“Cháu... cháu ngoan quá”
Rồi mấy bà cháu nhìn nhau cười, vui lắm.
Vì mợ tôi sống trong nhà dưỡng lão, không còn phải lo chi thu hàng ngày nữa, và cũng vì cậu tôi qua đời rồi, nên cái lý thuyết “Ông đưa hết đây cho tôi” không còn được áp dụng nữa. Tuy nhiên, mợ đã truyền cái lý thuyết này lại cho mấy cô con dâu rồi, và cô nào cũng áp dụng chặt chẽ lắm, nên mợ rất là vui vẻ với đám con dâu biết nghe lời.
Vợ tôi có thể là một trong những học viên giỏi nhất của mợ. Mỗi lần tôi đòi... tăng lương, vợ tôi đã thẳng thừng từ chối:
“Cứ ăn xài kiểu như anh, em mà không lo cắt bớt, anh giờ này chắc... hổng có cái “quần xả lỏng” mà bận đâu, nói chi đến chuỵên mua nhà, mua xe...”..
Trước đây, cứ mỗi năm năm là chúng tôi lại qua thăm mợ một lần, nhưng vì công việc, chúng tôi chỉ có thể đi vào kỳ nghỉ hè, tức là vào tháng Một. Mà tháng này ở bên Canada lạnh thấu xương, có khi lạnh xuống tới trừ ba mươi độ, nên cả gia đình chỉ ngồi trong nhà nói chuyện, ăn uống với mọ mà thôi, chứ không dám dẫn mợ đi chơi, vì sợ tuyết trơn, sẽ bị ngã. Kỳ đi thăm mợ vừa qua, chúng tôi đổi qua tháng Năm, tôi chưa có bận bịu công việc làm cho lắm, và thời tiết bên Montreal đang là mùa Hè, nên chúng tôi có thể ra ngoài chơi, nhưng tiếc rằng, bà nội phải thở bằng ống dưỡng khí, nên không đi xa được. Vì mợ tôi đã lớn tuổi rồi, nên chúng tôi lại phải thay đổi thời gian đi thăm mợ mỗi ba năm, nên đến năm tới, chúng tôi lại đi thăm mợ lần nữa. Mai mốt đây, chắc là mỗi năm chúng tôi sẽ đi thăm mợ một lần...
Mợ tôi nghe không rõ cho lắm, nhưng mắt bà vẫn còn tinh, vẫn còn khâu vá đan áo len và đọc báo được. Lần trước, mợ đưa ra tờ báo “Văn Nghệ Montreal” khoe với tôi:
“Đây này, báo ở Montreal đăng bài của con đây này, con viết vui lắm, mợ đọc thích lắm. Lúc trước, mẹ đọc thấy tên ai là Nguyễn Khắp Nơi mà lại viết chuyện giống như chuyện nhà mình? Mãi sau con Bình nó mới nói cho mợ biết Nguyễn Khắp Nơi chính là thằng An con của mợ. Con mợ giỏi quá” (Mợ khen con, không đúng đâu đó).
Nhân dịp lễ “Ngày của Mẹ” năm nay, tôi viết bài này tặng cho MỢ TÔI, chắc thế nào báo Văn Nghệ cũng lấy đăng vào báo của họ và gởi cho mợ tôi đọc (mợ tôi mua báo năm). Tôi không cần mợ khen “Con mợ giỏi quá” mà tôi chỉ cần mợ tôi biết rằng:
“Con cám ơn MỢ. Nhờ có mợ mà con có đến ngày hôm nay. Nhờ có một cây vàng của mợ mà con vượt biên đến được bến bờ tự do. Nhờ có lý thuyết “Ông cứ đưa hết đây cho tôi” của mợ mà vợ con đã áp dụng theo, để con có cái “Quần Xà Lỏn” mà bận cho đến ngày hôm nay”.
CON CÁM ƠN MỢ
NHỮNG NGƯỜI CON VIỆT NAM CÁM ƠN NHỮNG NGƯỜI MẸ VIỆT NAM ĐÃ NUÔI DẠY CON CÁI NÊN NGƯỜI HỮU DỤNG CHO XÃ HỘI.
NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI, LÀ THẾ ĐẤY!
NGUYỄN KHẮP NƠI.








__._,_.___
.


__,_._,___

wildeagle
05-30-2012, 05:38
MỢ TÔI


NGUYỄN KHẮP NƠI.



http://viet-luan.com/110512/NKN1.JPG

Mẹ là một danh từ chung, mà một số người Việt đã dùng để chỉ người đàn bà đã sinh ra mình. Ngoài tiếng kêu Mẹ, chúng ta còn nhiều danh từ khác để gọi mẹ: Má, Mợ, Mệ... Tựu chung, tiếng gọi mẹ của người Việt chúng ta hầu như đều bắt đầu bằng vần M.
__,_._,___

Cám ơn Huynh, truyện rất hay và cảm động .