Chuyên gia Mỹ cho rằng, dù là tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc nhưng tàu Phúc Kiến vẫn kém tàu sân bay Mỹ ở hai điểm.

Siêu tàu sân bay của Trung Quốc

Vào ngày 1/5, tàu sân bay mới nhất, lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc, tàu Phúc Kiến, bắt đầu khởi hành từ Thượng Hải để thực hiện chuyến thử nghiệm đầu tiên trên biển.
Cuộc đánh giá này dự kiến sẽ diễn ra ở biển Hoa Đông, cách Nhà máy đóng tàu Giang Nam, nơi tàu sân bay đã được sản xuất trong hơn 6 năm, khoảng 130 km.
"Các cuộc thử nghiệm trên biển chủ yếu sẽ kiểm tra độ tin cậy và độ ổn định của hệ thống điện tử và động cơ đẩy của tàu sân bay", hãng thông tấn Tân Hoa Xã dẫn nguồn từ Cục An toàn Hàng hải Thượng Hải cùng ngày cho biết.



Tàu sân bay Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Tân Hoa Xã cho biết, tàu chiến này được hạ thủy vào năm 2022 và đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm neo đậu, trang bị và điều chỉnh thiết bị trước các cuộc thử nghiệm trên biển mới nhất.
John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cho biết: "Các chuyến thử nghiệm trên biển của tàu Phúc Kiến đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hải quân Trung Quốc, đưa nước này gia nhập câu lạc bộ số ít lực lượng hải quân sở hữu năng lực tàu sân bay hàng đầu thế giới".
Được biết, tính năng chính của tàu Phúc Kiến là hệ thống máy phóng điện từ cho phép phóng các máy bay lớn hơn và nặng hơn so với tàu Sơn Đông và tàu Liêu Ninh.
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các cuộc thử nghiệm cất cánh và hạ cánh khó có thể diễn ra trong lần thử nghiệm trên biển đầu tiên bởi những hình ảnh được các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc công bố cho thấy, không có máy bay nào trên boong tàu sân bay Phúc Kiến thời điểm thử nghiệm.

Chuyên gia: Vẫn kém tàu sân bay Mỹ

Hệ thống máy phóng điện từ đưa tàu Phúc Kiến ngang hàng với tàu sân bay mới nhất của lực lượng hải quân Mỹ, USS Gerald R Ford. Còn lại, 10 tàu sân bay cũ lớp Nimitz của tàu sân bay Mỹ vẫn sử dụng hệ thống máy phóng chạy bằng hơi nước.
Tuy nhiên, tất cả các tàu sân bay Mỹ đều có hai lợi thế hơn so với tàu Phúc Kiến: Sức mạnh và kích thước.
Về kích thước, với lượng giãn nước 80.000 tấn, Phúc Kiến lấn át hai tàu sân bay đang hoạt động của hải quân Trung Quốc là Sơn Đông (66.000 tấn) và Liêu Ninh (60.000 tấn).

Trong khi đó, mẫu hạm Ford có lượng giãn nước 100.000 tấn và dòng tàu lớp Nimitz có lượng giãn nước 87.000 tấn.
Các chỉ số trên cho thấy, tàu sân bay cũ của Mỹ cũng lớn hơn tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các tàu sân bay của Mỹ có thể chở nhiều máy bay hơn, khoảng 75 chiếc so với con số dự kiến là 60 chiếc trên tàu Phúc Kiến.
Về sức mạnh, các tàu sân bay của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp chúng có khả năng duy trì lâu trên biển trong khi tàu Phúc Kiến chạy bằng nhiên liệu thông thường, nghĩa là nó phải ghé cảng hoặc đợi tàu chở dầu đến tiếp nhiên liệu.
Giới phân tích cũng cho rằng, các tàu sân bay Mỹ có nhiều máy phóng hơn, đường dẫn khí lớn hơn và nhiều thang máy hơn cho phép triển khai máy bay nhanh hơn từ sàn chứa máy bay bên dưới.

Chuyên gia Bradford khẳng định, so với tàu sân bay Trung Quốc, tàu sân bay Mỹ "vẫn giữ vững đẳng cấp của riêng mình".

Theo AP