PDA

View Full Version : Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối



3asdfgh1
02-19-2010, 22:25
Kháng cáo hồ sơ bảo lãnh bị Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối

Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.

Vấn đề hồ sơ lập hôn thú giả để hưởng quyền lợi di trú hoặc ly dị giả để hưởng diện ưu tiên cao hơn không phải là một vấn đề mới mẻ và cũng không lạ gì đối với Sở Di Trú Hoa Kỳ và Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ. Liên tiếp trong những thời gian qua, Bộ An Ninh Nội Chính và Bộ Tư Pháp đã liên tiếp khám phá ra các vụ gian lận hồ sơ di trú, đặc biệt là những diện hôn phu hôn thê và diện bảo lãnh vợ chồng từ Việt Nam.

Chính quyền Hoa Kỳ nhận xét đây là những tổ chức được thành lập nhằm mục đích lường gạt không những đối với những người muốn định cư Hoa Kỳ và với chính quyền Hoa Kỳ. Ðó là những hồ sơ công dân Hoa Kỳ sang Trung Quốc, trong một chuyến đi khoảng vài tuần, lập hôn thú với 2, 3, hoặc 4 người khác nhau hay những hồ sơ công dân Hoa Kỳ đi Việt Nam làm hôn thú giả để bảo lãnh người đó sang Hoa Kỳ. Vì lý do đó việc thẩm định hồ sơ cấp chiếu khán đã trở nên rất khó khăn và khá nhiều hồ sơ bị từ chối sau khi được Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam phỏng vấn. Trong những hồ sơ bị từ chối, có một số hồ sơ bị từ chối một cách oan uổng vì đương đơn bị sĩ quan phỏng vấn hiểu lầm hoặc Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ dựa vào một lý do vô lý hay bằng chứng không cụ thể. Cho nên trong trường hợp này, đương sự phải làm những gì để khiếu nại hoặc kháng cáo cho hữu hiệu.

Trước khi vào đề tài nói trên, xin trình bày một cách tổng quát về những hồ sơ bảo lãnh và thủ tục từ chối chiếu khán của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ và thủ tục Sở Di Trú Hoa Kỳ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh. Sau khi hồ sơ bảo lãnh được Sở Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận, hồ sơ sẽ được chuyển qua cho National Visa Center (tức là Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia) để bắt đầu thủ tục xét cấp chiếu khán. Sau khi thủ tục được hoàn tất, National Visa Center sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để phỏng vấn người thừa hưởng.

Khi Sở Di Trú Hoa Kỳ xem xét hồ sơ bảo lãnh thân nhân họ chỉ xác định sự liên hệ gia đình, theo luật pháp, giữa người bảo lãnh và người thừa hưởng mà thôi. Nghĩa là hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng, hôn thú của người vợ và người chồng có hợp pháp hay không? Nếu người vợ hoặc người chồng có lập hôn thú trước đây thì họ phải ly dị trước khi họ lập hôn thú với người phối ngẫu hiện tại. Ðối với hồ sơ hôn phu hôn thê, người bảo lãnh phải chứng minh rằng họ đã gặp mặt người thừa hưởng trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn, cả hai đương sự được tự do lập thú với nhau và hôn thú phải được đăng ký trong vòng 90 ngày từ ngày người thừa hưởng đặt chân đến Hoa Kỳ. Khi hội đủ điều kiện của diện bảo lãnh thì Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ chấp thuận hồ sơ đó.

Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ phỏng vấn và xem xét hồ sơ, họ sẽ đi sâu hơn vào vấn đề. Trách nhiệm của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ là cấp chiếu khán. Họ sẽ xem xét sự liên hệ gia đình của hai người có phải chân thật hay không và người thừa hưởng có bị lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh Hoa Kỳ hay không. Khi Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định không cấp chiếu khán vì một lý do nào đó, thì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ trả hồ sơ đó về cho Sở Di Trú để từ chối, vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ có quyền xem xét cấp chiếu khán và quyền xem xét hồ sơ bảo lãnh là của Sở Di Trú. Sở Di Trú là cơ quan xem xét và chấp thuận hồ sơ bảo lãnh lúc đầu, cho nên chỉ có Sở Di Trú Hoa Kỳ mới có quyền từ chối hồ sơ bảo lãnh.

