PDA

View Full Version : Ăn để khỏe, đẹp



hoadiem
08-02-2007, 10:53
Lâu nay, nhiều người quan niệm "làm đẹp" chỉ là hóa trang bằng mỹ phẩm, là mốt và trang phục, là giải phẫu thẩm mỹ... Tất cả điều đó vẫn chưa đủ, chưa căn bản. Muốn đẹp, trước hết, chúng ta phải khỏe. Và do đó, vấn đề dinh dưỡng hết sức quan trọng.

Người khỏe mạnh có thân hình cân đối, cao ráo, nhanh nhẹn, hoạt bát, da dẻ mịn màng, hồng hào, mắt sáng linh hoạt, tóc mướt, răng trắng và chắc khỏe. Tất cả điều này liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng của chúng ta từ giai đoạn bào thai đến hết cả cuộc đời.

Làm gì để có dáng đẹp?

Dáng người phụ thuộc vào tầm vóc, sự cân đối của cơ thể và tư thế khi đi đứng. Có một tầm vóc cao ráo, thanh thoát là niềm mơ ước của nhiều thanh niên hiện nay.

Tầm vóc có do yếu tố di truyền quyết định không? Chắc chắn là có, tuy nhiên, giai đoạn để trẻ phát triển hết tiềm năng (gen) của mình là từ giai đoạn bào thai đến 18-20 tuổi, trong đó, có ba giai đoạn có tính quyết định nhất, đó là giai đoạn bào thai, hai năm đầu đời và giai đoạn tăng tốc phát triển ở tuổi dậy thì. Sau giai đoạn này, tầm vóc chỉ được cải thiện nhờ... giày, guốc cao gót.

Thực phẩm cần thiết để phát triển chiều cao là đủ năng lượng theo nhu cầu, đủ chất đạm, chú ý đến đạm động vật thịt, cá, trứng, sữa, đủ Vitamin A, D, các chất khoáng như Calci, kẽm...

Sự cân đối của cơ thể thường được đánh giá qua số đo của ba vòng: ngực, eo, mông hoặc dựa vào chỉ số cân nặng so với chiều cao (Body Mass Index viết tắt là BMI), tỷ số eo/mông.
BMI = Cân nặng (kg) / Chiều cao (m) 2

Người bình thường có chỉ số BMI từ 18,5 - 25; người suy dinh dưỡng: < 18,5 và người dư thừa cân nặng: > 25

Dáng vóc mảnh mai khi có chỉ số BMI từ 18,5 - 20 và người cân đối 20 - 22. Cơ thể suy dinh dưỡng, ngoài việc giảm sức khỏe, khả năng lao động, học tập, tăng nguy cơ loãng xương và dễ bị hiếm muộn... còn làm giảm vẻ đẹp bên ngoài vì vẻ khô héo, thô do thiếu các đường cong mềm mại của lớp mỡ dưới da.

Ngược lại, dư thừa cân nặng, mập phì chẳng những làm tăng các bệnh: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, xương khớp... mà còn “phá dáng”, các đường cong bị mỡ lấp đầy.

Chỉ số eo/mông không những là một chỉ số quan trọng của vẻ đẹp hình thể mà còn là một chỉ số tiên lượng về sức khỏe. Phụ nữ có tỷ lệ eo/mông > 0,85, nam giới > 0,95 có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, tim mạch dù có dư cân hay thiếu cân.

Một người có tầm vóc cao ráo, cân đối vẫn có thể không có dáng đẹp nếu đi đứng hấp tấp, xiêu vẹo hay lừ đừ, chậm chạp, tư thế so vai, rụt cổ, ưỡn người hay đầu cúi gầm xuống đất... do vậy, cần chú ý để có tư thế đẹp trong đi đứng: cổ, đầu, vai, ngực thẳng, đi đứng nhanh nhẹn, hoạt bát, mềm mại.

Ăn uống đủ về số lượng, cân đối về chất lượng, hoạt động thể lực đều giúp khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời, sảng khoái thể hiện cả ở tư thế đứng đi. Người thiếu ăn, đói chất thì ủ rũ, người ăn uống dư thừa, dễ có dáng vẻ nặng nề.

Để cơ thể được cân đối, cần ăn uống phù hợp với nhu cầu, không để thiếu hoặc thừa và hoạt động thể lực đều đặn bằng cuộc sống năng động, đi lại nhiều thay cho nằm, ngồi và tham gia các loại hình thể dục thể thao yêu thích.

Hai tình trạng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến "dáng" cần lưu ý:

- Tránh để trẻ dưới hai tuổi bị còi xương bằng nguồn sữa mẹ, dinh dưỡng đủ chất và phơi nắng 15-30 phút mỗi ngày, tránh biến dạng xương chân, lồng ngực, xương chậu của bé.

- Tránh loãng xương ở phụ nữ tuổi mãn kinh dẫn đến xẹp đốt sống, gây giảm chiều cao, gù lưng, liệt chi, đi đứng khó khăn bằng chế độ ăn đủ calci và năng hoạt động.

Làm sao để có "da" đẹp?

Da là vẻ đẹp bên ngoài và còn là tấm gương phản ánh sức khỏe nói chung. Da đẹp phải mịn màng và màu sắc tươi sáng, hồng hào.

Độ mịn của da được bảo vệ bởi: thức ăn có nhiều rau trái (giàu vitamin E, A, các chất xơ), các loại đậu đỗ, mè (giàu Vitamin E, các acid béo thiết yếu), uống đủ lượng nước cần thiết và vệ sinh da đúng, phù hợp.

Ngược lại, các thức ăn quá nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thức ăn chiên quay khó tiêu, rượu, bia, táo bón (do thiếu nước, do thiếu chất xơ), khói thuốc, khói xe cộ, ánh nắng mặt trời trực tiếp, các loại kem mỹ phẩm không phù hợp, sự căng thẳng mất ngủ... có tác dụng xấu đối với độ mịn của da làm cho da nhờn, nổi mụn nhọt, trứng cá nhiều hoặc thô ráp.

Chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật như: huyết, gan, thịt bò, thịt heo, cá… ngoài ra, Vitamin C trong rau trái cũng giúp tăng hấp thu chất sắt từ các thức ăn thực vật – đặc biệt quan trọng đối với người ăn chay trường.

Ăn uống thiếu chất, tiếp xúc ánh sáng mặt trời trực tiếp, một số loại hóa chất... còn ảnh hưởng đến màu sắc của da, gây nám da hoặc làm da tái nhợt, xanh xao do thiếu máu thiếu sắt.

Để tóc đẹp, khỏe, cần gội đầu 1-2 ngày một lần với loại dầu gội phù hợp với loại tóc của mình (tóc bình thường hay khô, dầu) và trung thành với loại dầu đó. Để có hàm răng trắng đẹp, cũng phải bắt đầu từ giai đoạn bào thai, mẹ cần ăn đủ chất và tránh uống các loại thuốc ảnh hưỏng đến mầm răng của bé như Tetracyclin.

Để răng chắc khỏe, cần ăn uống đủ chất, nhất là calci, tập thể dục cho răng, nướu bằng các thức ăn chắc như: táo, mận, mía... tránh các thức ăn ngọt, dính và vệ sinh răng miệng sau khi ăn.

BS. Nguyễn Thị Kim Hưng