Theo thủ tục thì sau khi người sĩ quan phỏng vấn của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định từ chối không cấp chiếu khán, hồ sẽ được chuyển qua cho người cấp trên của người phỏng vấn để duyệt lại. Khi người cấp trên của người phỏng vấn đồng ý với sự từ chối đó thì hồ sơ sẽ được chính thức trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Thời gian từ lúc người thừa hưởng được phỏng vấn đến khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ có thể kéo dài đến 6 tháng. Có nhiều trường hợp bị lâu hơn là vì Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ muốn điều tra thêm để họ có đầy đủ chứng từ trước khi họ từ chối và trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hồ sơ gian lận và họ sẽ cho người điều tra ra tận nhà của người thừa hưởng để thăm dò và hỏi han hàng xóm của người thừa hưởng.

Sau khi hồ sơ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ, Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ gửi thông báo cho người bảo lãnh là họ đã nhận được hồ sơ trả về và họ sẽ thông báo quyết định cho người bảo lãnh vào thời gian sắp tới. Thời gian chờ đợi từ lúc Sở Di Trú Hoa Kỳ nhận được hồ sơ tới khi họ thông báo quyết định mất khoảng 6 tháng đến 1 năm vì những hồ sơ bị trả về không phải là những hồ sơ ưu tiên. Thông báo quyết định của Sở Di Trú Hoa Kỳ được gọi là The Notice of Intent to Revoke (tức là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận). Khi Sở Di Trú gửi thông báo đó ra, họ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Người bảo lãnh chỉ có 30 ngày để trả lời và kèm theo những chứng từ để chứng minh sự liên hệ gia đình của họ và trong trường hợp người bảo lãnh không trả lời hoặc trả lời sau 30 ngày đó thì Sở Di Trú sẽ thu hồi sự chấp thuận của hồ sơ bảo lãnh đó.

Ða số hồ sơ bảo lãnh thân nhân bị Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán là vì Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng hôn nhân của đương sự là giả để hưởng quyền lợi di trú hoặc ly dị của đương sự là giả để được hưởng diện ưu tiên cao hơn. Khi tham khảo với những vị thân chủ đó thì hầu như không có vị nào lưu lại những dữ kiện chứng từ đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ quyết định từ chối không cấp chiếu khán và trả hồ sơ về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ để từ chối đơn bảo lãnh, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ trả đơn bảo lãnh và nêu những lý do tại sao Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ về Sở Di Trú Hoa Kỳ. Có nhiều khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ chỉ nêu ra chi tiết bất lợi cho hồ sơ để từ chối nhưng lại không nêu ra những chi tiết có lợi cho hồ sơ. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cũng không cung cấp cho Sở Di Trú những chứng từ dữ kiện mà người thừa hưởng đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc đi phỏng vấn.

Sở Di Trú Hoa Kỳ chỉ dựa vào những lý do của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ nêu ra để gởi thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ không kèm hết tất cả những chứng từ do người thừa hưởng nộp vào để trả về cho Sở Di Trú. Có vài lý do quan trọng tại sao đương sự phải giữ lại những bản sao.

Lý do thứ nhất là chúng ta phải lưu lại bản sao của những chứng từ đó để nộp vào Sở Di Trú khi họ liên lạc người bảo lãnh và cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Khi làm như vậy hồ sơ của đương sự sẽ có nhiều cơ hội để được Sở Di Trú tái chấp thuận hoặc tạo lên chứng từ để chúng ta có thể kháng cáo khi Sở Di Trú Hoa Kỳ thu hồi sự chấp thuận.

Lý do thứ nhì là khi quý vị có đầy đủ hồ sơ thì sẽ giúp luật sư di trú duyệt lại hồ sơ bị từ chối và chuẩn bị hồ sơ để biện hộ cho quý vị vì khi Sở Di Trú Hoa Kỳ gửi thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận của đơn bảo lãnh, Sở Di Trú Hoa Kỳ chỉ cho người bảo lãnh 30 ngày để trả lời thông báo đó. Nhiều khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ từ chối không cấp chiếu khán và báo cho người thừa hưởng biết rằng hồ sơ sẽ bị trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ không nói rõ lý do tại sao họ từ chối không cấp chiếu khán. Người bảo lãnh lẫn người thừa hưởng sẽ bị hoang mang không biết lý do tại sao hồ sơ bị bác.

Trong trường hợp đó, khi duyệt lại những dữ kiện đã nộp cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và sau khi liên lạc với người thừa hưởng thì mới xác định được lý do tại sao hồ sơ bị bác. Khi biết được lý do mới có thể thu thập tài liệu chứng từ chuẩn bị để biện hộ chống đối ý định thu hồi của Sở Di Trú Hoa Kỳ một cách cặn kẽ và kết quả sẽ được khả quan hơn.

Vụ 1: Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ sơ về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ để từ chối và lý do Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ nêu ra là trong hồ sơ nộp vào cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ có một tờ giấy do người em viết để hướng dẫn cho người chị nộp những chứng từ thí dụ như hình ảnh, thư từ v.v.. cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ để chứng minh sự liên hệ vợ chồng. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ cho rằng tờ giấy đó chứng tỏ rằng người em hướng dẫn người chị để qua mặt Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và những chứng từ đó là cố ý tạo ra để chứng minh sự liên hệ của đương sự. Khi nhận được thơ từ chối của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ và nhận được Notice of Intent to Revoke (tạm dịch là thông báo ý định thu hồi sự chấp thuận) của Sở Di Trú Hoa Kỳ, phải hồi âm thông báo của Sở Di Trú Hoa Kỳ và yêu cầu Sở Di Trú Hoa Kỳ đưa chứng minh của tờ giấy đó ra. Thêm vào đó, gửi kèm theo những chứng từ chứng minh sự liên hệ vợ chồng của người bảo lãnh và người thừa hưởng. Sở Di Trú không những không đưa chứng minh đó ra được mà còn không nghe sự giải thích của bị cáo, rồi lại thu hồi sự chấp thuận của đơn bảo lãnh đó lại. Giai đoạn này phải kháng cáo hồ sơ lên Tòa Kháng Cáo Di Trú và kết quả là tòa đã phán rằng hồ sơ sẽ được trả về cho Sở Di Trú và Sở Di Trú phải tái chấp thuận vì Sở Di Trú không đưa ra chứng minh của tờ giấy đó và những chứng từ vừa nộp vào để trả lời thông báo của Sở Di Trú là có đầy đủ chứng minh sự liên hệ vợ chồng của đương sự.

Vụ 2: Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trả hồ sơ về cho Sở Di Trú để từ chối và lý do là người thừa hưởng làm ly dị giả. Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ vẫn quyết định trả hồ sơ về cho Sở Di Trú dù rằng là người chồng cũ của người thừa hưởng đã có vợ khác và đã có con với người vợ đó và người thừa hưởng đã cung cấp những chứng từ đó cho tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Khi hồ sơ được trả về cho Sở Di Trú, trên thông báo của Sở Di Trú cho rằng người thừa hưởng đã ly dị giả vì lý do đó nên hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng không hợp pháp. Một chi tiết quan trọng là người bảo lãnh trong hồ sơ là người cha có quốc tịch Hoa Kỳ bảo lãnh cho người con độc thân (diện cha con) chứ không phải hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng. Tuy rằng đã nêu sự sai lầm đó cho Sở Di Trú nhưng họ không chú tâm vào sự sai lầm đó và vẫn thu hồi sự chấp thuận, nên đành phải kháng cáo lên Tòa Kháng Cáo Di Trú và tòa đã phán rằng hồ sơ được trả về cho Sở Di Trú và yêu cầu Sở Di Trú tái xét hồ sơ vì hồ sơ là hồ sơ bảo lãnh diện con độc thân của công dân Hoa Kỳ chứ không phải là hồ sơ bảo lãnh theo diện vợ chồng. Lần này Sở Di Trú lại nêu một lý do khác không dính líu gì đến hồ sơ. Và một lần nữa lại phải hồi âm và nêu ra những sai lầm của Sở Di Trú với những lý do hoàn toàn khác biệt với lần đầu và kèm theo tất cả chứng từ chứng minh. Lần này thì Sở Di Trú chịu thua và tái chấp thuận hồ sơ và gửi lại cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ để cấp chiếu khán.

Trong hai vụ điển hình trên, điều quan trọng là bản sao của những chứng từ mà đương sự đã nộp vào cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ. Sở Di Trú không có những chứng từ đó vì Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ không chuyển đến và khi Sở Di Trú muốn từ chối hay chấp thuận họ cần phải có những chứng từ trên để quyết định. Chúng ta rất cần những bản sao của chứng từ để nộp cho Sở Di Trú yêu cầu họ tái quyết định và nếu họ khăng khăng từ chối thì chúng ta bắt buộc phải kháng cáo với Tòa Kháng Cáo Di Trú.